Vì sao Việt Nam vắng bóng những vận động viên làm quản lý thể thao?

Thứ Năm, 30/06/2022, 11:53

Tại Việt Nam, thể thao dường như là lĩnh vực “dao sắc không gọt được chuôi” với những người làm công tác quản lý. Hiếm khi nào một cựu vận động viên được tín nhiệm giao trọng trách phát triển đúng bộ môn mình thi đấu. Đâu là nguyên nhân đứng sau hiện tượng đó?

Học tập khó khăn

Có khá ít vận động viên thể thao làm công tác quản lý sau khi nghỉ thi đấu. Người hiếm hoi làm điều này và có thành công, gây tiếng vang ở chính bộ môn mình thi đấu năm xưa là ông Đặng Hà Việt. Vốn là một tuyển thủ bóng rổ, ông Việt chuyển sang làm công tác quản lý và thành công với việc chuyên nghiệp hóa giải vô địch bóng rổ Việt Nam. Hiện tại ông làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.

Vì sao Việt Nam vắng bóng những vận động viên làm quản lý thể thao? -0
Phần lớn các HLV trưởng thành từ VĐV chỉ muốn làm công tác chuyên môn.

Thành công của ông Đặng Hà Việt với bộ môn bóng rổ là minh chứng cụ thể nhất cho thấy một môn thể thao cần phát triển bởi chính người trong ngành. Nhưng để làm được điều đó, đầu tiên một vận động viên phải có nền tảng kiến thức hàn lâm, học tập tốt. Đây là rào cản chắn ngang giấc mơ làm quản lý của nhiều vận động viên (VĐV) ngay từ khi bắt đầu.

"Ở thời điểm chúng tôi vẫn đang thi đấu, việc hoàn tất chương trình học tập bậc đại học là điều rất khó xảy ra", một vận động viên thể thao đỉnh cao tiết lộ. Theo người này, lịch tập luyện và thi đấu dày đặc khiến các vận động viên Việt Nam khó có thể đảm bảo văn võ song toàn, nhất là trong thời kỳ đỉnh cao phong độ.

SEA Games 31 vừa qua đã cho chúng ta thấy một phần bức tranh về câu chuyện học tập của các vận động viên. Kình ngư Ánh Viên xin phép không tham dự nghi thức khai mạc SEA Games do còn bận học, trả nợ môn. Ở tuổi 26, Ánh Viên vẫn chỉ là sinh viên năm nhất theo chương trình học cô đăng ký. Chuyện thi lại, học lại vốn diễn ra như cơm bữa.

Vì sao Việt Nam vắng bóng những vận động viên làm quản lý thể thao? -0
Các vận động viên như Ánh Viên khó học lên cao, một trong những điều kiện cần để làm quản lý.

Không thể đi học như những bạn bè đồng trang lứa, giới vận động viên Việt Nam thường cố gắng duy trì vừa học, vừa tập luyện thi đấu đến lúc qua giai đoạn đỉnh cao. Ở thời điểm không còn là đầu tàu kéo thành tích về cho địa phương nữa, họ sẽ dành được nhiều thời gian hơn để học hành. Đây cũng là nghịch lý dẫn đến chuyện nhiều vận động viên có "thầy" bằng, thậm chí ít tuổi hơn mình.

Ở kỳ SEA Games 31 vừa qua, huấn luyện viên trưởng đội tuyển cầu lông quốc gia bằng tuổi với tay vợt Nguyễn Tiến Minh. Họ từng là bạn cùng lứa tuổi, nhưng một người nghỉ rồi chuyển sang công tác chuyên môn, người còn lại vẫn thi đấu đến bây giờ. "Đây là hiện tượng không quá hiếm gặp, bởi những bạn nghỉ tập sớm hơn thì sẽ quay lại học và làm huấn luyện viên (HLV) sớm hơn", một VĐV chia sẻ thêm.

Tìm hiểu sâu hơn về giới VĐV, nhiều người thừa nhận họ không phải mẫu người sẵn sàng toàn tâm toàn ý gắn bó với chuyện học hành. Thay vì trở thành một nhà quản lý thể thao, họ cảm thấy phù hợp hơn với công tác chuyên môn, hoặc kinh doanh cá nhân sau khi nghỉ thi đấu. Đó là lý do khiến ít vận động viên muốn học lên cao học, ngay cả trong trường hợp họ được tạo điều kiện.

Không có nền tảng kiến thức hàn lâm, không có chuyên môn trong lĩnh vực quản lý, cơ hội để các vận động viên Việt Nam đứng trước trọng trách gắn bó với bộ môn gần như bằng không. Lĩnh vực quản trị cần được đào tạo bài bản chứ không chỉ bằng tài quảng giao đơn thuần. Tuy vậy, liệu có ai sẵn sàng học những kiến thức như thế để làm công tác quản lý?

Trên thực tế, một nhà quản lý thể thao phải làm nhiều công việc khác nhau, bên cạnh việc lên giáo án tập luyện hoặc tìm VĐV tiềm năng, họ phải biết lên kế hoạch chi tiêu, tổ chức sự kiện, lên chiến lược quảng cáo, tổ chức đi lại, giám sát ăn ở, thậm chí có kiến thức về pháp lý để soạn hợp đồng. Đây là những điều VĐV Việt Nam thường không được học, nên rất khó để họ làm một nhà quản lý thực thụ.

Tiến thoái lưỡng nan

Trong khi vận động viên Việt Nam vật lộn với chuyện học hành, thì các đồng nghiệp ở nước ngoài của họ cũng không khá hơn bao nhiêu. Anne Trần, tay vợt người Pháp gốc Việt cho biết do thời gian tập luyện và thi đấu chiếm quá nhiều, cô phải mất 6 năm học xong chương trình cử nhân vật lý trị liệu (vốn chỉ kéo dài 4 năm).

Nhưng bằng cách nào đó, Pháp và nhiều nước châu Âu vẫn có những nhà quản lý nổi bật xuất thân từ vận động viên. Michel Platini, Franck Beckenbauer... đều là những huyền thoại bóng đá, nhưng họ còn là nhà quản lý xuất sắc. Beckenbauer đóng vai trò quan trọng giúp Đức đăng cai thành công World Cup 2006.

Vì sao Việt Nam vắng bóng những vận động viên làm quản lý thể thao? -0
Xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa rời khỏi Liên đoàn Bắn súng Việt Nam.

Với những VĐV sớm nghỉ thi đấu để chuyển sang công tác huấn luyện, họ gặp không ít khó khăn trong quá trình làm việc. Không có "bản CV" lấp lánh như những đồng nghiệp khác, ý niệm họ truyền tải đến lớp vận động viên trẻ có thể không được các em tiếp thu. Trên thực tế, xuất hiện không ít HLV ngầm chê bai đồng nghiệp về thành tích thi đấu lúc còn là VĐV.

Nghề HLV là bước đầu tiên của công việc quản lý thể thao, và một VĐV không quá tên tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn khi làm việc nếu không sở hữu thành tích quá ấn tượng. Ở chiều ngược lại, những vận động viên nổi bật dường như không quá mặn mà với công tác quản lý thể thao vĩ mô.

Vì sao VĐV không muốn làm công tác quản lý? Khi đưa câu hỏi này đến nhiều VĐV, họ đều nói mình chỉ muốn làm đơn thuần những công việc liên quan đến chuyên môn. Võ sĩ boxing sẽ mở phòng gym, cầu thủ mở trung tâm bóng đá cộng đồng, VĐV cầu lông kinh doanh đồ thể thao... Không ai muốn mình phải tiếp tục gắn bó với công tác quản lý vĩ mô.

Tìm con đường riêng

Ông Đặng Hà Việt được bổ nhiệm làm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao ngay trước khi SEA Games 31 được khai mạc. Một trong những nhiệm vụ quan trọng của tân Tổng cục trưởng là giải quyết bất đồng ở các liên đoàn thể thao. Trong vài năm gần đây, không ít liên đoàn thể thao phát sinh mâu thuẫn lớn giữa người bỏ tiền đầu tư và người làm công tác chuyên môn.

Vì sao Việt Nam vắng bóng những vận động viên làm quản lý thể thao? -0
Ông Nguyễn Trọng Hỷ từng là nhà quản lý bóng rổ trước khi trở thành Chủ tịch VFF.

Đúng 1 tháng sau khi SEA Games 31 khép lại, ông Đặng Hà Việt nhận một bài toán khó ở Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. 2 tượng đài của bộ môn này là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung cương quyết rời khỏi Liên đoàn Bắn súng Việt Nam do mâu thuẫn không thể hàn gắn với ông Đỗ Văn Bình, Chủ tịch đương nhiệm. Họ ra đi ngay cả khi được tân Tổng cục trưởng cố gắng thuyết phục ở lại.

Với vị thế của một VĐV từng vô địch Olympic, Hoàng Xuân Vinh có đủ những điểm tốt để trở thành một nhà quản lý cấp cao của bắn súng Việt Nam. Nhưng thay vì ở lại làm việc cùng Liên đoàn, anh lại một mực xin rút khi HLV Nguyễn Thị Nhung cũng xin nghỉ. Đây dường như là bề nổi của tảng băng chìm về mối quan hệ thầy - trò trong giới thể thao, nơi VĐV bị chi phối không ít bởi chữ tình.

"Em từng được đoàn thể thao của một vài địa phương khác đặt vấn đề chuyển sang đầu quân thi đấu cho họ nhưng từ chối. Thầy em đi tới đâu thì em ở đó", một VĐV chia sẻ. Những mối quan hệ thầy trò như vậy không chỉ tồn tại ở một vài đoàn thể thao địa phương, mà lên tới cả các đội tuyển quốc gia. VĐV xuất chúng tới đâu vẫn chỉ nghe và làm theo HLV, tức thầy của họ chỉ bảo.

Trong câu chuyện của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam, có thể nói đơn vị này sở hữu tiềm năng tài chính không hề thua kém các môn thể thao khác khi Chủ tịch Đỗ Văn Bình là một trong những người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, thay vì tiếp tục ngồi lại cùng nhau để tìm hướng đi riêng như những nhà quản lý thực thụ, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh và HLV Nguyễn Thị Nhung lại chọn cách rút lui. Ở một góc độ nào đó, điều này cho thấy những nhà quản lý trưởng thành từ VĐV vẫn chưa đủ khả năng phát triển bộ môn.

Vị Chủ tịch VFF xuất thân từ bóng rổ

Năm 2005, ông Nguyễn Trọng Hỷ được bầu làm tân Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) với số phiếu bầu vượt trội. Kết quả kiểm phiếu cho thấy ông Hỷ giành chiến thắng trong cuộc bầu chọn với 93/120 phiếu hợp lệ, đạt tỷ lệ 77,5%. Ở thời điểm đắc cử, ông Hỷ đang làm Phó chủ nhiệm Ủy ban Thể dục thể thao; từng đảm nhiệm cương vị Vụ trưởng Thể thao thành tích cao II, Phó tổng biên tập Báo Thể Thao Việt Nam.

Một điều thú vị về ông Nguyễn Trọng Hỷ là ông vốn không phải người xuất thân trong môi trường bóng đá. Nguyên Chủ tịch VFF vốn hoạt động trong phạm vi bộ môn bóng rổ. Đó là lý do khiến ông Hỷ từng bị HLV Lê Thụy Hải công kích hồi năm 2011 bằng câu nói nổi tiếng: "Anh Hỷ là dân bóng rổ thì không nên bình luận về bóng đá".

Tuy nhiên, không thể phủ nhận ông Nguyễn Trọng Hỷ đã có những đóng góp nhất định. Trong nhiệm kỳ của ông, đội tuyển Việt Nam lần đầu giành chức vô địch AFF Cup, còn giải vô địch quốc gia (V.League) bùng nổ về chất lượng chuyên môn và khán giả đến theo dõi. Năm 2013, ông Hỷ rời ghế Chủ tịch VFF, nhường vị trí lại cho ông Lê Hùng Dũng vì lý do sức khỏe.

Đơn Ca
.
.