Triển vọng của Quỹ tiền tệ phiên bản châu Á

Thứ Bảy, 29/04/2023, 11:52

Cuối tháng 3/2023, tại Diễn đàn Bác Ngao tại tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim  đã chính thức đề xuất ý tưởng thành lập Quỹ tiền tệ châu Á (AMF), trong đó nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm sự phụ thuộc vào USD hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).

Vài ngày sau, tại cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức của ông tới Bắc Kinh, Thủ tướng Anwar cho biết lãnh đạo Trung Quốc đã rất hoan nghênh sáng kiến này, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đến các cuộc thảo luận, xúc tiến việc thành lập.

 Đã đến lúc đưa AMF quay trở lại?

Ý tưởng về một quỹ tiền tệ của châu Á đã được Nhật Bản đề xuất lần đầu tiên từ cách đây hơn hơn 1/4 thế kỷ, ngay sau khi bùng nổ cuộc Khủng hoảng tài chính châu Á vào tháng 7/1997. Mặc dù được các nước ASEAN ủng hộ, nhưng ý tưởng này đã bị châu Âu và Mỹ bác bỏ tại cuộc họp của IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) ở Hong Kong vào tháng 9 năm đó.

Triển vọng của  Quỹ tiền tệ phiên bản châu Á -0
Trung Quốc sẵn sàng đàm phán với Malaysia về việc thành lập Quỹ Tiền tệ châu Á trong nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Lời kêu gọi gần đây của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim về việc khôi phục AMF đã làm dấy lên ý kiến về sự cần thiết của quỹ này, một câu hỏi được đặt ra ngay từ khi ý tưởng thành lập nó được manh nha.

Các ý kiến phản đối về mặt kỹ thuật dựa trên cơ sở về sự trùng lặp hoặc làm giảm bớt vai trò trung tâm của IMF, và tạo ra rủi ro về mặt đạo đức, vì việc tài trợ cho các khoản tín dụng vượt mức sẽ khuyến khích các khoản nợ quá đà. Nhưng lý do thực sự là địa chính trị. Chừng nào mà các cổ đông lớn của IMF và WB - Mỹ và châu Âu - chưa tham gia vào AMF, và Trung Quốc vẫn còn hoài nghi, thì ý tưởng này sẽ không thành hiện thực.

Bản thân ông Anwar cũng từng đề cập đến khái niệm này trong thời gian ông làm Bộ trưởng Bộ Tài chính Malaysia vào những năm 90, nhưng nó đã không có được chỗ đứng do sức mạnh đáng kể của USD so với các loại tiền tệ khác trên thế giới vào thời điểm đó. AMF đã vấp phải sự phản đối gay gắt của một số quốc gia châu Á cũng như Nhóm G7, với mối lo ngại chính là việc thành lập AMF rất có thể gây bất ổn cho IMF và hình thành một nền kinh tế ngắt kết nối giữa Mỹ và toàn bộ châu Á.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, với việc các quốc gia như Trung Quốc và Nhật Bản đã trở nên mạnh hơn về kinh tế, ý tưởng này dường như đã sẵn sàng để được xem xét kỹ lưỡng, với lý do mà Anwar đưa ra là các quốc gia có thể giao dịch bằng đồng tiền của mình thay vì chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào USD.

Bối cảnh thay đổi

Bối cảnh địa chính trị đã thay đổi sâu sắc kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008 - chính xác hơn là cuộc khủng hoảng tài chính Bắc Đại Tây Dương - đã tiết lộ rằng các quốc gia giàu có ở phương Tây có những sai sót lớn trong việc quản lý cả nền kinh tế lẫn hệ thống tài chính của họ.

Vụ phá sản Ngân hàng Thung lũng Silicon và Credit Suisse vào tháng 3/2023 một lần nữa làm lung lay niềm tin vào hệ thống tài chính do phương Tây dẫn đầu. Nếu các cuộc cải cách sau năm 2008 thất bại và phương Tây không thể ngăn chặn sự suy thoái tài chính của chính mình khi không sử dụng tiền của ngân hàng trung ương để cứu trợ những người chơi mong manh, thì các quốc gia khác nên đặt tiền gửi vào tài khoản và tiết kiệm của họ ở đâu?

Các nhà đầu tư Trung  Đông thua lỗ khi đầu tư vào trái phiếu Credit Suisse AT1 được nhắc nhở rằng vào đầu năm 2021, Mỹ đã đóng băng dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Afghanistan. Năm 2022, Nga trở thành đối tượng của các biện pháp trừng phạt tài chính lớn. Các biện pháp trừng phạt này được áp đặt đơn phương - và không có con đường đa phương nào để kháng cáo chúng. Ngoài rủi ro tín dụng và lãi suất không được giám sát, tất cả các nhà đầu tư hiện đang phải chịu những rủi ro không thể đo lường được từ sự trừng phạt địa chính trị.

Các chiến dịch vũ khí hóa đồng USD đã khiến các nhà đầu tư và các nhà hoạch định chính sách cảnh giác với nguy cơ tiền gửi, tài sản hoặc các hệ thống thanh toán của họ bị tịch thu hoặc đóng băng trong trường hợp có bất đồng địa chính trị với phương Tây. ASEAN và Nam Á không muốn đứng về phía nào nhưng không thể để nền kinh tế của họ chậm lại chỉ để làm hài lòng bên nào. Nếu như Mỹ đẩy mạnh việc vũ khí hóa đồng USD, thì một AMF hoặc những thứ tương tự sẽ trở thành các bước đối kháng nhằm thúc đẩy phi USD hóa.

Triển vọng của AMF

Trong 1/4 thế kỷ kể từ khi AMF lần đầu tiên được đề xuất, châu Á đã phát triển đáng kể, với sự trỗi dậy của Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, làm nghiêng cán cân quyền lực từ trật tự đơn cực sang đa cực. Đông và Nam Á là động cơ tăng trưởng của thế giới, trong khi chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 1/3 tăng trưởng kinh tế thế giới vào năm 2022. ASEAN với tư cách là một nhóm sẽ trở thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới vào năm 2030 xét về cả dân số và GDP.

Niaz Asadullah, Giáo sư kinh tế của Đại học Monash Malaysia, nhận định: “Có một sự chuyển đổi rõ ràng trọng tâm của nền kinh tế toàn cầu từ Bắc Đại Tây Dương sang Đông Á, với minh chứng thuyết phục là sự phục hồi nhanh chóng sau đại dịch của các thị trường mới nổi châu Á so với các nền kinh tế phương Tây".

Trong chuyến thăm Thái Lan hồi đầu năm, khi đề cập đến phiên bản châu Á của IMF, ông Anwar cũng nhấn mạnh: "Chúng ta không thể để cơ sở hạ tầng quốc tế do người ngoài quyết định. Chúng ta có thể hợp tác với họ, nhưng chúng ta nên có sức mạnh trong nước, trong khu vực và châu Á của mình, không nhất thiết phải cạnh tranh mà phải có vùng đệm".

Ngọc Bích (Tổng hợp)
.
.