Về hình phạt “lưu” thời phong kiến

Thứ Ba, 19/09/2023, 12:49

Như An ninh Thế giới cuối tuần số 2037 (ngày 19/8) đã viết, thời phong kiến, luật pháp quy định có 5 loại hình phạt (ngũ hình), trong đó bậc cuối cùng là “lưu”, tức đày đi đất xa, là hình phạt nhẹ nhất.

Nếu ở Trung Quốc thời cổ đại, hình phạt đày đầu tiên được sử sách chép là vua Thuấn đày ông Cộng Công, thì ở nước ta, từ thời Lý, Thái sư Lê Văn Thịnh cũng bị vua Lý Nhân Tông đày lên vùng rừng thiêng nước độc.

Đó là chuyện xảy ra vào năm Hội Phong thứ 5 (1096), với vụ án “Thái sư hóa hổ” nổi tiếng mà “Đại Việt sử ký” chép là xảy ra trên mặt hồ Dâm Đàm, tức Hồ Tây ngày nay. Sử chỉ ghi Lê Văn Thịnh bị kết án là mưu phản, nhưng lại được vua tha tội chết, đày lên an trí ở Thao Giang (tức huyện Tam Thanh, Phú Thọ ngày nay). Chuyện này khiến sử thần thời Lê là Ngô Sĩ Liên, khi biên soạn “Đại Việt sử ký toàn thư” hết sức thắc mắc, là vì sao bề tôi phạm tội giết vua mà lại được miễn tội chết, chỉ phải lưu đày? Tuy nhiên cuối cùng không ai biết Lê Văn Thịnh chết ra sao.

cửa bắc thành hà nội thời nguyễn.jpg -0
Cửa Bắc thành Hà Nội thời Nguyễn

Thời Trần, hình luật quy định ba loại hình phạt, trong đó nặng thì xử tử, nhẹ thì khắc chữ vào trán và bắt cày cấy ruộng công, ngoài ra cũng có hình thức đày đến châu xa. Như cuối năm 1309, đời vua Trần Anh Tông, có vụ xử những kẻ đại nghịch là bọn tên Hân, thì có 4 tên đầu sỏ bị điệu ra chém ở 4 cửa xung quanh thành Thăng Long. Còn bọn tên Lệ 6 người bị đày ra châu Ác Thuy, thuộc huyện Yên Bang, tức vùng đất tỉnh Quảng Ninh giáp với Trung Quốc ngày nay. Trong “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, Lý Tử Tấn có chú thích thêm rằng: "Yên Bang là nơi hiểm ác, gọi là viễn châu (châu xa), các triều đại đều đày người đến ở đó”. Lý Tử Tấn còn chua thêm: “Người bị đày ra đó, không một ai sống nổi”.

Cuối thời Lê, khi viên quận mã Đặng Mậu Lân cậy thế chị mình là Tuyên phi Đặng Thị Huệ, chém chết viên nội giám hầu cận của chúa Trịnh Sâm là Sử Thọ hầu, triều thần sợ Tuyên phi, chỉ bàn nhau đày hắn ra Yên Quảng, cũng là đất Quảng Ninh bây giờ. Trong “Tang thương ngẫu lục”, Nguyễn Án viết rằng “giải ra đến nơi, quan địa phương phải làm nhà cho hắn ở”. Sau này, do những biến động cuối triều Lê khi quân Tây Sơn ra Bắc, cũng không rõ Đặng Mậu Lân kết cục ra sao.

Luật hình thời Lê, tức bộ “Quốc triều hình luật”, còn gọi là “Luật Hồng Đức”, quy định có 3 hình thức của tội lưu. Thứ nhất là lưu cận châu, tức đày đi làm việc nặng ở Nghệ An và Hà Hoa (Hà Tĩnh ngày nay) với hình phạt phụ là thích vào mặt 6 chữ, đánh 90 trượng, đeo xiềng dành cho nam và đánh 50 roi cho nữ.

Thứ nhì là lưu ngoại châu, tức lưu đày đến Bố Chính (Quảng Bình). Phụ hình là đánh 90 trượng, thích 8 chữ vào mặt, đeo xiềng 2 vòng dành cho nam và đánh 50 roi cho nữ. Thứ ba là lưu viễn châu, tức đày đi Cao Bằng (sau bổ sung thêm Tân Bình, tức vùng Thừa Thiên ngày nay). Phụ hình gồm 100 trượng, thích 10 chữ vào mặt, đeo xiềng 3 vòng cho nam, đánh 50 roi cho nữ.

Sang đến thời Nguyễn, luật hình quy định 3 hình thức của tội lưu bao gồm đày ra xa 2.000, 2.500 và 3.000 dặm, tương tự hình luật cổ của Trung Quốc. Gốc gác của việc này bắt nguồn cũng từ quy định thời cổ ở Trung Quốc, khi hoàng đế chia đất trong nước ra làm Ngũ Phục, trong đó lấy 500 dặm xung quanh kinh đô gọi là Điện Phục, là đất của thiên tử. Khu vực 500 dặm ngoài Điện Phục gọi là Hầu Phục, dành để phong cấp cho các khanh đại phu, chư hầu. Khu vực 500 dặm bao quanh Hầu Phục gọi là Tuy Phục, là vùng của dân chúng chịu giáo hóa. Khu vực 500 dặm bên ngoài Tuy Phục là Yếu Phục, là nơi cư trú của các tộc Di (người dân tộc thiểu số, theo cách gọi kỳ thị của người Trung Quốc xưa). Khu vực 500 dặm bao quanh Yếu Phục là Hoang Phục, là nơi cư trú chủ yếu của người Man, và tội nhân đi đày ở vùng đất hoang vu.

Về hình phạt “lưu” thời phong kiến -0
Điện Kính Thiên thời Nguyễn

Cùng với cách phân chia này, thời cổ đại thường đày tội nhân ra các vùng Yếu Phục, Hoang Phục và ngoài nữa, cho tội nhân sống cùng các dân tộc mà họ khinh miệt gọi là Di, Man, với điều kiện sinh sống rất khó khăn và lạ lẫm. Ngoài ra, việc bị đày đi càng xa cũng khiến những tội nhân từng có quyền chức không còn cơ hội để trở về, can thiệp vào công việc triều chính nữa.

Nước ta thời Lê, lấy kinh đô Thăng Long làm trung tâm thì có các mốc Nghệ An là cận châu, Quảng Bình là ngoại châu, và Tân Bình, Cao Bằng, Yên Quảng làm viễn châu. Sang đến thời Nguyễn, kinh đô đặt ở Phú Xuân, chính giữa đất nước, nên việc quy định đày ra xa nhất 3.000 dặm mới được quy định (mỗi dặm thời xưa khoảng 313m, sau tăng lên mức khoảng 444m).

Theo bộ sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục”, vào năm Gia Long năm thứ 14 (1815), dù bộ hình luật triều Nguyễn là “Hoàng Việt luật lệ” đã được ban hành, nhưng quy định chi tiết về việc thi hành án lưu chưa được làm rõ. Do đó, nhà vua sai lấy đất Tam Độc (Ba Ngòi) trấn Bình Hòa (thuộc thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa ngày nay) làm nơi đày tù án lưu. Sử viết: “Vua hạ lệnh cho trấn thần chọn nơi thủy thổ hơi lành và địa lợi có thể nhờ mà làm ăn thì cho dựng nhà tranh cho tội nhân ở”.

Tuy nhiên đến năm Gia Long năm thứ 17 (1818), do tù nhân bị tội lưu đày ở Tam Độc (Ba Ngòi) nhiều người trốn mất, trấn thần Bình Hòa tâu lên, nhà vua đã sai bộ Hình bàn đổi tội lưu thành tội đồ (như tù khổ sai ngày nay), chiết số dặm làm hạn năm, đưa cho các nha môn xét hình thi án. Từ đó, tù đồ ở Bình Hòa được đem về đày ở trấn. Những ruộng đất ở Tam Độc mà tội nhân đã khai khẩn được thì cấp cho dân sở tại cày cấy nộp thuế. Quy định cụ thể về việc đổi tội danh là tội lưu 2.000 dặm đổi làm đồ 5 năm rưỡi, lưu 2.500 dặm làm đồ 6 năm, lưu 3.000 dặm làm đồ 6 năm rưỡi.

Còn trong “Hoàng Việt luật lệ”, giải thích về “tam lưu” rằng: Lưu có 3 bậc, thứ nhất 2.000 dặm, thứ nhì 2.500 dặm, thứ ba 3.000 dặm.

“Đại Nam thực lục” giải thích chi tiết: Tù phạm sung quân phát đi các địa phương thì: Người quê từ Quảng Nam trở vào Nam thì lấy thú sở Ai Lao phủ Cam Lộ làm nơi phụ cận; lấy Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định, Hải Dương, Sơn Tây, Hưng Yên làm nơi cận biên; lấy Quảng Yên, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hưng Hóa làm nơi viễn biên; lấy Cao Bằng và đồn Trấn Hà, châu Thủy Vĩ tỉnh Hưng Hóa cùng với châu Vạn Ninh, Quảng Yên làm nơi cực biên lam chướng. Người quê từ Thừa Thiên trở ra Bắc, lấy đồn trại ven biên giới Quảng Ngãi, đồn trại ven biên giới Bình Định, đồn trại ven biên giới Phú Yên, đồn trại ven biên giới Khánh Hòa làm nơi phụ cận; Bình Thuận, Phiên An, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long làm nơi cận biên; An Giang, Hà Tiên làm nơi viễn biên; sở Phú Quốc đất mới, Trấn Ninh làm nơi cực biên lam chướng.

Về hình phạt “lưu” thời phong kiến -0
Tranh vẽ miêu tả một phạm nhân bị lưu đày

Tù phạm bị tạm lưu, phát đi các địa phương: Ở Thừa Thiên thì lấy Biên Hòa, Phiên An làm 2.000 dặm; lấy Định Tường, Vĩnh Long làm 2.500 dặm; lấy An Giang, Hà Tiên làm 3.000 dặm. Ở Quảng Trị thì lấy Bình Thuận làm 2.000 dặm; lấy Biên Hòa, Phiên An làm 2.500 dặm; lấy Định Tường, Vĩnh Long làm 3.000 dặm. Ở Quảng Bình thì lấy Khánh Hòa làm 2.000 dặm; lấy Bình Thuận làm 2.500 dặm; lấy Biên Hòa, Phiên An làm 3.000 dặm. Ở Hà Tĩnh, Nghệ An thì lấy Phú Yên làm 2.000 dặm; lấy Khánh Hòa làm 2.500 dặm; lấy Bình Thuận làm 3.000 dặm. Ở Thanh Hóa thì lấy Bình Định làm 2.000 dặm; lấy Phú Yên làm 2.500 dặm; lấy Khánh Hòa làm 3.000 dặm. Ở các tỉnh Ninh Bình, Hà Nội, Nam Định, Hưng Yên thì lấy Quảng Ngãi làm 2.000 dặm; lấy Bình Định làm 2.500 dặm; lấy Phú Yên làm 3.000 dặm. Ở Hải Dương, Quảng Yên, Sơn Tây, Bắc Ninh, Thái Nguyên thì lấy Hà Tĩnh làm 2.000 dặm; lấy Quảng Ngãi làm 2.500 dặm; lấy Bình Định làm 3.000 dặm. Ở Hưng Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng thì lấy Nghệ An làm 2.000 dặm; lấy Hà Tĩnh làm 2.500 dặm; lấy Quảng Ngãi làm 3.000 dặm.

Ở Quảng Nam thì lấy Hưng Hóa, Tuyên Quang làm 2.000 dặm; lấy Thái Nguyên, Lạng Sơn làm 2.500 dặm; lấy Cao Bằng làm 3.000 dặm. Ở Quảng Ngãi thì lấy Hải Dương, Quảng Yên làm 2.000 dặm; lấy Hưng Hóa, Tuyên Quang làm 2.500 dặm; lấy Thái Nguyên, Lạng Sơn làm 3.000 dặm. Ở Bình Định thì lấy Sơn Tây, Bắc Ninh làm 2.000 dặm; lấy Hải Dương, Quảng Yên làm 2.500 dặm; lấy Hưng Hóa, Tuyên Quang làm 3.000 dặm. Ở Phú Yên thì lấy Hưng Yên, Nam Định làm 2.000 dặm; lấy Sơn Tây, Bắc Ninh làm 2.500 dặm; lấy Hải Dương, Quảng Yên làm 3.000 dặm. Ở Khánh Hòa thì lấy Thanh Hóa làm 2.000 dặm; lấy Hưng Yên, Nam Định làm 2.500 dặm; lấy Sơn Tây, Bắc Ninh làm 3.000 dặm.

Ở Bình Thuận thì lấy Nghệ An làm 2.000 dặm; lấy Thanh Hóa làm 2.500 dặm; lấy Hà Nội, Ninh Bình làm 3.000 dặm. Ở Biên Hòa, Phiên An thì lấy Hà Tĩnh làm 2.000 dặm; lấy Nghệ An làm 2.500 dặm; lấy Thanh Hóa làm 3.000 dặm. Ở Định Tường, Vĩnh Long thì lấy Quảng Ngãi làm 2.000 dặm; lấy Hà Tĩnh làm 2.500 dặm; lấy  Nghệ An làm 3.000 dặm. Ở An Giang, Hà Tiên thì lấy Bình Định làm 2.000 dặm; lấy Quảng Ngãi làm 2.500 dặm; lấy Hà Tĩnh làm 3.000 dặm.

Theo sử sách triều Nguyễn thì các phạm nhân bị xử lưu đều kèm thích (xăm mực) chữ lên má, bên trái thích tội danh, bên phải thích chỗ đày, để quan quân phụ trách canh giữ, truy lùng tiện nhận biết. 

Vào đầu triều Nguyễn, các hậu duệ của vua Lê đều thần phục Vua Gia Long. Tuy nhiên, năm 1817, một hậu duệ của vua Lê là Lê Duy Hoán nổi dậy chống nhà Nguyễn. Sau khi cuộc khởi nghĩa bị dẹp, Lê Duy Hoán cùng các con là Lê Duy Lương, Lê Duy Hiển đều bị giết, Vua Minh Mạng đã cho đày các hậu duệ nhà Lê vào các tỉnh từ Quảng Nam trở vào Nam.

Về chu cấp cho tội nhân bị lưu, ghi chép trong “Thực lục” vào năm Minh Mạng thứ 3 (1822), cho biết, tù nhân phát phối được cấp mỗi người 1 tấm vải, 2 quan tiền; đến nơi đi đày, lại cấp 1 quan tiền; vợ con đi theo, 16 tuổi trở lên thì cấp nửa tấm vải, 3 quan tiền, 15 tuổi trở xuống thì được 2 quan tiền. Nhà vua cũng dụ rằng phàm tù phạm biết hối cải ở nơi đày chăm chỉ làm việc, không dám sai trái, thì cho đề tâu để cấp thêm tiền gạo, hoặc lượng khoan giảm cho. Nếu giữa đường và đến nơi đày mà cứ quen thói làm bậy, tự ý trốn đi, cùng là hành hung cướp bóc, thì chém ngay ở địa phương.

Năm Minh Mạng thứ 4 (1823), triều đình chuẩn định từ nay các địa phương giải phát tù quân lưu về Kinh để chuyển giao đi đày, thì từ Quảng Trị đi bằng đường bộ; còn từ Quảng Nam trở về Nam hoặc từ Quảng Bình trở ra Bắc, đều đi bằng đường thủy. Tù sung quân đến nơi phối dịch thì mỗi tháng cấp cho 1 phương gạo.

Cũng năm này, quan thành Gia Định rằng tù phạm đi đày ở Gia Định nhiều người mãn hạn, nên tư lên bộ Hình xin xử lý. Bộ thần bàn tâu cho là từ trước đến giờ những tù đồ ở Thừa Thiên cùng Thanh Nghệ, Bắc Thành phát phối đi Gia Định, trong ấy phần nhiều là kẻ cướp đánh giết người mà được giảm tội chết, xử lưu mà được chuyển sang đồ, khác hẳn với tù thường bị tội đồ, nếu nhất loạt tha cả thì nặng nhẹ không được phân biệt. Huống chi bọn ấy vốn tính hung tợn, tha ra chưa chắc đã chừa, sẽ lại làm hại cho dân địa phương.

Nay xin so sánh tội tình mà phân biệt xử trí. Phàm kẻ phạm đáng là mãn đồ (tức đồ 3 năm), tổng đồ (đồ 4 năm) thì mãn hạn được tha. Những kẻ nhờ giảm tội chết mà được mãn tội đồ, tổng đồ, chuẩn đồ, cùng tội “tam lưu” được chuyển sang đồ, lại phải làm việc khó nhọc thì khi mãn hạn xin đem bổ làm binh, theo các trấn quản thúc để chúng biết răn sợ, không dám làm bậy, mà sai phái việc công cũng có ích lợi. Nhà vua y theo lời bàn này.

Lê Tiên Long
.
.