Về “trang phục dân tộc” tại các cuộc thi nhan sắc

Thứ Hai, 28/08/2023, 21:03

Phần thi “Trang phục dân tộc” (National Costume) của cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (Hoa hậu Hòa Bình Việt Nam) đang trở thành tâm điểm bàn luận trên báo chí cũng như các trang mạng xã hội. Một lần nữa, câu chuyện về thông điệp, yếu tố thời trang và tính thẩm mĩ của trang phục truyền thống tại đấu trường nhan sắc lại trở thành nỗi băn khoăn không chỉ riêng ai.

Phần thi trang phục dân tộc được cho là có vai trò quan trọng trong mỗi cuộc thi nhan sắc quốc tế, vì không chỉ giúp bộc lộ được vẻ đẹp của các thí sinh mà còn là “đại sứ” góp phần tôn vinh văn hóa dân tộc. Chẳng thế mà tại cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023, lần đầu tiên, ngay sau đêm thi “National Costume” ngày 19/8 với sự trình diễn của 59 thiết kế, các khán giả có cơ hội tham gia vào quá trình “cầm cân nảy mực” bằng việc bình chọn trên nền tảng Uvote (từ ngày 21/8 đến ngày 26/8/2023).

Về “trang phục dân tộc” tại các cuộc thi nhan sắc -0
Trang phục “Gánh mẹ”.

Tại đêm chung kết, bên cạnh 3 bộ trang phục do Ban giám khảo lựa chọn, bộ trang phục nhận được nhiều bình chọn nhất từ các khán giả sẽ có cơ hội đồng hành cùng đại diện Việt Nam trong các cuộc thi quốc tế. Không chỉ có Miss Grand Vietnam, tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022, các thí sinh cũng đã có buổi trình diễn để chọn ra mẫu thiết kế phù hợp nhất cho thí sinh đạt giải Hoa hậu mang ra đấu trường quốc tế.

Khẳng định vai trò của trang phục dân tộc trong mỗi cuộc thi nhan sắc, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, trang phục dân tộc không chỉ là trang phục, mà còn là một phần của sự tự hào về nguồn gốc và văn hóa dân tộc, đồng thời là cơ hội để người tham gia thể hiện sự độc đáo và tài năng của mình. Vì thế, theo ông Bùi Hoài Sơn, trang phục phải cần phải đáp ứng một số tiêu chí như: Tôn vinh bản sắc dân tộc thông qua việc thể hiện đầy đủ và chính xác những đặc trưng văn hóa, truyền thống của dân tộc mình; Cần thể hiện sự độc đáo và sáng tạo của người thiết kế và người mặc; Phù hợp với dáng vóc, ngoại hình và phong cách của người mặc; Chú ý đến chất liệu và chi tiết thẩm mỹ; Phải phản ánh tinh thần của cuộc thi. Điều này có thể là vẻ đẹp đa dạng, tình hữu nghị, hoặc thông điệp về tầm quan trọng của văn hóa và hòa bình; Phải tạo ấn tượng và sự tự tin; Không quá phô trương hoặc quá giản dị...

Về “trang phục dân tộc” tại các cuộc thi nhan sắc -0
Trang phục “Kép thị” - Thiết kế lấy cảm hứng từ hình ảnh nữ tướng kết hợp với bộ môn sân khấu cải lương Việt Nam.

Trong lịch sử chinh chiến tại các đấu trường nhan sắc quốc tế, đã từng có một số thí sinh Việt Nam gây ấn tượng với công chúng cũng như chinh phục được sự khắt khe của Ban giám khảo nhờ trang phục dân tộc đẹp mắt. Ví dụ như trang phục dân tộc có tên “Áo dài Cửu Long” (Tuấn Hải) đã mang về cho Cao Thùy Linh giải thưởng “Trang phục đẹp nhất” tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2014. Người đẹp Nguyễn Thị Loan cũng được lọt vào top 10 phần thi “Trang phục dân tộc đẹp nhất” tại cuộc thi Hoa hậu hoàn vũ 2016 với bộ trang phục cách tân từ áo tứ thân của phụ nữ Bắc Bộ xưa. Trang phục “Ngũ Phụng Tề Phi” của Phương Nga tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2018 cũng đã lọt Top 12 “Trang phục dân tộc” đẹp nhất. Đặc biệt, thiết kế “Thiên thần” với hình tượng chiến binh xanh trong trang phục bảo hộ chống COVID-19 vừa mang tính thời sự vừa duyên dáng tôn vẻ đẹp của người thiếu nữ đã góp phần mang đến cho Nguyễn Thúc Thùy Tiên danh hiệu Hoa hậu Hòa bình Thế giới tại Thái Lan…

Xác định được tầm quan trọng của trang phục dân tộc nên các thiết kế ngày càng được đầu tư nhiều cả về công sức và tiền bạc. Tại cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023, NTK Việt Hùng đầu tư gần 1 tỷ đồng cho các bộ trang phục trình diễn trong chương trình. Các thiết kế khác cũng đều được thực hiện với số tiền không nhỏ. Đa dạng về thông điệp, cầu kỳ trong thực hiện là điều dễ nhìn thấy ở các bộ trang phục này. Để có thể tạo được ấn tượng với Ban giám khảo cũng như công chúng thì yếu tố độc đáo, lạ mắt là không thể thiếu. Trong quá trình thiết kế trang phục dân tộc cho các thí sinh tham dự các kỳ thi quốc tế, nhiều NTK cũng đã đặc biệt lưu ý đến yếu tố này. Thậm chí, yếu tố độc, lạ dường như còn được đặt lên hàng đầu. Các NTK Việt cũng thoải mái biên độ sáng tạo hòng bắt kịp các xu hướng của thế giới.

Về “trang phục dân tộc” tại các cuộc thi nhan sắc -0
Trang phục “Vũ rối” của nhà thiết kế Trần Thị A Khin

Tuy nhiên xu hướng ham ý tưởng, cồng kềnh hóa cũng là điều dễ nhận thấy ở các thiết kế Việt. Trang phục “Kép Thị” (NTK Hồ Hữu Thanh Nhã) lấy ý tưởng từ bản lĩnh của nữ tướng Nguyễn Thị Bành kết hợp với tôn vinh những nghệ sĩ ở lĩnh vực cải lương như NSND Phùng Há, NSND Bạch Tuyết, NSƯT Quế Trân… Trang phục “Mắc võng Trường Sơn” (NTK Nguyễn Hải) là hình ảnh chiếc võng, khăn dù và núi rừng Trường Sơn. Trang phục “Hương Thị” lấy ý tưởng từ làng nghề làm hương truyền thống, trang phục “Gánh mẹ” ôm đồm với nhiều chi tiết như căn nhà, quang gánh và cả hình ảnh người con thành đạt… Trang phục “Ơi yàng” (Trần Văn Minh) với ý nghĩa tôn vinh văn hóa vùng đất Tây Nguyên gồm kiến trúc nhà rông, nghề dệt thổ cẩm, văn hóa cồng chiêng của đồng bào…

Về “trang phục dân tộc” tại các cuộc thi nhan sắc -0
PGS.TS Bùi Hoài Sơn.

“Việc đầu tư vào phần thi trang phục dân tộc của các thí sinh là một bước tiến tích cực, nhưng việc lạm dụng các chi tiết và thông điệp trong trang phục có thể gây ra sự lộn xộn và thiếu tính thẩm mỹ, từ đó ảnh hưởng đến việc đánh giá cao của phần thi này. Trong cuộc thi nhan sắc quốc tế, trang phục không chỉ là cơ hội để thể hiện bản sắc dân tộc mà còn là cơ hội để giao lưu, gặp gỡ và giao tiếp với người tham dự từ các quốc gia khác. Quan trọng nhất là thí sinh nên xem xét kỹ lưỡng để đảm bảo trang phục dân tộc vừa thể hiện bản sắc văn hóa mà còn đảm bảo tính tinh tế và thẩm mỹ, từ đó giúp họ gây ấn tượng tốt trong mắt khán giả và ban giám khảo”- PGS.TS Bùi Hoài Sơn góp ý.

Tuy nhiên thực tế, so với sự đông đảo các thí sinh ra nước ngoài thi nhan sắc, số lượng các bộ trang phục dân tộc của người đẹp Việt nhận được giải cao là quá ít ỏi, mặc dù chúng ta ngày càng đầu tư nhiều cho phần thi này. Nhìn vào các trang phục dân tộc mà các người đẹp khoác lên người có thể thấy mọi ý tưởng đều có thể lên trang phục. Từ những món ăn như phở, bánh mỳ, bún mắm, bánh tráng trộn, bánh tét, hủ tiếu… đến những nghề nghiệp như chài lưới, dệt chiếu, làm hương, nuôi tằm… Tuy nhiên, ý tưởng hay nhưng hiện thực hóa thành trang phục có tính thẩm mỹ hay không lại là chuyện khác.

Về “trang phục dân tộc” tại các cuộc thi nhan sắc -0
Trang phục “Hương thị”.

Nhiều ý kiến cho rằng, quá nhiều thông điệp vào trang phục khiến trang phục giống như một cuộc thi hóa trang, rối rắm và thiếu điểm nhấn. Vì quá chú trọng đến sự độc đáo, lạ mắt mà yếu tố thời trang, văn hóa và thẩm mỹ đang bị coi nhẹ. Một số trang phục cầu kỳ, cồng kềnh và gây tranh cãi như trang phục lấy ý tưởng từ bàn thờ gia tiên (mẫu phác thảo tìm kiếm trang phục cho Hoàng Thùy dự thi “Hoa hậu Hoàn vũ 2019”).

Tại cuộc thi Miss Grand Vienam 2022, mẫu thiết kế khiến người xem phát hoảng đó là “Huyền Sương Mẫu” lấy ý tưởng từ vở cải lương kinh điển của Việt Nam là “Hoàng hậu không đầu” với hình ảnh trang phục được kèm theo 1 cái đầu rời ra. Tương tự, tại Miss Grand Vietnam 2023, trang phục “Kép Thị” bị cư dân mạng cho là giống bàn thờ, thiết kế “Mỹ Sơn huyền bí” (của tác giả Danh Đại) gây cảm giác nặng nề vì người đẹp đội cả đền đài trên đầu...

Lý giải về sự thiếu đặc sắc của trang phục dân tộc trên đấu trường nhan sắc quốc tế, nhà biên kịch Chu Thơm, nguyên Phó trưởng phòng Nghệ thuật (Cục Nghệ thuật - Biểu diễn) cho rằng có thể vì các nhà thiết kế mải mê với ý tưởng độc, lạ mà không dựa sâu vào văn hóa gốc. Ông cho rằng, tố chất vẻ đẹp của người Việt là sự kín đáo, khiêm nhường, là một kiểu “hương thầm”, khác với vẻ đẹp nóng bỏng của phụ nữ phương Tây, nên các thiết kế phải làm lan tỏa được vẻ đẹp độc đáo đấy. Trang phục phải dựa vào tố chất con người, phát huy được hồn cốt và văn hóa dân tộc chứ không phải cứ phá cách loạn xạ.

Một điều dễ nhận thấy khi chiêm ngưỡng những bộ trang phục dân tộc được đánh giá tại các cuộc thi quốc tế là người xem có thể nhanh chóng nhận diện đó là trang phục của đất nước nào? Sự độc đáo từ chất liệu tới kiểu dáng, sự hài hòa trong tổng thể đã khiến những trang phục đó thực sự là những tác phẩm nghệ thuật. PGS. TS Bùi Hoài Sơn cho biết: “Để có được trang phục dân tộc vừa đẹp vừa ý nghĩa, chúng ta cần hiểu rõ về các yếu tố văn hóa, lịch sử, và những đặc trưng quan trọng để có thể áp dụng chúng vào thiết kế. Bên cạnh đó, cần tạo ra sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và phong cách hiện đại để giúp trang phục trở nên độc đáo và hấp dẫn mà vẫn giữ được sự tôn vinh cho truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam”.

Hạ Vân
.
.