Trào lưu mong “nghỉ hưu” sớm của giới trẻ: Lối sống hiện đại hay ích kỷ, lười biếng?

Thứ Tư, 12/10/2022, 21:31

Vài năm trở lại đây, nhiều người thuộc thế hệ Gen Z (1997-2012) của Việt Nam nhiệt tình ủng hộ trào lưu FIRE (viết tắt của Financial Independence - Retire Early), là độc lập tài chính và “nghỉ hưu” sớm. Họ sẽ cố gắng kiếm được một số tiền lớn trong lúc tuổi đời còn rất trẻ và sau đó mong muốn “nghỉ hưu” sớm để hưởng thụ cuộc sống hay ít nhất là được làm những điều mình thích.

Nở rộ trào lưu “nghỉ hưu” sớm

Trên thực tế phong trào FIRE đã bắt đầu từ năm 1992 tại Mỹ khi nhiều chuyên gia bắt đầu so sánh chi phí, thu nhập với thời gian sống của mỗi người. Bằng cách tiết kiệm tới 50-70% thu nhập cho các khoản đầu tư, những người sống theo FIRE có thể bỏ việc, “nghỉ hưu” sớm bằng khoản tiền lãi.

Trào lưu mong “nghỉ hưu” sớm của giới trẻ: Lối sống hiện đại hay ích kỷ, lười biếng? -0
Bản chất của trào lưu FIRE là độc lập tài chính và “nghỉ hưu” sớm.

Hiện nay, giới trẻ đã ý thức được ích lợi của việc tiết kiệm từ sớm khi cố gắng đặt số tiền tiết kiệm gấp 25-30 lần chi phí (tùy từng trường hợp và công thức tính) để có thể bỏ việc, sống theo đam mê. Để trang trải chi phí sinh hoạt, những bạn trẻ này sẽ lấy tiền lãi từ hoạt động đầu tư nhờ số tiền tiết kiệm hoặc rút một khoản nhỏ từ tài khoản để trang trải cuộc sống.

Để theo đuổi trào lưu này, những người trẻ lên kế hoạch tiết kiệm và đầu tư từ khi còn đi học, hay thậm chí là sớm hơn như thế. Người trẻ hay bàn nhau về việc, khi đạt đến ngưỡng tài chính đủ để “nghỉ hưu” sớm, họ có thể chẳng cần phải đi làm nữa, và dành thời gian còn lại để hưởng thụ cuộc sống.

Cụ thể, những người sống theo trào lưu FIRE chủ yếu trả hết nợ và cắt giảm các chi tiêu không cần thiết nhưng vẫn duy trì chi phí sinh hoạt tối thiểu. Hơn ai hết, họ hiểu rằng việc tiết kiệm quá mức gây ảnh hưởng đến sức khỏe hay công việc, qua đó làm giảm thu nhập chỉ khiến kế hoạch tự do tài chính khó đạt được hơn.

Theo đó, bằng cách tiết kiệm và đầu tư 50% đến 70% thu nhập cho đến khi số tiền bạn có được bằng 25 lần số tiền tiêu dùng trong một năm là lúc bạn đạt ngưỡng độc lập tài chính. Nếu mỗi năm rút ra 4% số tiền đầu tư để tiêu dùng thì khối tài sản này vẫn không vơi đi quá nhiều và tiếp tục sinh lãi cho những năm tiếp theo.

Trào lưu mong “nghỉ hưu” sớm của giới trẻ: Lối sống hiện đại hay ích kỷ, lười biếng? -0
Khi đủ điều kiện độc lập tài chính, nhiều người trẻ đã quyết định nghỉ hưu khi tuổi mới ở ngưỡng 30-40.

Ví dụ, mức tiêu dùng của một gia đình là 30 triệu/ một tháng (360 triệu/1 năm)x 25 năm= 9 tỷ VND thì đây là con số đánh dấu cặp vợ chồng đó đã đạt tự do tài chính. Khi đó, họ có thể từ bỏ công việc áp lực hoặc nhàm chán để theo đuổi những sở thích cá nhân như làm vườn, viết sách, du lịch…

“Nghỉ hưu” sớm là khi có tự chủ tài chính nhưng điều đó không có nghĩa là không làm gì nữa cả. “Nghỉ hưu” sớm không phải là dừng tạo ra các giá trị xã hội, ăn không ngồi rồi hay chờ tuổi già ập đến. Khi không bị ảnh hưởng về chuyện cơm áo gạo tiền là lúc người ta có thể phát triển toàn diện bản thân và khiến bản thân hài lòng nhất.

Chị Nguyễn Thúy Hồng (35 tuổi) từng có nhiều năm làm việc trong một công ty liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài. Với mức lương mỗi tháng hơn 60 triệu, cho đến thời điểm này chị Hồng đang có khoảng 3 tỉ tiền tiết kiệm. Chị Hồng chia sẻ: “Để có được thu nhập đó tôi đã phải làm việc cật lực, thậm chí đến cả thời gian để tiêu tiền cũng không có. Nếu tôi tiếp tục làm ở công ty đó, số tiền của tôi sẽ tăng lên theo thời gian nhưng để làm gì nhỉ khi mà suốt ngày tôi chỉ biết cắm đầu vào làm và làm. Các mối quan hệ với bạn bè cứ hẹp dần, vì khi các bạn hẹn hò vui chơi, giải trí cuối tuần thì tôi vẫn đi làm. Ngoài ra, áp lực công việc quá cao khiến thần kinh tôi luôn bị ức chế. Do đó tôi quyết định nghỉ việc và lên kế hoạch đi du lịch cùng với người thân. Vì đã có tích lũy nên sau này tôi sẽ chỉ chọn làm những việc mình thích và nhất là phải làm chủ chính bản thân mình”.

Nhiều người trẻ bày tỏ quan điểm rằng, họ không muốn cả đời ngồi “mòn mông” ở một công ty nào đó và phải chịu những quy định khắt khe từ chỗ làm này. Bỏ công việc áp lực và chuẩn chỉ giờ giấc để làm một công việc “tự do” theo nhiều người đó cũng là một cách “nghỉ hưu”. Thời gian đại dịch COVID-19 đỉnh điểm, vợ chồng anh Đặng Văn Đạt (cùng làm cho một công ty về xuất khẩu lao động) bị thất nghiệp. Ở thành phố, chi phí đắt đỏ lại không có thu nhập, cuộc sống khó khăn, vợ chồng anh Đạt bàn nhau về quê Ba Vì lập nghiệp.

Anh chị về quê, dốc vốn đầu tư làm homestay, xây trang trại trồng cây ăn quả, nuôi cá. Sau 2 năm, thành quả là một cơ ngơi kha khá, cuộc sống lại yên bình, không ồn ào khói bụi. Anh Đạt chia sẻ, khi thất nghiệp cả 2 vợ chồng cảm giác như suy sụp, thế nhưng trong “cái rủi lại có cái may. Nhờ “thất nghiệp” mà vợ chồng tôi đã được làm những điều mình thích từ trước đó nhưng nếu không bị dồn vào “đường cùng” thì không bao giờ dám bắt đầu. Giờ đây vợ chồng anh Đạt có thể thảnh thơi đọc sách, trồng rau, nuôi gà mà thu nhập vẫn ổn định.

Chưa cống hiến thì đừng mong hưởng thụ

“Nghỉ hưu” sớm chỉ là mong muốn của một bộ phận Gen Z còn trên thực tế rất nhiều người không ủng hộ quan điểm này. Dưới góc nhìn của những người thuộc thế hệ trước, thì cụm từ “nghỉ hưu” sớm nghe có vẻ xa rời thực tế.

Trào lưu mong “nghỉ hưu” sớm của giới trẻ: Lối sống hiện đại hay ích kỷ, lười biếng? -0
Nhiều người trẻ đặt mục tiêu cố gắng “cày” những năm tháng tuổi trẻ để có thể yên tâm “nghỉ hưu” sớm.

Ông Hà Văn Hoành, 65 tuổi (bác sĩ Bệnh viện đa khoa Bắc Giang đã về hưu) cho biết: “Có lẽ cuộc sống vất vả đã ngấm vào những người thuộc thế hệ chúng tôi quá sâu nên tôi và nhiều đồng nghiệp khác gần như không có khái niệm “nghỉ hưu”. Nhiều người trong số chúng tôi sau khi chính thức “nghỉ hưu” tại cơ quan nơi mình công tác vẫn đi làm thêm ở các phòng khám ngoài hay thậm chí làm thêm tại chính bệnh viện. Lúc này tiền không phải là vấn đề mấu chốt mà đơn giản là chúng tôi cảm thấy mình vẫn còn sức khỏe, vẫn có thể cống hiến kinh nghiệm cũng như sự hiểu biết của mình cho xã hội”.

Chính bởi nếp nghĩ ấy nên khi nghe chuyện thế hệ Gen Z nhiều người mong muốn được “nghỉ hưu” sớm bác sĩ Hoành tỏ ra rất bất ngờ. Theo quan điểm của vị bác sĩ này thì đó là lối sống ích kỷ, chưa cống hiến đã muốn hưởng thụ. “Nếu công việc quá áp lực, các bạn trẻ có thể xin nghỉ phép một thời gian để cân bằng lại tinh thần. Đất nước phát triển hay không dựa vào lớp trẻ, vậy mà lớp trẻ lại chỉ muốn “nghỉ hưu” sớm thì rồi xã hội sẽ đi đến đâu”, bác Hoành lo lắng bày tỏ quan điểm.

Không chỉ bác sĩ Hoành mà nhiều người cùng thế hệ với ông đều có chung suy nghĩ rằng, lớp trẻ bây giờ tư duy khác quá. Họ chỉ biết sống cho bản thân và mong muốn mình được hưởng thụ nhiều nhất có thể.

Khi chúng tôi nói đến câu chuyện “giới trẻ muốn “nghỉ hưu” sớm”, thầy giáo Nguyễn Văn Thái tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Theo như thầy Thái, nếu như bạn trẻ nào có ý nghĩ như vậy thì thực sự họ đang quá ích kỷ, chỉ muốn sống cho bản thân. Thậm chí cần phải xem lại cách giáo dục của gia đình và nhà trường bạn ấy từng học. Ở bất kỳ xã hội nào, từ trước tới nay con người luôn luôn phải có sự vận động, có sự phấn đấu hay nói cách khác phải có lý tưởng sống. Tức là không chỉ học tập, lao động vì bản thân mình, vì người thân mà còn cho cả xã hội. “Không muốn nói ở Việt Nam, thậm chí trên thế giới không có một nền giáo dục nào hướng con người sống an phận, hay phấn đấu đến một mức độ nào đó rồi nghỉ để sống cho bản thân mình cả”, thầy Thái nhấn mạnh.

Trào lưu mong “nghỉ hưu” sớm của giới trẻ: Lối sống hiện đại hay ích kỷ, lười biếng? -0
Nhiều người tranh thủ tâm lý của giới trẻ đã mở lớp đào tạo kỹ năng “nghỉ hưu” sớm.

Nhiều chuyên gia về tâm lý, xã hội học đều cho rằng việc “nghỉ hưu” sớm với số tiền, dư dả về thời gian có thể tác động mạnh về thói quen, tâm lý, sức khỏe... qua đó ảnh hưởng đến lượng chi tiêu hàng tháng mà bạn đặt ra trước đó. Hệ quả là nhiều người “nghỉ hưu” sớm nhưng chi tiêu quá độ để rồi lại hoàn nghèo và phải quay trở về làm việc. Thậm chí có người còn nợ nần chồng chất, nghiện rượu hay mắc nhiều chứng bệnh tâm lý.

Việc chuyển đổi từ làm việc 8 tiếng mỗi ngày sang dư dả thời gian không hề đơn giản. Thời gian đầu các bạn trẻ có thể rất hào hứng nhưng nếu việc này kéo dài sẽ gây ra cảm giác buồn chán, mất phương hướng nếu không có kế hoạch rõ ràng. Bởi vậy các chuyên gia thường khuyên bạn trẻ tìm thú vui và xây dựng kế hoạch, chuẩn bị sẵn tư tưởng hậu “nghỉ hưu” non nhằm giữ mức chi tiêu hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, khi làm việc mình thích mà không nghĩ đến việc phải kiếm được tiền, khả năng cống hiến của con người là cao nhất. Nhưng để làm những điều mình thích thì họ phải là người đã có thu nhập thụ động để không phải nghĩ đến một lúc nào đó sẽ hết tiền. Bản thân những người tự do tài chính sớm cũng đã là những người tài giỏi, có năng lực. Vì thế, khi tính đến “nghỉ hưu” sớm cũng cần có “đường lui” cho bản thân.

Nếu một người trẻ tuổi có ý định “nghỉ hưu” sớm, có lẽ nên cân nhắc lại. Hãy dành thanh xuân của mình để cống hiến và sống một cuộc đời ý nghĩa bằng cách đóng góp nhiều điều tích cực cho xã hội, thay vì trở thành gánh nặng bởi lối sống ích kỷ và lười biếng của mình.

Phong Anh
.
.