Trào lưu "lướt sóng" chứng khoán, tiền kỹ thuật số

Thứ Hai, 23/05/2022, 21:12

Trái ngược với giai đoạn thăng hoa vào giữa và cuối năm 2021, từ đầu năm 2022 cho đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam liên tục chao đảo bởi những đợt giảm điểm kỷ lục. Điều này đã khiến cho rất nhiều nhà đầu tư F0 cũng như hệ "lướt sóng" bị thua lỗ nặng nề. Nhẹ thì "bay" hết lãi của năm 2020-2021, nặng thì "cháy rụi" tài khoản, nợ nần chồng chất. Có người đã không giữ được bình tĩnh, chọn giải pháp tiêu cực...

Bài 1: Mùa xuân khốn khổ của các "chứng sĩ"

Bốc hơi hơn 2 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng

"Choáng váng", "tan nát", "vỡ trận", "thảm khốc", "tắm máu"... đó là những cụm từ mà nhiều nhà đầu tư phải thốt lên vào những ngày đầu tháng 5 vừa qua.

"Suốt từ đầu tháng 4 đến nay, tôi không ngày nào là ăn ngon ngủ yên. Cứ 9 giờ sáng là bật bảng điện nhìn các mã cổ phiếu và chỉ số VN-Index mà tim đập chân run. Hôm nào kết phiên chỉ số xanh (tăng) thì đỡ chút lo lắng, song suốt một tháng trời gam màu đỏ là chủ đạo. Cho đến thứ sáu ngày 13-5 vừa qua, VN-Index xuống dưới mốc 1.200 điểm, tôi quyết định bán tất cả, chịu thiệt hại nặng nề. Sau cú này chắc cạch chơi đến già" - Chị Minh Anh, một nhà đầu tư F0 mới tham gia thị trường vào cuối năm ngoái than thở.

Trào lưu
Nhiều nhà đầu tư sững sờ khi thấy tài khoản chứng khoán của mình thua lỗ quá nặng nề thời gian qua.

Còn nhớ khoảng tháng 11-2021, chị còn háo hức bước chân vào thị trường với niềm tin "làm giàu không khó". Nghe một broker (người môi giới chứng khoán) tư vấn, chị rút tiết kiệm số tiền 300 triệu đồng để mua hai mã chứng khoán là NLG và HAG. Ngoài sức tưởng tượng, chỉ sau vài tuần đầu tư, chị đã có lãi đến 20%. Chị tiếp tục xuống tiền mua hết số gốc và lãi, hy vọng "một cái tết ấm no" - như lời broker khuyên. Chẳng dè, bắt đầu từ ngày 10-1-2022 (sau khi ông Trịnh Văn Quyết chủ tịch HĐQT Công ty CP tập đoàn FLC) bán "chui" hơn 70 triệu cổ phiếu thì các mã bất động sản tụt dốc không phanh. Lúc này, tài khoản của chị Minh Anh lỗ khoảng 10%.

Được broker động viên, chị giấu chồng mượn tiền của bố mẹ đẻ để tiếp tục lao vào gỡ, mua thêm một đống hàng đầu cơ khác. Song đến ngày 24-1-2022, thị trường lại giảm sốc thêm một phiên nữa. Khoản lỗ của chị Minh Anh lúc này đã lên đến hơn 20%. Cho đến giáp Tết, chị gỡ lại được một chút nên niềm tin được củng cố. Tranh thủ mấy ngày Tết chị đi vay 3 tỷ đồng để tháng 2-2022 làm lại "ván cờ mới".

Rút kinh nghiệm mấy lần mua trước, lãi đến 20% mà do mua số lượng ít nên không được bao nhiêu, lần này chị Minh Anh xuống tiền mua từ 10 ngàn đến 50 ngàn cổ phiếu cho mỗi mã. "Chỉ cần lãi vài % là số tiền thắng đã lên đến cả trăm triệu đồng"- chị tính vậy. Nhưng số tiền gốc phải bỏ ra cũng không ít. Theo lời khuyên của broker chị Minh Anh chuyển sang tài khoản margin (tài khoản ký quỹ, có thể vay tiền của công ty chứng khoán để mua cổ phiếu) nhằm gia tăng lợi nhuận. Phí vay chỉ khoảng 9-12%/năm, mà có thể vay thêm được 50-70% so với vốn ban đầu.

Trào lưu
Các đợt bán tháo diễn ra thời gian qua khiến rất nhiều mã chứng khoán giảm mạnh.

Sau khi mua hết sạch tài khoản, chị Minh Anh hy vọng lãi được khoảng 5-10% là sẽ chốt lời. Song rủi thay, bắt đầu từ khi cuộc chiến tranh giữa Nga và Ucraina nổ ra, mấy mã cổ phiếu chị mua liên tục giảm. Chị cũng tạm thời cắt lỗ, chịu mất 10% và chuyển sang mua mã khác (đã giảm tương đối nhiều).

Song trái với mong muốn của chị cũng như dự đoán của các broker, suốt từ đầu tháng 4 đến nay thị trường bước vào đợt "downtrend" (xu thế giảm) lịch sử. Tài khoản của chị Minh Anh cứ giảm từng ngày, từ mức hòa vốn đến mức lỗ 10%, 20%... sau vài phiên thị trường đỏ lửa. Lúc này chị muốn bán thì broker khuyên nên giữ, vì giá đã "chiết khấu" quá nhiều rồi, dễ bán đáy.

Nhưng sau đó VNIndex chỉ nhích được một phiên, rồi rơi thẳng một mạch rất nhiều ngày sau đó. Lúc này, mức lỗ của chị Minh Anh đã lên đến 40-60% tùy mã. Và chị đã bị công ty chứng khoán "call margin" (yêu cầu bán bớt cổ phiếu để giữ tài khoản ở mức an toàn). Sau khi bán 1/2 tài khoản, thì vài hôm sau chị tiếp tục được yêu cầu nộp thêm tiền vào nếu không sẽ bắt buộc phải "Force sell" (nghĩa là công ty chứng khoán tự bán cổ phiếu) vì khoản lỗ đã quá lớn. Sau khi đã bán sạch cổ phiếu, thành quả đem lại sau 6 tháng đầu tư chứng khoán của chị là khoản lỗ lên đến hơn 2 tỷ đồng!

 “Cơn sóng thần”

Khoảng một tháng trở lại đây chủ đề xuyên suốt trên các diễn đàn lớn nhỏ về chứng khoán đều chủ yếu là những lời ta thán, kêu khóc, chửi đời, chửi người, chửi mình, chửi thị trường... do thua lỗ quá nặng nề. Các thành viên thay nhau chia sẻ những khoản lỗ từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Cá biệt có tài khoản có số dư hơn 100 tỷ đồng thì đã bị thổi bay đến quá nửa. Chán nản, đau đớn, dằn vặt... là tâm trạng chung của không ít nhà đầu tư, đặc biệt là những người theo hệ "lướt sóng".

"Những nhà đầu tư F0 hầu như đều thiếu kinh nghiệm trong đầu tư, và chỉ muốn "đánh nhanh thắng nhanh". Khi mới vào thị trường ai cũng nói sẽ đầu tư trung, dài hạn (từ 6 tháng đến một vài năm trở lên) song khi cổ phiếu tăng được vài % là nghĩ ngay đến việc chốt lời. Còn khi cổ phiếu giảm, thậm chí giảm mạnh thì lại cố... gồng lỗ cho đến lúc không thể nào chịu nổi nữa thì đành bán ra. 95% nhà đầu tư nhỏ lẻ lâm vào tình cảnh "mua đỉnh bán đáy" là vì thế" - Anh Dương Khải Hoàn, một chuyên gia thuộc Công ty chứng khoán VPS cho biết.

Trào lưu
Chỉ trong vòng hơn một tháng, VN-Index đã mất hơn 20% giá trị.

Trái ngược những lời than khóc ở các diễn đàn, ở các nhóm tư vấn mua bán cổ phiếu trên mạng xã hội thì im ắng hẳn. Chỉ trừ một bộ phận nhỏ broker vẫn "kiên cường" kêu gào nhà đầu tư "bắt đáy" thì đa phần đều "tàng hình". Những lời khuyên mua mã nọ mã kia, hứa hẹn sẽ lãi nhân đôi nhân ba tài khoản... đã bị xóa sạch.

Cơn "sóng thần" kéo dài hơn một tháng qua đã khiến cho không chỉ nhà đầu tư F0 sụp đổ mà ngay cả những nhà đầu tư lâu năm, có kinh nghiệm đầu tư cũng không thoát khỏi cảnh đau đớn khi số tiền gom góp bao năm bay sạch chỉ trong chưa đầy một tháng trời. Trường hợp anh Phạm Hiếu là một ví dụ. Do đã bị thua lỗ lớn thời điểm năm 2008, nên giữa năm 2021 thấy thị trường khởi sắc trở lại, anh Hiếu vẫn rón rén chỉ dám chơi cầm chừng vài trăm triệu.

Nhưng sau khi thấy dòng tiền đổ vào thị trường quá "hung hãn", anh Hiếu lập tức cắm xe ô tô, sổ đỏ mấy mảnh đất quyết tất tay một phen. Quan điểm của anh là không thèm mua mấy mã "penny" (cổ phiếu mệnh giá thấp) hay đầu cơ - anh chỉ mua mấy mã "khỏe" như ngân hàng, chứng khoán, thép... Nhưng rủi thay, mấy mã anh mua gần như cứ đi ngang suốt mấy tháng trời, và cho đến tháng 4-2022 vừa qua thì chịu cảnh bán tháo như thị trường chung.

"Thị trường giảm quá nhanh và mạnh khiến gần như tất cả các nhà đầu tư đều không kịp trở tay. Do có chút kinh nghiệm nên tôi ra quyết định cắt lỗ kịp thời, song cũng bị thiệt hại đến hơn 500 triệu đồng. Đi làm một năm lương được khoảng 120 triệu, giờ chỉ trong một tháng mất hơn 3 năm lương. Có những người bạn tôi vì ham "bắt dao rơi", thấy cổ phiếu giảm vài phiên đã mua thêm để trung bình giá thì đã lỗ lại càng thêm lỗ. Có người đã nghĩ đến những biện pháp rất tiêu cực" - anh Hiếu cay đắng thốt lên.

Theo đa phần các nhà đầu tư thì việc thị trường downtrend như thời gian vừa qua do các nguyên nhân như: tác động của cuộc xung đột Nga- Ucraina; do việc bắt lãnh đạo một số công ty bất động sản, chứng khoán; do FED (Cục Dự trữ liên bang Mỹ) tăng lãi suất, do chính sách Zero COVID ở Trung Quốc, do dòng tiền rút ra chảy vào sản xuất...

Trào lưu
Trên các diễn đàn về chứng khoán, nhiều nhà đầu tư than thở vì tài khoản âm 40-60%.

Một số nhà đầu tư tiêu cực hơn thì đổ cho "cá mập" bắt tay nhau "đánh xuống" để tiêu diệt các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Và họ cũng đổ tại cơ quan chức năng không có những biện pháp kịp thời để "cứu" thị trường. Tuy nhiên, cần nhìn nhận rằng năm 2021 và 2022 thị trường đã tăng rất mạnh. Và theo quy luật, có tăng thì sẽ có giảm, chứ không thể tăng mãi được.

Chung quan điểm này ông Lã Giang Trung - CEO của Passion Investment đã đưa ra nhận định, thị trường chứng khoán đã đi vào downtrend và có thể giảm sâu 30 - 40% từ đỉnh. "Thị trường hiện tại đã đi vào xu hướng giá xuống, có nhiều cổ phiếu đã giảm 30-50%. Đợt này rất khác với đợt giảm điểm năm 2020, 2021. Khi đó thị trường chỉ giảm điểm trong thời gian ngắn. Tuy nhiên thời gian qua điểm số thị trường chưa giảm nhiều nhưng cổ phiếu đã giảm mạnh thể hiện quan điểm đi xuống. Xu hướng trung và dài hạn đã gãy nên thị trường sẽ đi xuống ít nhất 1-2 năm tính từ thời điểm đỉnh là tháng 1-2022".

Cũng theo chuyên gia này năm 2020 - 2021 thị trường ở trong một chu kỳ đi lên nên các đợt giảm mang tính chất điều chỉnh. Với việc thắt chặt tiền tệ của FED, tình hình lạm phát cao, VN-Index có khả năng đi về 950 điểm. Chính vì thế các nhà đầu tư cần hết sức cẩn trọng cho mỗi quyết định đầu tư của mình...

(Còn nữa)

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "ra tay"

Trước những biến động giảm rất mạnh trên thị trường chứng khoán (TTCK) trong những phiên giao dịch gần đây, mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng với Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam (VNX) đã chủ trì tổ chức buổi họp với Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh (HOSE), Sở GDCK Hà Nội (HNX), Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) và hơn 20 công ty chứng khoán (CTCK) thành viên tốp đầu thị trường về vốn, thị phần môi giới chứng khoán để nhận định, đánh giá tình hình TTCK và đề xuất các giải pháp nhằm sớm ổn định lại TTCK.

UBCKNN và các CTCK đều đồng quan điểm cho rằng, TTCK Việt Nam giảm điểm trong thời gian qua chủ yếu xuất phát từ xu thế giảm điểm của TTCK thế giới và một số nguyên nhân trong nước. Tuy nhiên, về trung và dài hạn, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng khi nhiều yếu tố tích cực tiếp tục được duy trì.

Thông tin từ lãnh đạo UBCKNN cho biết, Ủy ban sẽ giao VNX chỉ đạo HNXvà HOSE đưa ra các cảnh báo, yêu cầu doanh nghiệp niêm yết công bố thông tin khi các mã chứng khoán có dấu hiệu tăng, giảm giá trần, sàn từ 5 - 10 phiên.

“Trước mắt, Ủy ban yêu cầu VNX chỉ đạo HOSE và HNX thực hiện công bố thông tin về giao dịch tự doanh của công ty chứng khoán. Trong thời gian tới, UBCKNN sẽ trình Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung Thông tư 96/2020/TT-BTC ngày 16-11-2020 của Bộ Tài chính hướng dẫn công bố thông tin trên TTCK” - đại diện lãnh đạo UBCKNN thông tin.

Cùng với đó, để hạn chế khả năng tác động giá từ TTCK phái sinh lên TTCK cơ sở, UBCKNN đã chấp thuận cho VSD ban hành Quy chế ký quỹ, bù trừ và thanh toán chứng khoán phái sinh. Trong đó, một trong những điểm mới của quy chế này là điều chỉnh giá thanh toán cuối cùng của hợp đồng tương lai chỉ số VN30.

M. Tiến - M. Trí
.
.