Tín hiệu của cuộc cải tổ Alibaba

Thứ Hai, 03/04/2023, 10:13

Công ty thương mại điện tử Alibaba vừa công bố kế hoạch chia tách hoạt động kinh doanh của mình thành 6 bộ phận. Đây được coi là một trong những cuộc đại tu quan trọng nhất của một công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc cho đến nay.

Ngày 28/3, Alibaba cho biết họ có kế hoạch chia tách hoạt động kinh doanh của mình thành sáu đơn vị riêng biệt, trong một động thái hứa hẹn sẽ định hình lại hoàn toàn công ty thương mại điện tử Trung Quốc mà Jack Ma đã thành lập gần 25 năm trước.

Nội dung của cuộc cải tổ

Alibaba cho biết họ sẽ chia tách đế chế trị giá 220 tỷ USD của mình thành 6 mảng kinh doanh, tập trung vào hậu cần, điện toán đám mây, giải trí, thương mại điện tử và hai mảng khác cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp toàn cầu.

Tín hiệu của cuộc cải tổ Alibaba -0
Alibaba vừa tuyên bố kế hoạch đại tu, chia tách hoạt động kinh doanh thành sáu đơn vị riêng biệt.

Sáu đơn vị của họ mang tên: công ty đám mây Cloud Intelligence, công ty thương mại Taobao Tmall, công ty dịch vụ Local Services, công ty hậu cần Cainiao Smart Logistics, công ty thương mại điện tử Global Digital Commerce và công ty truyền thông và giải trí Digital Media and Entertainment.

Mỗi đơn vị sẽ được quản lý bởi giám đốc điều hành và ban giám đốc riêng, cho phép họ tự huy động vốn và theo đuổi các kế hoạch niêm yết công khai (IPO) một cách riêng biệt. Bản thân Alibaba sẽ chỉ giữ toàn quyền sở hữu đơn vị thương mại điện tử Trung Quốc - Tập đoàn thương mại Taobao Tmall. Công ty mô tả việc tái cấu trúc là cuộc đại tu tổ chức "quan trọng nhất" trong lịch sử 24 năm của mình. Theo AFP, Giám đốc điều hành Daniel Zhang cho biết: “Thị trường là phép thử tốt nhất và mỗi nhóm kinh doanh và công ty có thể theo đuổi việc huy động vốn và IPO độc lập khi họ sẵn sàng”.

Điều gì đằng sau cuộc đại tu?

Các nhà phân tích cho rằng việc chia tách tập đoàn thành các đơn vị nhỏ hơn có thể khiến Alibaba nhanh nhạy hơn và giúp các bộ phận của doanh nghiệp bớt bị ảnh hưởng bởi các quy định mới chính phủ. Li Chengdong, người sáng lập viện tư vấn công nghệ Dolphin ở Bắc Kinh, cho biết trên AFP: “Doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba đã giảm vào năm ngoái do áp lực từ cạnh tranh rất cao. Bằng việc chia tách, Taobao thực sự trở nên tinh giản hơn và có thể đối phó với... các kiểu cạnh tranh mới”.

Về phần mình, Jeffrey Towson, đối tác tại công ty tư vấn Techmoat, nhận định: "Việc chia nhỏ là một bước đi thông minh. Bây giờ (Alibaba) sẽ không được coi là một người chơi thống trị thâu tóm nhiều quyền lực. Nếu có một vấn đề chính trị với một bộ phận nào đó, nó sẽ không ảnh hưởng đến phần còn lại của doanh nghiệp”. Cùng chia sẻ quan điểm này, Brian Tycangco, chuyên gia theo dõi lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc tại Stansberry Research, cho rằng ngoài việc cho phép định giá cao hơn, việc tái cấu trúc bảo vệ tốt hơn các bộ phận riêng lẻ khỏi quy định của chính phủ trong tương lai. Ông nói: “Bất kỳ quy định mới nào có thể sẽ không ảnh hưởng đến toàn bộ công ty - mà chỉ một bộ phận cụ thể mà quy định đó điều chỉnh”.

Tín hiệu tích cực

Nhiều nhà đầu tư đã chứng kiến một làn sóng các quy định được đưa ra chớp nhoáng trong vài năm qua, gây ảnh hưởng tới các lĩnh vực Internet, giáo dục tư nhân và bất động sản, giống như một đám mây lớn bao trùm khu vực tư nhân của Trung Quốc.

Theo hãng tin Reuters, Jon Withaar, chuyên gia về châu Á tại Pictet Asset Management, nhận định: "Chúng tôi nghĩ rằng đây có thể là một dấu hiệu cho thấy quá trình đưa ra các quy định giám sát đang dần kết thúc... và chúng tôi dự đoán rằng công ty sẽ quay trở lại nhận được sự ưu ái của các cơ quan quản lý và các nhà hoạch định chính sách sau vụ việc này”.

Theo Reuters, các nhà phân tích của Bank of America mô tả việc tái cơ cấu của Alibaba là "một thử nghiệm quan trọng", theo đó sẽ kiểm tra xem liệu các công ty lớn nhất của Trung Quốc có thể đáp ứng yêu cầu của Bắc Kinh để "đóng góp cho xã hội" hay không.

Ngân hàng Morgan Stanley cho rằng thông báo này sẽ củng cố hỗ trợ cho các khu vực tư nhân và các công ty nền tảng. Nhà phân tích Laura Wang cho biết trong một báo cáo nghiên cứu: "Chúng tôi tin rằng những nỗ lực như vậy sẽ giúp kích thích hiệu quả và sáng tạo bằng cách khôi phục/cải thiện môi trường kinh doanh". Bà nói thêm rằng một tuyên bố gần đây từ cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc về việc bảo vệ các doanh nhân khỏi bị phỉ báng cũng báo hiệu khả năng chấm dứt áp lực pháp lý đối với lĩnh vực này. Morgan Stanley định giá toàn bộ tập đoàn ở mức 530 tỷ USD, hoặc 200 USD/cổ phiếu, dựa trên mô hình định giá của họ đối với từng đơn vị kinh doanh.

Alibaba đã phải đối mặt với sự giám sát của các nhà quản lý Trung Quốc vì tham gia vào hành vi độc quyền trong thương mại điện tử, cũng như các hoạt động bảo mật dữ liệu trong hoạt động kinh doanh trên nền tảng đám mây và đối xử với người lao động tại các đơn vị giao hàng của họ. Jack Ma đã rời Trung Quốc vào cuối năm 2021 và được nhìn thấy đang đi du lịch đến một số quốc gia khác nhau.

Ông đã xuất hiện trước công chúng hôm 27/3 tại Hàng Châu, quê hương của Alibaba, chỉ một ngày trước khi công ty tuyên bố tái cấu trúc.

Nhà phân tích Tina Teng của CMC Markets cho rằng việc chia tách của Alibaba có thể mở đường cho những gã khổng lồ công nghệ khác của Trung Quốc tiến hành tái cấu trúc tương tự. Ngoài các mảng kinh doanh trò chơi và mạng xã hội, Tencent Holdings còn có các nhánh hoạt động trong ngành đám mây và fintech. Trong khi đó, JD.com - đối thủ lâu năm của Alibaba trong ngành thương mại điện tử - đã thành lập một số công ty con trong những năm gần đây, bao gồm công ty hậu cần JD Logistics và công ty đám mây và trí tuệ nhân đạo JD Digits.

Bích Hạnh (Tổng hợp)
.
.