Ứng xử thế nào khi cho vay, đòi nợ?

Thứ Ba, 09/05/2023, 09:41

Thời gian vừa qua trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tiếp xảy ra nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến việc vay nợ giữa các cá nhân với nhau. Điều đáng nói là có những vụ mà số tiền vay nợ chỉ là một vài triệu đồng, song lại để lại hậu quả đáng tiếc.

Trên thực tế vay nợ - cho vay là một hoạt động bình thường trong đời sống xã hội, song vay như thế nào và đòi nợ ra sao thì lại là một vấn đề cần được các bên ứng xử văn minh, đúng pháp luật.

Mất mạng chỉ vì... vài triệu đồng

Có thể nói, giới học sinh sinh viên, người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội sinh sống, làm việc thường có nhu cầu vay mượn nhằm giải quyết những yêu cầu cấp bách trong cuộc sống. Số tiền đôi khi chỉ là vài trăm ngàn cho đến một vài triệu đồng. Tuy nhiên, việc ứng xử thiếu văn minh, tôn trọng nhau nhiều khi dẫn đến những hậu quả đau lòng. Vụ việc xảy ra trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội vào cuối tháng 3/2023 vừa qua là một ví dụ.

1.jpeg -0
Vụ hỗn chiến giữa nhóm đi đòi nợ và con nợ, khiến một người tử vong

Anh Nguyễn Thành H. (sinh năm 1992, thường trú tại xã Văn Bán, huyện Cẩm Khê, Phú Thọ) là lao động tự do, hiện đang sinh sống tại khu Tây Nam Linh Đàm thuộc phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai). Do mới về Hà Nội làm việc một thời gian, công việc có nhiều khó khăn, lương chủ trả cũng thất thường nên anh H. phải vay nợ nhiều người, trong đó có Nguyễn Hoàng Thiện (sinh năm 1992, thường trú tại Hòa An, Thái Thuỵ, Thái Bình). Đầu tháng 3/2023 anh H. vay Thiện số tiền là 1,3 triệu đồng, hứa sẽ sớm trả nhưng chưa chuẩn bị được.

Tối ngày 24/3/2023, Thiện đi uống rượu với bạn bè về chỗ trọ thì gặp anh H. và nhớ ra món nợ nên đòi. Do chưa có tiền nên anh H. xin khất, hứa hôm sau sẽ trả. Trong cơn men, Thiện không giữ được bình tĩnh nên đã lấy một con dao nhọn rồi đe dọa anh H. "Nếu không trả tiền thì chỉ có chết". Sau đó đối tượng sử dụng dao đâm nhiều nhát vào anh H. khiến anh tử vong trước khi kịp đến bệnh viện.

Sau khi gây án, Thiện đã lên cơ quan Công an đầu thú. Khi đã tỉnh cơn say, đối tượng tỏ ra rất hối hận về sự việc. Cùng là cảnh công nhân xa nhà với nhau, song chỉ vì món tiền nhỏ mà Thiện đã gây ra hậu quả đau lòng cho gia đình bị hại, và cũng khiến chính bản thân mình phải sa vào vòng lao lý.

Một vụ việc khác, đêm 18/4/2023, anh Phạm Văn Đoàn (sinh năm 1996, tạm trú ở ngõ 1 Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, Thanh Xuân) có ngồi ăn cơm với nhóm bạn gồm anh Nguyễn Đức T. (sinh năm 1995), anh Đinh Văn Th. (sinh năm 1993) và anh Nguyễn Minh N. (sinh năm 1995, cùng trú tại Xuân Trường, Nam Định) thì xuất hiện nhóm đối tượng gồm Nguyễn Đức Tấn (sinh năm 1995, quê Nam Định) đến đòi nợ. Nhóm của Tấn "thay mặt" chủ nợ tên Vinh đòi anh Đoàn trả 10 triệu đồng mà anh đã vay trước đó.

Do chưa có tiền trả, giữa nhóm của anh Đoàn và nhóm của Tấn đã xảy ra cãi vã, và được mọi người can ngăn. Tưởng rằng vụ việc dừng lại tại đây, song không ngờ chừng một giờ sau đó Tấn gọi điện thoại kéo khoảng 10 đối tượng mang theo hung khí đến "giải quyết mâu thuẫn". Cuộc ẩu đả diễn ra, hậu quả khiến anh Đinh Văn Th. gục tại chỗ và tử vong sau đó tại bệnh viện.

Quá trình điều tra, Công an quận Thanh Xuân (Hà Nội) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an Hà Nội xác định 8 đối tượng liên quan đến vụ án "Giết người" và "Gây rối trật tự công cộng". Cơ quan Công an đã bắt giữ đối tượng dùng hung khí tấn công nạn nhân Th., là Nguyễn Viết Tính (sinh năm 1992, quê Xuân Trường, Nam Định).

Ứng xử thế nào khi cho vay, đòi nợ? -0
Chỉ vì món nợ 4 triệu đồng, Trần Đức Kiên đã lấy đi tính mạng con nợ

Vay trả văn minh, đúng pháp luật

Theo một điều tra viên phòng CSHS, thời gian qua Cơ quan Công an nhận được nhiều đơn tố cáo một số cá nhân có hành vi vay mượn tiền, tài sản song chây ì, không trả nợ. Bên cạnh đó, thống kê sơ bộ cho thấy mỗi năm trên địa bàn TP cũng đã xảy ra hàng chục vụ "Gây rối trật tự công cộng", "Cố ý gây thương tích" hay  thậm chí là "Giết người"; "Cướp tài sản"... liên quan đến những mâu thuẫn khi vay nợ.

Đặc biệt, có những công chức, viên chức đang có công ăn việc làm ổn định, song lại sa vào cờ bạc rượu chè, rồi vay nợ quá nhiều dẫn đến mất khả năng thanh toán. Cùng đường họ đã phải nghỉ việc, rồi lao vào vực xoáy không lối thoát. Như vụ việc xảy ra trên địa bàn quận Long Biên vào những ngày giữa tháng 4/2023 là một ví dụ.

Nhiều năm trước Trương Việt Hùng (sinh năm 1988, thường trú tại Phủ Lý, Hà Nam) đang công tác tại một cơ quan nhà nước, có thu nhập ổn định và một công việc nhiều người mơ ước. Trong thời gian này, Hùng có quan hệ tình cảm với chị Nguyễn N.Q. (sinh năm 1984, thường trú tại phường Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội).

Tuy nhiên, do không chịu rèn luyện tu dưỡng, Hùng đã sa vào nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè... khiến bản thân ngập chìm trong nợ nần. Năm 2020, Hùng đã phải làm đơn xin nghỉ việc, để tránh ảnh hưởng đến cơ quan. Sau đó, mối quan hệ với chị Q. cũng đi vào bế tắc vì chị Q. phát hiện Hùng có bất minh về kinh tế, nợ nần nhiều.

Cuối cùng, ngày 12/4/2023 đối tượng đã ra tay sát hại chị Q., trộm lấy túi xách của chị, trong đó có số tiền gần 10 triệu đồng và chiếc điện thoại Iphone rồi bỏ trốn. Do biết mật khẩu điện thoại, và tài khoản ngân hàng của chị Q. nên Hùng đã chuyển gần 40 triệu đồng từ tài khoản của chị Q. để nạp vào tài khoản đánh bạc trực tuyến rồi ném chiếc điện thoại xuống sông. Với hành vi Giết người, Cướp tài sản, đối tượng sẽ phải đối mặt với bản án rất nghiêm khắc của pháp luật.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình (trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) hoạt động vay mượn giữa các cá nhân với nhau, giữa cá nhân với tổ chức diễn ra khá phổ biến trong xã hội. Đặc biệt trong tầng lớp lao động có thu nhập thấp, họ thường vay mượn những món nhỏ từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng. Đây cũng là hoạt động có từ rất lâu đời, và cũng có những mặt tích cực, để người dân có thể giải quyết kịp thời nhu cầu tài chính phát sinh trong cuộc sống.

Ứng xử thế nào khi cho vay, đòi nợ? -0
Nợ nần nhiều, Trương Việt Hùng (phải) đã gây ra vụ án giết người, cướp tài sản

Dù vậy để tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc, trước tiên người đi vay phải xác định việc cần thiết trong vay mượn. Người đi vay cần xác định khi đã nhận tiền vay (có trả lãi hoặc không) thì có thể xảy ra rất nhiều rủi ro. Nếu là món nhỏ, trong phạm vi thu nhập thì không sao, nhưng nếu vay để làm ăn, kinh doanh thì cần phải lưu ý công việc không thuận lợi thì việc trả nợ có thể bị trễ. Do đó nếu có thể, nên vay bạn bè, cá nhân hay một tổ chức nào đó, mà mình hứa với người ta được thời hạn trả thì phải giữ uy tín.

Thứ hai, người vay nên lựa chọn mối quan hệ thân cận (như anh em, bạn bè, người thân) hoặc hệ thống ngân hàng. Khi anh em, người thân không có, lúc đó mới nghĩ đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng, theo một trình tự hợp pháp. Luật sư khuyến cáo không nên vay ở những công ty tài chính, hiệu cầm đồ, băng nhóm tín dụng “đen". Bởi những nơi này, họ đều cho vay lãi cao, nếu không trả đúng hạn thì lãi mẹ đẻ lãi con, người vay rất có thể sẽ lâm vào tình trạng mất thanh khoản.

Liên quan đến vấn đề có hiện tượng "bùng tiền" khi vay, luật gia Tạ Quốc Dũng cho chúng tôi biết. Đầu tiên cần khẳng định rằng hành vi vay tiền nhưng không trả là hành vi vi phạm pháp luật. Điều này được thể hiện rõ trong Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về nghĩa vụ trả nợ cho người vay.

Ngoài ra trong một số trường hợp cụ thể người vay tiền không trả có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 175 BLHS 2015 nếu người đó có các hành vi như: dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó, bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản hoặc đến thời hạn trả tài sản mặc dù có điều kiện khả năng nhưng cố tình không trả hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. Hình phạt cao nhất đối với tội danh này có thể lên đến 20 năm tù.

Phân tích trên góc độ thu hồi nợ, luật sư Trần Xuân Tiền (Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng đối với hoạt động thu hồi nợ, cá nhân, tổ chức thu hồi nợ không được thực hiện các hành vi xâm phạm đến tài sản, danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe của con nợ để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

Để thu hồi nợ đúng luật, cá nhân, tổ chức thu hồi nợ phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong việc thu hồi nợ. Như đối với các công ty tài chính thường sử dụng hình thức đòi nợ qua điện thoại, các tổ chức này cần phải tuân thủ quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 7 Thông tư 43/2016/TT-NHNN, sửa đổi bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN về biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ của các công ty tài chính.

Cụ thể, các công ty tài chính phải có biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng, quy định của pháp luật; không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng, trong đó số lần nhắc nợ tối đa 5 lần/1 ngày; hình thức nhắc nợ, thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ; không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ cho công ty tài chính, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bảo mật thông tin khách hàng theo quy định của pháp luật.

Ứng xử thế nào khi cho vay, đòi nợ? -0

"Câu chuyện thu hồi nợ luôn khiến nhiều người đau đầu, làm sao để vừa thu hồi nợ hiệu quả lại vừa đảm bảo đúng pháp luật, không để mình phải gánh chịu những hậu quả pháp lý đáng tiếc. Dẫu biết ai cũng mong muốn thu hồi được khoản nợ, thế nhưng việc tôn trọng quyền lợi cho bên vay là rất cần thiết. Tôn trọng để không xâm phạm quyền của họ, tôn trọng để tránh vi phạm pháp luật. Mặc dù vậy, trong nhiều trường hợp giữa chủ nợ và con nợ có mâu thuẫn sâu sắc, không thể ngồi lại được với nhau thì làm sao có thể giữ bình tĩnh, làm sao đã có kinh nghiệm thu nợ khi chưa thu nợ bao giờ và còn nhiều người còn tâm lý ngại đòi nợ? Khi đó, tốt nhất là nên tìm đến sự trợ giúp của bên thứ ba am hiểu về pháp luật, có kinh nghiệm trong lĩnh vực thu nợ" - luật sư Trần Xuân Tiền.

Yên Chi
.
.