Vấn nạn “quảng cáo rác” bao giờ mới xử lý dứt điểm?

Thứ Năm, 26/10/2023, 14:37

Từ những bức tường nhà dân đến các tụ điện, trạm biến áp hay các cột điện, thậm chí là những cây xanh… cũng đều trở thành địa điểm lý tưởng dán, treo quảng cáo rao vặt. Việc này đã tạo nên một diện mạo nhếch nhác ở hầu hết các tuyến phố của Thủ đô nhưng vì sao “vấn nạn” này vẫn chưa thể xử lý triệt để?

Ra ngõ là gặp… quảng cáo, rao vặt

Không hề ngoa khi nói rằng, chỉ cần bước chân ra khỏi nhà là chúng ta bắt gặp ngay và luôn những mẫu quảng cáo rao vặt. Thậm chí, có thể chính bức tường nhà bạn cũng đã, đang và sẽ là địa điểm lý tưởng để những người chuyên đi dán tờ rơi, treo những biển quảng cáo nhỏ tìm đến. Từ dịch vụ lắp đặt internet đến cho vay tiền, khoan cắt bê tông, thông tắc bể phốt… Ri rỉ rì ri người ta đều có thể quảng cáo nơi công cộng.

anh2.jpeg -0
Không khó khăn gì để bắt gặp những băng rôn được treo giữa các cây

Không những thế, ở nhiều vị trí còn xuất hiện tình trạng tờ rơi quảng cáo được buộc treo lơ lửng, dày đặc trên các nhánh dây điện. Điều này không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm mà còn gây mất mỹ quan đường phố.

Trước đây, nhiều khu vực ở Hà Nội từng thực hiện chương trình vẽ tranh làm đẹp tủ điện, tạo điểm nhấn cho đô thị văn minh, môi trường sạch đẹp. Thế nhưng ở thời điểm hiện tại, một số con phố, tình trạng dán quảng cáo đè lên tủ được vẽ tranh vẫn ngang nhiên diễn ra.

Ông Lê Hoàng Thái, một người dân sống tại quận Thanh Xuân cho biết: “Tôi thật sự rất bức xúc trước thực trạng này. Không nói đâu xa, chính gia đình nhà tôi đây, vừa sơn lại tường bên ngoài buổi chiều thì sáng hôm sau dậy đã thấy tờ rơi dán chềnh ềnh lên đó. Các đối tượng thường dán quảng cáo, rao vặt vào buổi tối muộn, thời điểm có ít người qua lại. Cứ thấy chỗ nào chưa được lấp kín là họ dán”.

Không giấu được vẻ bức xúc, bà Nguyễn Thị Minh, 67 tuổi, sinh sống tại quận Hoàn Kiếm cho biết: “Cái đó chẳng khác nào một tệ nạn, vừa mất thẩm mỹ vừa gây khó chịu. Cái tụ điện gần nhà tôi đoàn thanh niên vừa bóc tờ rơi, vừa dọn sạch sẽ xong, thế mà ngày mai đã thấy dán đầy các tờ quảng cáo. Một số thì dán lén nhưng một số là dán công khai luôn. Bản thân tôi cảm thấy mình như mất đi một phần tự hào, tự tôn bởi một nơi du lịch, trung tâm của Thủ đô mà lại để mất mỹ quan. Đây sẽ là điểm trừ trong mắt du khách nước ngoài”.

Vấn nạn “quảng cáo rác” bao giờ mới xử lý dứt điểm? -0
Những tờ rơi, biển quảng cáo treo trên cột điện khiến cảnh quan trở nên nhếch nhác

Trên thực tế, mặc dù chính quyền và các đoàn thể sở tại đã nhiều lần ra quân với mong muốn làm sạch địa bàn, song bất chấp các giải pháp từ chính quyền, quảng cáo, rao vặt trái phép vẫn tái diễn như nấm mọc sau mưa.

Từ các bức tường, cho đến trụ điện, trạm biến áp hay cả cây xanh ven đường,… chẳng chỗ nào thoát được cảnh quảng cáo, rao vặt đu bám, thậm chí loại hình quảng cáo này còn xuất hiện trên những tấm tôn quây công trường và cả những địa điểm tâm linh như đền, chùa. Tất cả nơi nào có chỗ trống đều trở thành địa điểm lý tưởng để lực lượng dán thuê quảng cáo, rao vặt hoạt động. Nhiều chỗ, những tờ rao vặt còn bị xé hoặc dán chồng lên nhau, nham nhở và nhếch nhác.

Trên trạm biến áp Văn Quán 13 ở đầu ngã 3 đường Chiến Thắng cắt Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), những tờ rơi quảng cáo rao vặt được dán kín 4 mặt. Để dán những tờ quảng cáo mới, họ thường xé đi những tờ quảng cáo cũ để không bị trùng mối làm ăn.

Để quảng cáo trên các kênh truyền thông chính thống hoặc những tấm biển hiệu thì tốn nhiều kinh phí hơn so với việc thuê người phát tờ rơi và dán ở những nơi công cộng vì những nơi đó không ai quản lý và có nhiều người qua lại.

Hệ lụy khôn lường

Việc rán tờ rơi quảng cáo không chỉ làm mất mỹ quan đô thị, mà còn gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân khi quảng cáo nhiều nội dung nhạy cảm. Cố tình đưa thông tin sai lệch nhằm thu hút người xem. Các quảng cáo, rao vặt liên quan tới tín dụng đen, môi giới nhà đất, xuất hiện ngày càng nhiều. Đánh vào tâm lý tò mò và nhu cầu tài tính của đối tượng như học sinh, sinh viên, các tờ rơi, quảng cáo về cho vay tiền không cần thế chấp hay môi giới đa cấp, việc nhẹ lương cao được treo, dán khắp các khu vực gần các trường đại học lớn tại Hà Nội.

Bạn Nguyễn Quang Minh, sinh viên năm thứ 3 Đại học Bách Khoa Hà Nội, từng bị “dính bẫy” khi gọi điện theo thông tin tờ rơi quảng cáo để tìm việc làm và bị lừa mất 5 triệu đồng. Minh kể lại: “Lúc đó em từ quê ra Hà Nội học, chưa hiểu biết gì nhiều nên đã tin vào những tờ quảng cáo dán trôi nổi. Khi đó họ có ghi trên tờ giấy là giới thiệu việc trực điện thoại, mỗi ngày làm 4 tiếng lương 6 triệu/tháng. Khi điện thoại thì họ bảo chuyển khoản trước 5 triệu để đặt cọc, phí môi giới chỉ 1 triệu đồng, khi lĩnh tháng lương đầu tiên sẽ trả lại 4 triệu tiền cọc. Em nghe thấy hấp dẫn đã xin tiền bố mẹ để chuyển cho họ. Khi chuyển tiền xong thì họ bảo đợi 1 tuần sẽ gọi lại, nhưng sau đó em điện thoại thì không liên lạc được. Em cũng mong cơ quan chức năng sớm xử lý những người dán tờ rơi quảng cáo chưa được kiểm duyệt, tránh trường hợp các em tân sinh viên lại mắc bẫy như em”.

Vấn nạn “quảng cáo rác” bao giờ mới xử lý dứt điểm? -0
Tờ rơi được dán chằng chịt khắp 4 mặt của trạm biến áp Văn Quán 13

Hay trường hợp của anh Lê Tấn Tú, một công nhân làm việc tại Cụm công nghiệp Thanh Oai cũng là bài học đắt giá. Hôm đó anh cần tiền để gửi về quê cho gia đình, nhưng không có cửa nào vay. Anh vô tình nhìn thấy tờ quảng cáo cho vay mà không cần thế chấp, chỉ cần thẻ căn cước công dân. Anh liên lạc qua số điện thoại và ngỏ ý muốn vay 10 triệu. Bên đầu dây ngay lập tức đồng ý và hẹn gặp. “Tôi có gặp họ ở một quán cầm đồ trên địa bàn quận Hà Đông, họ làm giấy vay cho tôi và chỉ cần cầm thẻ căn cước công dân. Họ nói là lãi chỉ nhỉnh hơn lãi ngân hàng một chút. Không ngờ 10 ngày sau họ gọi điện, nói là luật ở đó chỉ cho vay 10 ngày là phải thanh toán với lãi là 20 nghìn/triệu/ngày. Còn giấy tờ kia chỉ là làm để không bị cơ quan chức năng cho là vay nặng lãi. Vậy là trong 10 ngày tôi phải trả họ cả gốc và lãi là 12 triệu. Nếu không trả đủ số tiền lãi đó lại tiếp tục tính lãi….Vì họ là dân xã hội, tôi sợ quá nên đành phải bán xe máy để trả họ cho xong”, anh Minh kể lại.

Không chỉ dán tờ rơi lên tường, lên các tụ điện, trạm biến áp mà nhiều cây xanh cũng bị buộc dây thép hay đóng đinh để treo băng rôn, biển quảng cáo gây ảnh hưởng không nhỏ đến mỹ quan đô thị xanh tại Hà Nội. Đặc biệt, các thân cây gỗ có chiều cao được cá nhân, tổ chức tận dụng là nơi treo biển nhằm thu hút sự chú ý của người đi đường, gây ảnh hưởng trực tiếp tới sự an toàn của người tham gia giao thông. Anh Lê Hòa Đông  (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: “Do nhu cầu quảng cáo mà nhiều cá nhân tổ chức đã tận dụng các thân cây to để treo băng rôn, panô quảng cáo. Những băng rôn tuyên truyền, cổ động thì không sao nhưng có rất nhiều băng rôn, pano quảng cáo phim ảnh, show ca nhạc sẽ khiến nhiều người tham gia giao thông để ý, thậm chí đọc chữ trên đó… điều này là rất nguy hiểm.

Vấn nạn “quảng cáo rác” bao giờ mới xử lý dứt điểm? -0
Những biển quảng cáo thế này còn được treo lủng lẳng trên dây điện không chỉ mất mỹ quan mà còn nguy hiểm

Nói về tình trạng này, Tiến sĩ  Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, UBTƯ MTTQ Việt Nam cho biết, thực trạng này chưa xử lý được là vì những người có nhu cầu quảng cáo, rao vặt là rất nhiều. Hơn nữa, nhu cầu mưu sinh, họ không có cách nào để quảng cáo trên các phương tiện khác, nên người ta cố tình tìm đến hình thức quảng cáo rẻ này. Không nên làm như vậy, dù vô tình hay hữu ý thì cũng gây hại cho cộng đồng. Họ quảng cáo bằng điện thoại thì nên xóa bỏ thuê bao đó. Việc xử phạt những quảng cáo rác này cơ quan văn hóa cũng phải có trách nhiệm, công an; phường, xóm, đặc biệt là cán bộ phường, xóm. Tuy nhiên cũng chưa có cơ quan nào được giao nhiệm vụ một cách cụ thể để giải quyết chuyện quảng cáo rao vặt.

Dán tờ rơi khắp nơi ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị nhiều năm qua đã trở thành vấn nạn. Trước tình hình đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong hoạt động quảng cáo, biển hiệu trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trong đó, lãnh đạo UBND TP Hà Nội yêu cầu duy trì hoạt động, đồng thời tổ chức kiểm tra, rà soát điều chỉnh các bảng quảng cáo rao vặt miễn phí tại các vị trí không còn phù hợp; bổ sung thêm bảng quảng cáo rao vặt miễn phí tại những địa điểm mới thuận lợi, phù hợp với nhu cầu thực tế về việc trao đổi thông tin của nhân dân.

Rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân dùng số điện thoại quảng cáo rao vặt trái phép, sai quy định đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các nhà mạng thực hiện việc ngừng cung cấp dịch vụ; Thực hiện công tác tuyên truyền, thông báo đến các tổ chức, cá nhân về chủ trương ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại đối với các thuê bao trên sản phẩm quảng cáo rao vặt trái phép, sai quy định.

Tổ chức các đợt ra quân bóc, xóa quảng cáo rao vặt trái phép trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng, góp phần chỉnh trang mỹ quan đô thị; vận động các tổ chức, cá nhân kinh doanh trong địa bàn tháo dỡ các bảng quảng cáo không đúng quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) cho biết, đã có những quy định xử phạt về các hành vi nêu trên. Cụ thể, căn cứ theo khoản 1 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP về việc xử phạt hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo, theo đó: Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với hành vi treo, đặt, dán, vẽ các sản phẩm quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Ngoài ra, tại khoản 2 Điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo làm ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội. Bên cạnh đó căn cứ khoản 2, khoản 3 Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP, trường hợp tổ chức vi phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi.

Phong Anh
.
.