Trung Quốc: Đến lượt "đại gia" Hà Bắc FC bên bờ phá sản

Thứ Hai, 08/11/2021, 22:15

Cơn bão khủng hoảng tài chính tiếp tục làm liêu xiêu một loạt đội bóng tại giải vô địch quốc gia Trung Quốc. Chẳng ai ngờ Hebei FC (Hà Bắc FC), đội bóng giàu thứ 7 tại Trung Quốc lại trên bờ vực đổ vỡ bởi mất đi "bầu sữa" nuôi sống từ công ty mẹ.

So với nhiều đội bóng tại Trung Quốc, Hebei FC thuộc dạng sinh sau đẻ muộn. Thành lập vào ngày 28 tháng 5 năm 2010, Hebei FC có trụ sở tại Lang Phường, Hà Bắc với sân nhà là sân vận động Lang Phường có sức chứa 30.000 chỗ ngồi. Từ chỗ đăng ký thi đấu ban đầu tại giải hạng ba Trung Quốc, Hebei FC đã vươn lên, giành quyền thăng hạng tại giải vô địch quốc gia nước này.

Bước ngoặt trong sự phát triển của Hebei FC đến vào ngày 27-1-2015 khi đội bóng này có chủ sở hữu mới là tập đoàn phát triển bất động sản China Fortune Land Development. Cùng với màn đổi chủ, Hebei FC đã đổi tên thành Hebei China Fortune FC. Đồng thời, băng ghế huấn luyện viên tại Hebei FC có sự xáo trộn đáng kể với việc huấn luyện viên nổi tiếng người Serbia, Radomir Antic ký hợp đồng có thời hạn 3 năm. Tham vọng xưng hùng xưng bá trên bản đồ bóng đá Trung Quốc của Hebei FC còn được thể hiện rõ qua màn vung tiền đem về một loạt ngôi sao sân cỏ người nước ngoài.

Trung Quốc: Đến lượt
Hebei FC đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính.

Ví dụ tiêu biểu hơn cả là sự góp mặt của tiền vệ người Bờ Biển Ngà, Gervinho và tiền đạo người Argentina, Ezequiel Lavezzi khi đầu quân cho đội bóng này bằng những hợp đồng với tiền lương, thưởng hậu hĩnh. Nhằm tạo bước tiến nhảy vọt, Hebei FC còn đổ tiền bạc đưa về huấn luyện viên lừng danh người Chile, Manuel Pellegrini vào tháng 8 năm 2016.

Không thừa khi nhắc lại ông thầy Pellegrini trước đó đã góp công sức đáng kể vào việc giúp đội bóng Manchester City tại Anh bước lên bục vinh quang tại giải đấu sôi động song cũng khắc nghiệt nhất hành tinh, Premier League trong mùa giải 2013-2014. Theo số liệu thống kê được công bố của tạp chí uy tín Forbes (Mỹ), Hebei FC có tổng giá trị lên tới 90 triệu USD. Qua đây, Hebei FC trở thành đội bóng giàu thứ 7 tại Trung Quốc. Đồng tiền quả thực đã biến Hebei FC nâng tầm hơn nữa trên bản đồ bóng đá ở đất nước đông dân nhất hành tinh.

Tuy nhiên, sự lệ thuộc vào đồng tiền cũng đã bộc lộ những mặt trái với hậu quả khôn lường. Với sự đầu tư dàn trải cùng giá trị cổ phiếu liên tục sụt giảm đã khiến China Fortune Land Development, công ty mẹ của Hebei FC lâm vào cảnh khó khăn tài chính.

Trong bối cảnh phải “thắt lưng buộc bụng” cộng thêm tác động đưa lại từ dịch bệnh COVID-19, China Fortune Land Development đã buộc phải cắt bỏ những khoản chi để cân đối dòng tiền. Hậu quả nhãn tiền là Hebei FC đã bị ảnh hưởng trực tiếp khi mất đi  "bầu sữa" nuôi sống từ công ty mẹ. Ngay mới đây nhất câu lạc bộ được xếp hàng “đại gia” của bóng đá Trung Quốc đã ra quyết định tạm dừng hoạt động vô thời hạn với bốn đội trẻ của câu lạc bộ này bao gồm các đội U17, U16, U13 và U12. Gây sốc hơn nữa khi thông báo đưa ra từ Hebei FC nêu rõ “không thể thanh toán tiền điện đúng hạn” nên tạm dừng hoạt động của các đội trẻ để cắt giảm chi phí.

Không chỉ có các đội trẻ mà văn phòng của Hebei FC cũng sẽ phải ngừng hoạt động. Sự thiếu hụt nghiêm trọng về tài chính của Hebei FC còn được thể hiện rõ nét hơn nữa khi ban huấn luyện cũng như cầu thủ tại đội một của Hebei FC phải bỏ tiền túi ra để di chuyển, trả tiền thuê khách sạn và ăn uống trước trận đấu vừa qua gặp đối thủ Shaanxi Changan Athletic tại vòng 1 Cúp quốc gia Trung Quốc. "Chúng tôi đang phải đối mặt với những khó khăn vô cùng to lớn. Những gì xảy đến vượt quá sức chịu đựng từ mọi người, nhất là tình trạng nợ lương trong thời gian dài vừa qua”, một thành viên trong ban huấn luyện Hebei FC ngao ngán phát biểu trước giới truyền thông: “Nếu không có những biện pháp giải quyết hữu hiệu, chẳng ai dám chắc điều tồi tệ gì sẽ xảy đến với đội bóng trong thời gian tới đây”. Khó khăn còn đeo bám Hebei FC khi quá trình phát hành cổ phiếu của đội bóng này bị tạm dừng vô thời hạn.

Những gì xảy đến với Hebei FC đang gợi nhớ tới bi kịch của câu lạc bộ Jiangsu Suning (Giang Tô Tô Ninh). Kết thúc mùa giải 2020, Giang Tô Tô Ninh đã cán đích với tư cách đội vô địch ở giải đấu hàng đầu tại Trung Quốc. Nhưng chỉ ba tháng sau kỳ tích vô địch Chinese Super League (tên gọi giải vô địch quốc gia Trung Quốc), Giang Tô Tô Ninh đã tuyên bố… phá sản. Nguồn cơn dẫn tới bi kịch của Giang Tô Tô Ninh là tập đoàn Suning, công ty mẹ của Giang Tô Tô Ninh lâm vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng.

Cùng với Hebei FC và Giang Tô Tô Ninh, một đội bóng lớn khác của  Trung Quốc là Guangzhou FC (Quảng Châu) cũng đứng trước bờ vực  phá sản khi tập đoàn Evergrande (Hằng Đại), công ty mẹ của Guangzhou FC đang nợ tới 300 tỷ USD và không còn khả năng thanh toán. Tình trạng nợ lương thưởng của nhiều cầu thủ đã khiến đội một của Guangzhou FC bỏ tập.

Tình hình còn tệ hại hơn khi huấn luyện viên nổi tiếng người Italy, Fabio Cannavaro dứt áo ra đi bất chấp việc còn bị nợ lương tới 16 tháng theo giao kèo trước đó trong hợp đồng. Chứng kiến tình cảnh hiện tại của Guangzhou FC, không ít fan của câu lạc bộ này đã thốt lên với đại ý, Guangzhou FC từ chỗ là “cục vàng” nay trở thành “cục nợ”. Cần biết Guangzhou FC được coi là đội bóng thành công nhất lịch sử bóng đá Trung Quốc cả ở đấu trường quốc nội lẫn châu lục, điển hình hơn cả là việc vô địch AFC Champions League 2 lần chỉ trong vòng 3 năm (2013, 2015).

Rõ ràng, việc phát triển thiếu bền vững theo kiểu vung tiền đầu tư ồ ạt vào các đội bóng từ những ông chủ vốn lắm tiền nhiều của ở Trung Quốc đang bộc lộ những nguy cơ kéo tụt bóng đá nước này.

Bảo Quyên
.
.