Tri ân người con gái họ Hoàng

Thứ Ba, 01/02/2022, 09:30

Một sáng cuối năm, hòa vào dòng người về quê tảo mộ, tôi theo quốc lộ 39 tìm về thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên. đây chính là quê gốc của bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một vùng quê bình dị giữa đồng bằng Bắc bộ, kỳ này đang rợp màu xanh của lúa.

Tiếp tôi tại Nhà thờ bà Hoàng Thị Loan là ông Hoàng Nghĩa Hiệp. Theo như lời kể thì ông Hiệp thuộc đời thứ 23 của dòng họ Hoàng Nghĩa thôn Vân Nội. Dòng họ Hoàng Nghĩa đã định cư ở thôn Vân Nội (trước là thôn Hoàng Vân) từ khá lâu đời, dễ cũng tới bảy trăm năm. Nói là dòng họ Hoàng Nghĩa bởi cũng ở thôn Vân Nội này bên cạnh các dòng họ khác như: Họ Nguyễn, họ Vũ Văn còn có hai họ Hoàng. Đó là dòng họ Hoàng Tuấn và dòng họ Hoàng Nghĩa. Dòng họ Hoàng Nghĩa, thôn Vân Nội, theo như sơ đồ phả hệ thì được tính bắt đầu từ cụ Hoàng Thế Nhai, tự Phúc Nghiêm, hiệu Huyền Chân.

Ông Hoàng Nghĩa Hiệp hiện được dòng họ Hoàng Nghĩa và chính quyền thôn Vân Nội và xã Hồng Tiến giao nhiệm vụ là người trông coi Đền thờ bà Hoàng Thị Loan từ năm 2005 khi Đền thờ được khánh thành. Đó là một người đàn ông tuổi Đinh Dậu, vẻ giản dị, tính hiền lành, từng là người lính tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc những năm 1979 - 1984. Ông Hiệp tiếp chuyện chúng tôi khá cởi mở. Ông cho biết: Vào đâu như quãng đầu những năm tám mươi của thế kỷ trước, khi tiến hành nghiên cứu Gia phả của dòng họ từng có 18 đời Quận công và tiến hành lập bảng Gia hệ của dòng họ Hoàng Nghĩa của thôn Vân Nội, các vị trong Hội đồng gia tộc cảm thấy có điều gì đó cần làm sáng tỏ. Bởi như theo truyền tụng thì cụ Hoàng Nghĩa Kiều, người con đời thứ 6 của dòng họ, tuy chỉ hưởng dương có 47 năm nhưng đã được Vua Lê phong cho là Thái phó Hồng Quốc Công. Một tước hiệu chứng tỏ cụ Hoàng Nghĩa Kiều đã từng lập được công trạng giúp Vua Lê.

Tri ân người con gái họ Hoàng -1
Tri ân người con gái họ Hoàng -0
Đền thờ bà Hoàng Thị Loan ở thôn Vân Nội, xã Đồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Vào đầu thế kỷ mười sáu, Triều nhà Hậu Lê khi ấy nhiều biến động nên Mạc Đăng Dung, một võ tướng trong Triều đã “nổi dậy” và lập nên Vương triều nhà Mạc và làm chủ vùng Bắc Bộ hiện nay. Là những bầy tôi trung thành của nhà Lê nên quan đầu binh Hoàng Nghĩa Kiều được Triều đình cử vào xứ Nghệ dẹp loạn. Dưới ngọn cờ “Phù Lê diệt Mạc”, quan đầu binh Hoàng Nghĩa Kiều đã lập công to lớn, giữ yên được vị thế Triều đình nhà Lê ở nơi xứ Nghệ. Công trạng to lớn ấy cũng đồng thời với việc Quan đầu binh Hoàng Nghĩa Kiều được Triều đình phong chức Thiếu phó, tước Cường quận công, và phong chức Tổng binh Đô Tổng binh xứ Nghệ, được Triều đình ban cho đất đai và cho định cư tại ngay nơi lập được chiến tích. Đấy chính là những chi tiết cần làm rõ và cần được ghi vào Gia phả. Chính vì thế nên các vị trong Hội đồng Gia tộc dòng họ Hoàng Nghĩa thôn Vân Nội “quyết định vào Nghệ” để tìm hiểu và điều quan trọng là: Viết đúng, viết đủ Gia phả của dòng họ Hoàng Nghĩa.

Vì sao Đền thờ bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của vị Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại không đặt tại quê hương của bà là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, mà lại được xây dựng tại thôn Vân Nội mãi ngoài tỉnh Hưng Yên, một nơi ngỡ “chẳng liên quan” gì đến người phụ nữ có cuộc đời ngắn ngủi và cũng lắm gian nan này.

Nguyên do là sau khi các vị trong Hội đồng gia tộc dòng họ Hoàng Nghĩa ở thôn Vân Nội “lặn lội” vào xứ Nghệ và cùng các vị có chức trách của dòng họ Hoàng Nghệ An đối chiếu gia phả, so khớp chứng liệu và căn cứ vào những truyền tụng, đã xác định: Theo như gia phả của họ Hoàng ở làng Hoàng Vân, nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và họ Hoàng tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An có chung một cụ tổ là Hoàng Thế Châm. Cụ Châm vốn làm nghề cày cấy tại làng Hoàng Vân. Đến đời thứ 6, thì vị Thái phó Hồng Quốc Công Hoàng Nghĩa Kiều đem quân vào Nghệ An dẹp loạn (như phần trên đã nêu). Tại xứ Nghệ, cụ Hoàng Nghĩa Kiều đã lấy cô gái xứ Nghệ tên là Phạm Thị Mỡ làm á thất (vợ hai), sinh được người con trai tên là Hoàng Nghĩa Lương, sinh sống tại xã Dương Xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

Tri ân người con gái họ Hoàng -0
Trên quê hương Khoái Châu hôm nay.

Cũng phải nói thêm rằng: Họ Hoàng định cư ở xứ Nghệ, rồi sinh con đẻ cái đã chia làm nhiều chi họ, các chi họ này cư trú ở nhiều thôn xã trong xứ Nghệ như: Thịnh Lạc, Hưng Lĩnh, Đô Lương, Đức Thọ, Kim Liên. Chi họ Hoàng ở xã Hưng Lĩnh, huyện Hưng Nguyên có cụ tổ là Hoàng Nghĩa Mạnh, cụ làm nghề dạy học, sau chuyển về làng Hoàng Trù sinh sống, tiếp tục làm nghề dạy học. Qua đến các đời các cụ: Hoàng Bá Đô, Hoàng Bá Quận, Hoàng Bá Tộ, Hoàng Bá Cẩn rồi đến cụ Hoàng Xuân Đường. Năm 1868, cụ Hoàng Xuân Đường sinh ra bà Hoàng Thị Loan. Đến năm 1883, bà Hoàng Thị Loan lập gia thất với ông Nguyễn Sinh Sắc.

Chỉ tay vào Bảng Gia hệ của dòng họ Hoàng Nghĩa được treo trang trọng trong Đền thờ bà Hoàng Thị Loan, ông Hoàng Nghĩa Hiệp cho chúng tôi biết: Chiểu theo Bảng Gia hệ mà Hội đồng Gia tộc dòng họ Hoàng Nghĩa xác lập, thì bà Hoàng Thị Loan là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Hoàng nói chung. Cũng theo đó thì bà Hoàng Thị Loan là con cháu đời thứ 13, tính từ khi cụ Hoàng Nghĩa Kiều lập nghiệp tại xứ Nghệ.

Năm 2003, tỉnh Hưng Yên, sau khi đã được các cấp Trung ương và đặc biệt là giới khoa học lịch sử đồng nhất xác định: Thôn Vân Nội là quê gốc của bà Hoàng Thị Loan và cũng chính bà là người con của dòng họ Hoàng Nghĩa. Đó là những căn cứ để tỉnh Hưng Yên xây dựng Đền thờ bà Hoàng Thị Loan như một sự thể hiện lòng kính trọng, sự tri ân đối với người con gái của dòng họ đã có công sinh dưỡng một người con vĩ đại của dân tộc.

Đền thờ bà Hoàng Thị Loan được xây dựng trên khu đất rộng có diện tích 3.600m2. Khu đất này thuở trước vốn là Đình làng Vân Nội. Đình thờ Thành hoàng làng là cụ Đỗ Anh Vũ, một người đã có công khai cơ lập ấp nên nhiều thôn làng khắp trong vùng Phủ Khoái (huyện Khoái Châu hiện nay). Do vị trí ngôi Đình nằm sát quốc lộ 39 nên khi tiến hành cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai, người Pháp lấy lí do “an ninh” đã cho đốt ngôi đình này. Qua thời gian, người dân làng Vân Nội vẫn giữ khu đất đó, hy vọng vào một ngày nào đó sẽ xây dựng lại ngôi đình.

Tri ân người con gái họ Hoàng -0
Tác giả hỏi chuyện ông Hoàng Nghĩa Hiệp ngay tại  Đền thờ.

Để tỏ lòng tri ân với dòng họ Hoàng nên Vua Lê Hiển Tông, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767), đã ban chiếu chỉ "Kể công lao đã hơn 45 năm, cai quản 9 cơ, xông pha trăm trận, thành tích trải suốt hai Triều, xét khen thưởng lớn nhỏ 27 lần, tước phong nhị phẩm, quan chức hiển vinh, chiếu phong thưởng xứng hàng cửu thế. Một lòng kiên trinh vì nước, bao phen đâu xá hiểm nguy".

Được biết, hiện tại ở Nhà thờ họ Hoàng ở làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An cũng có ghi dòng chữ “Hoàng Vân khí tốt được truyền từ ngày xưa”. Câu ghi khắc này thêm một minh chứng về dòng họ Hoàng xứ Nghệ có gốc tích ở làng Hoàng Vân (Vân Nội hiện nay). Dòng chữ tương đồng với đôi câu đối khác được treo trước ban thờ, đó là: “Vân Nội anh hoa thiên cổ tại” và “Hoàng môn phẩm tiết tứ phương lưu”.

***

Trước khi chào ra về, tôi đứng lặng hồi lâu ngắm nhìn lá cờ Tổ quốc được treo trên cột cờ ở chính diện khuôn viên Đền. Lá cờ được gió đang mở rộng tung bay, tôi chợt nhớ đến một câu chuyện vô cùng sâu sắc. Trong lần thứ chín về thăm nhân dân và cán bộ tỉnh Hưng Yên, ngày 15, 16-9-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới nói chuyện tại Hội nghị Thủy lợi toàn Miền Bắc bàn nhiệm vụ, phương hướng và biện pháp cụ thể nhằm đưa công tác thủy lợi tiến lên phục vụ tốt kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế nông nghiệp. Tại Hội nghị, Bác đã trao cờ “Làm thủy lợi khá nhất” cho Đảng bộ và nhân dân Hưng Yên. Sau khi trao cờ, Bác Hồ hỏi đồng chí Lê Quý Quỳnh, khi đó là Bí thư Tỉnh ủy: “Chú Quỳnh. Chú cho Bác biết Tổ quốc là gì?”. Đồng chí Lê Quý Quỳnh đứng nghiêm như báo cáo: “Thưa Bác, Tổ quốc là Đất và Nước ạ”. Bác gật đầu hài lòng: “Là Đất và Nước. Chú nhớ như thế mà động viên nhân dân và cán bộ làm cho tốt. Bác mong Hưng Yên sản xuất giỏi, góp phần cùng cả nước xây dựng Đất nước mạnh giàu”.

Nguyễn Trọng Văn
.
.