Truyền thông xã hội: Những câu chuyện cũ và mới

Thứ Hai, 15/01/2024, 20:24

Trong năm 2023, ước tính có khoảng 4,9 tỷ người sử dụng mạng xã hội trên toàn thế giới, trong khi các doanh nghiệp được cho là đã chi khoảng 68 tỷ USD cho quảng cáo trên mạng xã hội tại Mỹ nói riêng và 207 tỷ USD trên toàn cầu nói chung.

Những người dùng mạng xã hội nhìn chung không bị ràng buộc với một nền tảng duy nhất. Đáng chú ý, trung bình, người dùng thường trải rộng dấu ấn kỹ thuật số của họ trên 6-7 nền tảng mỗi tháng, làm nổi bật nhu cầu về cách tiếp cận đa nền tảng đối với tiếp thị truyền thông xã hội.

Về các nền tảng, chúng ta đã mất Twitter và có được X; chúng ta được trải nghiệm Threads, Bluesky và Mastodon…; chào đón các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Tóm lại, đối với những người dùng mạng xã hội, năm 2023 là một năm chứng kiến sự khởi đầu và kết thúc của một số nền tảng. Chúng ta vẫn tiếp tục cuộn mình trong các cuộc trò chuyện riêng tư và lăn chuột không ngừng nghỉ như những năm trước. Một vấn đề vẫn được quan tâm rất nhiều là sức khỏe tâm thần của con người khi sử dụng các mạng xã hội, đặc biệt là giới thanh thiếu niên. Đó chính là những câu chuyện lớn của các mạng xã hội trong năm 2023.

Tạm biệt TWITTER, chào BLUE, THREADS…

Cách đây hơn một năm, Elon Musk bước vào trụ sở chính của Twitter ở San Francisco, sa thải CEO và các giám đốc điều hành hàng đầu khác và bắt đầu chuyển đổi nền tảng truyền thông xã hội này thành cái mà ngày nay được gọi là X. Musk tiết lộ logo X vào tháng 7/2023. Nó nhanh chóng thay thế tên Twitter và biểu tượng con chim màu xanh của nền tảng này, cả trên mạng lẫn tại trụ sở chính của công ty ở San Francisco.

1.jpg -0
Tỷ phú Elon Musk tuyên bố chú chim xanh của Twitter đã được “giải phóng”.

Vì tính chất đại chúng và vì sức thu hút đối với các nhân vật của công chúng, nhà báo và những người dùng cấp cao khác, Twitter luôn có ảnh hưởng to lớn đến văn hóa đại chúng - nhưng ảnh hưởng đó dường như đang suy yếu. Trong 17 năm qua, Twitter phần lớn đã biến mất và lý do tồn tại của X giờ đây thì cũng khá mù mờ. Tham vọng của Musk đối với X bao gồm việc biến nền tảng này thành “ứng dụng cho mọi thứ” - chẳng hạn như WeChat của Trung Quốc.

Trong khi X phải đối mặt với cuộc khủng hoảng định danh, một số người dùng bắt đầu tìm kiếm các nền tảng thay thế. Mastodon là một đối thủ, cùng với Bluesky, công ty thực sự phát triển từ Twitter - một dự án thú vị của cựu CEO Jack Dorsey, người vẫn còn ngồi trong ban giám đốc của công ty.

Gần đây, CEO Jay Graber cho biết khi hàng chục nghìn người, đa phần trong số họ đã chán ngấy Twitter, bắt đầu đăng ký Bluesky (vốn vẫn chỉ dành cho người được mời) vào mùa Xuân, ứng dụng này chỉ có chưa đến 10 người làm việc. Bà cho biết điều này có nghĩa là "chúng tôi phải cố gắng duy trì mọi thứ hoạt động, giữ mọi người trên mạng, cố gắng bổ sung các tính năng mà chúng tôi đã có trong lộ trình". Trong nhiều tuần, công việc chỉ đơn giản là "mở rộng quy mô" - đảm bảo rằng hệ thống có thể xử lý được lượng truy cập.        

Nhìn thấy cơ hội thu hút những người dùng Twitter bất mãn, công ty mẹ Meta của Facebook vào tháng 7 đã tung ra một đối thủ đáng gờm là Threads. Nền tảng này đã trở nên phổ biến khi hàng chục triệu người bắt đầu đăng ký - mặc dù việc giữ chân các cư dân mạng vẫn là một thách thức. Sau đó, vào tháng 12, Giám đốc điều hành Meta Mark Zuckerberg đã bất ngờ tuyên bố rằng công ty đang thử nghiệm khả năng tương tác - ý tưởng được Mastodon, Bluesky và các mạng xã hội phi tập trung khác ủng hộ, theo đó mọi người sẽ có thể sử dụng tài khoản của họ trên các nền tảng khác nhau - giống như địa chỉ email hoặc số điện thoại cá nhân.

Kẻ được, người mất…

Kể từ khi được Musk tiếp quản, X đã bị tấn công bởi các cáo buộc về thông tin sai lệch và phân biệt chủng tộc, chịu tổn thất đáng kể về quảng cáo và bị sụt giảm mức sử dụng. Trong khi đó, Musk tiếp tục đưa ra những lời chỉ trích các công ty đã ngừng đầu tư cho X khi rút lại các quảng cáo trên nền tảng này.

Fidelity, một trong số các nhà đầu tư đã hỗ trợ tài chính để Elon Musk mua lại Twitter vào tháng 10/2022 với giá 44 tỷ USD, mạng xã hội X của Elon Musk hiện có giá trị chưa bằng 1/3 số tiền ông đã bỏ ra. Sự sụt giảm giá trị này chứng kiến mức giảm kỷ lục 10,7% trong tháng 11, tháng chứng kiến Elon Musk nổi cơn thịnh nộ với các nhà quảng cáo trên sân khấu trong một sự kiện của tờ “New York Times”. Song song với những ồn ào này, Elon Musk thậm chí còn bị Liên minh châu Âu cảnh báo về việc truyền bá thông tin sai lệch trên các nền tảng của tổ chức này và cá nhân ông đã bị buộc tội tạo điều kiện truyền bá một thuyết âm mưu chống Do Thái. Trong khi đó, các mạng xã hội khác đã có một tháng mạnh mẽ hơn nhiều. Snap tăng 38% trong cùng thời gian và công ty mẹ Meta của Facebook chứng kiến giá trị cổ phiếu của mình tăng 4,9%.

Tính đến hết tuần đầu tiên của tháng 12/2023, các nền tảng của Meta đã tạo ra doanh thu khoảng 95 tỷ USD và lợi nhuận hoạt động là 30 tỷ USD, một con số khá tốt.

Các nền tảng truyền thông xã hội của Meta tạo ra phần lớn doanh thu từ quảng cáo, vốn không phải là một hoạt động kinh doanh tuyệt vời vào năm 2022 khi nhiều công ty cắt giảm ngân sách quảng cáo để chuẩn bị cho điều mà nhiều người dự đoán sẽ là suy thoái kinh tế vào năm 2023. Giờ đây, điều đó vẫn chưa trở thành hiện thực, các công ty đang quay trở lại các nền tảng khác nhau để quảng cáo.

Sau khi doanh thu quảng cáo chạm đáy vào quý đầu tiên của năm 2023, Meta đã công bố những con số tăng trưởng doanh thu hàng quý vững chắc và thiết lập mức cao mới mọi thời đại trong quý 3. các nhà đầu tư cũng đã mong đợi sự tăng trưởng nhiều hơn từ Meta vào quý 4, quý chứng kiến sự bùng nổ quảng cáo nhờ các dịp lễ hội.

Nền tảng truyền thông xã hội được sử dụng nhiều nhất trên thế giới hiện vẫn là Facebook, với 2,9 triệu người dùng hoạt động hàng tháng trên toàn thế giới. Triều đại của Facebook tiếp tục kéo dài đến năm 2023, nhưng nó không đứng một mình. YouTube cũng đang trên đà phát triển với 2,5 triệu người dùng hoạt động hàng tháng.

Những con số đáng kinh ngạc này không chỉ là số liệu thống kê. Chúng còn nêu bật tầm ảnh hưởng mở rộng và tiềm năng của các nền tảng truyền thông xã hội, là bài học rút ra cho các nhà tiếp thị. Để khai thác sức mạnh ngày càng tăng của mạng xã hội, các chiến lược tiếp thị sẽ cần tận dụng các nền tảng này một cách hiệu quả để thu hút khách hàng. Sử dụng các công cụ quản lý phương tiện truyền thông xã hội một cách hiệu quả là rất quan trọng để nắm bắt lưu lượng truy cập này.

Những lo ngại về sức khỏe tâm thần và giải pháp

Ngoài những hiệu ứng, doanh thu vô cùng tích cực và sức lan tỏa mà mạng xã hội mang lại, không thể phủ nhận rằng việc sử dụng mạng xã hội có thể gây lo lắng, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe khác.

anh 3 suc khoe tam than.jpg -0
Tính chất “gây nghiện” của mạng xã hội trở thành con dao hai lưỡi.

Phương tiện truyền thông xã hội có tính chất “khích lệ”. Việc sử dụng nó sẽ kích hoạt trung tâm khen thưởng của não bộ bằng cách giải phóng dopamine, một “chất hóa học mang lại cảm giác dễ chịu” liên quan đến các hoạt động thú vị như tình dục, đồ ăn và tương tác xã hội. Các nền tảng này được thiết kế để gây nghiện và có liên quan đến sự lo lắng, trầm cảm và thậm chí cả các bệnh về thể chất.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 69% người lớn và 81% thanh thiếu niên ở Mỹ sử dụng mạng xã hội. Điều này khiến một lượng lớn dân số có nguy cơ gia tăng cảm giác lo lắng, chán nản hoặc mệt mỏi khi sử dụng mạng xã hội.

Nền tảng truyền thông xã hội Instagram đã gây chú ý trong năm 2022 khi chặn hành động “thích” trong nỗ lực hạn chế sự so sánh và làm tổn thương người dùng liên quan đến tính phổ biến của nội dung chia sẻ. Nhưng liệu những nỗ lực này có giúp giải quyết các vấn đề về sức khỏe tâm thần hay chỉ đơn giản là “băng bó vết thương”?

Theo Jacqueline Sperling, tiến sĩ, nhà tâm lý học tại Bệnh viện McLean, người làm việc với những thanh niên mắc chứng rối loạn lo âu, đó là một bước đi nhỏ nhưng đúng hướng liên quan đến những hạn chế gần đây của Instagram. Tuy nhiên, nhà tâm lý học này nhấn mạnh “ngay cả khi bạn loại bỏ lượt thích, vẫn có cơ hội so sánh và phản hồi. Mọi người vẫn có thể so sánh mình với người khác và người dùng khác vẫn có thể đăng bình luận”.

 Tác động của phương tiện truyền thông xã hội đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em đã được tính toán trong năm 2023, với cảnh báo chung của bác sĩ phẫu thuật Mỹ vào tháng 5 rằng không có đủ bằng chứng cho thấy phương tiện truyền thông xã hội an toàn cho trẻ em và thanh thiếu niên - đồng thời kêu gọi các công ty công nghệ, cha mẹ và người chăm sóc trẻ em hãy “hành động ngay lập tức để bảo vệ trẻ em ngay bây giờ”.

Để nâng cao lòng tự trọng và cảm giác thân thuộc trong xã hội trên mạng của mình, mọi người thường đăng tải các nội dung với hy vọng nhận được phản hồi tích cực. Khi xem các hoạt động xã hội của người khác, mọi người có xu hướng so sánh như “tôi có nhận được nhiều lượt thích như người khác không” hoặc “tại sao người này không thích bài đăng của tôi, còn người kia thì thích?”… Họ đang tìm kiếm sự xác thực trên Internet nhằm thay thế cho những kết nối có ý nghĩa mà họ có thể tạo ra trong cuộc sống thực.

Ngoài ra, mạng xã hội còn đang đưa ra một lăng kính méo mó về hình thức bên ngoài và thực tế. Facebook, Instagram và Snapchat làm tăng khả năng nhìn thấy những bức ảnh thiếu thực tế, đã qua chỉnh sửa… Khi có một bức “màn lọc” được áp dụng cho thế giới kỹ thuật số, thanh thiếu niên có thể khó phân biệt đâu là thật và đâu là giả, điều này xảy ra vào thời điểm khó khăn đối với họ về mặt thể chất và tinh thần.

Tiến sĩ Vivek Murthy nói với hãng tin AP: "Chúng tôi yêu cầu các bậc cha mẹ quản lý các công nghệ đang phát triển nhanh chóng, làm thay đổi căn bản cách con cái họ nghĩ về bản thân, cách chúng xây dựng tình bạn, cách chúng trải nghiệm thế giới. Đây là công nghệ mà các thế hệ trước chưa bao giờ phải quản lý. Nhưng chúng ta đang đặt tất cả những điều đó lên vai các bậc cha mẹ, điều này đơn giản là không công bằng”.

Bản thân những người lớn cũng dễ bị tổn thương. Trong những năm gần đây, các bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ nhận thấy yêu cầu của những bệnh nhân muốn trông giống ảnh Snapchat và Instagram đã qua chỉnh sửa của họ ngày càng tăng.

Một bài báo trên “New York Times” đăng vào tháng 6/2018 kể về một cặp vợ chồng mới cưới gần như ly thân sau tuần trăng mật với lý do: người vợ dành nhiều thời gian lên kế hoạch cho chuyến đi và đăng ảnh selfie hơn là dành cho chồng.

Vậy giải pháp là gì? Làm thế nào để chính các bậc cha mẹ cũng phải thay đổi thói quen sử dụng mạng xã hội của mình để giảm thiểu tác hại từ chúng rồi mới làm gương cho con cái? Liệu đã đến lúc cần “tắt nguồn điện thoại”, tránh xa chính những điều được cho là giúp mình tiêu khiển? Hãy thử đặt câu hỏi rằng “bạn có đang dành quá nhiều thời gian cho các thiết bị của mình không”?

Tiến sĩ tâm lý Sperling khuyến khích mọi người tiến hành thử nghiệm hành vi của riêng họ bằng cách đánh giá cảm xúc của họ theo thang điểm từ 0-10, với 10 là mức cảm xúc mãnh liệt nhất mà một người có thể trải qua, trước và sau khi sử dụng các trang mạng xã hội vào cùng một thời điểm mỗi ngày trong một tuần.

Nếu một người nhận thấy rằng mình cảm thấy kém vui hơn sau khi sử dụng chúng, thì người đó có thể cân nhắc thay đổi cách sử dụng các trang mạng xã hội, chẳng hạn như sử dụng chúng ít thời gian hơn và thay vào đó thực hiện các hoạt động khác mà người đó yêu thích.

Vào tháng 11, Arturo Béjar, cựu Giám đốc kỹ thuật của Meta, đã điều trần trước tiểu ban Thượng viện về mạng xã hội và cuộc khủng hoảng sức khỏe tâm thần ở thanh thiếu niên, với hy vọng làm sáng tỏ cách các giám đốc điều hành của Meta, bao gồm cả Zuckerberg, nhận thức rõ những tác hại mà Instagram gây ra nhưng đã chọn cách không thực hiện những thay đổi có ý nghĩa nhằm giải quyết chúng.

Lời điều trần được đưa ra trong bối cảnh lưỡng đảng đang thúc đẩy Quốc hội thông qua các quy định nhằm bảo vệ trẻ em ở trên không gian mạng. Vào tháng 12, Ủy ban Thương mại liên bang Mỹ đã đề xuất những thay đổi sâu rộng đối với một đạo luật có tuổi đời hàng thập kỷ nhằm quản lý cách các công ty trực tuyến có thể theo dõi và quảng cáo đối với trẻ em, bao gồm việc tắt quảng cáo được nhắm đối tượng đối với trẻ em dưới 13 tuổi theo mặc định và hạn chế các thông báo.

Ngọc Bích
.
.