Văn nghệ sĩ Công an tuổi Mão

Thứ Bảy, 21/01/2023, 13:10

Nguyễn Đăng An cũng là cây bút quen thuộc trên Báo CAND và các ấn phẩm của báo. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Đăng An cùng với những nhà văn, nhà báo Trần Chí, Nguyễn Quang Thiều, Gia Bào từng nhận phụ trách một trang thơ trên Báo CAND...

Đại tá, nhà văn Nguyễn Đăng An

Nhà văn Nguyễn Đăng An sinh năm 1951 (Tân Mão) tại Nghệ An, trong một gia đình có truyền thống văn chương, nghệ thuật. Ông nội là cụ đồ Nho, từng làm cán bộ tuyên truyền từ thời Đề Thám, cha là một trong những học viên đầu tiên của Trường Sân khấu Việt Nam đầu những năm 60. Tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học Tổng hợp (Hà Nội), Nguyễn Đăng An nhận công tác tại Tổng cục V (Bộ Công an). Với đặc thù công việc của một cán bộ đối ngoại, phần lớn thời gian công tác tại nước ngoài đã cho Nguyễn Đăng An nhiều trải nghiệm về cuộc sống, con người cùng những thông tin, tư liệu quý giá. Dù khá bận rộn với công việc của một cán bộ công an nhưng Nguyễn Đăng An chưa khi nào “thoát ly” khỏi công việc viết lách. Ông từng là phóng viên thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Campuchia, Cộng hòa Pháp và Cộng hòa Italy với nhiều bài báo đầy ắp thông tin, nóng hổi sự kiện.

Văn nghệ sĩ Công an tuổi Mão -0
Đại tá, nhà văn Nguyễn Văn An.

Nguyễn Đăng An cũng là cây bút quen thuộc trên Báo CAND và các ấn phẩm của báo. Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Nguyễn Đăng An cùng với những nhà văn, nhà báo Trần Chí, Nguyễn Quang Thiều, Gia Bào từng nhận phụ trách một trang thơ trên Báo CAND.

Mang một tình yêu sâu nặng với văn chương nhưng chỉ đến khi nghỉ hưu, Nguyễn Đăng An mới có điều kiện dành toàn bộ thời gian cho công việc viết lách. Như tình yêu bị dồn nén, giờ mới có dịp bung tỏa, với kho dữ liệu quý giá của một cuộc đời đi và nhiều trải nghiệm, chỉ trong gần 2 năm, ông viết một mạch tới 18 truyện ngắn. Trong đó truyện ngắn “Người đàn bà ở bến đợi xe thành Roma” được Giải Ba cuộc thi truyện ngắn trên Báo Văn nghệ (2011-2012). Đặc biệt, truyện ngắn “Người đàn bà nghịch cát” đã được đạo diễn Đỗ Minh Tuấn chuyển thể thành một bộ phim truyện nhựa khá nổi tiếng.

Các sáng tác của Nguyễn Đăng An khá đa dạng thể loại từ thơ, tản văn, phóng sự, truyện ngắn đến tiểu thuyết. Các tác phẩm tiêu biểu như “Hoa lau trên chốt” (Tập thơ in chung - 1981), “Biển hát lời của biển” (Tập thơ - 1991). “Thiên nga lạc bầy” (Tập truyện ngắn - 1990), “Có một mối tình hữu nghị như thế” (Tập tản văn, in chung - 1990), “Một thời rong ruổi” (Tập phóng sự - 2004), “Người đàn bà nghịch cát” (Tập truyện ngắn - 2013), “CIA tụt dốc” (Dịch chung - Nhà xuất bản CAND), “Mê cung” (Tiểu thuyết - 2020). Trong đó nổi bật là truyện ngắn với 3 mảng đề tài chính là phụ nữ, người lính và chiến tranh cách mạng. Mỗi tác phẩm của Nguyễn Đăng An đều là một câu chuyện cuộc đời, có hạnh phúc, khổ đau, éo le, ngang trái nhưng đọng lại là sự sẻ chia chân thành và cảm thông với mỗi phận người bằng trái tim nhân hậu.

Nhà văn Nguyễn Đăng An luôn tâm niệm: “Tôi may mắn khi được công tác trong ngành Công an, được tạo điều kiện đào tạo ngoại ngữ, nghiệp vụ, báo chí, ngoại giao... Những kiến thức tổng hợp đã giúp tôi luôn vững vàng trong cuộc đời và nghề nghiệp”. Ở tuổi thất thập, nhà văn Nguyễn Đăng An vẫn giữ cho mình thói quen viết lách hằng ngày. Sau khi hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Cạm bẫy”, ông đang tiếp tục một cuốn tiểu thuyết mới dự kiến sẽ hoàn thành nay mai.

Đại úy, diễn viên Đào Trúc Mai

Với ngoại hình nổi bật và khả năng diễn xuất chân thực, Đào Trúc Mai (Đinh Mão - 1987) từng tham gia đóng phim ngay từ khi còn là sinh viên Trường Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội với vai Ngân trong bộ phim “Tháng 13”. Tốt nghiệp đại học, Đào Trúc Mai đầu quân về Nhà hát CAND. Bên cạnh những vở diễn của đoàn, Đào Trúc Mai là gương mặt nghệ sĩ được đông đảo khán giả biết đến qua một loạt bộ phim truyền hình được yêu thích một thời như “Người đàn bà thứ hai”, “Đi qua bóng tối”, “Biệt thự màu tro lạnh”, “Những đứa con biệt động Sài Gòn”... Nhưng, vì hoàn cảnh riêng, năm 2010, Đào Trúc Mai rời ánh đèn sân khấu, về công tác tại Công an tỉnh Hải Dương.

Văn nghệ sĩ Công an tuổi Mão -0
Đào Trúc Mai trong bộ lễ phục Công an nhân dân.

Tháng 5/2020, Đào Trúc Mai quay lại với sân khấu chuyên nghiệp, với Nhà hát CAND sau gần 10 năm vắng bóng. Cô tâm sự: “Tình yêu nghề đã ngấm sâu vào máu, cuối cùng, tôi vẫn chọn nghiệp diễn để được sống với đam mê của mình”. Sự trở lại này đã mang đến cho Đào Trúc Mai những thành công rực rỡ. Ngoài vai diễn ấn tượng trong phim truyền hình “Hãy nói lời yêu”, những giây phút hóa thân, vắt kiệt mình cho mỗi vai diễn trên sân khấu đã mang đến cho Trúc Mai một loạt thành tích đáng tự hào. Vai Ngọc trong vở “Vẫn sống” (đạo diễn, NSND Lê Hùng) đã mang về cho Trúc Mai Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an. Sau đó vở diễn đã được đi lưu diễn xuyên Việt, được cán bộ, chiến sĩ và khán giả nhiều tỉnh, thành yêu mến.

Đặc biệt, tại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc, vai Mẹ Thắm trong “Con đò của mẹ” đã mang về cho Đào Trúc Mai Huy chương Vàng cá nhân cùng Huy chương Vàng cho vở diễn. Vai diễn Mẹ Thắm đã chứng minh tài hóa thân xuất sắc của cô khi đảm nhiệm nhân vật từ lúc 18 tuổi cho tới khi trở thành một bà già tóc bạc cô đơn bên bến sông với đủ mọi cung bậc cảm xúc trước mọi biến cố trong cuộc đời. Vai diễn là một dấu mốc đặc biệt trong sự nghiệp diễn xuất của Đào Trúc Mai khi năm 2021, cô vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng “Gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu của năm”. Với sự nỗ lực không ngừng cùng những giải thưởng lớn, trong năm 2022, Trúc Mai vinh dự 2 lần được Bộ Công an trao tặng “Gương mặt trẻ công an tiêu biểu toàn quốc” và nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an vì những thành tích đặc biệt xuất sắc trong Liên hoan Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc.

Đào Trúc Mai tâm niệm cô luôn tự hào khi được khoác trên mình bộ sắc phục CAND, là một nghệ sĩ - chiến sĩ sẵn sàng cống hiến một phần nhỏ bé công sức của mình trên mặt trận văn hóa, văn nghệ cho lực lượng và Tổ quốc. Trước thềm xuân mới Quý Mão, Trúc Mai cho biết cô mong muốn bản thân có nhiều sức khỏe và năng lượng để cống hiến thêm vai diễn ấn tượng cả trên sân khấu và truyền hình.

Thượng úy, diễn viên Lưu Huyền Trang

Không chỉ là “mỹ nhân màn ảnh”, Lưu Huyền Trang còn là gương mặt khá quen thuộc với khán giả phim truyền hình nhiều năm qua. Ngay từ khi là sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội, cô gái với gương mặt khả ái tuổi Đinh Mão (1987) quê gốc Tuyên Quang này đã được nhiều đạo diễn mời đóng phim. Bộ phim đầu tiên Lưu Huyền Trang tham gia là “Tết này ai đánh trống đình” khi mới là sinh viên năm 2. Tiếp theo là “Nhà có nhiều cửa sổ” dài 106 tập. Đặc biệt, Lưu Huyền Trang ghi dấu ấn trong lòng khán giả với vai nữ chiến sĩ công anPhương Nam có cá tính mạnh mẽ nhưng vô cùng đáng yêu trong phim “Cầu vồng tình yêu”. Sau này là một loạt vai diễn trong các phim “Ngự lâm không kiếm”, “13 nữ tù”, “Mặt nạ gương”, “Thương ngày nắng về”, “Thông gia ngõ hẹp”...

Văn nghệ sĩ Công an tuổi Mão -0
Lưu Huyền Trang là gương mặt khá quen thuộc với khán giả phim truyền hình nhiều năm qua.

Trên sân khấu Nhà hát CAND, Lưu Huyền Trang ghi dấu ấn bằng loạt vai diễn ấn tượng. Vai phạm nhân Duyên trong vở “Không phải là vụ án” đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan Sân khấu toàn quốc về Hình tượng người chiến sĩ công an năm 2015; vai thị Mịch trong vở “Giông tố” giành Huy chương Bạc tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô (lần thứ 2, năm 2016); vai nhà báo Phương Liên trong vở “Bão của hoàng hôn”, Huy chương Bạc Liên hoan Sân khấu Thủ đô (lần thứ 3, năm 2018). Gần đây nhất, vai bà Bường trong “Con đò của mẹ” đã mang về cho cô Huy chương Đồng lại Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc. Cả ở lĩnh vực sân khấu lẫn phim truyền hình, Lưu Huyền Trang cho thấy khả năng hóa thân xuất sắc ở nhiều dạng vai khác nhau từ hiền lành thục nữ hay mạnh mẽ cá tính, đến dí dỏm, hài hước.

Trở thành nghệ sĩ - chiến sĩ với Lưu Huyền Trang là một giấc mơ đẹp có thật trong cuộc đời. Ngay từ khi là học sinh phổ thông, Lưu Huyền Trang đã mơ ước được trở thành một chiến sĩ công an nhưng rồi cô lại bất ngờ trở thành sinh viên Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh.

Huyền Trang chia sẻ, khi được đầu quân về Nhà hát CAND thực sự là niềm vui vỡ òa. Với Trang, đây là nơi chắp cánh, nuôi dưỡng cho tình yêu nghệ thuật trong mình luôn nồng đượm: “Tôi luôn cảm thấy may mắn, tự hào khi là một nghệ sĩ - chiến sĩ. Chính môi trường làm việc kỷ cương, kỷ luật nhưng cũng đầy tình cảm đã rèn cho tôi sự tận tâm, nghiêm túc trong công việc và cuộc sống”. Với tài năng, tình yêu nghề bền bỉ, chúc Lưu Huyền Trang sẽ có thêm nhiều vai diễn xuất sắc trong tương lai.

Tuấn Phong
.
.