Ứng xử học đường: Cần hơn nữa sự chuẩn mực
Gần đây, liên tục xuất hiện những clip trong môi trường giáo dục gây bức xúc dư luận như: “Học sinh quỳ khóc trước cửa lớp”; “Thầy giáo chửi học sinh thô tục” gây xôn xao dư luận. Dẫu biết có thể những câu chuyện trên chỉ là cá biệt nhưng một lần nữa vấn đề ứng xử của nhà giáo với học sinh nói riêng và văn hóa ứng xử học đường cần hơn nữa sự chuẩn mực.
Liên tiếp xảy ra những vụ việc đáng tiếc
Như clip được tung lên mạng xã hội vào tối ngày 1/10, thầy giáo chỉ tay vào mặt học sinh, xưng “bố mày” và nói: “Bây giờ làm đúng rồi, gạch tên đi, viết lại thì mới sai. Mày có hiểu không con chó này?”. Sau đó thầy giáo vung sách, rồi đưa cho học sinh, quát: “Về”.
Thầy giáo trong đoạn clip là thầy N.C.T giáo viên tiếng Anh, Trường THPT Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội). Được biết thầy giáo T. về trường công tác mới được 2 năm. Khi clip lan truyền trên mạng xã hội đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của hầu hết các bậc phụ huynh. Đa số đều nghĩ, thật khó có thể tưởng tượng được tại sao một người thầy có thể dùng từ ngữ thô tục như vậy để nói với học trò của mình. Đó là loại ngôn ngữ “đầu đường xó chợ”, không thể tồn tại trong môi trường giáo dục, nó gây tổn thương sâu sắc tới em học sinh bị thầy giáo mắng chửi, thậm chí sẽ là vết sẹo tâm hồn khó có thể chữa lành trong cuộc đời.
Chị Lê Thu Hòa (La Khê, Hà Đông, Hà Nội) đưa ra quan điểm: “Ai cũng có nhân phẩm, khi các em là học sinh đang ở lứa tuổi thiếu niên, các em càng cần phải được tôn trọng, phải được đối xử với tư cách là con người có phẩm giá, bởi đó là lứa tuổi nhạy cảm nhất. Đó là quyền hiển nhiên, quyền cơ bản của con người. Chưa kể, khi đến lớp học, trong nhà trường, học sinh phải được đón nhận và chăm sóc trong tình yêu thương của thầy cô, được dạy dỗ bằng những lời nói và hành động có văn hóa. Chính người thầy là hình mẫu cho sự chuẩn mực, trách nhiệm và giáo dục về văn hóa, văn minh”.
Trước hành động “phản sư phạm” của thầy giáo dạy tiếng Anh, ông Phùng Đức Ánh, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú thừa nhận rằng, hành vi của thầy giáo là xúc phạm học sinh, lời nói thiếu chuẩn mực, thiếu văn hóa. Quan điểm của nhà trường là không dung túng và sẽ xử lý nghiêm những sai phạm.
Ngay sau khi xảy ra sự việc, giáo viên nói những lời lẽ “chợ búa” với học sinh đã có bản tường trình và nhận ra lỗi sai của mình. “Thầy T. cũng thừa nhận bản thân nóng tính nên đã hành xử không đúng với học sinh. Nam giáo viên cũng đã rút kinh nghiệm và xin lỗi học sinh cùng phụ huynh. Về phía nam sinh bị thầy T. chửi mắng cũng nhận lỗi vì “khi nói chuyện, trao đổi với thầy đã nói câu không đầy đủ chủ ngữ, vị ngữ dẫn đến hai bên có những điều không hay. Hai bên đã trao đổi hài hòa, cởi mở, đều nhận ra lỗi của mình. Phụ huynh và học sinh mong nhà trường có biện pháp giải quyết ổn thỏa để mọi chuyện không đi quá xa”, ông Ánh nói thêm.
Sau khi họp xét kiểm điểm, kỷ luật giáo viên vi phạm, thầy T. đã tự nhận thấy hành vi, ngôn ngữ của mình thiếu chuẩn mực, gây nhiều bức xúc trong dư luận. Theo đó thầy T. đã nộp đơn trình hội đồng nhà trường xin nghỉ việc từ ngày 4/10 và được hội đồng nhà trường chấp thuận. “Sau vụ việc, nhà trường đã họp hội đồng sư phạm rút kinh nghiệm cho tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên, phổ biến lại quy định của ngành, quy định về đạo đức nhà giáo. Đồng thời tổ chức họp ban đại diện cha mẹ học sinh để thông báo kết quả giải quyết vụ việc, triển khai sinh hoạt tập thể giáo dục học sinh kỹ năng sống, ứng xử có văn hóa trên mạng xã hội. Đến nay mọi hoạt động giáo dục của nhà trường đã diễn ra bình thường, tâm lý giáo viên và học sinh đã ổn định”, ông Ánh chia sẻ.
Một vụ việc xảy ra trước đó ít ngày cũng trong môi trường giáo dục, được phát tán trên mạng xã hội, ghi lại một cảnh nữ sinh quỳ khóc trước cửa lớp đến kiệt sức. Sau đó, cô giáo chủ nhiệm túm áo lôi em ngồi dậy kéo vào phía trong lớp. Clip được xác định xảy ra tại trường THPT Đa Phúc (Sóc Sơn, Hà Nội). Sau khi vụ việc xảy ra, nhà trường đã yêu cầu cô giáo N.T.P và em N.T.K.C (bí thư đoàn của lớp) tường trình sự việc này. Theo đó, em C. được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng em đặt hàng khác với hàng mà cô giáo chủ nhiệm đã chỉ định. Sau khi trao đổi, cô P. bảo học sinh C. ra đứng ở cửa lớp, không cho vào để em tự giải quyết chiếc bánh mình đặt. Khi lớp kê bàn ghế và bày cỗ chuẩn bị sinh nhật cho các bạn trong tháng, giáo viên chủ nhiệm đi ra cửa thì học sinh C. quỳ xuống ở cửa lớp. Cô P. bảo học sinh đứng lên nhưng em không đứng. Do sức khỏe không tốt, học sinh C. nằm ra cửa lớp, đồng thời cô P. kéo áo học sinh này vào bên trong.
Cô P. cho biết: “Do nhiều lần em này làm không đúng so với kế hoạch của lớp. Khi thấy em học sinh đó quỳ và nằm trước cửa lớp, tôi rất sợ hình ảnh đó sẽ ảnh hưởng đến nhà trường, đến ngành nên tôi đã kéo em dậy nhưng chẳng may nó trượt thành túm áo. Tôi chỉ muốn em đừng nằm hay quỳ ở đó vì rất phản cảm. Tôi thừa nhận đó là những hành động nóng vội…”.
Trong khi đó, phụ huynh của em P. cho rằng: “Cô dùng những ngôn ngữ quá thô bạo, quá nặng đối với con tôi trong suốt thời gian ngày hôm ấy. Cô nói sẽ hạ hạnh kiểm con tôi để không đi thi được rồi gọi bố mẹ lên, đuổi chuyển qua lớp khác”.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay, trong thời gian chờ cơ quan thẩm quyền điều tra xác minh, kết luận chính thức vụ việc, hiệu trưởng đã tạm đình chỉ công tác giảng dạy, công tác chủ nhiệm lớp và tư vấn tâm lý học đường đối với bà N. T.P, giáo viên Trường THPT Đa Phúc. Nhà trường bố trí giáo viên thay thế đảm bảo đúng quy định hiện hành để hoạt động giáo dục của nhà trường diễn ra bình thường theo đúng kế hoạch.
Nói về vấn đề này, ông Đinh Công Sỹ, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng, đây là hành vi phản giáo dục và không thể chấp nhận được trong bất kỳ tình huống nào. Giáo viên cần phải có ứng xử chuẩn mực theo quy định hiện hành của ngành giáo dục. “Cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng vào cuộc để xác minh vụ việc và nghiêm khắc xử lý để răn đe các trường hợp khác, tạo môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn cho cả học sinh và giáo viên”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Có thể thấy, chuyện giáo viên giận trò khi lên lớp, trong giờ hoạt động trải nghiệm khó có thể tránh khỏi. Vấn đề nằm ở việc người thầy phải biết kiểm soát cảm xúc và tự rèn cho mình bản lĩnh cũng như tìm phương pháp giáo dục học sinh. Ở độ tuổi nhạy cảm của những thiếu niên mới lớn, rất cần sự thấu hiểu, ân cần hướng dẫn, chia sẻ của thầy cô. Trong bất kỳ tình huống nào, người giáo viên tuyệt đối không tìm cách thắng học sinh. Khó nhất của nghề dạy học không phải là truyền thụ kiến thức mà là dạy cho học sinh đạo đức làm người.
Phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết
Rất nhiều giáo viên cho rằng, do tính chất và đặc thù nghề nghiệp nên đa phần giáo viên đều là những người sống tình cảm và dễ cảm thông, bỏ qua và tha thứ cho lỗi lầm của học trò. Các giáo viên thường đặt tình thương, trách nhiệm lên trên sự tức giận, với mục đích kiên nhẫn cùng gia đình, xã hội để giáo dục, uốn nắn học sinh nên người.
Cô Nguyễn Thùy Linh (giáo viên Ngữ văn, trường THCS Thanh Cao, Thanh Oai, Hà Nội) chia sẻ: “Giáo viên cũng là con người, các thầy cô cũng có lúc tức nghẹn vì học sinh quá ngỗ nghịch, quậy phá và không lo tiếp thu bài. Thầy cô luôn mong các em học sinh đến trường là để rèn luyện đạo đức, khám phá tri thức, trở thành một công dân lương thiện và ưu tú. Khi giáo viên dồn toàn tâm toàn ý cho bộ môn, lớp học và đã nhắc nhở nhiều lần mà học sinh vẫn không hợp tác thì tức giận là lẽ tự nhiên. Tôi nghĩ thầy cô cần có quyền được la rầy, phân tích cho các em hiểu, chứ không phải lúc nào cũng im lặng cho qua để dạy hết giờ là xong. La rầy, phân tích chứ không phải chửi học sinh, miệt thị các em. Khi các em nắm kiến thức thì lúc đó các em vừa tiếp nhận kiến thức, vừa rèn luyện tính kỷ luật, làm việc khoa học. Điều đó có nghĩa dạy chữ song song với dạy người”
Trong khi đó, cô Cao Thị Tuất (giáo viên trường Tiểu học Sơn Công, Ứng Hòa, Hà Nội) cho rằng, chính bản thân cô cũng có những lúc tức giận, mắng học sinh. Tuy nhiên cô hay đặt mình vào tuổi của các em nên đã có những cách nói phù hợp. Theo cô Tuất, các em ở độ tuổi này luôn muốn thể hiện, muốn chống đối khi bị công kích. “Tôi sẽ không bêu tên học sinh khi bị phê bình, tránh làm các em tổn thương. Tôi nhắc nhở trong nhiều tiết học, đủ để cả lớp biết rút kinh nghiệm chung. Bản thân tôi cũng tự nhủ là thở sâu, ráng kiềm chế, tránh nói ra những từ nặng nề với học sinh của mình. Bởi khi ai đó đã giận dữ, thì âm vực, lời nói khó mà kiềm chế. Lời nói ra rồi, không rút lại được”, cô Tuất tâm sự.
Phát triển ngành giáo dục cũng là phát triển con người, hướng tới tương lai, đó là mong muốn, nỗ lực của toàn xã hội. Tất cả sẽ không thành công khi đội ngũ giáo viên non phẩm cách và nông năng lực. Sự chung tay từ ban giám hiệu, thầy cô, học sinh, phụ huynh - tất cả cho mỗi ngày đến trường là một ngày vui.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội - Trần Thế Cương chia sẻ, Thủ đô Hà Nội có số lượng trường học lớn, học sinh đông (gần 2,3 triệu), bên cạnh những nhà giáo tâm huyết, trường học nỗ lực dạy học vẫn có nơi để xảy ra một số sự việc đáng tiếc.
Ví dụ như: Sự việc ở Trường THPT Đa Phúc, huyện Sóc Sơn, chỉ vì một chiếc bánh học sinh đặt sai, giáo viên có cách hành xử không đúng mực; hay sự việc giáo viên mắng chửi học sinh ở Trường THPT Phan Huy Chú, huyện Thạch Thất, giáo viên bạo hành trẻ ở Gia Lâm… Các việc kể trên khiến dư luận bức xúc, ngành Giáo dục cũng bị ảnh hưởng. Hiện tại, các trường đang chờ cơ quan Công an xem xét và ngành sẽ chỉ đạo xử lý nghiêm theo quy định.
Theo ông Cương, tất cả các sự việc, tình huống trong nhà trường, đối với học sinh, yêu cầu phải đặt quyền lợi học sinh lên trên hết. Không vì bất cứ lý do gì, giáo viên hay quản lý trường học có thể có những lời nói xúc phạm, hành động “cho dừng học” như sự việc ở Trường THPT Lạc Long Quân vì mâu thuẫn với phụ huynh mà đình chỉ việc học của học sinh.
“Trong các trường học có khẩu hiệu: Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm và tôi cho rằng, cần đưa chữ tình thương lên đầu tiên. Hơn ai hết, trong trường học, thầy cô phải thương học trò và có ứng xử phù hợp. Tất nhiên, học trò vi phạm kỷ luật vẫn phải xử phạt trên tinh thần răn đe, giáo dục vì trường học là môi trường giáo dục học sinh nhằm hướng các em rèn luyện nhân cách tốt đẹp hơn”, ông Cương nói.
Thấu hiểu công việc nhà giáo trong bối cảnh đổi mới với nhiều áp lực, thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu cuộc sống, ông Cương đề nghị cơ sở giáo dục thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ.