Thú chơi dị biệt - không đơn giản!

Thứ Ba, 16/11/2021, 21:24

Áp lực công việc, cuộc sống ở thành phố náo nhiệt và ồn ã khiến một bộ phận người trẻ cảm thấy căng thẳng và mệt mỏi. Không ít  người chọn cho mình một "sân chơi" riêng biệt, với những thú chơi dị biệt.

Từ “Mẹ vẹt”...

Suốt thời gian TP Hồ Chí Minh giãn cách xã hội do dịch bệnh, "mẹ Bông" không hề nhàm chán hay cuồng chân bí bách trong căn nhà của mình, bởi bên chị luôn có những “bé con” vui nhộn, đáng yêu và vô cùng tình cảm. Yêu vẹt bằng tình yêu không thể lý giải nổi, nuôi dạy và huấn luyện vẹt có vẻ như là một phần cuộc sống của người phụ nữ này. "Mẹ Bông" tên thật là Huỳnh Thị Kim Hoa, sinh năm 1984, hiện là “mẹ” của 5 chú vẹt thông minh và đắt đỏ. "Bé" lớn tuổi nhất là "chàng trai" Xám Châu Phi thuộc dòng Erithacus.

Thú chơi dị biệt - không đơn giản! -0
“Bé” vẹt nhà “mẹ Bông” được chăm sóc, mặc áo đẹp mỗi ngày.

Ở loài vẹt này, giới tính được phân biệt qua màu sắc của lông. Xám là đực, đỏ là cái. Tiếp đến là 2 "bé" Monucan là dòng của Cockatoo và Umbrella, còn lại là dòng Amazon. Tất cả các loài vẹt này đều xuất thân từ những vùng đất khác nhau trên thế giới, cũng vì yêu chúng quá mà "mẹ Bông" quyết tâm bằng mọi giá để đưa chúng về bên mình.

Chị Hoa bén duyên với vẹt từ hơn mười năm trước, những lần chị đi ra chợ trời, thấy người ta bán vẹt hoang liền mua về nuôi. Chăm sóc, gắn bó lâu dần, chị có một tình yêu tha thiết với loài vẹt. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 4h30 sáng, dọn vệ sinh chuồng, tắm rửa, sấy lông, mặc đồ đẹp và cho chúng ăn. Thức ăn của vẹt không cầu kỳ, chủ yếu các loại hạt, rau xanh và hoa quả. "Bé" nào thích ăn ngô hạt, chị sẽ đi tìm bằng được về cho “con”. Ngô phải để cả bắp để chúng tự ăn, xong thì lấy cùi làm trò chơi luôn.

Với các loại rau xanh và hoa quả, có “bé” thích tự rỉa, có “bé” lại “nụng nịu” đòi bón đút. Ngoài chế độ ăn chuẩn dinh dưỡng, các "bé" vẹt nhà chị còn được chăm sóc và khẩu phần ăn sang chảnh chẳng khác nào một em bé sinh ra trong gia đình có điều kiện.

Ăn no xong thì chị Hoa dạy chúng nói, hát, ca múa… đủ các trò vui chơi giải trí. Điều đặc biệt, chú vẹt nào cũng biết gọi chị là mẹ và tiếng mẹ luôn rõ ràng, mạch lạc, đúng âm điệu nhất.

Thú chơi dị biệt - không đơn giản! -0
Thú cưng là bò sát khổng lồ được nhiều người ưa chuộngTrạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi tiếp nhận cá thể Hồng Hoàng nặng 2kg do người dân tự nguyện giao nộp vào tháng 5-2021.

Trên thị trường, những chú vẹt thuộc dòng vẹt như "mẹ Bông" đang nuôi có giá từ 60 đến 70 triệu đồng. Sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để mua và huấn luyện vẹt, chị bảo, vì chị quá yêu loài chim này, đó là lý do duy nhất chị làm tất cả để sở hữu chúng. Chị Hoa cho biết, mới đầu chị mua con vẹt giá 3 triệu đã thấy nó quá đắt rồi, nhưng sau này vẹt mang đến cho chị nhiều tương tác tích cực và niềm vui, hạnh phúc, lan tỏa ra cho mọi người nên chủ nhân đã không còn nghĩ đến số tiền đầu tư vào cho những chú vẹt nữa. Chị còn bật mí, mỗi chú vẹt nếu được dạy bảo, huấn luyện tử tế thì không khác nào một em bé thông minh và thân thiện.

Nhiều người khác dạy vẹt nói bằng cách mở máy thu âm, riêng chị Hoa lại không làm như vậy. Chị dạy bằng tiếng nói của mình, chị thích từ nào thì sẽ lặp lại từ đó nhiều lần cho vẹt nghe.

... đến thú cưng rùng rợn

Nằm gọn trong lòng một con hẻm nhỏ bình yên tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh là ngôi nhà độc lạ, pha chút rùng rợn của anh Trần Thanh. Nó rùng rợn bởi nơi đây chứa một bầy rắn cảnh đầy màu sắc.

Thú chơi dị biệt - không đơn giản! -0
Nhiều trẻ em được cha mẹ đưa đến quán cà phê chơi với thú cưng là các loài động vật hoang dã.

Tình yêu dành cho rắn và các loài động vật khác nhen nhóm trong lòng anh Thanh từ năm 18 tuổi. Không thể diễn tả được niềm vui cũng như sự thú vị khi mỗi ngày được ngắm nhìn, chơi đùa và khám phá vẻ đẹp cũng như sự chuyển động của loài rắn. Khi niềm yêu thích chín muồi, anh Thanh bắt đầu nuôi các loại động vật nhập khẩu vì càng nuôi càng thấy thú vị.

Trong đó, rắn là loại vật nuôi chưa phổ biến ở nước ta vì nhận thức về rắn, loại nào độc, loại nào không vẫn chưa rõ ràng. Rắn ở ta thường bị xem là mồi nhậu nhiều hơn là một con vật kiểng được cưng chiều. Thực ra, tại một số nơi ở châu Âu và các nước khác, rắn đã là một con vật nuôi quen thuộc với con người. Những con rắn có màu sắc sặc sỡ nhập khẩu về có giá từ một triệu đến hàng chục triệu đồng trở thành thú cưng được nhiều bạn trẻ mua chơi từ khoảng 5 năm trở lại đây.

Thú chơi dị biệt - không đơn giản! -0
Thú vui với trăn.

Nhà anh Thanh có 3 loại rắn: Rắn ngô (corn snake), rắn chúa (king snake) và rắn sữa (milk snake). Loài rắn sữa có màu sắc sặc sỡ với các sọc ngang màu trắng hoặc kem, viền đen trên nền thân màu đỏ hoặc đỏ nâu nên chúng rất được ưa chuộng nuôi làm cảnh ở nhiều nơi trên thế giới. Anh Thanh đã tìm hiểu và học cách chăm sóc rắn một cách bài bản, khoa học.

Theo đó, nuôi rắn tuyệt đối không được bật máy lạnh vì chúng hay ngâm nước, nếu bị lạnh thì chúng rất dễ viêm phổi. Rắn là loại ít vận động nên tiêu hóa chậm, từ 10-15 ngày mới cho ăn một lần, nếu ăn no quá, chúng không tiêu hóa kịp cũng dễ bị bệnh tiêu hóa. Có chơi loại thú cưng này với biết, rắn cảnh là loại dễ chăm nhất và nhàn nhất so với các loại động vật khác. Khi thành phố bùng phát dịch bệnh, anh Thanh là người vẫn giữ được niềm vui thú thường ngày vì đã có “bầy con” bên cạnh.

Ở TP Hồ Chí Minh không thiếu những thú chơi độc đáo, kỳ lạ của người trẻ. Trào lưu nuôi động vật làm thú cưng đã nở rộ nhiều năm qua. Từng có một quán cà phê bò sát nằm trên đường Phạm Văn Hai, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Quán nuôi 35 loại bò sát với các loài như rồng đất Nam Mỹ, rồng Úc, rùa, trăn, rắn, nhện, thằn lằn da báo…

Chị Trần Thị Minh Ngọc chủ quán cà phê cho biết, cơ duyên gắn bó với “tập đoàn” bò sát này chỉ bởi chị thích động vật, lại thấy các bạn của mình nuôi đã kích thích niềm đam mê ấp ủ bấy lâu nay bùng lên. Chị Ngọc đã quyết định mở quán cà phê bò sát, nơi hội tụ những người cùng sở thích và cũng là sân chơi giao lưu, gặp gỡ giữa các  động vật từ khắp nơi hội tụ.

Trong các loài được trưng bày ở quán chị Ngọc thì rồng đất Nam Mỹ có trọng lượng lớn nhất, lâu năm nhất và quý hiếm nhất, nhì ở TP Hồ Chí Minh. Để chăm sóc cho các loài động vật máu lạnh này (máu lạnh theo đúng nghĩa của nó), chị Ngọc phải chia thời khóa biểu. Loài nào ăn rau, củ quả sẽ chăm riêng và loài nào ăn thịt và côn trùng sẽ ở một khu vực khác. Dù số lượng lớn các loài thú cưng nhưng chị Ngọc rất am hiểu đặc tính cũng như sở thích chúng. “Ngoài tình yêu thì còn như là duyên phận của mình với chúng”, chị Ngọc thổ lộ.

Thú chơi dị biệt - không đơn giản! -0
Không phải ai cũng can đảm ôm ấp loài Rồng xám này.

Không gian quán cá phê thiết kế giống với quang cảnh sân vườn, thoáng mát, có đủ cây xanh và khí trời. Các loài thú cưng được trưng trong lồng sắt hoặc hộp nhựa. Quán đã thu hút rất nhiều em nhỏ yêu thích, tò mò về các loài động vật tìm đến thăm thú, quan sát, ngắm nghía và được tận mắt ôm ấp, sờ nắm. Với các loài bò sát cồng kềnh, nanh vuốt và hổ báo như rồng Nam Mỹ hoặc nhện đen, trăn vàng thì không phải ai cũng dám tới gần. Nhưng vì tò mò, vì sợ hãi, nhiều người vẫn tới để trải nghiệm cảm giác mạnh.

Nếu khách muốn chơi cùng các con vật thì nhân viên sẽ lấy ra và hướng dẫn để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho khách. Hiện quán cà phê bò sát nổi tiếng này đã chuyển về Tây Ninh và mang “biệt đội” thú cưng theo để tiếp tục duy trì niềm đam mê dị biệt của mình.

Nuôi động vật hoang dã làm thú cưng là vấn đề đang được các tổ chức bảo tồn động vật trong nước và khu vực đưa ra bàn thảo. Ông Nguyễn Tam Thanh, đại diện Tổ chức Động vật Châu Á (AAF) nhận định, mua bán thú nuôi hoang dã hiện nay đang là một trong những lý do khiến hoạt động buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp trở thành mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học. Đây cũng là mối đe dọa trực tiếp lớn thứ hai đối với sự sinh tồn của các loài, chỉ sau việc môi trường sống ngoài tự nhiên của chúng bị phá hủy. Nhu cầu nuôi động vật hoang dã làm thú cưng sẽ thúc đẩy nhu cầu săn bắt và buôn bán các loài này, đẩy các loài hoang dã tới sự suy giảm loài và có nguy cơ tuyệt chủng…

Tại TP Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID -19, nhiều chủ nuôi thú sau thời gian dài giãn cách không còn khả năng chăm sóc, nuôi dưỡng đã tự nguyện liên hệ giao lại thú cưng cho trạm cứu hộ. Ông Nguyễn Công Bằng, Phó trạm Trưởng Trạm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, trạm đã tiếp nhận và xử lý 139 trường hợp chuyển giao động vật hoang dã để trạm chăm sóc, thả về tự nhiên, gồm 159 cá thể thuộc 42 loài động vật hoang dã, hầu hết thuộc loài nguy cấp, quý hiếm.

 

Ngọc Hoa
.
.