Vì sao hàng loạt dự án trường học tại quận Hoàng Mai chậm triển khai?

Thứ Tư, 07/09/2022, 09:47

Câu chuyện hơn 700 phụ huynh học sinh phải bốc thăm giành suất đi học cho con ở trường mầm non Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội khiến dư luận bức xúc nhiều ngày qua. Một câu hỏi lớn đặt ra, tại sao gần 20 năm nay, dù đã có quy hoạch xây dựng trường học ở khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm, nhiều ô đất vẫn bỏ hoang, trường học thiếu, trong khi trẻ em muốn đi học phải dựa vào những lá thăm may mắn và bàn tay “vàng” của các bậc cha mẹ.

Đô thị mẫu thành đô thị… khổ

Cách đây hơn chục năm, nhiều người dân sống ở khu đô thị Linh Đàm và cả những nhà làm quy hoạch đều tự hào về một khu đô thị kiểu mẫu rất đẹp và đáng sống.

Với diện tích rộng 200 ha, 74 ha là hồ điều hòa, có tỷ lệ cây xanh, mặt nước đạt bình quân 13m2/người, khu đô thị mới Linh Đàm được Bộ Xây dựng trao quyết định khu đô thị kiểu mẫu cho chủ đầu tư. Đây cũng là khu đô thị đầu tiên của Hà Nội được Bộ công nhận và được gắn biển công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Vì sao hàng loạt dự án trường học tại quận Hoàng Mai chậm triển khai? -0
Khu đất xây trường bỏ hoang tại khu đô thị Pháp Vân – Tứ Hiệp.

Thế nhưng, sau hơn 10 năm, tất cả đã thay đổi chóng mặt. Khu đô thị Linh Đàm trở nên chật chội, bí bách, với nhiều tòa chung cư chọc trời, xây dựng vượt phép, phá vỡ mọi quy hoạch. Hậu quả của việc phá vỡ quy hoạch khiến phường Hoàng Liệt trở thành “siêu” phường, với 85 tòa chung cư cao tầng và đang xây tiếp 5 tòa. Đa số hộ dân ở đây là các gia đình trẻ, có con nhỏ. Với tốc độ tăng dân số tự nhiên mỗi năm khoảng 2.000 trẻ độ tuổi mầm non, sức ép về trường học nói chung, trường mầm non nói riêng tại phường này là rất lớn.

Bốc thăm trượt cho con trong đợt Trường Mầm non Hoàng Liệt tuyển sinh năm học 2022-2023, chị N.T.L, chung cư VP6 rất buồn vì con không trúng tuyển. Chị chia sẻ: “Năm sau tôi sẽ tiếp tục đăng ký cho con vào học vì gần nhà, tiện đường đưa đón. Tôi hy vọng các cấp sẽ có quyết định xây thêm trường vì ở khu vực này có nhiều chung cư đang xây dựng nên nếu không xây trường, mở thêm lớp thì tình trạng bốc thăm “may rủi” còn tiếp diễn vào các năm sau và ở cả các cấp học khác không chỉ riêng mầm non”.

Cũng theo chị L, không chỉ quá tải, thiếu trường lớp ở mầm non mà cấp tiểu học cũng vậy. Em gái chị có con năm nay vào lớp 3 vẫn học luân phiên tuần 4 buổi, nghỉ 3 buổi dù đang học hè và vào năm học vẫn tiếp tục lịch học luân phiên như thế. Tình trạng kéo dài nhiều năm liền chỉ vì thiếu trường học và dân số tăng quá nhanh.

Vì sao hàng loạt dự án trường học tại quận Hoàng Mai chậm triển khai? -0
Vì sao hàng loạt dự án trường học tại quận Hoàng Mai chậm triển khai? -1
Phụ huynh bốc thăm cho con đi học là hệ lụy tất yếu của việc phá vỡ quy hoạch khu đô thị.

Thiếu trường học trầm trọng

Một nghịch lý đang diễn ra ở Hoàng Liệt là tại đây những khu đất có vị trí đẹp mọc lên các tòa chung cư, biệt thự sang trọng còn đất xây dựng trường học lại bị quy hoạch vào những vị trí khó khả thi như trên đất nghĩa trang, ao đình dẫn đến thiếu trường học trầm trọng.

Theo UBND quận Hoàng Mai, sĩ số bình quân mỗi lớp ở các trường công lập trên địa bàn quận đều vượt xa quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cụ thể, bậc mầm non có 22 trường công lập và 26 trường ngoài công lập; 370 nhóm, lớp mầm non độc lập.

Với số trẻ mầm non khoảng 31.300, bình quân một lớp ở các trường công lập có 38,5 học sinh. Ở cấp tiểu học, toàn quận có 20 trường công lập và 3 trường ngoài công lập. Với số học sinh khoảng 43.600 em, trong đó tiểu học công lập là 41.600 (tăng hơn 1.400), bình quân có 48 em một lớp. Với THCS, quận hiện có 17 trường công lập và 1 trường tư thục. Với số học sinh gần 24.000, trong đó hơn 23.700 học công lập, bình quân một lớp có 46 học sinh.

Với tổng số học sinh mầm non, tiểu học và THCS công lập năm học 2022-2023 là hơn 79.600, nếu chiếu theo quy định, toàn ngành giáo dục, quận Hoàng Mai còn thiếu 36 trường (mầm non 22, tiểu học 13 và THCS 1).  Quận cũng rà soát các ô đất quy hoạch trường học, báo cáo đề xuất thành phố loại hình đầu tư và phân kỳ đầu tư theo các giai đoạn.

Qua rà soát, các quỹ đất quy hoạch trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai còn nhiều, đã được thành phố giao chủ đầu tư tuy nhiên các chủ đầu tư chưa thực hiện đúng thời gian xây dựng trường kéo dài trong nhiều năm. Số ô đất đã giao chủ đầu tư nhưng chưa được đầu tư xây dựng là 59 ô quy hoạch trường học.

Riêng phường Hoàng Liệt hiện có 33 ô đất quy hoạch có chức năng trường học (mầm non 20, tiểu học 5, THCS 5, THPT 3) trong đó đã đầu tư 15, hiện còn 18 ô chưa được đầu tư xây dựng. Một số ô quy hoạch trường học trên bản đồ khác so với cơ sở hiện trạng thực tế (quy hoạch vào ao làng, nghĩa trang, đình chùa...). Các ô quy hoạch chưa giao chủ đầu tư có công trình kiên cố, khó giải phóng mặt bằng, không đảm bảo tính khả thi để đề xuất đầu tư.  Trong đó, Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) được giao làm chủ đầu tư 6 khu đô thị trên địa bàn quận Hoàng Mai gồm: Khu đô thị tập trung Định Công, khu đô thị nhà ở Bắc Linh Đàm, khu nhà ở Bắc Linh Đàm mở rộng, khu dịch vụ tổng hợp và nhà ở hồ Linh Đàm, khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm. Đến nay, HUD đã triển khai thực hiện xong các ô đất ở xây dựng mới. Thế nhưng, còn lại 33/86 (38%) ô đất công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật chưa triển khai xây dựng. Đáng nói, có 12/23 ô đất xây dựng trường học (tỷ lệ 52%) chưa được xây. Trong đó 5 dự án nhà đầu tư thứ phát nhận chuyển nhượng từ HUD, 7 ô đất còn lại do HUD quản lý.

Vì sao hàng loạt dự án trường học tại quận Hoàng Mai chậm triển khai? -0
Tổ hợp chung cư HH Linh Đàm tập trung hàng vạn hộ dân gây áp lực lên hệ thống giáo dục.

Theo khảo sát của phóng viên, lô đất NT1 khu Tây Nam Linh Đàm với quy hoạch là đất trường học được HUD chuyển nhượng cho nhà đầu tư thứ phát cũng đang quây tôn bỏ hoang, trong khi trường học tại đây thiếu trầm trọng. Hay tại khu đất ký hiệu CC6B Tây Nam Linh Đàm có diện tích 13.000 m2 giao cho HUD được quy hoạch xây dựng trường học nhưng nhiều năm nay chưa thực hiện. Bên trong khu đất được tận dụng làm bãi đỗ xe “khủng” Còn tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp nhiều ô đất quy hoạch trường học nhưng hiện đang là nghĩa trang, ao đình và chưa thể giải phóng được mặt bằng để triển khai xây dựng.

Lỗi tại ai?

Trả lời phóng viên ANTG về việc HUD bỏ hoang một số lô đất xây dựng trường học, ông Nguyễn Minh Tâm - Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai cho biết: “Tổng Công ty HUD thuộc Bộ Xây dựng được giao nhiệm vụ đầu tư xây dựng khu đô thị, đối với những ô đất được quy hoạch làm trường học mà họ chưa triển khai, UBND quận đã có văn bản gửi UBND thành phố kiến nghị làm việc với Bộ Xây dựng bàn giao lại cho địa phương để UBND quận quản lý và khai thác cho hiệu quả. Thành phố đã chấp thuận và giao cho Sở Tài nguyên – Môi trường làm việc với các bên để xúc tiến vấn đề này.

UBND quận cũng đã chủ động gửi văn bản cho HUD đề nghị bàn giao cho quận khai thác theo đúng quy định. HUD đã đồng ý và có văn bản phúc đáp với thành phố. Đối với những ô đất vào quy hoạch nghĩa trang, UBND quận đã có đề xuất điều chỉnh quy hoạch”.

Trả lời phóng viên ANTG về việc chậm trễ xây dựng trường học ở địa bàn phường Hoàng Liệt dù đã có quy hoạch từ 20 năm trước và việc bỏ hoang đất nhiều năm nay, đại diện HUD cho biết, lô đất hiện đang được quây lại và là bãi đỗ xe “khủng” ngay dưới chân tổ hợp chung cư HH tại khu đô thị Linh Đàm, năm 2006, UBND thành phố Hà Nội quy hoạch là địa điểm xây dựng Bệnh viện thực hành Trường Đại học Y Hà Nội.

Năm 2013, chủ trương này không còn phù hợp nên UBND thành phố chủ trương xây dựng nhà trẻ và trường học phục vụ dân cư, hiện đang được điều chỉnh quy hoạch và chờ phê duyệt.

Đối với quy hoạch trường học tại khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp, theo đại diện HUD, nguyên nhân chậm chễ là do vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di dời mồ mả của các hộ dân. HUD đã nhiều lần phối hợp với chính quyền địa phương vận động các hộ dân nhưng chưa đạt được kết quả như mong đợi.

Vì sao hàng loạt dự án trường học tại quận Hoàng Mai chậm triển khai? -0
Một lô đất bỏ hoang ở khu đô thị Linh Đàm.

Tại khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm, lô đất NT2 đã giải phóng mặt bằng gần 50% diện  tích và trồng cây xanh. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội đã phê duyệt lô đất thành đất trồng cây xanh. Lô đất TH2 còn vướng một phần diện tích là ao đình làng Bằng A.

Cũng theo đại diện HUD, quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/2.000 được UBND thành phố phê duyệt liên quan đến các khu đô thị mới Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp đã thay đổi các thông số chỉ tiêu của hầu hết các lô đất trường học. Vì vậy, các lô đất xây dựng trường học ở 2 khu đô thị này đều phải rà soát và thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết 1/500. Tuy nhiên, quá trình lập hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 theo quy hoạch phân khu đòi hỏi rất nhiều thủ tục có liên quan của các cơ quan có thẩm quyền nên đến nay HUD chưa thể hoàn thành các thủ tục để có thể triển khai đầu tư xây dựng.

Xem ra ai cũng có lý do để giải thích việc chậm trễ xây trường học. Tuy nhiên, mọi lời giải thích đều rất khó thuyết phục khi mà thực tế hàng loạt tòa chung cư mọc lên như nấm với tốc độ rất nhanh, cư dân cũng đã về ở rất đông, giá cả một căn hộ cũng tăng lên chóng mặt, đem lại nguồn lợi lớn cho các chủ đầu tư thì việc xây dựng trường học lại chậm trễ cả chục năm trời.

Khi bài toán đất trường học chưa có lời giải thì tại Linh Đàm nhiều tổ hợp chung cư vẫn đang tiếp tục được xây dựng và dự báo việc bốc thăm may rủi khả năng vẫn còn tiếp diễn trong nhiều năm tới nếu không có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cấp chính quyền.

Ngọc Trâm
.
.