Tranh cãi Mỹ - Hàn Quốc trong lĩnh vực xe điện

Thứ Hai, 03/10/2022, 11:45

Mỹ và Hàn Quốc đang trong thế khó xử liên quan đến các quy định mới của Mỹ ủng hộ xe điện và pin sản xuất tại Bắc Mỹ. Đây là một vấn đề có nguy cơ làm phức tạp mối quan hệ hợp tác kinh tế và an ninh giữa các đồng minh thân cận.

Tranh cãi này bắt nguồn từ các điều khoản trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) do Tổng thống Mỹ Joe Biden ký vào tháng 8-2022, bao gồm các khoản tín dụng thuế lên tới 7.500 USD cho việc mua xe điện sản xuất tại Bắc Mỹ. Điều đó có thể gây bất lợi cho các thương hiệu lớn của Hàn Quốc như Hyundai và Kia, những công ty không có nhà máy EV hoạt động ở Mỹ.

 “Cú đâm sau lưng”

Kwon Oh-hwan, nhà tổ chức lao động của Hyundai Motor trong hơn một thập kỷ, phát biểu với trang “Rest of World” rằng công ty của ông đã chịu “cú đâm sau lưng” do bộ luật mới đây của Mỹ.

Tranh cãi Mỹ - Hàn Quốc trong lĩnh vực xe điện -0
Xe điện của các nhà sản xuất Hàn Quốc gặp bất lợi sau khi Mỹ ban hành ưu đãi tín dụng thuế cho xe sản xuất tại Bắc Mỹ.

Vào tháng 5-2022, Hyundai, nhà sản xuất ô tô lớn nhất của Hàn Quốc, tuyên bố sẽ đầu tư hơn 10 tỷ USD vào Mỹ vào năm 2025, bao gồm cả sản xuất xe điện và pin mới. Công ty quảng cáo rằng khoản đầu tư này là chìa khóa để đảm bảo thành công trong tương lai và phản ánh mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển của Hàn Quốc với Mỹ. Năm nay, Hyundai và thương hiệu liên kết Kia đã tăng hạng để trở thành nhà sản xuất ô tô thứ hai sau Tesla về số lượng xe điện bán ra ở Mỹ.

Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô Hàn Quốc vô cùng “choáng váng” khi Mỹ hồi tháng 8-2022 thông báo rằng Đạo luật IRA sẽ loại trừ Hyundai và Kia khỏi khoản tín dụng thuế 7.500 USD mới đối với xe điện. Các khoản tín dụng này được cung cấp cho xe điện được lắp ráp ở Bắc Mỹ. Bởi Hyundai và Kia lắp ráp xe của họ ở Hàn Quốc nên họ sẽ không đủ điều kiện nhận khoản tín dụng. Điều đó sẽ khiến họ gặp bất lợi đáng kể trên thị trường Mỹ.

Tại cuộc họp báo của Liên đoàn Công đoàn Hàn Quốc được tổ chức ở Seoul hôm 19-9, Kwon đã kêu gọi chính phủ Hàn Quốc tìm giải pháp, nói rằng Hàn Quốc “không thể bị tác động bởi các biện pháp bảo hộ của chính quyền Biden”.

Nhiệm vụ khó khăn của ông Yoon Suk-yeol

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đang chịu áp lực phải giành được một số lợi ích cho các nhà sản xuất ô tô, vào thời điểm đất nước của ông bị bủa vây bởi tăng trưởng thấp, lạm phát cao và đồng tiền trượt giá. Yonhap News đưa tin ngày 21-9, ông có cuộc trao đổi ngắn với Biden bên lề một sự kiện gây quỹ tại Mỹ.

Theo bản tin, văn phòng của Tổng thống Hàn Quốc cho biết ông Yoon đã giải thích những mối quan ngại của ngành và hy vọng Mỹ sẽ "hợp tác chặt chẽ" để giải quyết chúng. Tổng thống Biden trả lời rằng Mỹ đã "nhận thức rõ", và hai nước nên tiếp tục tổ chức "các cuộc tham vấn nghiêm túc”.

Phe đối lập và giới truyền thông đã chỉ trích Tổng thống Yoon, nhậm chức vào tháng 5-2022, là người không có kinh nghiệm chính trị trước khi trở thành tổng thống và không chuẩn bị tốt cho chức vụ lãnh đạo cũng như không truyền đạt rõ ràng định hướng chính sách.

Giờ đây, ông phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là thuyết phục chính quyền Biden từ bỏ các biện pháp nhằm bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ. Khi IRA được thông qua vào tháng 8-2022, Nhà Trắng đã đưa ra một lời giải thích trong đó mô tả Biden là "Tổng thống ủng hộ công nhân, ủng hộ công đoàn nhất trong lịch sử", vì luật này sẽ "thúc đẩy tìm nguồn cung ứng và việc làm ở Mỹ”.

Mong muốn tìm nguồn cung ứng trong nước như vậy xung đột trực tiếp với mối quan hệ thương mại Mỹ-Hàn. Hiệp định thương mại tự do Mỹ-Hàn có hiệu lực vào năm 2012. Và năm ngoái, hai bên đã đạt kim ngạch thương mại trị giá 194,5 tỷ USD, đưa Hàn Quốc trở thành đối tác thương mại lớn thứ 7 của Mỹ trong khi Mỹ là đối tác lớn thứ hai của Hàn Quốc sau Trung Quốc.

Hàn Quốc phụ thuộc lớn vào xuất khẩu, điều này có nghĩa là “vận may” của các nhà xuất khẩu lớn, như Hyundai và Samsung, là chìa khóa cho “vận may” chung của nền kinh tế. Geoffrey Cain, thành viên cấp cao về các công nghệ mới nổi tại Lincoln Network, một tổ chức phi lợi nhuận về công nghệ tại Mỹ, nói với trang “Rest of World” rằng: “Vấn đề nan giải nhất của Hàn Quốc là các ngành công nghệ cao của nước này không thể tự phát triển. Thị trường tiêu dùng của Hàn Quốc quá nhỏ và dân số đang giảm. Đối với các công ty Hàn Quốc, họ đang đặt ra những câu hỏi về việc liệu họ có thể thực sự tin tưởng vào Mỹ hay không. Thành công luôn nằm ở khả năng tiếp cận thuận lợi với các thị trường lớn, nước ngoài như Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), và giờ điều này càng trở nên cấp thiết hơn với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và những thay đổi quy mô lớn trong địa chính trị”.

Phát biểu với trang “Rest of World”, Suh Jeongmeen, phó giáo sư tại Khoa Thương mại toàn cầu tại Đại học Soongsil, cho rằng với việc IRA đã “an bài”, ông Yoon phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn trong cuộc đàm phán với Biden để tìm kiếm các biện pháp cụ thể như miễn trừ một phần cho các công ty Hàn Quốc.

Mới đây, bên lề chuyến thăm Nhật Bản ngày 27-9, Phó thủ tướng Mỹ Kamala Harris đã gặp gỡ Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck-soo. Bà Harris nói với ông Han Duck-soo rằng, Washington sẽ làm việc để giải quyết những lo ngại của Seoul về các khoản trợ cấp cho xe điện được ban hành gần đây có thể gây bất lợi cho các nhà sản xuất ô tô châu Á. Nhà Trắng cho biết bà Harris nhấn mạnh rằng bà hiểu rõ những quan ngại của Hàn Quốc về các ưu đãi tín dụng của IRA đối với xe điện và Mỹ cam kết sẽ tiếp tục tham vấn khi luật được thực thi.

Hiện có nhiều tiếng nói tại Hàn Quốc kêu gọi Tổng thống Yoon đa dạng hóa thị trường khỏi Mỹ và xây dựng các mối quan hệ thương mại khác. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng với việc Mỹ vẫn là thị trường ô tô quan trọng nhất thế giới, các công ty Hàn Quốc không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cố gắng trước những thách thức mà IRA đưa ra.

Bích Vân (Tổng hợp)
.
.