Vì sao gửi tiết kiệm “hóa” bảo hiểm nhân thọ?
Vài năm trở lại đây, thị trường bảo hiểm phát triển mạnh mẽ, nhiều người cũng sẵn sàng chuyển nghề để tham gia vào đội ngũ tư vấn viên bán bảo hiểm. Tuy nhiên, không phải ai cũng trở thành một tư vấn viên giỏi, một người bán có tâm.
Chính vì thế, nhiều khách mua bảo hiểm cho bản thân vô hình trung lại rơi vào cái bẫy tài chính, mang thêm gánh nặng và nỗi sợ vô hình trên vai. Thậm chí tiền gửi tiết kiệm cũng bị hô biến thành bảo hiểm nhân thọ chỉ vì những tư vấn viên không có tâm.
Vì đâu bảo hiểm lại trở thành rủi ro?
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tính đến 12/12/2022, có 79 doanh nghiệp đang kinh doanh trong thị trường bảo hiểm, với tổng tài sản tăng 14,51% so với năm 2021. Tổng doanh thu phí bảo hiểm tăng 15,09% so với năm 2021.
Với sự phát triển này qua từng năm, có thể thấy các loại hình bảo hiểm đang dần xuất hiện dày đặc hơn trong đời sống của người dân. Tuy nhiên đối với nhiều người, bảo hiểm vẫn là một điều xa lạ hoặc có không ít định kiến.
Do sự phát triển mạnh mẽ của các công ty bảo hiểm, nhu cầu tuyển dụng tư vấn viên cũng tăng cao. Nhiều người làm những ngành nghề không liên quan đến tài chính, sau khi tham gia các khóa đào tạo đại lý bảo hiểm (tối thiểu 24 giờ học tập trung đào tạo cơ bản và 24 giờ đào tạo về sản phẩm bảo hiểm) là bắt đầu đi tìm khách hàng.
Với việc tuyển dụng ồ ạt như vậy, nhiều công ty bảo hiểm không tránh được bỏ lọt những tư vấn viên kém chất lượng tham gia vào hàng ngũ đại lý bán bảo hiểm. Cũng vì thế với nhiều người sau khi tham gia bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ lại như mang thêm gánh nặng lên mình bởi những nội dung trong hợp đồng không được các đại lý “kém chất lượng” tư vấn rõ, thậm chí cố tình giấu đi rủi ro có thể gặp phải, chỉ với mục đích khiến khách hàng đặt bút kí nhanh nhất có thể để “ăn” hoa hồng.
Là người từng ngậm trái đắng sau khi trót tin vào lời tư vấn viên và cũng là bạn đại học của mình, chị N.T.T (35 tuổi, Phú Thọ) cho biết bản thân chưa từng nghĩ sẽ tham gia bảo hiểm nhân thọ, nhưng trong buổi họp lớp, hai người bạn hiện đang là đại lý bảo hiểm của một hãng bảo hiểm lớn đã tỉ tê mời chào tham gia một hợp đồng cho con nhỏ.
Sau khi nghe lời tư vấn có vẻ xuôi tai với những quyền lợi và ưu đãi thuộc diện cao cấp mà chỉ phải đóng hơn 12 triệu/năm, chị T. đã quyết định đặt bút kí vào hợp đồng. Nhưng đến khi con trai phải nhập viện phẫu thuật, vốn yên tâm khi nghĩ chi phí sẽ được bảo hiểm chi trả, chị T. đã chọn cho con mình những dịch vụ tốt nhất. Nhưng sau khi liên hệ để tiến hành thanh toán, phía công ty bảo hiểm cho biết, trường hợp của cháu bé không được bảo hiểm với căn bệnh này.
“Lúc đó tôi mới ngỡ ngàng vì những chi tiết này tôi không hề được tư vấn. Lúc gọi cho 2 người bạn thì họ cho biết đã nhảy việc sang một công ty bảo hiểm khác, công ty đã phân công người khác chăm sóc hợp đồng. Đến lúc đó mình cảm thấy như bị đem con bỏ chợ, bực mình muốn thanh lý hợp đồng thì lại nhận được thông báo nếu dừng hợp đồng, số tiền mình bỏ ra 3 năm vừa qua sẽ gần như là mất trắng”, chị T. bức xúc.
Giống như trường hợp của chị T khi mua bảo hiểm lại ôm rủi ro vào người, bà Đ.N.P (62 tuổi, Hải Phòng) cũng bức xúc khi nói về hợp đồng bảo hiểm được kí với một công ty Việt Nam của mình.
“Lúc mời mua bảo hiểm thì người tư vấn nói ngon nói ngọt về các quyền lợi được nhận như quyền lợi khi bị tử vong, quyền lời được hưởng lãi. Nhưng khi hợp đồng hết thời hạn, muốn thanh lý thì tôi mới ngỡ ngàng vì số tiền nhận về còn ít hơn cả tiền gửi ngân hàng.
Nhân viên của hãng bảo hiểm lý giải rằng trong số tiền 10 triệu/năm tôi đóng, một phần sẽ bị trừ đi cho các loại chi phí, chỉ có khoảng 8 triệu được cộng dồn lại. Từ lúc tham gia bảo hiểm tôi còn chưa nhận được gì từ họ, giờ mình lấy hết về thì tức, để lại thì cũng bị trừ phí hàng năm”, bà P. cho biết.
Ngoài những rủi ro nói trên, theo luật sư Giáp Quang Khải (Đoàn luật sư Bắc Giang) cho biết, từ khi tham gia bảo hiểm là người mua đã chấp nhận rủi ro có thể gặp phải, đặc biệt là với những người quá tin tưởng vào tư vấn viên mà không đọc kĩ hợp đồng.
Chưa kể, người tham gia bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ còn gặp phải rủi ro về tài chính khi lựa chọn hoặc bị tư vấn viên “gài” vào một hợp đồng không phù hợp với mức phí cao.
Khác với hình thức gửi tiền tiết kiệm sinh lời có thể rút ra bất kì lúc nào, việc mua bảo hiểm nhân thọ với thời gian dài có thể lên tới 30 năm và không được ngắt quãng trong ít nhất 5-10 năm giống như thòng lọng thắt vào túi tiền của người mua. Nếu không được tư vấn tử tế, lựa chọn sai mức đóng, người mua có thể luôn phải sống trong tình cảnh chắt bóp để có tiền đóng bảo hiểm hàng năm, tránh bị mất tiền vì dừng hợp đồng trước thời hạn.
“Do được hưởng hoa hồng từ giá trị mỗi hợp đồng, nhiều tư vấn viên luôn tìm cách gây nhiễu cho khách hàng bằng đủ loại thông tin tốt để họ đặt bút kí vào bản hợp đồng chi phí cao nhất có thể. Nhiều người đóng vài năm thì gặp sự cố khiến cạn kiệt về tài chính không thể đóng tiếp. Khi đó do chưa đến thời điểm có thể rút về 100% tiền đã đóng, họ coi như mất trắng một số tiền lớn. Đây cũng là trường hợp rủi ro mà nhiều người gặp phải nhất khi tham gia bảo hiểm nhân thọ”, luật sư Khải cho biết.
Gửi tiết kiệm bỗng thành mua bảo hiểm nhân thọ
Ngoài các trường hợp đã kể trên, trong thời gian gần đây, sự việc gây bức xúc liên quan đến bảo hiểm phải kể đến việc gửi tiết kiệm thành mua bảo hiểm xảy ra tại ngân hàng SCB và Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife.
Trong vụ việc này, nhiều người đã phải gửi đơn lên Bộ Tài chính để khiếu nại về việc một số khách hàng khi đến gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng này, được nhân viên tư vấn của SCB gợi ý chuyển sang hình thức tiết kiệm đầu tư linh hoạt, được rút trước hạn và hưởng lãi suất cao hơn với gói “Tâm an đầu tư” do ngân hàng này liên kết với Manulife. Những nhân viên tư vấn này khẳng định, sản phẩm này không phải bảo hiểm nhân thọ mà là sản phẩm tiết kiệm đầu tư.
Do quá bức xúc, hàng chục người đã cầm băng rôn, khẩu hiệu đến trụ sở của Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife và các chi nhánh của ngân hàng SCB để đòi quyền lợi. Những người này cho rằng, họ đã bị ngân hàng SCB lạm dụng tín nhiệm, tư vấn và đưa thông tin sai lệch để ký vào hợp đồng bảo hiểm, thay vì gửi tiền đầu tư.
Đáng nói, phần lớn những người tham gia khiếu nại đều là những người cao tuổi, cụ thể như trường hợp của bà V.T.H (69 tuổi, Hà Nội). Bà này cho biết, tháng 7/2020 có đến phòng giao dịch của ngân hàng để tất toán sổ tiết kiệm, tại đây bà được nhân viên thường xuyên tư vấn cho mình gợi ý tham gia gói tiết kiệm ưu đãi có tên “Tâm an đầu tư” với lãi suất cao, khoảng 10%/năm. Linh hoạt rút sau 1 năm, thời hạn gửi 6-7 năm. Thấy tư vấn hợp lý, bà H. đã gửi 120 triệu đồng.
Đến sau này khi được người nhà tư vấn rằng hợp đồng mình tham gia không phải gửi tiết kiệm mà là một dạng đầu tư có rủi ro, một phần tiền còn lại thì được phân bổ vào một dạng bảo hiểm nhân thọ, lấy sớm sẽ bị mất tiền, bà mới ngớ người.
Nói về sự việc trên, nhiều chuyên gia tài chính đều nhận định đây có thể là một lỗ hổng trong việc quản lý nhân sự hoặc có sự cố tình mắt nhắm mắt mở để nhân viên ngân hàng “chạy” KPI do có sự liên kết giữa ngân hàng và công ty bảo hiểm.
Theo đó, ngân hàng có lợi thế khi sở hữu một tệp thông tin khách hàng lớn nên dễ dàng tiếp cận, thu hút được nhiều người mua bảo hiểm. Nếu ngân hàng liên kết với công ty bảo hiểm và áp chỉ tiêu cho nhân viên, từ đó sẽ gây áp lực khiến các nhân viên muốn hoàn thành phải tìm mọi cách mời chào, lôi kéo các khách hàng quen đến gửi tiết kiệm kí vào hợp đồng bảo hiểm.
Chính vì thế cũng không thể tránh được việc các nhân viên ngân hàng khi tư vấn sẽ nói những điều hay ho, thậm chí che giấu những điều bất lợi về sản phẩm để người mua xuống tiền. Đặc biệt với nhóm đối tượng khách hàng cao tuổi, gặp nhiều hạn chế về việc tiếp cận thông tin và không đủ khả năng phân tích quyển hợp đồng hàng trăm trang của các công ty bảo hiểm với đủ các loại điều khoản, hạn chế khi tham gia.
Các chuyên gia cũng cảnh báo, vụ việc tại SCB và Manulife chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Vấn đề bức xúc liên quan đến bảo hiểm vẫn tồn tại từ trước đến nay chưa được xử lý. Vì vậy, để tránh trở thành “miếng mồi ngon” của các đại lý bảo hiểm, người dân cần cẩn trọng trong cách tiếp cận thông tin khi xuống tiền tham gia bất kì loại hình bảo hiểm hay đầu tư nào.
Trước những bức xúc của người dân khi liên tục có nhiều đơn thư khiếu nại liên quan đến các công ty bảo hiểm, mới đây Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có văn bản về việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát trên thị trường bảo hiểm.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động thị trường bảo hiểm. Tiến hành thanh tra, kiểm tra các công ty bảo hiểm, bao gồm đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm, không để tiếp tục xảy ra tình trạng doanh nghiệp bảo hiểm liên kết với ngân hàng ép buộc khách hàng tới giao dịch phải mua bảo hiểm mới cho vay vốn hay giới thiệu cho người tới gửi tiền tham gia đầu tư vào sản phẩm bảo hiểm liên kết trái với quy định pháp luật liên quan.
Trả lời Báo ANTG về sự việc “tiền tiết kiệm biến thành bảo hiểm nhân thọ”, đại diện Ngân hàng SCB cho biết đang phối hợp với Công ty bảo hiểm Manulife và cơ quan chức năng để giải quyết sự việc.
Về phía Manulife, Công ty này cho biết cũng đã ghi nhận về việc nhiều khách hàng tham gia sản phẩm bảo hiểm liên kết có tên thương mại là “Tâm an đầu tư”. Hiện công ty này đang phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý yêu cầu của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm có trách nhiệm công bố đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ảnh của người dân và doanh nghiệp về sản phẩm bảo hiểm biến tướng nêu trên. Phân công cán bộ trực 24/7, kịp thời kiểm tra xác minh thông tin để có biện pháp thanh tra, phối hợp với cơ quan công an và thanh tra giám sát của Ngân hàng Nhà nước ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định. (Chi tiết đường dây nóng cụ thể như sau: Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn, Hotline: 024.22208018).
Đồng thời phối hợp với Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước tiến hành thanh tra, xử lý nghiêm các tổ chức tín dụng để xảy ra tình trạng nhân viên ép buộc khách hàng mua bảo hiểm.