V.League và bước ngoặt lịch sử

Thứ Tư, 21/06/2023, 10:31

Không còn là chuyện trên giấy tờ nữa, V.League đã tiến đến bước ngoặt lịch sử sau 23 năm thành lập. Kể từ tháng 10 tới, giải đấu hàng đầu Việt Nam sẽ thay đổi toàn diện về phương thức tổ chức, cũng như cập nhật những yếu tố cơ bản để bắt kịp với bóng đá thế giới.

Bước ngoặt lịch sử

Mùa giải 2023 đánh dấu bước ngoặt lịch sử của V.League sau 23 năm ra đời. Đây sẽ là bước đệm cho mùa giải đầu tiên của V.League diễn ra theo dòng thời gian của các giải đấu lớn ở châu Âu, tức thi đấu vắt từ mùa thu năm trước sang mùa hè năm tiếp theo.

anh 3.jpg -0
VAR sẽ giúp V.League “minh bạch” và kịch tính hơn.

Ngày 15/6 vừa qua, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã tiến hành tổ chức Hội thảo công tác chuẩn bị, tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia ở mùa giải tới. Hội thảo này tập trung vào các nội dung liên quan đến dự kiến kế hoạch thi đấu, dự thảo Điều lệ Giải Vô địch quốc gia, Hạng nhất quốc gia, Cúp quốc gia.

Mùa giải 2023 đang diễn ra được xem là mùa giải bản lề để thực hiện kế hoạch thay đổi khung thời gian tổ chức đối với giải đấu cấp câu lạc bộ (CLB) trong hệ thống thi đấu AFC. Để đảm bảo quỹ thời gian tổ chức, mùa giải 2023/2024 dự kiến khởi tranh chỉ khoảng 2 tháng sau khi kết thúc mùa giải 2023. Hội thảo đã thống nhất quãng thời gian tổ chức mùa giải 2023/2024 bắt đầu từ ngày 20/10/2023 và kết thúc vào ngày 11/7/2024.

Sự thay đổi này tạo ra những đột phá lớn cho V.League. Trong đó, đáng kể nhất là việc giải đấu sẽ không bị tạm dừng “vô tội vạ” như trước. Sẽ không có chuyện các CLB phải nghỉ thi đấu dài hạn vì các đội tuyển trẻ như U20 hay U23 Việt Nam. Thay vào đó, V.League chỉ nhường chỗ cho các đợt FIFA Days và các giải đấu lớn của ĐTQG Việt Nam, bao gồm Asian Cup 2024.

Đây là điều nhiều CLB mong mỏi trong thời gian qua. Đầu năm nay, HAGL cùng một số CLB khác thậm chí đã gửi công văn đến VPF cũng như Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) kiến nghị, yêu cầu không hoãn V.League liên tục… như mùa giải này.

Tất nhiên, việc thông qua thể thức và sắp xếp lịch thi đấu vẫn cần phải bàn bạc thêm. Cần nhớ rằng V.League hiện tại chỉ có 14 CLB tham dự. Nếu không chia làm 2 giai đoạn, V.League chỉ có tối đa 26 vòng đấu - ít hơn các giải hàng đầu châu Âu đến 12 vòng đấu. Việc lấp đầy lịch trình 9 tháng theo khung thời gian nói trên là điều không đơn giản.

anh 4.jpg -0
Huấn luyện viên Troussier chỉ là đại diện cho triết lý của VFF?

Thông thường các mùa giải châu Âu chỉ bị ngắt quãng bởi 4 dịp FIFA Days vào tháng 9, tháng 10, tháng 11 và tháng 3. Ngoài ra, một số giải sẽ hoãn theo vòng chung kết châu lục của riêng họ. Theo kế hoạch mà VPF đưa ra, V.League 2023/2024 chỉ phải tạm dừng ở dịp FIFA Days tháng 11 năm nay và tháng 3 năm 2024, cùng với dịp Asian Cup 2023 - giải đấu diễn ra từ ngày 12/1 đến 10/2/2024.

Điều đó có nghĩa V.League 2023/2024 thực tế sẽ gói gọn trong vòng 7 tháng, và VPF phải tìm ra phương án để các sân cỏ trên cả nước không bị nguội lạnh quá lâu. Không loại trừ V.League chuyển sang thể thức 2 giai đoạn giống như các giải đấu hạng thấp hơn ở châu Âu như Scotland, Bỉ… Cụ thể, giai đoạn 1 bao gồm 26 vòng đấu lượt đi - về để phân hạng. Giai đoạn 2 sẽ dành cho các đội tranh vô địch và trụ hạng như hiện tại. Khi đó, V.League đảm bảo có nhiều hơn 32 vòng đấu mỗi mùa và tạo ra sự hấp dẫn liền mạch đến phút chót.

Sức hấp dẫn của V.League rất quan trọng, bởi lẽ mùa giải tới cũng đánh dấu một bước ngoặt lịch sử khác của giải đấu: Lần đầu tiên, các CLB dự giải sẽ được chia tiền bản quyền truyền hình. Với gói bản quyền lên đến 60 tỷ/1 mùa, các CLB có thể thu về hàng tỷ đồng từ VPF, qua đó tái đầu tư cho đội bóng và có thể phát triển mạnh hơn.

Bản thân VPF cũng nhờ gói tài trợ đặc biệt này để đi đến quyết định hứa hẹn sẽ giúp V.League lột xác, trở thành giải đấu hàng đầu khu vực. Đó là đưa VAR về Việt Nam. Các bước cuối cùng để áp dụng VAR vào sân cỏ V.League đang được triển khai.

anh 1.jpg -0
V.League thay đổi sẽ giúp các Câu lạc bộ tham dự đấu trường châu lục dễ dàng hơn.

Ngày 18/6, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài đã hoàn thành khóa đào tạo trọng tài VAR đợt 3 - khóa đào tạo cuối trong các bước đào tạo bắt buộc dành cho trọng tài VAR. Các học viên của lớp trải qua các bài tập theo độ khó tăng dần, với tổng số 144 trận đấu gồm 3 khoảng thời gian: 10 phút, 20-30 phút và 90 phút.

Tất cả các trận đấu được hỗ trợ bởi khoảng 80 cầu thủ thuộc tuyến trẻ của CLB Hà Nội. Ở giai đoạn này, 3 chuyên gia đào tạo VAR của FIFA lần lượt có mặt tại các buổi học nhằm đánh giá về khả năng đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vận hành và năng lực trọng tài VAR. VPF hứa hẹn sẽ triển khai thí điểm VAR ngay ở mùa giải này, đảm bảo mọi thứ hoạt động trơn tru khi bước vào mùa giải mới.

 Triết lý của VFF

Một loạt thay đổi mang tính lịch sử của V.League đến cùng vào một thời điểm có thể xem là lý do tại sao VFF lại đặt niềm tin tuyệt đối với huấn luyện viên (HLV) Troussier. Sau khi lên thay HLV Park Hang-seo, chiến lược gia người Pháp gặp vô số khó khăn trong việc áp đặt triết lý bóng đá vào các cầu thủ Việt Nam, từ lứa U22 đến ĐTQG. Thất bại tại Doha Cup, SEA Games 32 khiến HLV Troussier chịu vô số sức ép từ người hâm mộ.

Ngay cả chiến thắng 1-0 trước Hồng Kông (Trung Quốc) trong trận ra mắt ĐTQG Việt Nam cũng không thể giúp HLV Troussier tạo dựng niềm tin nơi giới mộ điệu. Tuy nhiên, ông vẫn được VFF ủng hộ vô điều kiện. Trong nội bộ VFF chưa bao giờ thảo luận tại sao HLV Troussier lại gặp nhiều khó khăn đến vậy khi tiếp quản U22 và ĐTQG Việt Nam. Tất cả đã được lường trước.

Rõ ràng, VFF không ký hợp đồng dài hạn với HLV Troussier và đặt mục tiêu hướng đến World Cup 2026 cho vui. Bước ngoặt được định sẵn tại V.League sắp tới chính là nền tảng để VFF chọn “thuyền trưởng” có phong cách bóng đá hiện đại và rõ ràng như Troussier.

anh 2.jpg -0
Các đội tuyển trẻ Việt Nam không được phép làm gián đoạn V.League.

Khác với một người giỏi “liệu cơm, gắp mắm” như HLV Park Hang-seo, HLV Troussier là chiến lược gia thích xây dựng tất cả từ nền móng cơ bản nhất. Ở đây, cần làm rõ tầm nhìn của VFF. Sau 3 tháng, ai cũng hiểu Troussier là HLV như thế nào. HLV người Pháp liên tục nhắc đến mục tiêu đưa ĐTQG Việt Nam vươn tầm châu lục, và mong muốn đầu tiên của ông là cải thiện khả năng kiểm soát bóng. Nói cách khác, Troussier đã 68 tuổi, nhưng triết lý chiến thuật của ông vẫn rất hiện đại.

Nhưng vấn đề sẽ không dừng lại ở Troussier mà cao hơn, ở tầm nhìn của VFF. Với những gì đang xảy ra, HLV người Pháp đối mặt với nguy cơ bị sa thải không hề nhỏ. Nhưng hướng đi của VFF sẽ không thay đổi ngay cả khi kịch bản xấu nhất xảy ra. Đây mới là điều quan trọng nhất. Triết lý của Troussier hiện tại chính là triết lý mà VFF quyết tâm theo đuổi. Nếu HLV người Pháp không may thất bại - điều có thể thông cảm được trong giai đoạn chuyển giao đầy khó khăn, VFF vẫn cần phải kiên định đi tiếp con đường này.

Sau thời gian dài nếm trải đủ mùi vị từ đắng cay đến ngọt ngào, bóng đá Việt Nam chưa bao giờ ngừng tìm kiếm lối chơi phù hợp nhất với tố chất của các cầu thủ Việt Nam: nhỏ con nhưng nhanh nhẹn và khéo léo. Tây Ban Nha ở châu Âu và Nhật Bản ở châu Á là những hình mẫu hoàn hảo để bóng đá Việt Nam noi theo. Chính vì vậy, VFF phải làm rõ triết lý của mình và trung thành với triết lý đó nếu muốn nâng tầm bóng đá Việt Nam. Vai trò của tân giám đốc kỹ thuật người Nhật Bản, Koshida Takeshi cực kỳ quan trọng và thậm chí mang tính sống còn.

Chỉ như vậy, những thay đổi mang tính lịch sử của V.League sắp tới mới hứa hẹn phát huy hiệu quả tối đa, tạo ra bước nhảy vọt cho các lứa cầu thủ Việt Nam.

Bản quyền V.League từng được định giá 50 tỷ từ 12 năm trước

Kể từ khi V.League ra đời vào năm 2000, bản quyền truyền hình giải đấu luôn là vấn đề nhức nhối. Trong những mùa giải đầu tiên, ban tổ chức V.League gần như không có nguồn thu từ bản quyền truyền hình. Thậm chí ngược lại, VFF và các CLB phải trả tiền và lo cả chi phí lưu trú, di chuyển, bồi dưỡng cho nhà đài để phát sóng trực tiếp các trận đấu.

Đến cuối năm 2010, VFF khiến tất cả ngã ngửa khi quyết định bán bản quyền V.League cho Truyền hình An Viên (AVG) với bản hợp đồng lên tới 20 năm. Giá bản quyền V.League mùa 2011 có giá là 6 tỉ đồng và mỗi năm tăng lũy tiến 10%. Điều đó có nghĩa rằng nếu mọi thứ hoạt động đúng theo cam kết đề ra thì tổng giá trị bản quyền truyền hình V-League trong vòng 20 năm sẽ lên tới 342 tỉ đồng, với số tiền được chia theo tỷ lệ 40% - 40% - 20% (VFF - đội nhà - đội khách).

Thế nhưng, VPF ra đời vào cuối năm 2011 và lấy lại bản quyền V.League từ AVG với cam kết thu về tối thiểu 50 tỷ mỗi mùa. Đáng tiếc, thương vụ này một lần nữa đổ bể khi bầu Kiên bị bắt. Cũng trong giai đoạn này, công ty nước ngoài MP&Silva từng đặt đề nghị mua bản quyền V.League nhưng “lật kèo” vào phút chót vì không được độc quyền.

An Khánh
.
.