Trái phiếu hay trái… đắng?

Thứ Hai, 27/02/2023, 23:17

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ đang được trình Chính phủ để thông qua. Điều này được cho là để gỡ khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản đang lâm vào hoàn cảnh bết bát chưa từng thấy.

Vật vã với trái phiếu đến hạn

Thời gian qua nhiều nhà đầu tư đã phải ngậm đắng nuốt cay khi đầu tư các loại trái phiếu song đến hạn không được nhà phát hành thanh toán hoặc chậm thanh toán. Thậm chí nhiều nhà đầu tư đã lâm vào cảnh gieo neo khi trót lỡ đầu tư hết tiền của vào thứ tài sản mà họ không hề hiểu rõ.

Trái phiếu hay trái… đắng? -0
Nhiều nhà đầu tư khốn khổ khi mua trái phiếu thời gian qua.

Chị Hoa (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) kể lại, vợ chồng chị tích cóp được một khoản tiền, cộng với hai bên nội ngoại cho vay thêm, dự định để xây nhà nhưng đã quyết định dùng tiền đó đầu tư. Một người bạn của chị đang làm việc tại Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã rủ chị mua trái phiếu ở đây với lãi suất cao hơn lãi suất ngân hàng khoảng 3-4%.

Tháng 4/2022 Chủ tịch hội đồng quản trị tập đoàn Tân Hoàng Minh là ông Đỗ Anh Dũng bị bắt. Điều này đồng nghĩa với việc số trái phiếu của chị Hoa đã bị "giam" vô thời hạn. Chị Hoa cùng hàng trăm người mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh tập hợp để đòi quyền lợi. Song đại diện tập đoàn này giải thích rằng hàng ngàn tỷ đồng đã bị cơ quan công an phong tỏa nên họ chỉ biết chờ đợi và hy vọng.

Một trường hợp cũng khốn khổ không kém là trường hợp của bà Nền, một nông dân trú tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Bà Nền kể lại. Mấy năm trước bà được nhà nước đền bù đất cộng với tiền bán một phần mảnh đất của cha ông, bà có được số tiền hơn 1 tỷ đồng để gửi tiết kiệm hàng tháng, lấy lãi chi tiêu sinh hoạt. Đầu năm 2022 số tiền này đến hạn tất toán, bà định tiếp tục gửi kỳ hạn một năm song nữ nhân viên ngân hàng đã tư vấn bà nên chuyển sang một hình thức đầu tư khác là mua trái phiếu của một doanh nghiệp địa ốc.

Nhân viên này nói rằng mua trái phiếu cũng giống như gửi tiết kiệm, đã thế lại có thể thanh toán linh hoạt và có lãi suất cao hơn gần gấp đôi. Tin tưởng, bà Nền đã mua hết số tiền kia. Tuy nhiên thời hạn thanh toán gốc và lãi đã qua lâu, song bà Nền chỉ nhận được những thông báo: "Do tình hình thanh khoản khó khăn nên doanh nghiệp xin gia hạn trái phiếu...".

Trái phiếu hay trái… đắng? -0
Người mua trái phiếu liên kết để đòi nợ doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Chị Phương Dung (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cũng lâm vào tình trạng khốn khổ vì trái phiếu. Chị cho biết hai vợ chồng có 1 tỷ đồng gửi tiết kiệm. Đáo hạn ngân hàng, chị ra gửi lại thì được nhân viên tư vấn mua trái phiếu lãi suất hấp dẫn với cam kết mua lại bất cứ khi nào. Ai ngờ, doanh nghiệp chị mua không còn khả năng thanh toán mà yêu cầu chị chuyển đổi sang bất động sản hoặc tiếp tục nắm giữ trái phiếu cho đến khi doanh nghiệp có thể thanh toán. Để có thể đổi sang được bất động sản chị phải bù thêm 5-7 tỷ đồng tùy từng diện tích từ 80-90m2 đất. Chị Dung than thở: “Tôi biết lấy đâu ra tiền để bù vào. Với lại việc đổi sang bất động sản đằng nào cũng thiệt cho nhà đầu tư. Tiền mình bỏ ra nhưng quyết định lại không phải của mình. Đâu phải ai cũng có nhu cầu mua nhà và muốn đổi bất động sản. Trong khi đó nhiều dự án bất động sản pháp lý chưa rõ ràng”.

Trên các trang mạng xã hội, những group liên quan đến “oan gia trái phiếu” mọc lên như nấm. Các dòng trạng thái, các chủ đề đều tập trung vào nỗi bức xúc của người mua trái phiếu về việc họ không được thanh toán lãi và gốc trái phiếu đúng kỳ hạn. Họ tập hợp lại với nhau bàn cách lấy lại số tiền mồ hôi nước mắt của họ. Thậm chí họ còn rủ nhau xuống đường đeo băng rôn khẩu hiệu yêu cầu các doanh nghiệp phát hành trái phiếu và bên bảo lãnh phải có biện pháp kịp thời để trả lại tiền cho họ.

Nghị định ra đời chưa bao lâu đã phải sửa

Thực ra "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp đã được nhiều chuyên gia kinh tế cũng như cơ quan quản lý nhà nước nhìn ra từ thời điểm năm 2020-2021. Thời điểm đó do sự bùng phát nóng của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không đúng quy định và đặc biệt nhiều người dân vì thiếu hiểu biết, vì hám lợi mà đầu tư vào trái phiếu. Thêm vào đó là một số ngân hàng, công ty chứng khoán cũng dường như khuyến khích để người dân chuyển từ tiền tiết kiệm sang mua trái phiếu mà không nói rõ cho họ biết về những nguy cơ rủi ro khi đầu tư vào loại tài sản này.

Trái phiếu hay trái… đắng? -0
Hoán đổi trái phiếu sang sản phẩm bất động sản được kỳ vọng là lối thoát cho doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu.

Cũng chính vì thế, tháng 9/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP với những nội dung được nhiều chuyên gia cũng như tổ chức quốc tế đồng tình, nhằm làm lành mạnh hóa thị trường trái phiếu cũng như thị trường vốn nói chung. Trong đó có một số điểm chính như nhà đầu tư trái phiếu phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp có số vốn khoảng hai trên 2 tỷ đồng; các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm...

Tuy nhiên sau khi Nghị định ban hành, liên tiếp xuất hiện những khó khăn của thị trường tiền tệ và một số vụ việc xử lý hình sự đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu, dẫn đến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong phát hành, cân đối nguồn lực để thanh toán trái phiếu đến hạn và huy động vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

Trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tài chính cho biết, trong 358 doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ năm 2022, có 57 công ty kinh doanh thua lỗ trước khi phát hành, 45 đơn vị có tỷ lệ đòn bẩy nợ hơn 10 lần, 10 doanh nghiệp có khối lượng phát hành trái phiếu gấp hơn 5 lần vốn chủ sở hữu. Trong nhóm 20 doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn nhất, nhiều doanh nghiệp có tỷ lệ khối lượng phát hành trên vốn chủ sở hữu gấp nhiều lần, thậm chí vài chục lần.

Còn theo số liệu của FiinGroup đã có 12 doanh nghiệp trong ngành bất động sản và năng lượng có tên trong danh sách công bố vi phạm nghĩa vụ nợ. Tổng khối lượng trái phiếu đến hạn thanh toán trong giai đoạn 2023 - 2024 vào khoảng 600 nghìn tỷ đồng. Hiện nhiều công ty phát hành đang thương lượng với khách hàng về việc chậm trả nợ lãi, gốc và đổi trái phiếu sang bất động sản hay tài sản khác.

Để gỡ khó cho các doanh nghiệp bất động sản, Bộ Tài chính đã có báo cáo Chính phủ đề xuất ngưng thực hiện Nghị định 65 và xem xét sửa đổi bổ sung hai điểm chính như sau:

Đối với quy định về việc xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân: Ngưng thực hiện đến hết ngày 31/12/2023, từ ngày 01/1/2024 sẽ tiếp tục thực hiện các quy định này. Đối với quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc: Ngưng thực hiện quy định về bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đến hết ngày 31/12/2023; từ ngày 01/1/2024 sẽ thực hiện quy định này. Đối với trái phiếu doanh nghiệp chào bán ra công chúng, vẫn thực hiện theo lộ trình tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP, phải xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023. Ngoài ra, dự thảo cũng đề xuất cho phép các trái phiếu phát hành trước đây còn dư nợ được gia hạn với thời gian tối đa 2 năm...

"Cứu" doanh nghiệp, nhưng đừng quên dân

Bình luận về dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 65, nhà đầu tư Nguyễn Long chưa thực sự đồng tình. "Không phải ngẫu nhiên mà Nhà nước phải ban hành Nghị định 65 về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ. Bởi nhà đầu tư cá nhân đa phần đều thiếu kiến thức, kinh nghiệm trong việc đầu tư những sản phẩm có độ rủi ro cao như cổ phiếu, trái phiếu. Cũng chính vì thế mà doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải được xếp hạng tín nhiệm, nhằm minh bạch hóa, cũng như để các nhà đầu tư có thể chọn mặt gửi vàng.

Còn vấn đề gia hạn thanh toán, mặc dù Dự thảo "bổ sung quy định trường hợp đàm phán thay đổi điều kiện, điều khoản của trái phiếu (trong đó có kỳ hạn trái phiếu) có nhà đầu tư không chấp nhận thì doanh nghiệp phải thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu cho các nhà đầu tư này" song trên thực tế nhiều nhà phát hành đã đơn phương gia hạn mà không cần sự đồng ý của trái chủ. Trái chủ muốn đàm phán cũng không dễ.

Về phương án chuyển đổi trái phiếu sang bất động sản, một chuyên gia về bất động sản chia sẻ. Dưới góc độ pháp lý, hình thức “hàng đổi hàng” này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư vì các sản phẩm bất động sản này hầu hết đều là tài sản hình thành trong tương lai. Về hồ sơ pháp lý, nhiều dự án bất động sản hiện nay chưa có hợp đồng mua bán  ràng buộc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên, được “hợp thức hóa” bằng hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư… Bởi vậy, nếu có tranh chấp, rủi ro nhà đầu tư có thể “mất trắng” khi các hợp đồng này vô hiệu. Nghĩa là người mua trái phiếu có nguy cơ chuyển từ rủi ro trái phiếu sang một tài sản rủi ro khác. Bên cạnh đó, do không có nhu cầu từ đầu nên họ sẽ bán các tài sản đó và vô hình trung họ trở thành nhân viên bán hàng cho chính con nợ của mình.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho biết, trái phiếu là kênh dẫn vốn, cung cấp vốn trung và dài hạn rất quan trọng với nền kinh tế. Nếu biết sử dụng một cách thông minh, minh bạch, có định hướng... thì có thể thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên thời gian qua trái phiếu đã phát triển hết sức "bát nháo", gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế và hàng ngàn hàng vạn trái chủ.

Việc Bộ Tài chính trình dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định 65 cũng là việc "chẳng đặng đừng", vì rõ ràng nó đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các kênh dẫn vốn, cũng như uy tín của doanh nghiệp phát hành, doanh nghiệp bảo lãnh. Các điều khoản bổ sung, sửa đổi hiện nay đều nghiêng về việc gỡ khó cho đoanh nghiệp, song không vì thế mà được quên đi quyền lợi của trái chủ.

"Đã đành các nhà đầu tư không chuyên phải chịu trách nhiệm với quyết định phiêu lưu của mình, song rõ ràng họ đã trao tài sản, niềm tin cho các doanh nghiệp, thì cũng cần được nhận lại sự ứng xử hợp lý, hợp tình. Nhà nước cần phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân".

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI – trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam khẳng định việc cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu không quá hai năm là một giải pháp tình thế gỡ vướng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên Luật chứng khoán không quy định như vậy.

Trong lúc khó khăn của thị trường trái phiếu, Nhà nước khuyến khích doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư trái phiếu kéo dài kỳ hạn lúc này là tốt nhưng không thể bắt buộc được. Việc kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu lúc này sẽ giảm căng thẳng thị trường, giúp doanh nghiệp có khả năng tồn tại và trả nợ. Còn việc doanh nghiệp phát hành TPDN và nhà đầu tư trái phiếu thỏa thuận thế nào là quyền của họ. Thỏa thuận mua trái phiếu là thỏa thuận của cá nhân nhà đầu tư chứ không phải thỏa thuận tập thể.

Tiến sĩ Ngô Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, đầu tư vào trái phiếu của doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo mang rủi ro rất lớn. Các nhà đầu tư cá nhân khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp nên chọn mặt gửi vàng. Các doanh nghiệp có báo cáo tài chính minh bạch, có kiểm toán độc lập thì nhà đầu tư có thể xem xét đầu tư.

Mặt khác, ông Hiếu cũng khuyến cáo nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp không chỉ đặt mục tiêu lãi suất cao ở hiện tại mà phải tìm "lối thoát" cho những năm sắp tới. Đối với nhà quản lý giải pháp quan trọng để bảo vệ nhà đầu tư chính là việc xếp hạng tín nhiệm đồng thời phải sử dụng nó như một công cụ bắt buộc.

Yên Chi
.
.