Vàng và thị trường dự trữ
Trung Quốc hiện vẫn có nhu cầu mạnh mẽ đối với kim loại quý là vàng mặc dù nước này bất ngờ tạm dừng việc thu mua trong hai tháng 5 và 6 vừa qua. Theo giới chuyên gia trong ngành, một trong những lý do cơ bản là lượng vàng thỏi dự trữ của Trung Quốc đang ở mức thấp (do tỷ lệ dự trữ và căng thẳng địa chính trị vẫn tiếp diễn) và vẫn chưa tương xứng với vị trí nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Việc thu mua vàng của chính phủ Trung Quốc, vốn đã phần nào khiến giá vàng tăng trong tháng 4 và tháng 5 vừa qua, không còn được coi là miễn nhiễm với sự nhạy cảm về giá nữa nhưng rủi ro địa chính trị kéo dài dự kiến sẽ duy trì cho chương trình dài hạn (nhằm đa dạng hóa sự phụ thuộc vào tài sản định giá bằng USD) hoạt động.
Yếu tố chính sách
Một người am hiểu về chính sách của Trung Quốc (có cơ hội được tham gia vào các cuộc thảo luận nội bộ) nhận định rằng, dự trữ vàng của Trung Quốc cần tăng theo cả giá trị tuyệt đối và tương đối bởi nó vẫn chưa tương xứng với vị thế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Bên cạnh đó, tỷ trọng vàng dự trữ của Trung Quốc hiện vẫn là thấp nhất trong bất kỳ nền kinh tế lớn trên toàn cầu. Tuy nhiên, người này cho biết thêm: “Chúng ta cần xem xét đến giá nữa bởi ngân hàng trung ương không thể duy trì lượng mua vào liên tục mỗi tháng” đồng thời nhấn mạnh: các yếu tố địa chính trị (được thúc đẩy bởi cuộc chiến Nga-Ukraine và xung đột ở Trung Đông) là một trong những động lực thúc đẩy nhu cầu vàng của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Các quan chức tại Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) chưa bao giờ bình luận công khai về lý do chính phủ nước này thúc đẩy việc tiếp tục mua vàng vào tháng 11/2022 sau hơn 3 năm tạm dừng. Tám tháng sau khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đóng băng 300 tỷ USD dự trữ chính thức của Nga, chiếm khoảng một nửa tổng dự trữ của Moscow, PBoC bắt đầu báo cáo các giao dịch mua vàng và tiếp tục làm như vậy trong 18 tháng, tạo thành trụ cột cho giá vàng toàn cầu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024.
Theo Hội đồng vàng thế giới, năm 2023 PBoC là đơn vị mua vàng lớn nhất thế giới với lượng mua ròng là 7,23 triệu ounce, mức cao nhất của Trung Quốc trong ít nhất 46 năm. Ở thời điểm tháng 5 và tháng 6 vừa qua, khi chính phủ Trung Quốc không thực hiện mua vào đã dẫn đến giá vàng giao ngay chịu áp lực và khiến thị trường phải “đoán già đoán non” về nhu cầu vàng trong tương lai của nước này.
Người trong cuộc về chính sách cho biết việc Trung Quốc tạm dừng mua vào là do “giá cao”. Giá vàng giao ngay ở Trung Quốc sau khi hồi phục sau một đợt giảm vào tháng 6/2024 đã chạm mức cao kỷ lục trong phiên giao dịch ngày 17/7 vừa qua nhờ hy vọng cắt giảm lãi suất của Mỹ được cải thiện.
Yếu tố thị trường
Trung Quốc hiện có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, với 3,22 nghìn tỷ USD (tháng 6/2024). Tuy nhiên, tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ của Trung Quốc, bao gồm cả vị trí dự trữ và quyền rút vốn đặc biệt (SDRs) tại Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), mặc dù ở mức cao kỷ lục là 4,9% nhưng vẫn thấp so với mức trung bình toàn cầu là 16%. Các quốc gia đang phát triển và thị trường mới nổi thường có tỷ lệ vàng trong dự trữ thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển vốn có lượng dự trữ ngoại tệ thấp hơn.
Nitesh Shah, Chiến lược gia hàng hóa tại WisdomTree cho biết: “Với cơ sở đó và quy mô rất lớn của dự trữ ngoại hối, chúng tôi tin rằng PBoC sẽ mua vàng với khối lượng lớn hơn trong nhiều thập kỷ tới”. Ông cho biết nhu cầu từ các nhà đầu tư tại Trung Quốc cũng sẽ tiếp tục mạnh hơn trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản kéo dài và khi các giao dịch mua của PBoC tạo niềm tin vào vàng như một kho “lưu trữ giá trị”. Shaokai Fan, Giám đốc toàn cầu của khu vực ngân hàng trung ương tại Hội đồng vàng thế giới cho biết: “Việc mua vàng của khu vực chính thức là một quảng cáo miễn phí cho mặt hàng vàng tại Trung Quốc. Theo nghĩa là nếu ngân hàng trung ương mua vàng, có lẽ tôi, với tư cách là một nhà đầu tư bán lẻ, cũng sẽ mua một ít”.
Vàng sẽ trở thành tài sản dự trữ chủ chốt
Việc đưa vàng vào dự trữ là vấn đề an ninh bởi vàng thỏi có thể được lưu trữ trong nước và luôn an toàn. Lượng vàng của Nga hiện chiếm 30% trong tổng số 597 tỷ USD dự trữ của nước này. Tuy nhiên, xét về tài sản có thể tiếp cận được thì tỷ lệ này lớn hơn nhiều vì một nửa dự trữ của Nga đã bị các nước phương Tây đóng băng.
Theo các nhà phân tích, tiền lệ (Ngân hàng Trung ương Nga chỉ tiếp cận được các khoản đầu tư vào tài sản tính bằng nhân dân tệ (NDT) và vàng) đã trở thành một ví dụ để cảnh báo Trung Quốc vốn ước tính có tới 60% dự trữ tài sản tính bằng USD. Nhà phân tích Carsten Menke tại Julius Baer cho biết: “Động lực chính của PBoC là ít phụ thuộc hơn vào USD và trong trường hợp cực đoan cũng ít bị ảnh hưởng hơn bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ”. Ông kỳ vọng việc đa dạng hóa dự trữ của Trung Quốc sẽ tiếp tục bởi “căng thẳng địa chính trị giữa Trung Quốc và Mỹ khó có khả năng biến mất trong thời gian tới, bất kể kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ như thế nào”.
Trung Quốc mất 9 năm để nâng tỷ lệ vàng trong tổng dự trữ của mình (từ mức 1,8% của năm 2015) lên 4,9% với 72,8 triệu ounce vàng, trị giá khoảng 170 tỷ USD. Nếu Trung Quốc nâng tỷ lệ vàng trong dự trữ của mình lên thậm chí 10% theo mức dự trữ và giá hiện tại, thì tổng số tiền mua sẽ lên tới 170 tỷ USD. Để so sánh, Ngân hàng Trung ương Nga đã ngừng mua loại kim loại quý này vào năm 2020 khi vàng đạt 20% tổng dự trữ. Kể từ thời điểm đó, tỷ lệ vàng đã tăng lên một phần là do giá tăng.
Theo Hội đồng vàng thế giới, PBoC đôi khi đã báo cáo các giao dịch mua vàng trước đó sau khi đã được thực hiện từ rất lâu. Đây cũng là lý do khiến các nhà phân tích hàng đầu cũng đưa ra cảnh báo rằng số liệu thống kê mới nhất có thể không cung cấp được bức tranh toàn cảnh.