Trừng phạt kinh tế: Nga “hắt hơi”, phương Tây cũng “sổ mũi"

Thứ Tư, 02/03/2022, 13:06

Đây không phải lần đầu tiên phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt nhằm vào Nga. Các biện pháp trừng phạt đã từng được phương Tây áp dụng sau khi Nga sáp nhập Bán đảo Crimea vào năm 2014.

Lần này, khi Nga triển khai “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, các biện pháp trừng phạt tài chính mới lại được Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra. Vẫn động thái cũ, nhưng chắc chắn hậu quả sẽ khốc liệt hơn nhiều, cho cả hai phía cũng như phần còn lại của thế giới.

Các lệnh trừng phạt mới có khả năng gây ra tình trạng hỗn loạn tài chính ở Nga. Cụ thể, phương Tây nhắm đến Ngân hàng Trung ương của Nga và có thể đóng băng khoản dự trữ ngoại hối lên tới 630 tỷ USD của nước này. Điều đó có thể khiến hệ thống ngân hàng và tiền tệ của Nga bị đình trệ, làm chao đảo thị trường toàn cầu và đẩy giá năng lượng tăng cao. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt này cũng có thể kích hoạt đòn trả đũa từ phía Moscow. Ngay lập tức, Nga cho biết các lệnh trừng phạt của phương Tây là "bất hợp pháp", đồng thời đặt các lực lượng hạt nhân của nước này trong trạng thái sẵn sàng ở mức cao.

Nga “hắt hơi”

Đến nay, các biện pháp trừng phạt của phương Tây luôn cho thấy thái độ cứng rắn đối với Nga nhưng dường như không thực sự có tác dụng. Ví dụ, các lệnh trừng phạt nhắm vào giới tài phiệt Nga cùng khối tài sản của họ ở nước ngoài đã khiến một số người kêu gọi chấm dứt xung đột, nhưng không thay đổi được việc ra quyết định ở Điện Kremlin.

Trừng phạt kinh tế: Nga “hắt hơi”, phương Tây cũng “sổ mũi
Hội đồng châu Âu họp bàn về việc áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga

Trong khi đó, những hạn chế về xuất khẩu công nghệ và công nghiệp của phương Tây sang Nga sẽ phải mất vài tháng hoặc thậm chí vài năm mới gây ra ảnh hưởng nhất định. Ngay cả các lệnh trừng phạt của Mỹ được công bố hôm 24-2 đối với Sberbank và VTB, hai ngân hàng nắm giữ 75% tài sản của ngành ngân hàng Nga, cũng là một đòn trừng phạt nặng nhưng không “chí mạng”, đặc biệt là khi chúng không áp dụng đối với các giao dịch năng lượng. Hệ thống tài chính “pháo đài” của Nga dường như có thể đứng vững trước những vũ khí kinh tế mà phương Tây sử dụng.

Đợt trừng phạt bổ sung ngày 26-2 thậm chí còn mạnh tay hơn. Truyền thông Mỹ và châu Âu đã dành sự tập trung vào quyết định loại một số ngân hàng Nga, trong đó có thể bao gồm cả Sberbank và VTB, khỏi Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT). Nhà Trắng tuyên bố: “Điều này sẽ đảm bảo rằng các ngân hàng Nga bị ngắt kết nối với hệ thống tài chính quốc tế và làm tổn hại đến khả năng hoạt động của họ trên toàn cầu”.

Giới quan sát cho rằng “vũ khí hạt nhân tài chính” này có thể sẽ tàn phá nền kinh tế và thị trường Nga, ảnh hưởng nặng nề đến đồng Ruble, dẫn tới sự biến mất của nhiều hàng hóa nhập khẩu vào nước này. Biện pháp trừng phạt này cũng se cắt đứt các giao dịch tài chính quốc tế liên quan tới ngành công nghiệp dầu và khí đốt của Nga, chiếm hơn 40% doanh thu của đất nước. Tùy thuộc vào số lượng ngân hàng bị loại khỏi SWIFT, biện pháp trừng phạt này có thể gây khó khăn hơn cho các thực thể Nga trong các xử lý giao dịch, đồng thời cản trở khả năng kinh doanh của nền kinh tế Nga bên ngoài biên giới. Theo Financial Times, Nga chiếm khoảng 1,5% giao dịch của SWIFT trong năm 2020.

Tuy nhiên, bước đi thực sự lớn của phương Tây chính là việc nhắm đến thể chế trung tâm của pháo đài kinh tế Nga - Ngân hàng Trung ương. Ngân hàng này nắm giữ 630 tỷ USD dự trữ ngoại hối, tương đương 38% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga năm 2021 (các lệnh trừng phạt cũng có thể bao trùm lên các quỹ khác do chính phủ điều hành).

Các quan chức trong chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng họ sẽ cùng châu Âu ngăn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng những khoản dự trữ này để làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt. Là một phần của chiến lược “Pháo đài”, Nga đã thay đổi cơ cấu dự trữ của nước này theo hướng tách khỏi đồng USD: tính đến tháng 6-2021, Nga chỉ nắm giữ 16% dự trữ bằng đồng bạc xanh (USD), 32% bằng đồng euro, 22% bằng vàng và 13% bằng đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. Tuy nhiên, có khả năng phần lớn tài sản chứng khoán, tiền gửi ngân hàng và các công cụ khác, bất kể đơn vị tiền tệ, đều được giữ trong tài khoản của các thể chế tài chính hoặc cơ quan pháp lý sẽ thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây. Điều đó có nghĩa là một số - hoặc thậm chí nhiều - khối tài sản của Nga có thể bị đóng băng.

Phản ứng trước các biện pháp mới, ngày 27-2, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ có tất cả các nguồn lực và công cụ cần thiết để duy trì sự ổn định tài chính. Tuy nhiên, hệ lụy vẫn là rất lớn. Nếu Ngân hàng Trung ương không có quyền truy cập nhanh vào nguồn dự trữ, thì họ sẽ khó có thể can thiệp vào thị trường tiền tệ bằng cách sử dụng tiền mặt nước ngoài để hỗ trợ đồng ruble, vốn đang ngày càng lao dốc trong những ngày vừa qua.

Trừng phạt kinh tế: Nga “hắt hơi”, phương Tây cũng “sổ mũi
Nga đã đặt lực lượng răn đe hạt nhân vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu ở mức cao

Ngân hàng Trung ương có thể mất khả năng cung cấp thanh khoản ngoại tệ cho các ngân hàng đang bị trừng phạt, làm tăng nguy cơ vỡ nợ do không đáp ứng được nghĩa vụ về ngoại tệ với các đối tác. Họ cũng sẽ không thể đóng vai trò trung gian cho các ngân hàng trên, cụ thể là thay mặt các ngân hàng thực hiện hoặc nhận các khoản thanh toán của các đối tác nước ngoài, vốn là cách để né tránh các lệnh trừng phạt trên lý thuyết.

Mọi dấu hiệu đều chỉ ra rằng hệ thống tài chính của Nga đang ngày càng khủng hoảng. Tính đến ngày 28-2, đồng ruble đã mất 30% giá trị so với đồng USD, trong khi thị trường chứng khoán cũng giảm 35% và giá cổ phiếu của các ngân hàng lớn nhất giảm hơn 50%. Kể từ ngày 25-2, chi phí bảo hiểm chống vỡ nợ của chính phủ Nga đã ở mức bằng với Thổ Nhĩ Kỳ. Áp lực có thể sẽ ngày càng gia tăng. Người dân Nga có thể sẽ mất niềm tin vào hệ thống ngân hàng. Mặc dù các khoản tiền rút của người dân đều phải đổi ra đồng ruble, song ngân hàng trung ương có thể bù đắp bằng cách cung cấp các khoản vay nội địa cho các ngân hàng.

Nhờ nguồn thu từ dầu mỏ, Nga vẫn có thặng dư từ tài khoản vãng lai khi khoản thu cao hơn khoản chi ra bên ngoài. Tuy nhiên, nếu xuất hiện tình trạng hoảng loạn và tháo chạy vốn mà không có khả năng tiếp cận nguồn dự trữ, Nga có thể buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn chặt chẽ để ngăn nguy cơ sụp đổ tiền tệ. Nước này cũng có thể tạm thời đóng cửa thị trường tài chính, trong bối cảnh việc bán khống cổ phiếu đã bị cấm.

Cho đến nay, mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy các ngân hàng Trung Quốc né tránh các giao dịch bằng đồng USD với các công ty Nga, nhưng có rất ít dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hoặc nhiều nước châu Á khác có ý định thực thi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Tuy nhiên, khi các ngân hàng, công ty và chính phủ Nga đối mặt nguy cơ vỡ nợ ngày càng lớn, không chỉ phương Tây mà tất cả các đối tác của họ sẽ đều cảnh giác hơn.

Phương Tây cũng “sổ mũi”

Mặc dù vậy, theo tờ The Economist, việc loại Nga khỏi SWIFT chỉ làm tăng nặng hình phạt chứ không phải là yếu tố thay đổi cục diện. Không chỉ phương Tây, quyết định này sẽ khiến tất cả các đối tác phải cảnh giác khi giao dịch với các ngân hàng Nga. Nếu chọn hợp tác, họ sẽ phải sử dụng thư điện tử và điện thoại để liên lạc, khiến việc giao dịch - đặc biệt là giao dịch năng lượng - trở nên phức tạp hơn. Ngoài ra, theo Thời báo New York, biện pháp này còn có thể làm suy yếu vai trò nguồn tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD nếu Nga phát triển một hệ thống thay thế với các đối tác như Trung Quốc.

Trừng phạt kinh tế: Nga “hắt hơi”, phương Tây cũng “sổ mũi
Nhiều ngân hàng Nga đối mặt với nguy cơ bị loại khỏi hệ thống tài chính SWIFT

Việc loại Nga khỏi SWIFT cũng sẽ khiến nhiều doanh nghiệp châu Âu gặp khó khăn, kể cả các doanh nghiệp Pháp như tập đoàn TotalEnergie hay ngân hàng Société Générale có quy mô hoạt động lớn tại Nga. Giáo sư Yamina Fourneyron bình luận: “Sẽ có vấn đề với việc mua khí đốt Nga ở châu Âu. Để thanh toán cho các doanh nghiệp Nga, các nước châu Âu cũng sẽ phải đi đường vòng” và điều này sẽ khiến giá năng lượng đang ở mức cao còn tăng thêm nữa.

Trong cuộc họp ngày 25-2, các bộ trưởng tài chính EU tuyên bố khối này sẵn sàng chịu đựng những tổn thất kinh tế, chủ yếu là giá năng lượng tăng cao, khi áp đặt các biện pháp trừng phạt chống Nga. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Paolo Gentiloni nói: "Tất nhiên chúng tôi sẽ phải trả giá về mặt kinh tế cho cuộc chiến này…”.

 Philip Lane, trưởng nhóm kinh tế Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trao đổi với các nhà hoạch định chính sách rằng xung đột Ukraine có thể khiến GDP của khu vực đồng tiền chung châu Âu giảm từ 0,3%-0,4% trong năm nay.

Đầu tháng 2-2022, Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng kinh tế ở khu vực 19 quốc gia sử dụng đồng euro sẽ là 4,0% trong năm nay, thấp hơn mức 4,3% được dự báo hồi tháng 11 năm ngoái, do số ca mắc COVID-19 gia tăng, tắc nghẽn chuỗi cung ứng và lạm phát cao kỷ lục vì vấn đề giá năng lượng. Ông Gentiloni cho biết việc Nga xâm lược Ukraine giờ đây khiến cho dự báo tăng trưởng 4,0% càng trở nên bấp bênh.

Trừng phạt kinh tế: Nga “hắt hơi”, phương Tây cũng “sổ mũi
Khí đốt - Công cụ để Nga trả đũa phương Tây

Các biện pháp trừng phạt mới đủ mạnh đến mức có thể bị Nga coi là gần giống một động thái chiến tranh và dẫn đến việc trả đũa. Ngày 27/2, Nga cho biết đã đặt các lực lượng hạt nhân của nước này lên mức độ sẵn sàng chiến đấu cao. Biện pháp trên cho thấy Điện Kremlin tin rằng không có ranh giới rõ ràng nào giữa chiến tranh kinh tế và chiến tranh thông thường. Phương Tây có thể sẽ phải ứng phó bằng cách thay đổi trạng thái hạt nhân.

Hơn nữa, Nga vẫn còn nhiều cách khác để trả đũa. Một trong số đó là tăng cường các cuộc tấn công mạng nhằm vào các tổ chức phương Tây. Ngoài ra, Moscow cũng có thể hạn chế nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Theo Bloomberg, tính đến ngày 25-2, nguồn cung khí đốt từ Gazprom qua Ukraine đã trở lại mức bình thường. Giờ đây, Nga có thể giảm nguồn cung. Điều này sẽ chỉ có tác động tài chính ở mức vừa phải đối với Nga (bởi đối với nền kinh tế của nước này, xuất khẩu dầu có vai trò quan trọng hơn nhiều) nhưng sẽ đẩy giá năng lượng và chi phí tiêu thụ ở châu Âu lên cao. Trong kịch bản này, phương Tây sẽ vẫn có những vũ khí kinh tế khác để leo thang, chẳng hạn như chặn các dịch vụ Internet của người tiêu dùng hoặc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga.

Hiện chưa rõ các biện pháp trừng phạt tài chính mới của phương Tây có thành công trong việc ngăn cản Nga leo thang cuộc chiến tại Ukraine hay không. Tuy nhiên, trước mắt, các biện pháp mới sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế Nga và cả phương Tây. Đây cũng có thể sẽ là bước ngoặt làm thay đổi căn bản cách vận hành các lệnh trừng phạt và nền kinh tế toàn cầu. Lý do là rất nhiều nước theo đuổi các chính sách đối ngoại mà Mỹ không đồng ý đang nắm giữ một lượng lớn dự trữ ngoại hối. Trong đó, đáng kể nhất là Trung Quốc, vốn nắm giữ phần lớn khoản dự trữ trong các công cụ tài chính hoặc các công ty của phương Tây.

Mạnh Tuân (Tổng hợp)
.
.