Trung Quốc với chiến lược BRI ở Trung Đông

Thứ Hai, 13/03/2023, 18:10

Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI) mới đầu (2013) dùng để ám chỉ những hoạt động liên thông giữa các lục địa. Tuy nhiên, giờ đây, BRI phải được nhìn nhận là sự kết hợp giữa “Vành đai kinh tế trên đất liền” với “Con đường tơ lụa trên biển của thế kỷ 21”.

Với Trung Đông và Bắc Phi (MENA), Trung Quốc hiện coi đây là khu vực trọng điểm để mở rộng BRI. Lý do, không gì khác là nhu cầu về năng lượng.

Trung Quốc với chiến lược BRI ở Trung Đông -0
Iraq được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất với các khoản đầu tư từ BRI.

Năm 2019, Vùng Vịnh đã cung cấp khoảng 44% tổng lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc, trong đó Saudi Arabia chiếm 16,83%. Tháng 5/2022, sau khi cuộc chiến Ukraine nổ ra, Trung Quốc nhập khẩu 8,41 triệu tấn dầu thô từ Nga và “chỉ” nhập 7,81 triệu tấn từ Saudi Arabia. Số liệu này cho thấy nhập khẩu dầu thô từ Nga đã tăng 55% so với mức trước khi xảy ra cuộc chiến, trong khi nhập khẩu từ Saudi Arabia chỉ tăng 9%. Tuy nhiên, xét về giá trị, xuất khẩu dầu thô của Nga sang Trung Quốc vẫn thấp hơn xuất khẩu dầu thô của Saudi Arabia sang nước này, phản ánh thực trạng giá dầu thô của Nga rẻ hơn do phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt và do nhu cầu giảm.

Kim ngạch xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc đã tăng gấp đôi so với trước chiến tranh, lên 5,8 tỷ USD, trong khi đó, xuất khẩu của Saudi Arabia tăng 80% lên 6,3 tỷ USD. Nếu xu hướng này tiếp tục, thì Bắc Kinh có thể giảm phụ thuộc vào MENA về nguồn năng lượng và chuyển trọng tâm sang Nga. Về dài hạn, mô hình can dự của Trung Quốc trong khu vực có thể sẽ thay đổi, do năng lượng tái tạo sẽ ngày càng được phát triển. Tuy nhiên, trong ngắn hạn và trung hạn, khu vực MENA sẽ tiếp tục đóng vai trò là nguồn cung cấp năng lượng chính cho Bắc Kinh. Ngoài ra, năng lượng chỉ là một phần xét về tầm quan trọng chiến lược của MENA. Cụ thể, vị trí địa lý của vùng Vịnh là tài sản chiến lược đối với một Trung Quốc đang khát năng lượng.

Không phải tất cả các quốc gia trong khu vực đều tham gia BRI như nhau. Các nước bị xung đột và bất ổn như Yemen, Syria và Libya có thể khó thu hút đầu tư từ Trung Quốc hơn. Hoặc như, mối quan hệ giữa Iran với Trung Quốc thì lại khiến Mỹ lo ngại. Vẫn chưa rõ chính quyền ông Biden sẽ tiếp cận mối quan hệ này như thế nào, nhưng xét một cách tổng thể, khu vực này mang đến cho Bắc Kinh những cơ hội tuyệt vời để thực hiện các dự án BRI. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khu vực này sẽ phải chi khoảng 8,2% GDP để thực hiện các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng vào năm 2030. Mục tiêu này là bất khả thi nếu không có sự tham gia của các chủ thể bên ngoài vì trong suốt thập kỷ qua, các quốc gia MENA chỉ có thể đầu tư khoảng 3% GDP hàng năm cho cơ sở hạ tầng. Do đó, BRI có thể giúp các chính phủ gia tăng đầu tư.

Kể từ khi triển khai BRI, Trung Quốc đã đầu tư ít nhất 123 tỷ USD vào Trung Đông. Trong 2 năm 2020 và 2021, đầu tư của Trung Quốc vào các nước Arab và Trung Đông đã tăng trưởng một cách đáng kinh ngạc (360%), trong khi hoạt động xây dựng cũng tăng 116%. Xét về tỷ trọng, các nước châu Phi và Trung Đông đã tiếp nhận tới 38% tổng vốn đầu tư BRI của Trung Quốc trong năm 2021, so với 8% của năm 2020. Nhìn một cách tổng thể, 21 quốc gia Arab đã trở thành một phần của BRI, trong đó, Iraq hưởng lợi nhiều nhất. Riêng trong năm 2021, quốc gia này đã nhận được 10,2 tỷ USD từ các gói đầu tư BRI.

Mối quan hệ Trung Quốc – Israel cũng phát triển nhanh chóng, trong đó Israel đóng vai trò quan trọng trong BRI nhờ vị trí địa lý, trình độ công nghệ cao và khả năng kết nối thương mại tốt giữa các khu vực khác nhau. Tuy nhiên, để sự can dự của Trung Quốc được bền vững và mang lại lợi ích cho các bên liên quan, cần phải xem xét 2 yếu tố. Thứ nhất, trong bối cảnh một số cuộc xung đột diễn ra trong khu vực và khả năng Iran quay trở lại Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) là rất thấp, các bước đi trong tương lai của Trung Quốc sẽ phải được đánh giá một cách thận trọng nhằm duy trì cách tiếp cận cân bằng của nước này trong khu vực. Thứ 2, xét tới việc ảnh hưởng của Trung Quốc đang tăng lên và mối quan hệ Trung – Mỹ đang xấu đi, Trung Đông cần rút ra bài học từ sự can dự của Trung Quốc ở châu Phi, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và những nơi khác.

BRI và cuộc đối đầu giữa các cường quốc được Trung Quốc nhìn nhận là có liên quan đến sự can dự của họ trong khu vực thông qua ba lăng kính khác nhau, vốn đều có vai trò định hình chính sách đối ngoại của nước này với Trung Đông. Một là, Trung Quốc nhìn nhận khu vực qua lăng kính lợi ích riêng, xét cả về nguồn cung năng lượng lẫn vị trí địa chiến lược quan trọng. Hai là, khu vực này có vai trò tối quan trọng trong việc mở rộng hơn nữa BRI và tăng cường sự kết nối toàn cầu. Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, MENA là địa bàn diễn ra cuộc đối đầu và cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác chính và có lẽ là quan trọng nhất tại đây, nhưng vẫn có cuộc tranh luận về việc liệu Washington có nên và có khả năng duy trì vai trò bên đảm bảo an ninh chủ yếu trong khu vực hay không.

Trong suốt thập kỷ qua, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đã gia tăng đáng kể và cả 2 đều coi mối quan hệ này là trò chơi được mất ngang nhau, trong khi Trung Đông trở thành chiến trường quan trọng của cuộc đối đầu. Khi Mỹ công bố chiến lược xoay trục sang châu Á vào năm 2011, Trung Quốc bắt đầu xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với khu vực. Kết quả là “cách tiếp cận Trung Đông” ra đời, thể hiện nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tăng cường can dự kinh tế với khu vực mà không bị vướng vào các diễn biến chính trị và quân sự.

Ngọc Lan (Tổng hợp)
.
.