“Vaccine” giải trí trên mạng xã hội
Với quá trình hội nhập quốc tế như hiện nay và đặc biệt chúng ta đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, mạng xã hội đã đem tới rất nhiều thông tin hữu ích cho mỗi cá nhân. Tuy nhiên, thông tin từ mạng xã hội đôi khi lại chưa chuẩn xác, lệch lạc, thậm chí sai sự thật.
Trong đó có một số sản phẩm là những bản ghi âm thanh, hình ảnh chứa nội dung thiếu lành mạnh, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, tác động tiêu cực đến đạo đức và tâm lý xã hội vẫn được số ít cá nhân chia sẻ công khai. Thông tin sai sự thật, thiếu kiểm chứng được chia sẻ đến khi người dùng mạng xã hội nhận thức được thì sự việc bị đẩy đi quá xa, nhiều trường hợp đã bị cơ quan chức năng xử lý. Đây là bài học cần thiết đối với người dùng mạng xã hội trong việc tiếp nhận, kiểm chứng và trước khi quyết định chia sẻ thông tin.
Sự phát triển của khoa học công nghệ, các ứng dụng mạng xã hội như Youtube, Facebook, Zalo, Tiktok, Instagram, Twitter, Flickr... đã và đang thu hút hàng chục triệu người dùng mở tài khoản tham gia. Sự phát triển của mạng xã hội giúp kết nối thế giới đến từng cá nhân; vì thế mà việc tiếp cận, chia sẻ thông tin không còn độc quyền như trước. Thay vào đó, tất cả người sử dụng mạng xã hội đều có cơ hội tham gia vào quá trình tương tác, cung cấp, chia sẻ thông tin độc lập, tạo ra môi trường thông tin đa chiều với nội dung thông tin phong phú, đa dạng.
Phương thức này không chỉ giúp một số cá nhân dùng mạng xã hội để kết nối, giao lưu, chia sẻ thông tin, giải trí vui vẻ, mà còn có những cá nhân kỳ vọng vào việc sử dụng nền tảng mạng xã hội này để trở nên nổi tiếng, mong muốn trở thành người được chú ý trên cộng đồng mạng. Chính nhờ được nổi tiếng sẽ giúp cá nhân đó có cơ hội kiếm được tiền nhờ sức mạnh mềm của mạng xã hội.
Việc kiếm tiền dễ dàng trên các nền tảng kỹ thuật số như vậy là một trong những cách giúp người dùng hiện nay đầu tư “chăm chút” kênh của mình. Việc đem lại nguồn kinh phí nhất định cho chủ tài khoản nhờ vào lượt tương tác, chia sẻ của người dùng, người theo dõi online. Trên nguyên tắc số lượng người tương tác, chia sẻ thông tin càng nhiều, số tiền thu được càng lớn. Tuy nhiên, thực tế vì mục đích lợi nhuận đem lại khiến một số chủ tài khoản sẵn sàng sử dụng mạng xã hội để sản xuất, phát hành những sản phẩm (trong đó có video) không đúng, thậm chí trái đạo đức xã hội. Đáng ngại, những sản phẩm này góp phần ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống của một số cá nhân trẻ tuổi trong xã hội, thậm chí ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và tâm lý chung.
Thực tế đã xuất hiện một số video ngay khi chia sẻ công khai đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong xã hội. Khi ấy, có người cho rằng do “dân trí”, và “dân trí thấp” là nguyên nhân của nhiều vấn đề bức xúc trong đời sống hiện nay nói chung! Xin thưa, đó là nhận định sai lầm và đáng bị lên án, bởi có chăng chỉ một số cá nhân đã góp phần “con sâu làm rầu nồi canh” mà thôi.
Xã hội phát triển không ngừng, trình độ dân trí ngày càng cao, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng khắt khe để có những sản phẩm chất lượng ra đời. Công chúng, khán thính giả giờ đây có bộ lọc ngày càng tốt khi tiếp cận nhiều luồng thông tin. Họ truy cập các mạng xã hội phần lớn đều phân biệt rõ cái tốt, cái xấu, cái cần bình luận tích cực mang tính xây dựng, cái không chia sẻ và cái cần phải lên án, phản ánh. Khi trên mạng xã hội xuất hiện bất kỳ một sản phẩm văn hóa mới nào đều nhận được phản hồi từ dư luận. Nhờ đó mà cơ quan chuyên môn, những người làm công tác quản lý văn hóa nhận được thêm thông tin, chia sẻ về những sản phẩm đó.
Nếu sản phẩm có nội dung, trang phục, từ ngữ, hình ảnh, âm thanh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức thể hiện hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội, làm tổn thương đời sống tinh thần của người dân, lập tức sẽ có phản ứng gay gắt. Trái lại, sản phẩm có giá trị sẽ được công chúng đón nhận và chia sẻ rộng với tốc độ rất nhanh. Bởi thế, có vẻ như đôi lúc chúng ta đang bị lẫn giữa những phản ứng gay gắt và sự tiếp nhận những tiêu cực ấy.
Bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế được Đảng và Nhà nước ta xác định rõ đường hướng hoạt động nghệ thuật và những nguyên tắc trong việc tham gia tiến trình này. Việt Nam hội nhập quốc tế nhằm củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh, bền vững, bảo vệ Tổ quốc, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam, giới thiệu và phát huy các loại hình nghệ thuật truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, xây dựng và phát triển các loại hình nghệ thuật biểu diễn hiện đại; tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội; thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII), nhằm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Dưới góc độ chuyên môn, trong quá trình hội nhập với những nền văn hóa trên thế giới xuất hiện những hiện tượng giới trẻ hiện nay đang tìm tòi, thể nghiệm, sáng tạo ra sản phẩm mang tính giải trí nhưng đôi khi sản phẩm ấy chưa phù hợp trong cuộc sống xã hội hiện tại, làm mờ đi những giá trị truyền thống mang bản sắc văn hóa dân tộc Việt. Tuy nhiên, chưa nên vội kết luận. Một sản phẩm là bản ghi âm thanh, hình ảnh cho dù có tính chất giải trí, đùa nghịch, vui vẻ thì nội dung chứa đựng trong đó cũng cần phải có những giá trị nhất định, đem lại sự sảng khoái, bổ ích đối với tinh thần người xem. Và, một sản phẩm chỉ khi chứa đựng đầy đủ những giá trị về tư tưởng, tính giáo dục, nhân văn; mang tới giá trị văn hóa, chạm vào cảm xúc để khán thính giả chiêm nghiệm và ngưỡng mộ bởi tài năng, trình độ, kĩ xảo nổi trội trên mức thông thường thì đó mới chính là sản phẩm nghệ thuật đúng nghĩa.
Dưới góc độ chống tiêu cực trong xã hội, ta vẫn phải đặt các vấn đề xử lý hành vi vi phạm, đi ngược lại tinh thần lành mạnh của cộng đồng xã hội.
Trước hết, nội dung các sản phẩm bản ghi âm thanh, hình ảnh “tốt đẹp” hay “xấu xa” phụ thuộc nhiều vào ý thức, trách nhiệm của người sử dụng - ứng dụng nền tảng mạng xã hội và người thụ hưởng - người dùng mạng xã hội. Người sáng tạo/ làm ra các sản phẩm đó phải lường trước những vấn đề sẽ xảy ra, tác động thế nào đến đời sống xã hội; người dùng mạng xã hội cũng cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mình trong việc tương tác, chia sẻ đến những người dùng khác.
Thứ hai, tăng cường hơn nữa các biện pháp hậu kiểm, có những chế tài xử lý đối với người tạo ra các sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội để đăng tải và cả người dùng để đăng phát lại, chia sẻ những nội dung không phù hợp với đạo đức xã hội, vi phạm quy định pháp luật.
Thứ ba, hiện nay, chúng ta có đủ hành lang pháp lý xử phạt vi phạm theo quy định pháp luật như: Luật An ninh mạng; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật có Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Điều quan trọng, là phải làm cho nghiêm.
Thứ tư, phối hợp chặt giữa các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan nhằm đưa ra những quy định về nguyên tắc, nội dung, phương thức và trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong quản lý hoạt động ngành, lĩnh vực. Từ đó, các cơ quan từ Trung ương tới các sở, ban, ngành thuộc địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn có thể trao đổi thông tin để đảm bảo công tác phối hợp được kịp thời. Đối với từng vụ việc cụ thể cần sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan thì đơn vị chủ trì có trách nhiệm: bảo đảm tính pháp lý và trình tự, thủ tục đối với các vụ việc; đảm bảo các điều kiện để đoàn làm việc hoạt động; báo cáo kết quả về đơn vị chủ trì để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền. Khi phát hiện hay được phản ánh những vụ việc cụ thể, cơ quan chủ trì cần phối hợp với cơ quan chuyên môn để thẩm định, đánh giá nội dung, hình thức và tính chất của vụ việc một cách cụ thể, khoa học. Tùy theo tính chất của từng vụ việc giải quyết công khai kết quả xử lý, đảm bảo sự răn đe, tính khách quan, hợp lý và nhân văn.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh những chương trình văn hóa nghệ thuật có chất lượng, có chiều sâu và hấp dẫn, như một liều vaccine có thể đánh bại các sản phẩm giải trí độc hại, thiếu chất lượng.
Có như vậy, mới ngăn chặn được các sản phẩm có nội dung độc hại, tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe tinh thần của cộng đồng và tâm lý xã hội. Cuộc sống sẽ trở nên phong phú và ý nghĩa hơn nếu mỗi cá nhân biết tận dụng tối đa từng tính năng ưu việt của các mạng xã hội một cách tích cực.