Trung Quốc kiện Mỹ sau đòn áp thuế “tuyệt tình”
Trung Quốc đã chính thức khởi kiện lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) để phản đối mức thuế 10% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt đối với hàng hóa của đất nước tỷ dân.
Đáp trả “phát súng” khơi mào chiến tranh thương mại
Ngày 4/2 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức áp dụng mức thuế bổ sung 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Bà Karoline Leavitt, Thư ký báo chí Nhà Trắng, cho biết quyết định tăng thuế này nhằm thực hiện các cam kết trước đây của Tổng thống Donald Trump. Đồng thời bà cũng khẳng định nguyên nhân cho việc Mỹ áp dụng mức thuế 10% với hàng hóa Trung Quốc một phần đến từ sự vô tình hoặc cố ý của đất nước tỷ dân để dòng chảy thuốc phiện fentanyl và các hóa chất tiền thân của chúng vào Mỹ trái phép, gây ra hàng chục triệu ca tử vong.

Vì màn khiêu chiến đầy thách thức đến từ Mỹ, Trung Quốc đã ngay lập tức đòi lại “công lý” cho mình tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Cụ thể, vào ngày 5/2 vừa rồi, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn khiếu nại lên WTO, đồng thời bày tỏ thái độ gay gắt với loạt hành động không mấy thân thiện từ chính quyền Tổng thống Trump, cũng như yêu cầu Tổ chức Thương mại thế giới có những biện pháp thích đáng để giải quyết và ngăn chặn những hành động tương tự trong tương lai.
Trong tài liệu gửi lên WTO, Trung Quốc lập luận rằng mức thuế mới của ông Trump, mà theo Mỹ là ngăn chặn dòng chảy của các loại opioids như fentanyl và tiền chất của chúng vào nước này, được áp đặt dựa trên những cáo buộc “vô căn cứ” và “sai sự thật” về Trung Quốc. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết: “Việc Hoa Kỳ đơn phương áp đặt thuế quan đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của WTO, không giải quyết được các vấn đề trong nước của Hoa Kỳ và làm suy yếu sự hợp tác kinh tế và thương mại thường xuyên giữa hai nước”.
Đơn khiếu nại của Trung Quốc đối với chính sách thuế quan vô lý của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump hủy bỏ miễn trừ các thủ tục hải quan và thuế quan tiêu chuẩn đối với các mặt hàng có giá trị dưới 800 USD của đất nước tỷ dân. Trong khi trước đó, việc miễn trừ thủ tục và thuế này của Mỹ chủ yếu được các ông lớn trong ngành bán lẻ là Shein, Temu và Amazon.com áp dụng, nhằm tối ưu hóa chi phí, mang đến những mức giá hấp dẫn nhất cho người tiêu dùng tại đất nước cờ hoa.
Ngay sau quyết định đình chỉ quyền miễn trừ đối với các gói hàng nhập khẩu từ Trung Quốc được đưa ra, Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) đã tạm thời ngừng chấp nhận các gói hàng từ Trung Quốc và Hồng Kông, cho đến khi có thông báo mới. Lực lượng hải quan Mỹ cho biết các gói hàng dù là nhỏ nhất đến từ Trung Quốc và Hồng Kông chỉ được chấp nhận nhập cảnh vào Mỹ nếu có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ khai báo hải quan; nếu không số hàng hóa này buộc lòng phải quay lại nơi sản xuất và chờ quyết định mới. Điều này đã tạo ra sự hỗn loạn không nhỏ trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo các chuyên gia, việc Mỹ đột ngột đình chỉ quyền miễn trừ đối với các gói hàng nhập khẩu từ Trung Quốc có thể khiến người dân nước này phải chịu hậu quả trông thấy rõ. Theo ước tính, có hơn 1 tỷ gói hàng thương mại điện tử giá trị nhỏ được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc đến Mỹ hằng năm. Nếu quá trình nhập cảnh bắt buộc phải có thêm thông tin và thuế, dù là kiện hàng có giá trị nhỏ nhất, sẽ khiến người dân Mỹ phải mất thêm thời gian chờ đợi và chi phí khi mua hàng online.
Theo lập luận của Trung Quốc, thuế quan mới mà chính quyền Tổng thống Trump áp dụng mang tính phân biệt đối xử, chỉ áp dụng cho hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc và không phù hợp với các nghĩa vụ của Mỹ trong sân chơi WTO. Rất may, chỉ một ngày sau đó, tình thế xoay chuyển rất nhanh khi ông Trump ban sắc lệnh đảo ngược, tạm hoãn việc đình chỉ quyền miễn trừ đối với các gói hàng giá trị thấp đến từ Trung Quốc, khiến các nhà bán lẻ vui mừng khôn xiết.
Ông Niall van de Wouw, Giám đốc vận tải hàng không tại nền tảng định giá cước vận tải Xeneta, cho biết Temu và Shein kết hợp vận chuyển khoảng 9.000 tấn hàng hóa trên toàn thế giới mỗi ngày, số lượng hàng hóa khổng lồ này chỉ có thể được vận chuyển bằng 88 chiếc Boeing 777 mới đáp ứng được.
Kiện cho vui?
Giới phân tích đánh giá yêu cầu tham vấn này là bước khởi đầu của quy trình tranh chấp, có thể dẫn đến phán quyết rằng các mức thuế của ông Trump vi phạm quy tắc thương mại. Tương tự như phán quyết được đưa ra vào năm 2020 của WTO, kết luận các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã vi phạm nghiêm trọng những quy định thương mại thế giới, gây ảnh hưởng đến lợi ích và mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Mỹ và các đối tác.
Tuy nhiên, động thái này khó có thể mang lại kết quả, cũng như khó làm cho giới cầm quyền của ông Tập Cận Bình hả dạ. Vấn đề chỉ được giải quyết triệt để trừ khi cả Trung Quốc và Mỹ tìm được tiếng nói chung để tự giải quyết tranh chấp. Bởi lẽ hệ thống giải quyết tranh chấp của WTO, vốn được thiết kế để xử lý những tình huống này, đã rơi vào tình trạng tê liệt trong nhiều năm qua. Nguyên nhân xuất phát từ việc Washington đã chặn quá trình bổ nhiệm các thẩm phán phúc thẩm mới, với lý do cơ quan này đã có những hành vi lạm quyền, vượt quá chức năng nhiệm vụ của mình.
Những động thái gần đây của Trung Quốc như khởi kiện mỹ lên WTO, áp thuế bổ sung lên đến 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ, thậm chí là không ngần ngại đưa các công ty lớn của Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”, nhằm khẳng định quan điểm cứng rắn, không ngần ngại đối đầu nếu Nhà Trắng vẫn kiên quyết muốn châm ngòi chiến tranh thương mại. Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc còn đang muốn chiếm lợi thế trong đàm phán thương mại giữa hai nước thông qua những động thái cứng rắn của mình.