Tôn giáo đồng hành cùng đất nước
Trong đợt dịch lần thứ 4, tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày; nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội; các cơ sở y tế điều trị COVID-19 tại nhiều địa phương quá tải... Nhưng với quyết tâm cao nhất, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân cùng đồng bào có đạo tập trung đồng sức, đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Chia sẻ những khó khăn
Lãnh đạo Giáo hội các tổ chức tôn giáo đã hướng dẫn chức sắc, chức việc, tín đồ và các cơ sở tôn giáo tích cực thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; đã huy động đồng bào các tôn giáo không ngại khó khăn, tích cực ủng hộ, đóng góp chia sẻ tài lực, vật lực, suất cơm, gói quà và đã có trên 1.000 tình nguyện viên các tôn giáo đăng ký tham gia tuyến đầu hỗ trợ cho lực lượng y tế chăm sóc người nhiễm COVID-19.
Những nghĩa cử cao đẹp tình đoàn kết yêu thương và tấm lòng thiện nguyện được chính quyền và nhân dân rất trân trọng, đã lan tỏa tinh thần bác ái, nhân văn của các tôn giáo trong đời sống xã hội.
Đại đức Thích Đạt Ma Toàn Hạnh, Phó ban Trị sự, kiêm Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), Trụ trì Thiền viện Trúc lâm Nhật Quang cho biết, do dịch bệnh diễn biến phức tạp, người dân gặp nhiều khó khăn nên Thiền viện cũng tích cực tham gia vào công tác thiện nguyện do chính quyền địa phương phát động. Với tinh thần “tốt đời đẹp đạo”, được sự ủng hộ các ban, ngành, đoàn thể, Thiền viện mong muốn đóng góp vào công tác phòng chống dịch.
“Với tinh thần tốt đời đẹp đạo, cống hiến, phụng sự, trong thời gian tới Thiền viện tiếp tục làm công tác thiện nguyện, cung cấp lương thực thực phẩm cho người dân gặp khó khăn. Để san sẻ yêu thương, mong rằng có nhiều người cùng tham gia công tác thiện nguyện, chung tay với cả nước để phòng chống dịch, nhưng phải thực hiện 5K và các quy định của Chính phủ”, Đại đức Thích Đạt Ma Toàn Hạnh chia sẻ.
Một trong những cơ sở tôn giáo rất tích cực tham gia hỗ trợ phòng chống dịch là chùa Vĩnh Nghiêm ở quận 3, TP Hồ Chí Minh. Từ khi bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16 - ngày 9-7, chùa bắt đầu nấu và phát cơm chay miễn phí vào buổi trưa, buổi chiều đến người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những người bán vé số, hàng rong, xe ôm, những khu cách ly…
Ngoài tại bếp nấu cơm chay của chùa, ở các bếp gia đình mà Phật tử cư sĩ phụ trách còn nấu những suất thức ăn mặn cho đội ngũ y, bác sĩ và bệnh nhân ở các bệnh viện COVID-19. Mỗi ngày tổng số khoảng gần 10.000 suất ăn cả chay và mặn, đã góp phần rất lớn cùng thành phố phòng chống dịch. Ngoài tặng các suất cơm, chùa Vĩnh Nghiêm còn tặng hàng ngàn phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn do dịch bệnh và trao tặng nhiều máy ECMO, máy thở cùng các nhu yếu phẩm cho tuyến đầu chống dịch.
Tình nguyện vào nơi nguy hiểm
Sư cô thích nữ Tịnh Trí – chùa Thanh Tâm (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), học viên Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh đăng ký làm tình nguyện viên tại Bệnh viện điều trị COVID-19 tại TP Thủ Đức bộc bạch sau một thời gian hỗ trợ tại bệnh viện. Sư cô thích nữ Tịnh Trí cho biết: “Thật sự lúc đầu khi đăng ký tham gia tình nguyện viên, trong tâm rất sợ hãi, nhưng nghĩ đến những bệnh nhân đang điều trị mà không có người thân bên cạnh mình cảm thấy rất thương xót. Cho nên mình cố gắng suy nghĩ lạc quan tích cực, nếu không may mình bị nhiễm COVID-19 thì mình cứ lạc quan điều trị. Mới đầu đăng ký một tháng rưỡi, nhưng khi tham gia thì thấy số lượng bệnh nhân càng nhiều nên mình đăng ký thêm 2 tuần nữa là đủ 2 tháng”.
Trong quá trình làm việc tại bệnh viện, các tình nguyện viên cho biết rất thương bệnh nhân, họ không có người thân nên các tình nguyện viên như là người thân của họ. Vào bệnh viện làm tất cả mọi việc, từ việc nhỏ nhất như làm vệ sinh thu gom rác thải, khử khuẩn phòng bệnh; chăm sóc cho bệnh nhân như cho ăn uống, gội đầu, tắm, động viên tinh thần bệnh nhân… Bệnh nhân rất hoảng loạn mà lại không có người thân bên cạnh nên việc an ủi động viên tinh thần là rất cần thiết để bệnh nhân hợp tác điều trị.
Mới đầu vào Bệnh viện điều trị COVID-19, sư cô thích nữ Tịnh Trí được phân công làm việc ở Khoa 9B, nhìn thấy cảnh bệnh nhân nằm mà máy móc ống thở oxy gắn chằng chịt… bản thân sư cô thấy sợ hãi và nghĩ sẽ không thể làm được việc, nhưng sau một tuần nỗ lực thì bắt nhịp được công việc ở đây.
“Khi tình thương đủ lớn thì sẽ làm được, mình cố gắng làm được gì bằng tất cả tấm lòng mình sẽ làm. Chỉ cầu mong cho mình đóng góp một chút sức nhỏ giúp ích cho bệnh nhân và cho quê hương đất nước khi đang dịch bệnh”, sư cô Tịnh Trí chia sẻ.
Sơ Têrêsa Đỗ Hoàng Oanh thuộc Cộng đoàn Bác Ái Bình Triệu (TP Hồ Chí Minh) tham gia tình nguyện viên tại Bệnh viện điều trị COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 ở TP Thủ Đức chia sẻ, ban đầu mới vào bệnh viện rất run sợ. Nhưng gặp đoàn của Phật giáo đang làm việc trong đấy và được hướng dẫn tận tình nên nhanh chóng bắt kịp công việc cần làm trong bệnh viện.
“Khi thấy bệnh nhân rất cần mình giúp đỡ thì mình hết biết sợ là gì luôn, mình lao vào làm việc. Mình thật chân tình như người thân của bệnh nhân để họ cảm thấy gần gũi, không bị cô đơn, thể hiện cá tâm của mình với người bệnh để họ yên tâm. Mình cũng đặt trường hợp của mình vào trường hợp của bệnh nhân để mình hiểu họ. Tức là mình nói rằng trước khi mình vô bệnh viện phục vụ thì đã trải qua đau thương, gia đình mình cũng có người mất vì COVID-19. Nên mình cảm thông được nỗi đau của họ thì họ mới mở lòng ra với mình”, sơ Đỗ Hoàng Oanh bộc bạch.
Khi làm việc tại Khoa 6A, sơ Đỗ Hoàng Oanh cho biết nhiều bệnh nhân mới đầu vào không hợp tác với bác sĩ và nhân viên phục vụ. Họ không chịu ăn mà chỉ muốn chết nên tình nguyện viên đã nỗ lực thuyết phục rằng tất cả mọi người đều nỗ lực để sống, một tia hy vọng thôi cũng cố gắng giành lại sự sống, không nên nghĩ đến cái chết. Với sự kiên trì thuyết phục để bệnh nhân coi tình nguyện viên như người thân, thì bệnh nhân mới dần chấp nhận cho thực hiện vệ sinh cá nhân, giúp đỡ khi cần thiết…
“Có bệnh nhân hôm nay mình đang chăm sóc họ, ngày mai không thấy họ đâu nữa, hỏi ra mới biết họ đã qua đời hồi đêm. Mình rất là buồn và không hiểu vì sao mà người ta đi nhanh như vậy. Cũng có nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh đã cảm ơn tình nguyện viên đã được sự động viên kịp thời nên họ đã lấy lại được tinh thần để hợp tác chữa bệnh và mình rất mừng khi họ khỏi bệnh xuất viện”, sơ Đỗ Hoàng Oanh xúc động chia sẻ.
Đoàn kết chống dịch
Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ, Chánh Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam cho biết, qua chuyến đi này của các tình nguyện viên mang lại sự gắn kết, ít có hình ảnh nào mà các ni và các sơ ngồi nói chuyện với nhau như người trong nhà. Con tim trở về một nhịp cùng chăm sóc bệnh nhân và cùng chăm sóc nhau khi có người bị bệnh.
“Tôi rất hãnh diện khi thấy sự gắn kết giữa các sơ và các ni, trong tình thương chúng ta không sợ gì. Nếu đây là một chuyến đi học tập, người ta không dùng chữ tốt nghiệp là dùng từ ra trường. Hy vọng trong những ngày tới, chúng ta đem những hiểu biết của mình từ thực tế trong quá trình làm tình nguyện viên để giúp đời, giúp cho những ai chưa ý thức được biết ý thức hơn để gìn giữ sự sống, gìn giữ cho thành phố và cả đất nước. Nếu ai cũng lơ là, chểnh mảng thì lực lượng y tế và rất nhiều người sẽ kiệt sức”, linh mục Đào Nguyên Vũ cho biết.
Trong giai đoạn dịch vừa qua số lượng bệnh nhân quá đông, thành ra hệ thống y tế quá tải. Có những thời điểm đỉnh điểm, toàn bộ lực lượng y tế của thành phố phải tham gia điều trị bệnh nhân nhưng vẫn không đủ nên phải nhờ chi viện của Trung ương nhưng vẫn không đủ. Tại vì bệnh nhân quá nhiều thành ra vai trò của các tình nguyện viên nói chung (các tôn giáo, người dân, những người khỏi bệnh) tham gia vào công tác chăm sóc người bệnh là vấn đề cực kỳ quan trọng, giúp rất nhiều cho sự thành công của điều trị.
Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Vĩnh Châu nói: “Những tình nguyện viên tôn giáo, bên cạnh chăm sóc thân thể cho người bệnh thì chăm sóc tinh thần, chăm sóc tâm lý rất quan trọng. Sẽ tạo niềm tin, niềm an ủi rất lớn. Khi bệnh nhân có tâm lý ổn định, không lo lắng thì khả năng tự cơ thể họ hồi phục tốt hơn. Thành ra sự chung tay đóng góp của các tình nguyện viên của các tôn giáo đều rất ý nghĩa, giúp cho toàn thành phố vượt qua trận dịch chưa từng có tiền lệ. Tôi cũng hy vọng rằng trong thời gian tới, ngành y tế tiếp tục nhận được sự chung tay của các tình nguyện viên tôn giáo trong việc chăm lo cho sức khỏe và tinh thần của người bệnh”.
Sự tham gia của tình nguyện viên các tôn giáo thời gian qua với tinh thần bác ái, mang sự yêu thương đến với công việc của mình. Từng giây từng phút đã thể hiện được trách nhiệm bằng tình thương và tình thương đó chuyển hóa thành điều kỳ diệu đối với nhiều bệnh nhân COVID-19.
“Ngoài việc điều trị bằng thuốc, thì điều trị bằng tình yêu thương, bằng tinh thần là rất quan trọng đối với bệnh nhân COVID-19, lúc đó bệnh nhân mới vững vàng vượt qua bệnh tật. Tình nguyện viên đã thay mặt cho người nhà bệnh nhân hết lòng hết sức chăm sóc, động viên tinh thần cho bệnh nhân... Những đóng góp của các tình nguyện viên trong công tác phòng chống dịch là rất đáng trân trọng”, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hồ Chí Minh Phan Kiều Thanh Hương cho biết.
Với việc làm đầy ý nghĩa của các cơ sở tôn giáo đã góp phần rất lớn cùng cả nước phòng chống dịch, tiếp thêm sức mạnh cho tuyến đầu và không để ai bị bỏ lại phía sau, cùng nhau chia sẻ yêu thương, mong dịch bệnh sớm qua.