Thu phí không dừng trên đường cao tốc: Lỗi từ hệ thống phần mềm đến lỗi “quên” của chủ xe
Hàng trăm phương tiện chưa dán thẻ, quên nạp tiền thậm chí phải quay đầu vì chủ xe không muốn dán thẻ ETC. Bất cập hơn nữa phần mềm của thẻ Etag không nhận diện được một số xe dán thẻ ePass. Thậm chí, xe không đi qua trạm cũng bị trừ tiền do bị lập tài sản ảo…
Đó là một số “rắc rối” mà đơn vị thu phí cũng như người lái xe gặp phải trong những ngày đầu tiên quy định “khai tử” tiền mặt, chỉ thu phí không dừng khi qua trạm thu phí trên đường cao tốc chính thức có hiệu lực.
Trạm nào cũng gặp sự cố
9h45 sáng 1-8, tài xế Ngô Văn Tuệ (SN 1984, trú tại Hà Nội) chạy xe taxi BKS 30A - 949.32 đi qua trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ. Dù đầu xe anh đã dán thẻ nhưng barie vẫn hạ xuống, chặn lại. Sau khi tìm hiểu thì được biết, do xe anh mua lại chưa chuyển tài khoản sang tên chủ xe mới và cũng không có mật khẩu app tài xế trước đó dùng nên không sử dụng được thẻ ETC để qua trạm. Xử lý tình huống này nhằm tránh ùn tắc, nhân viên trạm thu phí buộc phải phát thẻ giấy qua trạm cho tài xế Tuệ.
Qua khỏi làn thu phí, tài xế Tuệ được nhân viên dán thẻ hướng dẫn hủy thẻ cũ, làm thẻ ETC mới của phương tiện với thông tin chủ tài khoản là tài xế Tuệ để sử dụng dịch vụ thu phí không dừng. Điều đáng nói đây chỉ là 1 trong hơn 300 tình huống cần xử lý qua làn khẩn cấp diễn ra tại trạm thu phí Pháp Vân-Cầu Giẽ trong ngày 1-8.
Tương tự, trong ngày 1-8, tại làn vào và ra trạm thu phí đầu tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai, nhiều chủ phương tiện vẫn không kiểm tra số dư trong tài khoản nên có không ít xe không đủ tiền trong tài khoản. Nhân viên tại trạm phải đọc biển số để tra soát số dư trong tài khoản, xe đủ tiền được lưu thông qua trạm. Xe không đủ hoặc không có tiền sẽ được trừ offline và nhân viên nhắc nhở nạp tiền vào tài khoản. Ông Nguyễn Văn Nhi, Phó tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đến nay theo giám sát, thống kê của VEC mới chỉ có khoảng 70% xe lưu thông trên tuyến dán thẻ ETC, 30% còn lại vẫn chưa dán. Theo ông Nhi, mỗi ngày tuyến Nội Bài - Lào Cai đang có trung bình từ 17.000 đến 20.000 lượt lưu thông, việc còn 30% trên tổng số xe trên chưa dán nếu tập trung đi vào làn giải quyết sự cố có thể sẽ gây ra ùn tắc.
Các sự cố nói trên có thể nói là chưa “thấm” gì so với tình huống của anh Bùi Văn Hà (Hà Đông, Hà Nội). Anh Hà cho hay, xe ô tô của anh đã đăng ký dán thẻ thu phí ePass từ hơn một tháng nay. Trong khi tài khoản ePass của anh đã lưu thông qua nhiều trạm BOT như Hà Nội- Hải Phòng, Pháp Vân - Cầu Giẽ… đều được nhận diện, trừ tiền vào tài khoản bình thường.
Nhưng mới đây, anh di chuyển vào đường Hà Nội- Bắc Giang khi qua trạm BOT thì barie không mở dù tài khoản ePass của anh mới nạp 1 triệu đồng. “Tôi được nhân viên thu phí của Công ty VETC trực trên tuyến cao tốc này lý giải, do tài khoản ePass của tôi bị lỗi nên không thể nhận diện được và khuyến nghị tôi liên hệ với phía đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí ePass để được sửa lỗi hoặc hủy thẻ này. Mặc dù không sai nhưng để giải phóng làn cho các phương tiện phía sau, tôi buộc phải qua làn khẩn cấp”, anh Hà bức xúc phản ánh.
Tình trạng trạm BOT không nhận diện được thẻ thu phí ETC không còn mới mà đã tồn tại từ khá lâu. Lãnh đạo Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) cũng cho biết, nhiều trường hợp phương tiện lưu thông vào cao tốc, thiết bị tại làn vào hoặc làn ra không đọc được thẻ, hoặc làn vào đọc một thẻ, làn ra lại đọc 1 thẻ khác…dẫn đến xe phải dừng lại để nhân viên vận hành thủ công, gây mất thời gian và bức xúc cho chủ phương tiện và các phương tiện đi sau.
Không những vậy, Vidifi cũng nhận được nhiều phản hồi của chủ xe về việc, sau 22h đêm khách hàng không nạp được tiền vào tài khoản giao thông của Công ty VETC, rồi hotline của 2 nhà cung cấp dịch vụ ETC thường xuyên trong tình trạng bận, không liên lạc được, hoặc khi kết nối được thì nhân viên liên tục hứa hẹn mà không kịp thời xử lý. Đặc biệt, lãnh đạo Vidifi cũng phản ánh, phần mềm tra cứu tài khoản ePass của Công ty VDTC còn nhiều bất cập đối với người dùng- các đơn vị thu phí.
Bộ Giao thông Vận tải ra “tối hậu thư” về khắc phục lỗi
Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) cho biết, hiện cả nước có 4,5 triệu ô tô, trong đó hơn 3,2 triệu xe đã dán thẻ ETC đạt tỷ lệ hơn 71%, phấn đấu đến tháng 9-2022 đạt 80-90% số lượng phương tiện trên toàn quốc dán thẻ ETC. Theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 1-8 là áp dụng thu phí hoàn toàn tự động đối với tất cả các tuyến đường cao tốc trên toàn quốc.
Để làm thẻ chủ xe cũng cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết như: Giấy phép đăng ký kinh doanh nếu là chủ doanh nghiệp; giấy đề nghị mở tài khoản theo mẫu có sẵn trên app (phần mềm) của các nhà cung cấp hoặc biểu mẫu đăng ký tại các điểm làm thẻ; bản gốc hoặc bản sao có công chứng và còn hiệu lực đăng ký xe, đăng kiểm xe, CMT, thẻ căn cước, hộ chiếu. Ngoài ra, các chủ phương tiện có thể thực hiện đăng ký dịch vụ dán thẻ ETC tại nhà. Đồng thời, để lưu thông trên tuyến cao tốc thu phí tự động, các tài xế còn phải nộp tiền vào tài khoản thu phí.
Theo đó, chủ xe có thể nạp tiền tại các điểm cung cấp dịch vụ dán thẻ ETC, chuyển khoản ngân hàng, nộp tiền vào ứng dụng hoặc trên website hoặc thanh toán qua app Momo, Viettelpay. Trường hợp xe có dán thẻ thu phí tự động nhưng không đủ điều kiện như số tiền trong tài khoản thu phí không đủ để trả phí khi qua làn ETC mà vẫn cố tình đi vào, người điều khiển ôtô sẽ bị phạt từ 2-3 triệu đồng, đồng thời còn bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng. Trường hợp xe không dán thẻ ETC mà cố tình đi vào cao tốc, người điều khiển ôtô sẽ có thể đối diện với mức phạt tương tự.
Hiện có hai nhà cung cấp dịch vụ thu phí ETC, quản lý các trạm và phát hành thẻ để dán trên ô tô là Công ty TNHH thu phí tự động VETC và Công ty cổ phần giao thông số Việt Nam (VDTC). Nhiều ý kiến cho rằng, VETC và VDTC có cách vận hành khác nhau nên chưa đảm bảo sự thống nhất, gây phiền toái cho người tham gia giao thông. Cụ thể, dịch vụ của VDTC sử dụng sóng radio giữa thẻ ePass dán trên xe với thiết bị tại trạm thu phí để giao dịch. VDTC dùng thêm giải pháp chụp ảnh, nhận diện biển số xe làm phương án dự phòng để xử lý hậu kiểm khi xe qua trạm thu phí ETC mà giao dịch bị gián đoạn.
Tuy nhiên, thực tế giải pháp này bị xe sử dụng biển số giả lợi dụng và gây tình huống xe biển thật không qua trạm vẫn bị trừ tiền. Khi xe qua trạm, hệ thống nhận diện biển số (không biết thật hay giả) và thực hiện tra soát xác định biển số trùng với đăng ký trên hệ thống sẽ giao dịch tự động và trừ tiền phí ETC. Hiện VDTC đã tắt tính năng nhận diện biển số khi giao dịch, tra soát để đảm bảo xe không dán thẻ thì không giao dịch.
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty Thu phí tự động VETC cho hay, đường cao tốc thu phí theo hình thức thu phí kín. Để tránh phiền phức khi lưu thông, cách tốt nhất là chủ phương tiện kiểm tra số dư trong tài khoản giao thông trước khi vào cao tốc. Hiện VETC đã liên thông với các ngân hàng Vietcombank, BIDV, Ngân hàng Quân đội và Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Việt Nam.
Nếu doanh nghiệp, chủ phương tiện có tài khoản ngân hàng nêu trên, tài khoản này sẽ được liên thông với tài khoản VETC và được nạp tiền tự động, không mất phí. Khách hàng có tài khoản các ngân hàng đăng ký online liên thông tài khoản VETC thông qua App của Ngân hàng. “Chủ phương tiện không cần nạp tiền mà chỉ cần duy trì số dư tối thiểu. Khi số dư trong tài khoản giao thông nhỏ hơn hoặc bằng số tiền mà khách hàng đăng ký, các ngân hàng sẽ tự động chuyển từ tài khoản cá nhân vào tài khoản VETC theo định mức mà khách hàng đã chọn. Khi đó, chủ phương tiện không cần duy trì số dư trong tài khoản giao thông”, ông Vinh nói.
Bộ GTVT đã có công điện gửi sở giao thông vận tải các tỉnh, thành phố, Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Công ty VETC, VDTC yêu cầu đẩy nhanh tiến độ dán thẻ định danh đối với xe ôtô để sử dụng dịch vụ thu phí theo hình thức điện tử không dừng. Lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ rà soát, khắc phục triệt để các tồn tại, bất cập trong quá trình vận hành hệ thống; làm rõ nguyên nhân, xử lý trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị khi để xảy ra lỗi kỹ thuật, gây ùn tắc, khó khăn cho người dán thẻ tham gia dịch vụ; có giải pháp để chủ phương tiện thuận lợi hủy hoặc thay thế thẻ dịch vụ đã dán thông qua việc tăng cường các điểm dịch vụ hoặc thực hiện online qua hệ thống Internet.
Hiện cả nước đã triển khai lắp đặt vận hành thu phí không dừng tại 113 trạm, với 662 làn thu phí. Còn 16 trạm với 98 làn thu phí không triển khai hoặc lùi thời gian triển khai ETC do có tính chất đặc thù như thời gian thu phí còn lại ngắn, phương án tài chính không đảm bảo…