Thức quà quê gọi Tết về

Thứ Bảy, 29/01/2022, 12:04

Ngoảnh đi ngoảnh lại chưa đầy vài ba cái chớp mắt ấy thế mà lại thêm một tiết Đông Chí nữa đã qua. 365 ngày của một năm sắp trôi qua đánh vèo. Năm mới sẽ đến theo vòng tuần hoàn của tự nhiên. Điều đó khiến cho con người ta có cảm xúc xao xuyến, bâng khuâng, ngẩn ngơ luyến tiếc một điều gì đó đã qua. Mà cũng dâng trào cái cảm giác háo hức tinh khôi.

Anh chồng trẻ, người đàn ông lần đầu tiên trong đời giữ vai trò của cây cột cái của ngôi nhà sàn truyền thống của người Tày miền non nước Cao Bằng cùng chung cái cảm giác ấy với người dân bản Thông Huề, Trùng Khánh, Cao Bằng khi nghĩ tới một cái Tết đoàn viên sum vầy chả mấy nữa sẽ tới.

Cô vợ tuổi mới đôi mươi, đẹp một cách nền nã, thuần khiết với cặp má lúc nào cũng đỏ hây hây đính đôi lúm đồng tiền và đôi môi mọng đỏ như hai vầng trăng khuyết nhoẻn miệng cười: “Vợ đang bận tính, sẽ phải làm bao nhiêu phong bánh khảo mới đủ cho cái Tết đầu tiên vợ chồng mình ra ở riêng đấy chồng ạ!”.

bánh khảo thông huề được đánh giá là ngon nhất nơi miền non nước cao bằng.jpg -0
Bánh khảo Thông Huề được đánh giá là ngon nhất nơi miền non nước Cao Bằng

Với người Tày, cái món “pẻng cao” ngày Tết nó thiêng liêng lắm. Nó là một nét văn hóa Tết của người Tày Cao Bằng. Đã qua ngày 20 tháng Chạp, vào cữ làm bánh khảo để gọi Tết đến, Xuân về thật rồi.

Cô vợ trẻ chắc như đinh đóng cột rằng, cứ phải là “cái anh” gạo nếp “hèo” truyền thống mà hơn trăm năm qua ông bà đã dùng nó làm nên những phong bánh khảo mang “thương hiệu” riêng có của người Tày bản Thông Huề. Mỗi nhà ở Thông Huề đều có bí quyết làm “pẻng cao” của họ. Người vợ đem gạo nếp “hèo” đãi cho thật sạch để loại bỏ cho kỳ hết những tạp chất. Rồi thì nàng lẩn mẩn chọn ra những hạt tròn, mẩy nhất làm “phần hồn” cho những phong bánh khảo.

Người vợ pha một chậu nước âm ấm rồi đổ gạo vào ngâm. Ngâm cho tới lúc nào chúng đủ độ mềm cần thiết mới vớt ra, để cho ráo kiệt nước. Gạo phải được sàng qua một lượt  nhằm loại bỏ lần cuối cùng những hạt gãy, vỡ trước khi rang chín.

rang gạo làm nguyên liệu cho bánh khảo.png -0
Rang gạo làm nguyên liệu cho bánh khảo

Lửa bếp đã bén, đẹp lung linh huyền ảo như bức tranh thuở hồng hoang. Người chồng giúp vợ đặt cái chảo gang lên bếp. Đã sẵn sàng một ít mỡ lợn, người vợ tráng chung quanh chảo một lượt. Rồi cô hơi gập người xuống rút bớt củi trong bếp điều chỉnh ngọn lửa ở mức độ liu riu, hư hư thực thực, gợi cảm giác cổ tích. Người vợ dùng chiếc bát sứ ăn cơm vục đúng hai bát gạo nhẹ nhàng đổ vào chảo gang.

Tay dùng đũa kiên nhẫn đảo qua đảo lại mẻ gạo trong chảo một cách  êm ái như thể vỗ về ru ngủ những hạt ngọc vàng của trời đất. Và tay còn lại khéo léo uyển chuyển điều chỉnh ngọn lửa bếp một cách đầy chuyên nghiệp, người vợ thánh thót với chồng bằng những âm tiết du dương rằng, gạo rang chỉ đạt yêu cầu khi chúng vừa chín tới. Đấy là lúc hạt gạo đã ngả màu vàng.

gạo nếp hèo sau khi được rang chín, nguyên liệu chính làm nên những phong bánh khảo ngon nổi tiếng của người tày bản thông huề.jpg -0
Gạo nếp hèo sau khi được rang chín, nguyên liệu chính làm nên những phong bánh khảo ngon nổi tiếng của người Tày bản Thông Huề

Mẻ gạo cuối cùng đã rang xong. Kiên nhẫn chờ cho rá gạo rang thật nguội, bấy giờ người vợ mới cho vào cối đá xay thật mịn. Người chồng chọn một góc khuất trong nhà, quét sạch và vảy một chút nước cho có độ ẩm, lót vài lớp giấy cũ. Cả hai cùng nhau cẩn thận rải đều thứ bột nếp xuống. Việc cuối cùng mà người vợ cần làm thay cho chồng là lại dùng mấy tờ giấy cũ phủ lên trên. Đấy là hạ thổ bột.

Năm ngày sau, kiểm tra chỗ bột hạ thổ thấy đã hút độ ẩm và ỉu ra tới mức độ cần thiết, cô vợ trẻ dùng đường phên giã nhỏ hòa với nước rồi đổ vào chỗ bột đã được hạ thổ. Rồi thì nàng đều tay nhào lên nhào xuống cho tới khi bột trở nên vô cùng dính. Trong lúc rang chín đám lạc, vừng trước khi giã nhỏ, nàng bảo chồng đem chỗ mỡ lợn mà mình đã luộc chín thái hạt lựu làm nhân bánh.

Người vợ không quên nhắc chồng, mỡ lợn thái xong đem ướp với đường kính. Một lúc lâu sau, thấy các khổ mỡ lợn ướp đường đã trở nên trong veo, người vợ đem trộn với lạc, vừng để có một thứ nhân bánh vừa có vị bùi của lạc, vừng, vị béo ngậy của mỡ lợn, vị ngọt thanh của đường, kết hợp với vị thơm của bột nếp. Những hương vị đặc biệt ấy sẽ tạo nên những phong bánh khảo Thông Huề thơm ngon khiến ai đó có may mắn được một lần thưởng thức sẽ nhớ cho tới tận lúc hồn vía về trời, ấy vậy!

***

Trải qua những ngày đông tháng giá hà khắc dị thường, một sớm nọ, cây đào phai trước cổng bỗng e ấp thẹn thùng hé nở những cánh hoa đầu tiên cùng những chồi non lộc biếc. Một năm cũ đã qua. Tết đã đến, Xuân đã về gõ cửa những ngôi nhà truyền thống của bà con các dân tộc trên dải đất biên cương nơi địa đầu nước Việt mến yêu.

người dân bản thông huề làm bánh khảo gọi tết về.jpg -0
Người dân bản Thông Huề làm bánh khảo gọi Tết về

Trong ngôi nhà sàn truyền thống của mình nơi bản Thông Huề, sau khi thành kính dâng nén tâm nhang xin lộc của trời - đất, tổ tiên, người chồng trẻ trịnh trọng mang đĩa bánh khảo mà cô vợ xinh đẹp thảo hiền đã làm ra bằng tất cả cái tâm, cái tình, cái nghĩa của mình ra thết đãi bạn hiền.

Nhấp nháp ly trà nóng đậm đà hương vị núi rừng cùng phong bánh khảo dân dã thơm phức với vị ngọt thanh đậm, chủ và khách vui vẻ hàn huyên về những chuyện đã qua. Hết chuyện năm cũ, họ thân tình chia sẻ những dự định làm ăn cho một năm mới đầy khởi sắc, để mùa Xuân trên dải biên cương Tổ quốc mãi mãi bình yên, trường tồn.

Lê Công Hội
.
.