Vang mãi những giai điệu tự hào

Thứ Hai, 13/11/2023, 13:40

Ra đời trong những ngày thu Tháng Tám, gần 80 năm xây dựng và trưởng thành, lực lượng CAND với những chiến công vang dội, sự hy sinh thầm lặng, đã lắng đọng vào âm nhạc với nhiều tác phẩm hay. Tinh thần ấy giờ đây vẫn được các thế hệ nhạc sĩ tiếp nối thông qua những giai điệu đẹp, mang đến hình ảnh người chiến sĩ CAND chân thực, gần gũi và thân thương…

Theo Đại tá, nhạc sĩ Trương Hùng, Phó chủ tịch Chi hội nhạc sĩ CAND, người đã dành nhiều tình yêu, tâm huyết của mình với âm nhạc của lực lượng CAND thì kể từ năm 1958, thời điểm ghi dấu sự ra đời của ca khúc “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn) đến nay, chúng ta đã có một số lượng tác phẩm không nhiều nhưng đủ để tự hào trong dòng chảy âm nhạc cả nước. Đó là 10 ca khúc truyền thống, tiêu biểu về đề tài CAND mà Bộ Công an tổng kết nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thành lập Lực lượng CAND (19/8/1945 - 19/8/2015).

Vang mãi những giai điệu tự hào -0
Những chương trình nghệ thuật về lực lượng CAND mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả.

Bao gồm các ca khúc: “Người Công an thân yêu” (Văn Cao), “Chúng ta là chiến sĩ Công an” (Trọng Bằng), “Chúng tôi là chiến sĩ Công an Việt Nam” (Trần Gia Cường), “Bài ca người chiến sĩ Công an” (Đỗ Hồng Quân), “Biết ơn chị Võ Thị Sáu” (Nguyễn Đức Toàn), “Từ một ngã tư đường phố” (Phạm Tuyên), “Thiêng liêng lời Bác” (Hồng Thu), “Giữ cho cuộc sống bình yên” (Mai Công Thắng), “Hành khúc chiến sĩ An ninh” (Nhạc: Kar Lam, phổ thơ Bác Hồ dạy), “Giữ trọn lời thề” (nhạc: Trương Hùng, thơ: Phan Gia Liên). Từ đây có thể thấy, hình ảnh người chiến sĩ Công an đã đi vào sáng tác của các nhạc sĩ nổi tiếng từ nhiều năm trước. Những ca khúc trở thành “Bài ca đi cùng năm tháng”, có vị trí xứng đáng trong nền âm nhạc cách mạng Việt Nam.

Trong đời sống âm nhạc, mảng ca khúc về đề tài CAND như một dòng chảy, lúc ào ạt, khi thong dong nhưng luôn bền bỉ cùng với thời gian. Thực tế chứng minh, đây vẫn là đề tài hấp dẫn, là mảnh đất màu mỡ với những người làm âm nhạc.

Nhìn vào kết quả “Trại sáng tác ca khúc và tác phẩm múa đề tài Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” năm 2022 với chủ đề “75 năm khắc ghi lời Bác” do Cục Công tác Đảng và Công tác Chính trị (Bộ Công an) tổ chức gần đây nhất sẽ thấy. Đã có 226 ca khúc, 13 kịch bản múa, 112 tác giả ngoài lực lượng và 29 tác giả trong ngành tham gia. Cũng như bên cạnh 10 ca khúc tiêu biểu trên, không ít tác phẩm để lại dấu ấn trong lòng công chúng như “Chúng con canh giấc ngủ cho Người” (Đăng Nước), “Tên anh khắc vào bia đá” (Việt Hoa), “Tuần tra đêm” (Mai Trực), “Anh Công an bản em” (Tân Điều) “Những chiến công thầm lặng” (Huyền Ngọc), “Dưới lá cờ vinh quang” (Hoàng Đăng)…

Vang mãi những giai điệu tự hào -0
Hình ảnh người chiến sĩ CAND trên sân khấu ca nhạc mang đến nhiều cảm xúc tự hào.

Để bổ sung và làm phong phú thêm mảng ca khúc về lực lượng CAND, nhiều năm qua, Bộ Công an và các đơn vị, địa phương thường xuyên tổ chức, phát động các cuộc thi, các Trại sáng tác ca khúc. Đây chính là cơ hội để các tác giả ngoài ngành có điều kiện được tiếp xúc, thêm hiểu và chia sẻ với các chiến sĩ Công an, từ đó sáng tác nên những tác phẩm âm nhạc có giá trị. Điều đáng mừng là từ những phong trào này, xuất hiện nhiều tác giả trẻ. Các mặt công tác của lực lượng CAND được khai thác đầy đủ và sinh động hơn. Hình ảnh người chiến sĩ Công an cũng hiện lên vừa bình dị, gần gũi vừa cao cả thiêng liêng.

“Bài ca những anh hùng thầm lặng” của Hiền Anh, nữ ca sĩ giải Nhì Sao Mai 2007 dòng nhạc thính phòng là một tác phẩm như thế. Lần đầu tiên lấn sân sang lĩnh vực sáng tác những ca khúc viết về những hy sinh của các chiến sĩ CAND trên mặt trận đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy đã chinh phục được khán giả và các nhà chuyên môn để nhận về giải A trong cuộc thi ca khúc nhân kỷ niệm 75 năm thành lập Lực lượng CAND. Gần đây, tấm gương hy sinh anh dũng của 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH trở thành nguồn cảm xúc trào dâng để các tác giả cho ra đời một số ca khúc như “Ngày đồng đội ra đi” (Đức Tuyết), “Mặt trời trong biển lửa” (nhạc Tuấn Anh, thơ Vân Anh), “Ngược chiều bình an” (An Hiếu)...

Vừa thành công với 3 tác phẩm về đề tài CAND chỉ trong một thời gian ngắn, đó là “Sáng mãi trang sử vàng” (Kỷ niệm 70 năm thành lập Lực lượng Cảnh vệ). “Giữ vững niềm tin” (Ca khúc chính thức của Đại hội Toàn quốc Hội Cựu CAND Việt Nam) và “Bài ca đoàn Nghi lễ Công an nhân dân”, nhạc sĩ Trương Hùng thừa nhận viết về đề tài Công an không dễ. Để có được ca khúc hay, vững chãi, người viết phải rất hiểu đối tượng phản ánh và không được xa rời sử liệu. Đây cũng là thuận lợi và khó khăn khác nhau giữa tác giả trong và ngoài ngành.

Còn với Thượng tá Đậu Hoài Thanh, tác giả một số ca khúc được yêu mến gần đây như “Những ngôi sao thức”, “Vinh quang thầm lặng”… thuận lợi với người trong ngành như chị chính là sự thấu hiểu sự vất vả, hy sinh của đồng đội. Điều đó giúp chị có được phần ca từ bình dị mà chứa chan cảm xúc. “Một số tác giả ngoài lực lượng chia sẻ với tôi, cái khó nhất khi viết nhạc cho Lực lượng CAND là chọn ca từ. Làm thế nào để truyền tải đúng thông điệp mà không cứng nhắc, “hô khẩu hiệu”. Khi đặt bút viết về đồng đội của mình, tôi mong muốn nhờ giai điệu lan tỏa được những chiến công, sự thầm lặng hy sinh để bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân. Mới đây, tôi vừa hoàn thành ca khúc viết về vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND trong tình yêu, trong cuộc sống đời thường, bình dị mà sâu lắng, lãng mạn mang tên “Nghề của chúng mình” - nhạc sĩ Đậu Hoài Thanh tâm sự.

Không chỉ thu hút tác giả trong ngành, mảng đề tài về lực lượng CAND ngày càng hấp dẫn những nhạc sĩ ngoài ngành. Là nhạc sĩ Quân đội nhưng thời gian gần đây, nhạc sĩ An Hiếu có cả chùm ca khúc về người chiến sĩ CAND như “Người lính trong lòng dân”, “Tình yêu người lính Công an”, “Tự hào người chiến sĩ Công an”…

Vang mãi những giai điệu tự hào -0
Hình ảnh người lính PCCC trên sân khấu ca nhạc chân thực và đầy xúc động.

Có lẽ, cùng công tác trong lực lượng vũ trang nên nhạc sĩ An Hiếu có sự đồng cảm sâu sắc với các chiến sĩ CAND. Những ca khúc của anh được đánh giả là có ca từ chuẩn mực, trong sáng, giai điệu mới mẻ, hấp dẫn, cập nhật xu hướng hiện đại. Nhạc sĩ An Hiếu chia sẻ ngoài cảm xúc tự thân, tư liệu để anh sáng tác ca khúc chính là nhờ việc cập nhật tin tức trên báo chí về lực lượng Công an. Cảm nhận về một số tác phẩm của An Hiếu, nhạc sĩ Trương Hùng cho rằng ở một số ca khúc, An Hiếu có cách thể hiện khác, đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng trẻ trong lực lượng.

Với kinh nghiệm của một người làm công tác tham mưu, triển khai tổ chức trại sáng tác nhiều năm, nhạc sĩ Trương Hùng cho rằng để đánh giá chất lượng ca khúc cần phải qua 2 lần “sàng lọc”. Lần đầu tiên là “con mắt xanh” của Ban giám khảo trại sáng tác, cuộc thi. Sàng lọc thứ hai chính là thực tế đời sống biểu diễn để có độ lùi về thời gian.

Như câu chuyện về ca khúc “Thiêng liêng lời Bác” (1 trong số 10 tác phẩm tiêu biểu về lực lượng CAND). Ban đầu tác phẩm không được giải cao nhất tại cuộc thi sáng tác nhưng lại có sức sống lâu bền trong thực tế biểu diễn. NSND Quốc Hưng, Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, với kinh nghiệm từng đạo diễn một số chương trình âm nhạc về hình tượng người chiến sĩ CAND lạc quan: “Gần đây, để mang đến không khí mới, bên cạnh những ca khúc đi cùng năm tháng, tôi đã bổ sung thêm những sáng tác mới. Đặc biệt, khi ngồi ghế ban giám khảo một số cuộc thi sáng tác ca khúc trong lực lượng Công an, tôi nhận thấy ngày càng có nhiều tác phẩm phong cách hiện đại, mang đến hình ảnh người chiến sĩ Công an chân thực, xúc động, tràn đầy âm hưởng kiêu hãnh, tự hào”.

Vang mãi những giai điệu tự hào -0
Lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ CAND trên sân khấu ca nhạc.

Đời sống âm nhạc nói chung đang không ngừng thay đổi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng. Mảng âm nhạc về đề tài CAND cũng không nằm ngoài xu hướng vận động ấy. Tuy nhiên, như nhạc sĩ Trương Hùng thận trọng: “Sự làm mới, phương thức biểu đạt trong các ca khúc về lực lượng CAND đến đâu là phù hợp lại phụ thuộc và tài năng và sự nhạy cảm của nhạc sĩ, nhất là mảng nói về sự hy sinh, các anh hùng liệt sĩ… Gần đây, tôi có nghe ca khúc “Người nghệ sĩ nhân dân” của nhạc sĩ Lê Tâm. Tôi cho rằng Lê Tâm đã khá mạnh dạn đưa ra cách tiếp cận độc đáo về Cảnh sát hình sự với ngôn ngữ, cấu trúc rất mới”.

Ông góp ý, để đời sống âm nhạc của lực lượng CAND có thêm nhiều tác phẩm có thể hội nhập với đời sống âm nhạc đương đại của đất nước, trong công tác quảng bá, cần đẩy mạnh và hỗ trợ cho các tác giả trong việc giới thiệu tác phẩm. Cũng như cần chú trọng hơn tới mảng nhạc không lời, nhạc nghi lễ... bên cạnh mảng ca khúc để bức tranh âm nhạc của lực lượng Công an thêm đầy đủ, trọn vẹn, đa màu, đa sắc.

Thảo Duyên
.
.