Về giấc mơ Oscar của điện ảnh Việt
Giải Oscar lần thứ 94 sẽ trao vào đêm 27-3, tại Mỹ. Oscar 2022 sẽ nhận 93 phim tham dự vòng sơ loại giải Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Một lần nữa, Việt Nam không có đại diện nào vào vòng đề cử chính thức.
Trước đó, tháng 12-2021, phim “Bố già” của đạo diễn Trấn Thành và Vũ Ngọc Đãng được Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) chọn tham dự vòng sơ loại giải Oscar năm nay, hạng mục Phim quốc tế xuất sắc. Dường như, giấc mơ Oscar của điện ảnh Việt vẫn chưa thể chạm tới.
Phim Việt đang ở đâu giữa biển lớn?
Trải qua gần 1 thế kỷ, Việt Nam đã có 15 bộ phim tham dự Oscar. Tuy nhiên, ngoài năm 1993 khi “Mùi đu đủ xanh” của đạo diễn Trần Anh Hùng lọt vào vòng đề cử cuối cùng để tranh giải thì những bộ phim sau đó gửi đi đều “bị loại từ vòng gửi xe”. Trong số những bộ phim này có những tên tuổi rất đình đám như “Hai Phượng” của đạo diễn Lê Văn Đạt, “Cô ba Sài Gòn” của Trần Bửu Lộc và Kay Nguyễn, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của Victor Vũ... Tuy nhiên, duy nhất “Mùa len trâu” của Nguyễn Võ Nghiêm Minh được giới làm nghề cho là xứng đáng dự Oscar. Còn “Mùi đu đủ xanh” dù mang tiếng là phim Việt nhưng lại do Pháp sản xuất.
Thời gian qua, điện ảnh Việt cũng đón nhận nhiều tin vui khi có nhiều dự án phim Việt đạt được những giải thưởng điện ảnh tại nhiều LHP quốc tế như: “Vợ ba” - giải thưởng Phim châu Á xuất sắc nhất tại LHP Quốc tế Toronto, Canada; Giải Phim hay nhất tại phần thi quốc tế của LHP quốc tế Kolkata, Ấn Độ lần thứ 24…; “Cu Li Never Cries” của Phạm Ngọc Lân đoạt giải ARTE International Open Doors và S-rfond tại LHP Locarno; “Vị” của Lê Bảo giành giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục “Encounters” tại Liên hoan phim Berlin lần thứ 71; “Ròm” của Trần Thanh Huy thắng giải Làn sóng mới Liên hoan phim quốc tế Busan 2019…
Nhưng, cơ hội cho phim Việt ở Oscar không dễ dàng. “Cơ hội” ở đây chỉ cơ hội vào vòng đề cử chính thức chứ chưa nói đến cơ hội đoạt giải. “Bố già” lập kỷ lục doanh thu phòng vé với hơn 420 tỷ đồng, được công chiếu tại rạp thương mại ở nhiều nước trên thế giới. Phim cũng được giới chuyên môn đánh giá cao, đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XXII-2021, Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam năm 2020, nhưng vẫn thất bại tại sân chơi Oscar.
Thực tế, sân chơi này vốn có sự góp mặt của những cường quốc điện ảnh như: Pháp, Ý, Đức, Ba Lan. Một cuộc đua cực kỳ khốc liệt. Riêng khu vực châu Á, năm nay, đã xuất hiện không ít cái tên sừng sỏ. Trong đó 3 đại diện được gọi tên vào danh sách rút gọn là: “Drive my car” (Nhật Bản), “A Hero” (Iran) và “Lunana: A Yak in the Classroom” (Bhutan). Riêng “Drive my car” và “A Hero” được xem là hai ứng viên nặng ký do đã đạt rất nhiều giải thưởng danh giá trước khi đến với Oscar 2022. “Drive My car” từng đoạt giải kịch bản xuất sắc tại Liên hoan phim Cannes 2021, phim hay nhất tại New York Film Critics Circle Awards và Los Angeles Film Critic Award, phim nước ngoài hay nhất tại Gotham Independent Film Awards. Còn “A Hero” của Iran, phim đã xuất sắc chiến thắng giải Grand Prix tại Cannes 2021. Đạo diễn của “A Hero” là Asghar Farhadi cùng từng 2 lần đoạt giải Oscar.
Theo biên kịch - chuyên gia truyền thông phim Châu Quang Phước, anh và giới làm nghề đều tôn trọng những thành công của những bộ phim được gửi đi Oscar ở thị trường Việt Nam cũng như quốc tế. Thế nhưng, hầu hết đây đều là bộ phim thuần thương mại hoặc chưa hội tụ được những tiêu chí về nghệ thuật mang tầm cỡ một giải thưởng điện ảnh quốc tế như Oscar. “Mặc dù thời gian qua, cũng có một vài phim Việt đủ tốt và nhận được sự quan tâm ít nhiều của khán giả Việt và giới truyền thông, giới làm nghề, nhưng có vẻ chỉ là đáp ứng được trong thị trường phim Việt chứ khó có “cửa” gây chú ý với khu vực châu Á và quốc tế”, anh Phước nhận định.
Phim Việt doanh thu tốt, nhưng…
Hành trình giành Oscar của điện ảnh Việt Nam là một hành trình dài nhưng không phải bất khả kháng. Để những bộ phim lọt được vào đề cử của Oscar luôn phải có những “công thức” nhất định. Thị trường phim Việt vài năm gần đây có phát triển tốt. Nhưng hầu hết các dự án có xuất phát điểm nền đều là làm thuần thương mại, nhắm vào doanh thu chứ không có chủ đích để đi thi giải thưởng quốc tế. Ngoại trừ một số bộ phim hiếm hoi thuộc dòng phim độc lập của những người tự bỏ tiền túi thực hiện, nhằm thỏa mãn đam mê làm nghề chứ không đặt nặng doanh thu, hoặc những dự án có khả năng xin được quỹ tài trợ của nước ngoài. “Ròm” là một ví dụ điển hình.
Tiến sĩ Đào Lê Na - Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học, Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điện ảnh Việt hoàn toàn có thể nuôi giấc mơ Oscar. Nhưng khác với nền điện ảnh trong khu vực, điện ảnh Việt Nam vẫn tồn tại quá nhiều vấn đề. Chúng ta chưa có bước chân thực sự ở các liên hoan phim thế giới. Thực tế, ở các sân chơi khu vực, phim Việt còn chật vật để bước lên bục vinh quang. Còn Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc đã đi LHP Cannes, Berlin, giải Oscar... mấy chục năm nay và gặt hái nhiều giải thưởng lớn trên thế giới.
“Các bộ phim Việt Nam gửi đi Oscar rồi ra về trắng tay là điều hoàn toàn dễ hiểu. Thứ nhất, những bộ phim dự Oscar, nhất là ở hạng mục “Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất”, thường có tính phản biện xã hội rất cao. Thứ hai, nó khá đậm đặc văn hóa bản địa, giúp khán giả khám phá ra chiều sâu văn hóa của quốc gia đó. Song, văn hóa bản địa cũng chưa đủ mà phim phải có những thông điệp mang tính toàn cầu. Phim Việt vẫn cố gắng kể những câu chuyện đậm bản sắc văn hóa nhưng chúng ta bị ảnh hưởng từ nước ngoài quá nhiều. Nếu không, lại mang nặng tính chất minh họa. Thành ra nhân vật như hô khẩu hiệu”, Tiến sĩ Đào Lê Na nhận định.
Như trường hợp của “Bố già”, đạo diễn Phan Đăng Di nhìn nhận, những bộ phim đoạt giải Oscar thường có kịch bản chặt chẽ, cấu trúc rõ ràng, dễ hiểu. Nếu “áp” những điều này vào “Bố già” thì tác phẩm này khó sánh kịp với hơn 90 tác phẩm dự thi cùng hạng mục của các nền điện ảnh tiên tiến trên thế giới như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ…
Thẳng thắn hơn, biên kịch Châu Quang Phước lưu ý thêm, chuyện doanh thu đạt trăm tỷ này kia, nói cho cùng vẫn chưa là yếu tố then chốt để có thể định hình vững chắc cái gọi là thương hiệu điện ảnh Việt. Có chăng, doanh thu phim Việt khả quan sẽ là nền tảng bước đầu giúp toàn ngành điện ảnh Việt tồn tại và phát triển ở giai đoạn “cửa ngõ” trong cái thế chập chững hòa nhập với nền công nghiệp điện ảnh ở trong nước, xa hơn là khu vực châu Á.
Do đó, đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng, ngoài việc đầu tư vào chất lượng từ đội ngũ làm phim đến yếu tố kỹ thuật, để hướng tới giải thưởng quốc tế, điện ảnh Việt không chỉ trông chờ vào lượng phim có sẵn, mà phải có sự đầu tư chiến lược. “Chẳng hạn, mỗi năm điện ảnh Việt Nam đầu tư cho khoảng 10 bộ phim, trong đó, Nhà nước hỗ trợ một nửa, còn lại xã hội hóa. Các phim hướng đến tiêu chí của những liên hoan phim uy tín, sau đó chọn ê-kíp sản xuất thật tốt. Đầu tư như vậy trong 5 năm, Việt Nam sẽ có những phim vang danh ở những giải thưởng, liên hoan phim quốc tế lớn”, đạo diễn “Cha cõng con” bày tỏ.
Đừng đổ tại kiểm duyệt!
Một bộ phim mang đi thi quốc tế, đương nhiên không thể thiếu “lưỡi kéo” kiểm duyệt. Khi Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) được đưa ra bàn luận, kiểm duyệt càng là vấn đề được giới làm phim “mổ xẻ”. Còn ở phim Việt, các vấn đề xã hội thường bị hạn chế khai thác, để “né” kiểm duyệt. Nhưng không thể “vin” vào lý do kiểm duyệt khiến giới làm phim bị bế tắc. Đơn cử, Iran không cho phép khai thác hình ảnh tình dục và bạo lực. Nhưng phim Iran vẫn ghi dấu ấn ở các giải thưởng điện ảnh danh giá. Rõ ràng, cơ quan quản lý càng kiểm duyệt thì càng thách thức sự sáng tạo. Người làm phim buộc phải nghiên cứu sâu cách kể ẩn dụ về vấn đề bị cấm để đảm bảo truyền tải nguyên vẹn điều muốn nói.
Hơn nữa, khi “Bẫy ngọt ngào”, “Người tình” hay “Chuyện ma gần nhà” - thuộc thể loại kinh dị, phim có cảnh nóng 18+ được ra rạp dịp đầu năm 2022 đã cho thấy sự thay đổi của đội ngũ kiểm duyệt trong nước. Bản thân ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng thừa nhận, Hội đồng kiểm duyệt đã cởi mở hơn, nhìn nhận vấn đề thoáng hơn. Tất nhiên, điều này cũng phải nằm trong nguyên tắc “bất di bất dịch”. Ví dụ như về quan điểm đường lối của Đảng hay vấn đề chủ quyền biên giới quốc gia.
Để đoạt được giải Oscar cho phim truyện hay nhất như “Ký sinh trùng” mà điện ảnh Hàn Quốc làm được là điều rất khó, nhưng đây một dấu mốc để các nhà làm phim châu Á hy vọng và hào hứng hơn với giải Oscar. Hàn Quốc đã từng phải xây dựng nền điện ảnh 100 năm và 20 năm đổi mới để có được giải Oscar của “Ký sinh trùng”. Hy vọng rằng, điện ảnh Việt Nam trong 20 năm nữa cũng sẽ làm được điều đó.
Chiến thắng của “Ký sinh trùng” là một dấu mốc để các nhà làm phim châu Á hy vọng và hào hứng hơn với giải Oscar. Với điện ảnh Việt, vấn đề có lẽ không chỉ hướng đến Oscar mà còn là lộ trình để sớm bắt kịp với sự phát triển của điện ảnh thế giới thông qua việc duy trì được bản sắc của mình. Nhìn nhận tích cực, đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng: “Điện ảnh Việt có những nhân tố có thể đến được với Oscar, có những câu chuyện, chất liệu có thể tạo được dấu ấn và được ghi nhận. Các nhà làm phim Việt vẫn nên hướng tới Oscar để làm mục tiêu phấn đấu lâu dài”.