Vì sao nông dân điêu đứng với VietGAP?

Thứ Hai, 19/12/2022, 14:22

Ngày 28/1/2008, tiêu chuẩn VietGAP đã chính thức được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. VietGAP được coi là “giấy thông thành” cho những sản phẩm rau củ của người nông dân vươn ra thế giới, đi vào những siêu thị, trường học… Hy vọng “đổi đời” mới chỉ bắt đầu đã tắt ngúm bởi hầu hết những sản phẩm VietGAP không có đầu ra, cung nhiều hơn cầu khiến người dân loay hoay, bế tắc.

Khi nông dân “quay lưng” với VietGAP

Cứ những tháng cuối năm, tất cả vùng trồng rau đều bận bận rộn hơn, bởi với họ đây là chính vụ trong năm. Chúng tôi đến xã Văn Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), nơi được mệnh danh là vựa rau của Thủ đô. Cả xã Văn Đức có gần 300 ha trồng rau được chuyển qua trồng theo tiêu chuẩn rau an toàn, trong đó có 37,9 ha theo mô hình VietGAP (VietGAP - là cụm từ viết tắt của: Vietnamese Good Agricultural Practices) có nghĩa là “Thực hành sản xuất nông nghiệp an toàn” ở Việt Nam… Một điều khiến chúng tôi bất ngờ là đa số người dân ở đây đều cảm thấy thất vọng khi chuyển từ trồng rau truyền thống sang mô hình trồng rau VietGAP.

Vì sao nông dân điêu đứng với VietGAP? -0
Sản xuất rau củ theo mô hình VietGAP sẽ đảm bảo được sự an toàn không chỉ cho người sản xuất mà còn cả người tiêu dùng.

Ông Lê Văn Bình (người dân xã Văn Đức) chia sẻ: “Chưa nói đến hiệu quả kinh tế thì trồng rau theo mô hình VietGAP đất sẽ không bị nhiễm độc, nước tưới không bị ô nhiễm, giống cây có nguồn gốc rõ ràng, phân bón nằm trong danh mục được cho phép, không dùng thuốc hóa học bị cấm và ưu tiên thảo mộc sinh học. Thế rồi quy trình thu hoạch, sơ chế, vận chuyển cũng tuân thủ nghiêm ngặt. Thế nhưng người dân chúng tôi đang rất hoang mang vì sản phẩm rau an toàn chưa bán được đúng với giá trị thực”.

Theo thống kê, mỗi năm ở Văn Đức thu hoạch khoảng 37.000 tấn rau, trong đó khoảng 5.000 tấn rau VietGAP, song chỉ 20% đi vào siêu thị. Số còn lại nông dân phải bỏ mác rau an toàn, rau VietGAP để bán cho các thương lái đổ về chợ đầu mối trong và ngoài Hà Nội. Ông Chử Văn Minh cho hay, gia đình ông từng nghĩ chuyển hướng sang trồng rau VietGAP sẽ đổi đời nhưng giờ không dám nghĩ đến điều đó. Vì làm rau an toàn chi phí đầu vào ngang với sản xuất rau bình thường, nhưng vất vả hơn, nhổ cỏ hay bắt sâu chủ yếu thủ công. Hơn nữa, làm đất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phải được sự cho phép của hợp tác xã. “Khó khăn là thế nhưng đến khi thu hoạch, rau không vào được siêu thị, phải bán ra chợ giống như rau bình thường. Như thế rõ ràng trồng rau VietGAP mà bán ra lại không tương xứng với công sức và giá trị thật của rau. Chúng tôi xót xa lắm!”, ông Minh chia sẻ.

Nhiều người nông dân ở xã Văn Đức còn kể rằng, khi mang rau có tem mác VietGap ra chợ bán nhưng lại bị người mua hoài nghi. Khách mua cho rằng đó là rau ế, đưa vào siêu thị không được, thậm chí do không đạt chuẩn nên mới mang ra chợ bán. Không còn cách nào khác, họ phải tự bỏ tem mác, bao bì để bán như rau bình thường.  Chị Lê Thị Hoài (xã Văn Đức) ngậm ngùi: “Tôi thực sự thấy tổn thương vì rau của mình chăm sóc rất vất vả, tuân thủ những quy định ngặt nghèo nhưng giá trị lại chỉ như rau trồng truyền thống. Khi mang ra chợ bán người ta còn chê ỏng chê eo vì cho rằng rau sạch của chúng tôi là hàng ế, vi phạm những quy định nên không thể vào được siêu thị. Khổ nhất là không dám đóng gói, chỉ bó vào rồi mang ra chợ bán như rau truyền thống”.

Vì sao nông dân điêu đứng với VietGAP? -0
Nhiều người nông dân điêu đứng khi trồng rau củ theo mô hình VietGAP vì không tìm được đầu ra.

Không giấu được vẻ thất vọng, bà Đinh Thị Luyến, Phó giám đốc HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ Văn Đức thừa nhận rằng, lượng rau an toàn tại xã vào được các siêu thị lớn ở Hà Nội bán với giá khoảng 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, mỗi ngày lượng rau ở đây vào siêu thị chỉ khoảng 2 tấn, trong khi đó mỗi ngày xã Văn Đức thu hoạch khoảng 50 tấn rau sạch. Chính vì thế việc người dân phải xé tem mác mang rau ra chợ bán là điều tất yếu. “Đây là một việc làm nghịch lý, gây thiệt thòi cho người nông dân và cả người tiêu dùng. Vì người tiêu dùng cũng khó phân biệt được đâu là rau an toàn khi mua ở ngoài chợ. Chúng tôi tha thiết có chính sách để giúp bà con tiêu thụ rau VietGAP, như liên kết được với các bếp ăn, trường học, khu công nghiệp”, bà Luyến nói.

Chia sẻ với báo chí, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho hay, Sở cũng đã chủ động giới thiệu vùng rau an toàn cho các siêu thị. Thế nhưng, siêu thị nhập rau rất hạn chế vì bán không có lãi. “Người dân mua rau ở chợ 5.000 đồng, vào siêu thị 10.000 đồng nên họ chọn mua bên ngoài”, ông Mỹ cho biết thêm.

Thực tế thì nhiều người đã không thể tìm được đầu ra cho rau VietGAP nên đã đổi hẳn sang các mô hình khác để cứu vãn vốn mà mình đầu tư. Như anh Nguyễn Văn Minh (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) đã từng đầu tư hơn 400 triệu để trồng rau theo mô hình VietGAP nhưng không hiệu quả nên đã chuyển sang trồng cỏ bán cho các trang trại nuôi bò. Anh Minh chia sẻ: “Trước đây tôi cũng đầu tư khá nhiều vào mô hình trồng rau sạch, theo tiêu chuẩn VietGAP. Ban đầu cũng ký hợp đồng được với một số trường học có học sinh ăn bán trú nhưng sau họ cắt hợp đồng không rõ lý do. Mô hình hơn 5ha sau thu dần còn 1ha, cuối cùng vẫn không trụ được vì không thể tìm được đầu ra. Chính vì thế gia đình tôi quyết định chuyển mô hình sang trồng cỏ voi, một số loại cỏ khác để bán cho các trang trại nuôi bò. Thực sự với người nông dân như chúng tôi tìm được đầu ra cho sản phẩm là rất khó khăn”.

Hay như trường hợp của gia đình Bà Nguyễn Thị Hiền (Phúc Thọ, Hà Nội) cũng khiến nhiều người không khỏi xót xa. Gia đình bà Hiền cũng từng xây dựng mô hình trồng rau củ theo mô hình VietGAP nhưng 1 năm trở lại đây đã không thể trụ được. Sau khi thuê lại đất nông nghiệp của các hộ nông dân khác được khoảng 3 ha, bà Hiền đã đầu tư hơn 300 triệu để trồng các loại rau quả sạch. Tuy nhiên sau hơn 2 năm bà không những không thu lại được vốn mà còn lỗ sâu thêm hàng trăm triệu đồng. Hiện tại gia đình bà Hiền đã phải bỏ không các khu trồng rau của mình để cỏ mọc um tùm. Nguyên nhân khiến gia đình bà Hiền bỏ mô hình VietGAP là do hết hợp đồng lấy rau sạch của các trường học trên địa bàn mà không được ký lại.

Loay hoay tìm đầu ra

Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan ban ngành, nhiều hộ gia đình và các cơ sở trồng rau củ an toàn đã chủ động tìm nguồn ra. Câu chuyện tìm đầu ra của HTX Vân Hội Xanh (Vân Hội, Tam Dương, Vĩnh Phúc) cũng rất đáng để nhiều bà con học tập.

Vì sao nông dân điêu đứng với VietGAP? -0
Đã không ít gia đình phải bỏ mô hình trồng rau VietGAP vì không hiệu quả.

Bà Dương Thị Quỳnh Liên, Giám đốc HTX Vân Hội Xanh chia sẻ rằng, việc tìm tòi, học hỏi và nuôi trồng rau theo mô hình VietGAP đã khó nhưng tìm được nguồn ra ổn định còn khó khăn hơn rất nhiều. Mấu chốt của vấn đề đầu ra là phải tạo dựng được thương hiệu, tạo được lòng tin với người tiêu dùng. Bà Liên kể: “Lúc đầu chúng tôi cũng rất hoang mang vì không biết làm thế nào để xuất được sản phẩm của mình. Khi ấy tôi đã cho mở cửa hàng bán lẻ khắp nơi để người tiêu dùng biết đến mình. Thậm chí tôi còn cho bà con xã viên đứng ở các đèn xanh đèn đỏ tặng người đi đường rau củ, thậm chí đứng ở cổng các trường học tặng phụ huynh học sinh dùng thử. Chúng tôi xác định ban đầu là phải lỗ, chấp nhận lỗ thì sản phẩm của mình mới có thương hiệu được. Cứ như vậy mà sản phẩm rau an toàn của HTX Vân Hội đã có chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh. Hiện chúng tôi đều đặn cung cấp rau cho một số trường tiểu học, công ty và siêu thị trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”.

Trong khi đó ông Trần Ngọc Hiếu, Giám đốc HTX Nông sản sạch Bảo An (Chính Lý, Lý Nhân, Hà Nam) lại cho rằng, việc tìm đầu ra cho sản phẩm rau củ sạch vẫn là phải có người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm và chấp nhận thất bại. “Trước đây HTX của tôi cũng rất khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm. Nhiều lúc cũng cảm thấy chán nản và mệt mỏi, muốn buông bỏ để tìm nghề khác nhưng rồi vẫn phải cố gắng. Tôi nhận ra rằng, bước đầu phải tạo dựng được thương hiệu, làm được thị trường thật tốt. Tôi tham gia bán ra thị trường cho các cửa hàng thực phẩm sạch tuy nhiên lượng tiêu thụ cũng không được nhiều. Sau này khi mình có thương hiệu tốt nên đã được tham gia vào chương trình liên kết “1.000 hộ nông dân” của Tập đoàn VinGroup nên đầu ra khá ổn định”, ông Hiếu cho biết thêm.

Vì sao nông dân điêu đứng với VietGAP? -0
Không bán được đúng giá trị của rau an toàn đồng nghĩa với việc người nông dân sẽ phá sản.

Một số liệu thống kê được Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) đưa ra tại Hội thảo “Nông sản hữu cơ, nông sản sạch: Liên kết giữa sản xuất và phân phối bán lẻ” diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh ngày 9/8 cho thấy có đến 85% các loại nông sản ở Việt Nam được tiêu thụ qua các kênh bán lẻ truyền thống (các hộ kinh doanh ở chợ, các shop nhỏ lẻ, những người bán lẻ ven đường…); 15% còn lại là qua kênh hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…). Điều này cho thấy tỷ lệ thấp hơn so với tỷ lệ hàng hóa chung hoặc hàng phi thực phẩm do yếu tố rủi ro về an toàn.

Nhiều chuyên gia cho rằng sản xuất và tiêu dùng với riêng sản phẩm nông sản hữu cơ còn khá khiêm tốn. Để giải quyết được đầu ra thì phải làm tốt việc kết nối giữa những nhà bán lẻ với các sản phẩm nông sản hữu cơ đến với người tiêu dùng. Nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, Tiến sĩ Đinh Mỹ Loan cho hay: “Gần đây, nhiều nhà bán lẻ hàng đầu như Saigon Co.op, Big C,  AEON, Satra Food… nhắm đến đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ (organic). Mặc dù người tiêu dùng có thêm nhiều kênh tiếp cận các loại nông sản sạch, nông sản hữu cơ nhưng mạng lưới bán lẻ các sản phẩm sạch này vẫn chưa rộng, chưa nhiều. Để đưa nông sản sạch đến với người tiêu dùng là cả con đường gian nan, trắc trở. Và chúng ta sẽ còn phải xem xét nhiều mặt khó khăn vướng mắc trong việc liên kết sản xuất tiêu dùng. Cần đặt câu hỏi tại sao thời gian vừa qua, chúng ta làm chưa thành công, chưa hiệu quả?”.

Thống kê từ năm 2008, khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố tiêu chuẩn VietGAP đến cuối năm 2015, tổng diện tích trồng rau VietGAP chỉ khoảng 3.200 héc ta, tương đương 0,4% diện tích trồng rau của cả nước. Đến cuối năm 2017 có 1.406 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng hơn 18.200 héc ta, trong đó diện tích rau VietGAP chỉ tăng nhẹ lên 3.443 héc ta. Đặc biệt, trong vài năm gần đây, diện tích được chứng nhận VietGAP trong trồng trọt tăng mạnh. Đến hết năm 2018 đã có gần 1.900 cơ sở trồng trọt có giấy chứng nhận VietGAP với diện tích 81.500 héc ta. Theo báo cáo được Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố, tính đến giữa năm 2022, cả nước đã có 463.000 héc ta cây trồng được chứng nhận VietGAP và tương đương, còn số đơn vị được cấp chứng nhận VietGAP là 6.211 cơ sở.

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay các bộ quy chuẩn, tiêu chuẩn của việc cấp giấy chứng nhận VietGAP đã được xây dựng rất đầy đủ, rõ ràng và cũng đã được ban hành thời gian tương đối lâu để đảm bảo toàn bộ các cơ quan quản lý, cấp phép và những cơ sở sản xuất đều nắm bắt, áp dụng một cách thuần thục.

Đối với tiêu chuẩn VietGAP hiện nay, để đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận, cơ sở sản xuất phải đảm bảo tiêu chí về công tác đầu vào của nguồn giống, sau đó là quy trình nuôi trồng, ghi chép nuôi trồng và đảm bảo việc truy suất nguồn gốc. Cùng với đó, là việc cần phải chuẩn bị một lượng kinh phí đủ để phục vụ cho việc cấp giấy chứng nhận như các chi phí về xét nghiệm, kiểm nghiệm mẫu sản xuất, chỉ số về môi trường, chỉ số nuôi trồng… Điều này đã khiến một số hộ dân sản xuất nhỏ lẻ ít mặn mà hơn, các cơ sở có nhu cầu xin cấp chủ yếu nằm ở các cơ sở sản xuất quy mô, có nhu cầu để cấp hàng vào các siêu thị.

Phong Anh
.
.