Tranh Hàng Trống kể chuyện

Thứ Hai, 25/03/2024, 13:58

Lần đầu tiên, hơn 40 bức tranh thuộc 10 bộ truyện tranh dân gian Hàng Trống có tuổi đời 100 năm ra mắt công chúng tại Bảo tàng Phụ nữ. Họa sĩ phan Ngọc Khuê - người sở hữu bộ tranh này muốn chia sẻ với công chúng kho tàng tranh dân gian quý giá của ông cha để lại. “Đáng tiếc, một dòng tranh mang đậm bản sắc của văn hóa dân tộc đang có nguy cơ mai một”, ông nói.

Chuyện ngày xưa, chuyện ngày nay

Bộ tranh này hoạ sĩ Phan Ngọc Khuê được bà chủ hiệu tranh Thanh Anh - một hiệu tranh danh tiếng ở Hà Nội vào những năm đầu thế kỷ XX tặng, đến nay đã có tuổi đời hơn 100 năm. Mỗi bộ truyện gồm 4 bức thể hiện sinh động những câu chuyện trong kho tàng truyện Nôm Việt Nam, nổi bật trong đó là những truyện tranh thể hiện câu chuyện người phụ nữ vươn lên thoát khỏi sự khắc nghiệt của số phận, để làm nên hình tượng người phụ nữ mưu trí, trung hiếu. Đó là những truyện “Thủy hử”, “Sơn hậu”, “Tam quốc”, “Chiêu Quân cống Hồ”, “Nhị Độ Mai”...

các s%3fn ph%3fm v%3fi h%3fa ti%3ft t%3f tranh hàng tr%3fng dã du%3fc nhóm s-river th%3fc hi%3fn.jpg -0
Các sản phẩm với họa tiết từ tranh Hàng Trống đã được nhóm S-River thực hiện.

Tranh dân gian Hàng Trống ra đời vào khoảng thế kỷ thứ XVI. Thời kỳ được cho là hoàng kim của dòng tranh này là vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau đó suy tàn vào nửa cuối thế kỷ XX. Tranh dân gian Hàng Trống là thú chơi tao nhã, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Hà Thành xưa. Chủ đề của tranh Hàng Trống rất đa dạng và phong phú nhưng chủ yếu là hai đề tài chính: tranh thờ và tranh Tết. Tuy nhiên, theo thời gian xuất hiện thêm nhóm tranh thứ 3 là tranh thế sự. Riêng tranh truyện Hàng Trống được vẽ theo các tích truyện cổ như: “Chiến quốc”, “Sơn hậu”, “Tam quốc”, “Hán Sở tranh hùng”, “Chiêu Quân cống Hồ”...

Theo họa sĩ Phan Ngọc Khuê, điểm nhấn của những bức tranh trong bộ sưu tập “Tranh truyện Hàng Trống” của ông chính là giá trị thẩm mỹ, sự tinh tế của kỹ thuật in khắc gỗ, kỹ thuật pha màu và đặc biệt là sự kết tinh giá trị nhân văn và bản sắc văn hóa độc đáo của người Kinh kỳ xưa. Những nét khắc của tranh Hàng Trống từ lâu đã được đánh giá cao cả về kỹ thuật cũng như chất lượng, đường nét của tranh rất mềm mại và tinh xảo. Tranh Hàng Trống sử dụng kỹ thuật nửa in nửa vẽ, tranh chỉ in ván nét, lấy hình, còn màu được tô theo kỹ thuật vờn màu. Tranh chỉ có một bản đen đầu tiên, sau khi in thì tranh được tô màu bằng tay. Từ các bản khắc gỗ, những bức tranh đã được in ra bằng mực Tàu mài nguyên chất. Do cách tô màu bằng tay cho nên tranh Hàng Trống có đặc điểm mỗi tờ tranh đều có nét sáng tạo riêng, uyển chuyển, độc đáo.

hoa si phan ng%3fc khuê t%3fi tri%3fn lãm.jpg -1
Họa sĩ Phan Ngọc Khuê tại triển lãm.

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê khẳng định: “Đã rất lâu rồi công chúng mới có cơ hội tiếp xúc với dòng tranh truyện Hàng Trống dù nó đã tồn tại cách đây cả 100 năm. Do những biến chuyển của đời sống, chiến tranh, dòng tranh này gần như không được in từ năm 1954. Những tác phẩm lớn như thế này phải đầu tư khá công phu, từ mua ván khắc tranh, phải ghép 2, 3 tấm ván, thợ mộc gia công mài để các tấm ván bằng phẳng, sau đó gia công vẽ, khắc, in tranh và vẽ lại bằng bút. Mỗi bức tranh sẽ có màu đậm, nhạt khác nhau. Thời Pháp thuộc họ cho rằng, tranh của Việt Nam là thứ tranh phiên bản của Trung Quốc nhưng họ đã nhầm lẫn, đó là sáng tạo của người Việt, do các nghệ nhân người Việt làm”.

Ông Khuê cũng giải thích, sở dĩ gọi là tranh Hàng Trống vì ngày xưa, trước năm 1945, ở đó là chợ tranh, người khắp nơi đổ về đó buôn bán. Nhiều nghệ nhân cùng vẽ, mỗi tác phẩm là một màu sắc nhưng cùng thống nhất một phong cách của tranh Hàng Trống, khắc nét, in tranh và vẽ bằng bút. “Điều đó nói lên sức sống của nền văn hóa dân tộc, của một kinh thành Thăng Long- nơi hội tụ của văn hóa và sự lan tỏa các giá trị văn hóa ra các vùng xung quanh”. Họa sĩ Phan Ngọc Khuê khẳng định. 

Họa sĩ Phan Ngọc Khuê trao tặng Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ”. Bộ tranh “Chiêu Quân cống Hồ” là một trong những tác phẩm có giá trị xã hội rất lớn. Các nhân vật nữ được thể hiện trong bộ tranh đều là những bậc nữ nhi anh kiệt, những tấm gương trung, hiếu, tiết, nghĩa giúp giáo dục về những nhân cách đẹp mà trong xã hội nào cũng cần bồi đắp, xây dựng cho người đương đại", họa sĩ Phan Ngọc Khuê nói. Ông mong muốn, di sản quý giá của ông cha sẽ được giới thiệu sâu rộng đến công chúng và làm thế nào để bảo vệ dòng tranh này trước nguy cơ thất truyền.

Nối dài đời sống của tranh Hàng Trống

Làm thế nào để bảo vệ một di sản quý giá của ông cha trước nguy cơ thất truyền? Đó là một câu hỏi không chỉ của họa sĩ Phan Ngọc Khuê mà với tất cả những người yêu văn hóa Hà Nội. Nhiều cuộc hội thảo đã được bàn luận, nhiều dự án được triển khai, nhưng có lẽ, điều cốt lõi nhất vẫn là câu chuyện, làm thế nào để một di sản có từ hàng trăm năm trước hiện diện trong đời sống đương đại. Nghệ nhân Lê Đình Nghiên có lẽ là người cuối cùng còn lại của dòng tranh Hàng Trống. Theo nghề truyền thống của gia đình từ lúc nhỏ, 60 năm đã qua, chỉ còn lại ông là người duy nhất am tường và có thể làm được từ đầu đến cuối mọi công đoạn của một bức tranh dân gian Hàng Trống.

b%3f tranh ch%3fn qu%3fc.jpg -0
Bộ tranh “Chiến quốc”.

Trước sự mai một, nguy cơ thất truyền và những thách thức, khó khăn của các dòng tranh dân gian trong đời sống đương đại hiện nay, nhiều hoạt động khôi phục, bảo tồn của các đơn vị, cá nhân tâm huyết đã được triển khai trong những năm gần đây, góp phần tôn vinh giá trị và đưa tranh dân gian Hàng Trống đến gần hơn với công chúng.

Hoạt động quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị tranh dân gian Hàng Trống lâu nay cũng được lãnh đạo chính quyền quận Hoàn Kiếm đặc biệt quan tâm, chỉ đạo các ban ngành, phường Hàng Trống vào cuộc. Rất nhiều các hoạt động được triển khai tổ chức thực hiện, trong đó có hoạt động quảng bá, khôi phục dòng tranh dân gian Hàng Trống gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa đình Nam Hương.

Đó là triển lãm của các họa sĩ trẻ “Từ truyền thống đến truyền thống”; Triển lãm “Hổ dạo phố”; Triển lãm “Cõi Tiên”… lấy cảm hứng từ tranh Hàng Trống được trưng bày tại đình Nam Hương thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng. Với cảm hứng từ họa tiết tranh hàng trống, các họa sĩ trẻ dã có những sáng tạo mới, trên chất liệu cũng từ truyền thống là lụa, mang đến cho người xem những cảm xúc mới mẻ, hấp dẫn.

b%3f tranh hán s%3f tranh hùng.jpg -0
Bộ tranh “Hán sở tranh hùng”.

Với gợi ý của chính quyền phường Hàng Trống và sự cố vấn trực tiếp của nghệ nhân Lê Đình Nghiên, chủ đầu tư dịch vụ khách sạn L’Hotel du LAC Hanoi tại 35 Hàng Trống đã lấy cảm hứng chính từ những mảng màu rực rỡ và ý nghĩa văn hóa tốt đẹp của tranh Hàng Trống để thiết kế lên không gian nội thất truyền thống kết hợp với hiện đại, thu hút nhiều sự quan tâm của du khách trong và ngoài nước khi lưu trú tại khách sạn. Thông qua đó, họ ít nhiều đã biết sự tồn tại của một dòng tranh dân gian mang tên Hàng Trống.

Ngoài ra còn có các dự án của những nghệ sĩ trẻ yêu mến dòng tranh dân gian và muốn phát triển nó trong dòng chảy của đời sống đương đại. “Họa Sắc Việt” là một dự án của nhóm S-River, ra đời với mục đích cung cấp cho ngành thiết kế Việt Nam một kho nguyên liệu về họa tiết và màu sắc truyền thống. Các dữ liệu dân gian được số hóa thành bảng mã màu, file vector họa tiết cùng hướng dẫn kết hợp màu sắc và cách ứng dụng trên các thiết kế đương đại. Sản phẩm đầu tiên của dự án là cuốn sách “Họa sắc Việt từ tranh Hàng Trống”; dành cho ngành thiết kế, mỹ thuật và những người yêu mến văn hóa dân gian Việt Nam. Ý tưởng kết nối những giá trị truyền thống của tranh dân gian Hàng Trống với thiết bị số, cùng hướng dẫn màu sắc và các ứng dụng trên thiết kế đồ họa, thời trang, nội thất và thủ công mỹ nghệ là cách nối dài đời sống cho dòng tranh truyền thống của cha ông.

Bên cạnh đó, nghệ nhân Lê Đình Nghiên cũng đang truyền bí quyết của nghề làm tranh và lòng yêu nghề cho người con trai là anh Lê Hoàn. Tuy nhiên, nghệ nhân Lê Hoàn còn trẻ. Và để tồn tại với dòng tranh này trong cuộc mưu sinh không hề đơn giản. Để dòng tranh dân gian Hàng Trống được bảo tồn và trao truyền đúng cách cần phải có một giải pháp đồng bộ, như họa sĩ Phan Ngọc Khuê chia sẻ: “Cần sự vào cuộc của nhà nước để có chính sách hỗ trợ tích cực bảo tồn di sản này”.

Linh Nguyễn
.
.