Tiếp câu chuyện thị trường nhạc số: Các nghệ sĩ đã đi sau một bước?

Thứ Hai, 22/11/2021, 21:17

Cũng từ câu chuyện của nhạc sĩ Giáng Son, người ta mới tá hỏa phát hiện ra rằng có tới 76 album, tương ứng với 865 tác phẩm do Hội Nhạc sĩ Việt Nam đầu tư sản xuất cho các nhạc sĩ nổi tiếng như Phạm Tuyên, Trọng Đài, Phan Huỳnh Điểu, Văn Cao... đang bị BH Media sử dụng để xác nhận chủ sở hữu bản quyền trên YouTube.

Sự việc vô tiền khoáng hậu này đặt ra nghi vấn lớn về hiệu quả của “kẻ gác đền” Content ID mà YouTube xây dựng để xác định và quản lý nội dung bản quyền trên nền tảng của mình.

Những “thương vụ” trót lọt

Sự việc nhạc sĩ Giáng Son và nhiều nghệ sĩ đình đám bị khiếu nại vi phạm bản quyền còn đang chưa đến hồi kết thì người ta mới vỡ lẽ ra rằng đây không phải lần đầu các nghệ sĩ rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan khi “con đẻ” của mình bỗng dưng được “đổi huyết thống” . Hay nói như nhạc sĩ Minh Châu – người từng có hơn 300 tác phẩm bị người khác tự ý đăng ký bản quyền trên YouTube cách đây hơn 1 năm rằng, đây là “vấn nạn tranh giành, ăn cướp bản quyền trên mạng”.

Tiếp câu chuyện thị trường nhạc số: Các nghệ sĩ đã đi sau một bước? -0
Nhạc sĩ Minh Châu.

Là thành viên của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV - tổ chức xã hội nghề nghiệp đại diện cho quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất bản ghi dưới mọi hình thức ở Việt Nam), nhạc sĩ Minh Châu có hơn 80 bản audio gửi cho hiệp hội, bản thân ông lấy một số bản tự ghi hình và làm thành video đăng trên kênh YouTube của mình.

“Nhưng, ngay hôm sau bị bao nhiêu người gọi bảo tôi xâm phạm bản quyền của họ. Tôi cũng từng bị BH Media cảnh báo vi phạm bản quyền chính những tác phẩm do tôi sáng tác. Cảm giác đầu tiên khi bị “tố” là tôi thấy mình bị xúc phạm. Mặc dù, ngay sau khi tôi phản ứng, đại diện BH Media đã gặp gỡ, xin lỗi và sau đó đã gỡ cảnh báo trên YouTube của tôi. Tôi nghĩ đây là sự lạm dụng kẽ hở luật pháp, nên ai cũng có thể nhận vơ được. Ai cảm thấy bị xâm phạm thì cứ việc lên tiếng, còn YouTube cứ việc khai thác nếu tác phẩm hay, nhiều người thích, chứ YouTube không có trách nhiệm làm quan tòa phân xử đúng - sai”, nhạc sĩ Minh Châu bức xúc kể lại.

Cũng theo nhạc sĩ Minh Châu, đây là hiện trạng chung của các nhà khai thác nội dung trên nền tảng Internet. Nhiều công ty, mua hoặc được ủy quyền khai thác, chẳng hạn với 1.000 bản ghi, họ công bố có quyền của tất cả các bản ghi và họ đăng ký với YouTube tác phẩm đó thuộc độc quyền của họ. Như vậy là đã cố ý gian dối ngay từ đầu, nên không chỉ tác giả mà nhiều đơn vị khác khi khai thác sử dụng tác phẩm cũng bị “tố” vi phạm bản quyền.

Thậm chí, có những tác giả khi tìm được đường link tác phẩm của mình bị xâm phạm, tra Google cũng không biết công ty đó ở đâu. Còn những nhạc sĩ không biết về công nghệ thì chịu rất nhiều thiệt thòi, vì những vi phạm trong kinh doanh bản thu âm, ghi hình trên nền tảng mạng ở Việt Nam là rất lớn và phức tạp.

Tại Đại hội đại biểu RIAV diễn ra hồi tháng 10-2020, bà Trương Thị Thu Dung, Phó chủ tịch RIAV nhiệm kỳ 3 (và tiếp tục được bầu vào ban chấp hành nhiệm kỳ 2020 – 2025) khẳng định: “Hiệp hội sẽ củng cố lại vấn đề về bản quyền số. Chúng tôi hiện có đủ phương tiện do YouTube cấp để bảo vệ và đấu tranh đến cùng dù người ăn cắp đó là ai”.

“Hơn một năm sau sự việc tương tự tiếp tục xảy ra. Tôi nhận thấy có một sự bất lực không hề nhẹ”, nhạc sĩ Minh Châu thốt lên.

Luật chơi không chừa một ai...

Không riêng tại Việt Nam, trên thế giới cũng có nhiều nghệ sĩ gặp rắc rối về bản quyền với chính ca khúc của mình. Năm 2019, nữ ca sĩ Taylor Swift đã viết tâm thư cầu cứu vì không được hát ca khúc của chính mình. Chuyện là, năm 15 tuổi, khi chưa nổi tiếng, Taylor Swift đã ký hợp đồng với hãng đĩa Big Machine Label Group. Hãng này sở hữu toàn bộ thu âm gốc các ca khúc thuộc 6 album, từ “Taylor Swift” (năm 2006) đến “Reputation” (năm 2017).

Tiếp câu chuyện thị trường nhạc số: Các nghệ sĩ đã đi sau một bước? -0
Taylor Swift từng gặp không ít rắc rối về vấn đề bản quyền trên nền tảng nhạc số.

Ca sĩ vẫn giữ quyền sở hữu trí tuệ các bài hát và được biểu diễn trực tiếp chúng tại các liveshow hay trên truyền hình. Tuy nhiên, cô không được sử dụng các bản thu hoặc các ấn phẩm (CD, nhạc số) làm từ các bản thu mà Big Machine Label Group nắm bản quyền. Theo Luật bản quyền Mỹ, cô phải đợi 35 năm (tính từ ngày ký hợp đồng) để chấm dứt việc nhượng bản quyền với hãng đĩa và đòi lại các bản thu của mình. Trước Taylor Swift, các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như The Beatles hay Prince cũng đã tốn thời gian và tiền bạc để đòi quyền sở hữu bản thu âm ca khúc của họ từ các hãng đĩa.

Gần đây nhất, tháng 6-2021, hàng loạt bài hát của những nghệ sĩ Kpop bị một số công ty âm nhạc Trung Quốc đăng ký bản quyền trên YouTube trở thành vấn đề đáng chú ý liên quan tới bản quyền âm nhạc. Cụ thể, nhiều ca khúc Kpop như “Waiting” (Younha), “Morning Tears” (IU), “Already One Year” (Brown Eyes Girls), “From me to you” (Davichi)… bị một số công ty Trung Quốc như Believe Music, EWway Music, Enjoy Music, The Orchard Music… tuyên bố sở hữu bản quyền. Theo Korea Times, giới chuyên môn nhận định, nguyên nhân được cho là do những kẽ hở về bản quyền của YouTube. Các ca khúc trên được ra mắt từ những năm 2010, trước khi YouTube trở thành một nền tảng phổ biến cho âm nhạc. Thời điểm đó, nền tảng này chưa yêu cầu sát sao về bản quyền nên nhiều bài hát được đăng tải mà chủ sở hữu không đăng ký bản quyền trên YouTube.

vcpmc.jpg -1
VCPMC làm việc với các nhạc sĩ liên quan đến vị BH Midia xác nhận bản quyền một số ca khúc trên YouTube.

Cùng đó, một kẽ hở khác là quá trình chuyển nhượng quyền liên quan giữa các công ty âm nhạc. Đơn cử, ca khúc “Good Person” (Toy) được chuyển từ The Groove Entertainment sang KakaoM vào năm 2014, hay quyền liên quan của “From Me to You” (Davichi) đã hết hạn. Trong quá trình chuyển giao quyền liên quan, phần đăng ký các bài hát trên YouTube có lúc bị bỏ trống để thay đổi thông tin. Lợi dụng điều này, các công ty Trung Quốc nhanh chóng đăng ký bản quyền trót lọt.

Không thể đi sau mãi

Âm nhạc trên nền tảng số đang là “con gà đẻ trứng vàng” trong ngành công nghiệp thế giới. YouTube cũng là sân chơi quốc tế với hơn 2 tỷ người dùng trên thế giới, theo Statista. Tuy nhiên, vấn đề bản quyền trên nền tảng này lại tồn tại nhiều lỗ hổng nghiêm trọng.

Tiếp câu chuyện thị trường nhạc số: Các nghệ sĩ đã đi sau một bước? -0
Bà Chang Trần - giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam.

Theo bà Chang Trần – giảng viên thuộc chương trình của Google tại Việt Nam, YouTube hiện đang vận hành một hệ thống quản lý bản quyền là Content ID. Hệ thống này xác định nội dung sở hữu do chủ sở hữu bản quyền trên YouTube thiết lập. Content ID giúp chủ sở hữu bản quyền xác nhận quyền sở hữu bằng cách tự động tìm bài hát gốc hoặc video gốc được sử dụng trong clip trên YouTube. Người làm content hoàn toàn sở hữu sản phẩm của họ và họ có quyền khởi tạo/bật content ID cho sản phẩm đó.

Sau khi có thông báo về bất kỳ nội dung trùng khớp như: hình ảnh, âm thanh, nhân vật… chủ nhân bản quyền có thể “đánh gậy”, các video vi phạm sẽ bị YouTube xóa. Bên cạnh đó, người nắm bản quyền cũng có thể chọn giữ lại video vi phạm và nhận được doanh thu quảng cáo từ nội dung đó. Trong trường hợp người dùng khiếu nại, cung cấp bằng chứng sẽ được YouTube phản hồi và xử lý. Nếu YouTube không phản hồi khiếu nại, người sáng tạo có thể khởi kiện, tất nhiên, trước đó người dùng đã phải tuân thủ các điều khoản của YouTube.

“Cũng cần phải lưu ý thêm, nếu để YouTube định ai là người chủ sở hữu tác phẩm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Hợp đồng chỉ là 1 cách thể hiện nhượng quyền, mua, bán, chủ sở hữu hoàn toàn có những cơ sở để chứng minh tác phẩm của mình. Tuy nhiên, sẽ có trường hợp người sáng tác lại không phải chủ sở hữu.

Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định, Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu; Quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Do đó, khi người sở hữu chưa kịp đăng ký bản quyền đã bị người khác đi trước. Trường hợp này thì gần như là phải… chịu trận”, bà Chang Trần phân tích thêm.

Tiếp câu chuyện thị trường nhạc số: Các nghệ sĩ đã đi sau một bước? -0
Luật sư Phạm Duy Khương.

Đồng quan điểm, luật sư Phạm Duy Khương – Giám đốc điều hành ASL Law cho rằng, bản thân những nhà sáng tạo nội dung muốn chơi trên nền tảng quốc tế thì phải theo luật của họ. "Thực tế, YouTube không xác định ai sai, ai đúng trong hành vi này. Sai hay đúng sẽ căn cứ việc người đăng lên hay sử dụng sản phẩm xảy ra ở môi trường nước nào, đối chiếu với pháp lý của môi trường nước đó. Luật Sở hữu trí tuệ hay các luật liên quan ở Việt Nam đều có quy định rất rõ ràng, cụ thể để có thể xử lý các trường hợp. Nếu thực sự là hành vi xâm phạm bản quyền, vẫn sẽ chịu các chế tài như bình thường”, ông Khương nói thêm.

Trong một bức thư được chia sẻ đến công chúng vào tháng 6-2021, Lyor Cohen - Giám đốc toàn cầu phụ trách mảng âm nhạc của YouTube tự hào tiết lộ  YouTube đã trả hơn 4 tỉ USD cho ngành công nghiệp âm nhạc toàn cầu chỉ trong 12 tháng vừa qua. Trong hơn 4 tỉ USD doanh thu được trả về cho các nghệ sĩ, nhà sáng tác và các bên sở hữu liên quan, hơn 30% doanh thu đến từ nội dung sáng tạo bởi người dùng. Lyor Cohen cho biết thêm rằng mục tiêu của YouTube là “trở thành doanh nghiệp đem lại doanh thu hàng đầu cho nền công nghiệp âm nhạc và hỗ trợ các nghệ sĩ trên thế giới xây dựng sự nghiệp sản xuất âm nhạc”.

Dễ thấy, khi nhạc số dần chiếm thế “thượng phong” và những doanh nghiệp đi trước về công nghệ, lợi dụng kẽ hở để lách luật, cũng là lúc nghệ sĩ phải trang bị cho mình đầy đủ kiến thức về quy định, điều khoản ở sân chơi này. Bởi phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải dựa trên sự sáng tạo, khoa học công nghệ và bản quyền trí tuệ.

Thảo Dung
.
.