Vì sao... "Tro tàn rực rỡ"?

Thứ Hai, 12/12/2022, 15:19

Có thể nói, trong cái không khí nhàn nhạt của điện ảnh Việt Nam năm 2022, thì "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên (vừa khởi chiếu ngày 2/12 vừa qua) là một trong số hiếm hoi những bộ phim xuất sắc, nhận được sự đánh giá cao và thiện cảm của cả giới mộ điệu lẫn các nhà phê bình.

Cũng không ngạc nhiên khi bộ phim này đã đoạt giải cao nhất - Montgolfière dor (Golden Balloon/Quả cầu vàng) tại Liên hoan phim 3 châu lục vừa diễn ra cuối tháng 11 tại Pháp.

Bảy năm thai nghén

Chia sẻ trong buổi ra mắt phim, đạo diễn kỳ cựu Bùi Thạc Chuyên cho biết, "Tro tàn rực rỡ" được anh thai nghén từ hàng chục năm trước. Từ sau bộ phim thị trường theo thể loại kinh dị "Lời nguyền huyết ngải" (đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, biên kịch Bùi Kim Quy, khởi chiếu 2012) anh vẫn luôn đau đáu một bộ phim nghệ thuật, có thể "đem chuông đi đánh xứ người".

Vì sao...
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và các diễn viên chính trên thảm đỏ của Liên hoan phim quốc tế Tokyo.

Tình cờ một lần anh được đọc tác phẩm "Tro tàn rực rỡ" của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Sự đồng cảm với thân phận của những người phụ nữ trong câu chuyện, và nhận ra nhiều "chất xi-nê" trong đó nên Bùi Thạc Chuyên đã liên hệ, xin phép nhà văn được chuyển thể sang thể loại điện ảnh. Đây cũng là một trong số ít những bộ phim mà tác giả nguyên tác có mối liên hệ hết sức chặt chẽ với đạo diễn. Chính nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã biên tập, viết lời thoại cho phim, tạo nên những câu thoại vừa súc tích, có phần hài hước đượm chất dân Nam Bộ.

Trở lại tác phẩm, thực ra chuyện phim có phần đơn giản, khá dễ theo dõi. Hai mạch chính trong phim là chuyện đời đầy đau khổ, trái ngang của hai cặp vợ chồng trẻ trong xóm Thơm Rơm - làng chài miền Tây khốn khó.

Với Hậu (Bảo Ngọc Doling đóng) và Dương (Lê Công Hoàng đóng), hôn nhân là chuỗi tháng ngày bế tắc khi Dương cưới chỉ vì cô lỡ mang bầu. Ngày rước dâu, ánh mắt anh chỉ hướng về Nhàn (Phương Anh Đào đóng) - cô gái cùng xóm anh dành cả thanh xuân để yêu đơn phương.

Còn Nhàn những tưởng sẽ có một mái ấm bên Tam (Quang Tuấn đóng) - người chồng hiền lành, chịu khó. Nhưng sau một biến cố tang thương, hạnh phúc của Nhàn và Tam cũng lụi tàn. Thời gian sau, căn nhà lợp lá của vợ chồng Nhàn liên tiếp bị phóng hỏa không rõ nguyên nhân.

Qua lời dẫn chuyện của Hậu, đạo diễn phác họa bi kịch của một người vợ bị chồng bạo hành tinh thần bằng sự thờ ơ, lãnh đạm. Nỗi đau ở Hậu đượm vị chua chát mỗi lần cô kể chuyện cho chồng nghe sau khi Dương đi biền biền biệt cả tháng mới về. Cô kể lại những đám cháy xảy ra ở nhà Nhàn, vì biết đó là chủ đề duy nhất chồng cô để tâm. Cô tự trào về khả năng nấu ăn của bản thân, về những lúc một mình lúi húi ép chuối phơi khô, như để lấy lòng thương từ chồng. Ghen với Nhàn, cô dường như chỉ có niềm vui bé nhỏ là được xem cảnh nhà Nhàn cháy, rồi tự dằn vặt khi thấy mình nhỏ nhen, ích kỷ...

Đạo diễn dường như muốn xoáy sâu vào nghịch cảnh của những người vợ sống cam chịu vì tình yêu. Từ thù ghét, Hậu quay sang đồng cảm với Nhàn vì hiểu được nỗi buồn "có chồng hờ hững cũng như không".

Vì sao...
Áp phích phim "Tro tàn rực rỡ".

Còn Nhàn được khắc họa là một phụ nữ giỏi nội trợ, thêu thùa, biết cách làm ăn... nhưng lại đểnh đoảng bỏ mặc con nhỏ một mình ở nhà lo kiếm tiền. Rồi một sự vụ kinh hoàng đã xảy ra: con gái của Nhàn đuối nước. Từ đây, hình ảnh vợ đẹp con thơ của Tam sụp đổ, anh thợ lò than biến thành một người khác, và tất yếu chuyển hóa Nhàn từ một phụ nữ xinh đẹp trở nên cằn cỗi, xấu xí...

Nhưng cũng như Hậu, Nhàn tiếp tục nuôi hy vọng rằng cô sẽ chữa lành vết thương cho chồng, cô chịu đựng sự ghẻ lạnh của Tam nhưng vượt trên tất cả, Nhàn chấp nhận để chồng... đốt nhà chỉ vì cô tin rằng mọi thứ là do cô gây ra. "Sao mà chị bỏ ảnh cho được!" - Nhàn rấm rứt trong nước mắt. Chẳng ai có thể trách được cô, vì không ai có thể hiểu được những gì cô đã trải qua: nhìn chồng mình hớn hở, tươi cười khi ngọn lửa bốc cháy, đến lần thứ hai, thứ năm!

Không ít lần, Hậu và Nhàn được những người xung quanh khuyên nên tự cứu mình khỏi bế tắc, nhưng họ vẫn chọn cách ở lại. Tác phẩm do đó mang đậm tính đối thoại với thông điệp: hạnh phúc là do chính bản thân nắm lấy.

Kịch bản đã được đạo diễn dành ra đến hai năm trời để viết và biên tập, chỉnh sửa. "Sau khi vạch ra các tuyến nhân vật, tôi cảm thấy mới có hai tuyến còn khá chông chênh. Tiếp đó, tôi được đọc thêm tác phẩm "Củi mục trôi về" và "lẩy" ra thêm một tuyến mới, về một người đàn bà điên và một chú tiểu (người mà trước đây đã từng hiếp dâm bà ta). Vậy là "kiềng ba chân" đã dựng xong, bộ phim trở nên vững chắc, chặt chẽ.

Khốn khổ vì... làm phim thời COVID

Sau khi đã viết xong kịch bản, Bùi Thạc Chuyên đã dành rất nhiều thời gian để sống, sinh hoạt, trực tiếp tham gia vào các hoạt động của người dân miền Tây sông nước như: đánh cá, nghe đờn ca tài tử, dự đám cưới, đám ma... Từ đó vị đạo diễn cũng ghi lại những hình ảnh, clip thú vị độc đáo của con người, cảnh vật nơi đây. Chính vì thế hồ sơ của dự án sau này khi gửi tham dự các cuộc thi đều được đánh giá cao, và nhận được nhiều tỷ đồng tài trợ của các tổ chức quốc tế.

Vì sao...
Vì sao...
Một số cảnh quay ấn tượng trong phim.

Sau khi kinh phí đã hòm hòm, bộ phim đã được lên kế hoạch sản xuất. Không may, thời điểm bấm máy được ấn định thì đúng lúc đại dịch COVID-19 bùng phát và bắt đầu lan sang Việt Nam.

"Đoàn làm phim đã phải tranh thủ từng ngày từng phút, đôi khi giữa hai đợt lockdown (giãn cách xã hội) để ghi hình. Cũng bởi một diễn viên nhí trong phim chỉ vài tháng nữa là có lịch đi du học. Nếu không ghi hình kịp thì sẽ phải tuyển diễn viên khác".

Quá trình ghi hình, những khó khăn liên tiếp khiến cho vị đạo diễn tài hoa này đôi lúc cũng cảm thấy mệt mỏi, thậm chí sợ hãi. Đó là thời điểm thực hiện một cảnh quay tại cửa biển, nơi Dương đang "canh" một cái lều dựng cheo leo trên một thân cây được trồng giữa trùng khơi. Sau khoảng 4 giờ lênh đênh trên biển, cả đoàn làm phim từ đạo diễn cho đến phó đạo diễn, âm thanh, ánh sáng, phục trang... đều say ngất ngây. Ai nấy nằm bẹp trên thuyền như thể cá vừa được gỡ lưới ném lên.

Trong cái rủi có cái may, diễn viên chính đã ở sẵn căn chòi từ hôm qua, còn quay phim và một trợ lý đạo diễn lại không bị say sóng. Thế là một cảnh quay hết sức ấn tượng được ghi lại, khi Dương bước đi trên những cái dây được treo trên những cột gỗ chênh vênh. Đây cũng là cảnh thể hiện được sự dấn thân của diễn viên, khi mà những cọng dây chỉ to bằng ngón tay được mắc cheo leo giữa biển. Nếu sảy chân rơi xuống vùng nước xiết thì rất có thể sẽ làm mồi cho cá.

Một số trường đoạn được các nhà làm phim chuyên nghiệp đánh giá cao trong bộ phim này là về những cảnh lửa cháy. Theo đạo diễn trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, anh phải "ngả nón" thán phục với đội ngũ làm "production design" (thiết kế sản xuất) mà đặc biệt là phần "pyro technic" (kỹ thuật khói lửa).

"Tạo cảnh cháy nhà không hề là việc dễ dàng, mà phim này nhà cháy đùng đùng, cháy liên tục, cháy đi, cháy lại. Ấy thế mà cháy rất thật, cháy cực đẹp. Xem cháy trên phim mà tin là mình đang đứng giữa đám cháy mà nhìn lửa liếm từng cái cột cái kèo. Cháy thế thì quá là ghê gớm, thật sự là cháy nghệ thuật, cháy đỉnh cao, trước nay Việt Nam chưa từng có" - đạo diễn Tuấn khẳng định.

Cũng theo chia sẻ của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên để thực hiện được những cảnh cháy hoành tráng trong bộ phim này anh đã phải đốt mất... ba căn nhà gỗ. Lần đầu do thiếu kinh nghiệm nên sau khi ngôi nhà cháy đùng đùng và đạo diễn hô: "máy chạy" thì... không thấy diễn viên đâu. Hóa ra do lửa cháy mạnh quá, không khí xung quanh nóng đến nỗi diễn viên không thể chịu nổi, phải chạy ra xa.

Rồi đến lần đốt nhà thứ 4, dù đã có kinh nghiệm để "giữ" lửa cháy ở mức trung bình, để diễn viên có thể diễn. Tuy nhiên, do cần phải quay cảnh cận nên quay phim vẫn "cố" để lấy được những hình ảnh đẹp nhất khiến cho anh này bị bỏng.

Và khó khăn lớn nhất mà đạo diễn chia sẻ trong quá trình sáng tạo ra "Tro tàn rực rỡ" là phần dựng phim. Bởi nhà dựng phim - bà Julie Béziau dù là người rất giàu kinh nghiệm, cũng từng đã hợp tác với đạo diễn Bùi Thạc Chuyên song thời điểm đó một người ở Việt Nam, một người ở Pháp. Vì thế mà quá trình dựng phim gặp phải rất nhiều stress.

Trong nhiều tháng trời, Julie Béziau cứ dựng nháp được một đoạn lại phải streaming lên mạng, rồi đạo diễn vào xem. Đạo diễn phải góp ý, thậm chí dựng lại theo ý mình rồi gửi lại cho dựng phim thực hiện theo. Dù mất rất nhiều thời gian công sức, song lắm khi vẫn không thấy ưng ý. "Nếu có thể thì tôi mong sẽ không bao giờ phải dựng phim qua mạng nữa" - đạo diễn khẳng định.

Nhưng vượt lên những khó khăn trên Bùi Thạc Chuyên đã tạo nên một tác phẩm xuất sắc về sông nước miền Tây, về thân phận những người phụ nữ Việt Nam cam chịu. Nó dường như đã đưa người xem trở về với giá trị cốt lõi: tình yêu và hy vọng. Cũng rất hiếm có tác phẩm điện ảnh nào lấy chất liệu miền Tây sông nước, mà khắc khoải xen lẫn sóng sánh như cuốn phim này.

Ngoài ra bộ phim mang đậm ngôn ngữ điện ảnh, được nhà quay phim Nguyễn KLinh gói ghém tuyệt vời trong từng khung hình. Sự cẩn trọng vừa đủ của các cú máy tĩnh, kéo dài hoặc đặt để từ trên cao, rung lắc từ xa... cho thấy rõ chủ đích tạo cảm xúc bên cạnh việc khai thác vẻ đẹp thuần khiết của những cơn mưa nhiệt đới, hay sông nước về đêm, dưới ánh trăng và biển cả chơi vơi...

Bùi Thạc Chuyên là một trong số ít những đạo diễn nổi tiếng ở Việt Nam về dòng phim nghệ thuật (art house). Những tác phẩm của anh hầu như đều được giải thưởng trong và ngoài nước như: "Cuốc xe đêm"; "Sống trong sợ hãi", "Chơi vơi"...

Trong "Tro tàn rực rỡ" với độ chín của nhiều năm chiêm nghiệm, khiến cho vị đạo diễn có phong độ của tác gia hơn hẳn “Sống trong sợ hãi” – cũng là một phim xuất sắc của anh ở thời kỳ đầu. Một điều đặc biệt trong phim này đạo diễn chia sẻ rằng anh chỉ sử dụng duy nhất một ống kính với tiêu cự 40mm. Anh muốn cho khán giả có cái nhìn đồng nhất ở tất cả các cảnh quay. Họ sẽ có cái cảm giác là mình đang đứng ngay tại bối cảnh, quan sát câu chuyện bằng mắt thường, qua đó trở thành một phần trong thế giới của câu chuyện. Và quả thực trong phim có rất nhiều cảnh quay ấn tượng, gợi rất nhiều dư vị cho người xem...             

Minh Khang
.
.