Việt Nam phát triển công nghiệp âm nhạc, đường nào?

Thứ Hai, 30/10/2023, 13:42

Trong những năm gần đây, sự bùng nổ của nhạc số, và các sự kiện âm nhạc, festival âm nhạc đã tạo điều kiện để phát triển ngành công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam. Tuy nhiên, công nghiệp âm nhạc ở Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức do những vướng mắc về luật và cơ chế.

Đó là khẳng định của các chuyên gia trong hội thảo “Công nghiệp âm nhạc những triển vọng trong tương lai” do Công ty TNHH Production Thanh Việt phối hợp với Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) tổ chức. Hội thảo nằm trong khuôn khổ Lễ hội Âm nhạc quốc tế gió mùa 2023 (Monsoon Music Festival 2023).

“Nút thắt” về thuế và luật

Hà Nội vừa trải qua một mùa lễ hội đầy hứng khởi khi Monsoon Music Festival trở lại sau 3 năm ngắt quãng do đại dịch. Một lễ hội âm nhạc được tổ chức công phu, chuẩn bị kỹ lưỡng trong 9 tháng và cả một hành trình dài set up với nhiều tâm huyết đã mang đến cho đời sống âm nhạc Việt Nam những món ăn mới mẻ, sáng tạo.

Việt Nam phát triển công nghiệp âm nhạc, đường nào? -0
Hội thảo về công nghiệp âm nhạc.

Ngoài những nghệ sĩ trẻ trong nước, mùa Monsoon  năm nay xuất hiện những nghệ sĩ ấn tượng như Xinh Xô, Tanayu, Andreas Tillander, Lydmor, Forgotten Future... Monsoon 2023 đã mang tới những thể loại âm nhạc ít đại chúng để khán giả được tiếp cận với những nghệ sĩ và thể nghiệm âm nhạc độc đáo, có chiều sâu, tươi mới. Gió mùa 2023 thử nghiệm mô hình mới, tổ chức nhiều buổi diễn với số lượng nghệ sĩ kỷ lục, và quan trọng hơn, đã tiếp tục xây dựng văn hóa âm nhạc và văn hóa tham gia sự kiện âm nhạc cho khán giả ở thủ đô, góp phần phát triển nền công nghiệp âm nhạc.

Một lễ hội âm nhạc có thương hiệu, có nhiều đóng góp vào nền công nghiệp âm nhạc nói riêng và công nghiệp văn hóa nói chung như vậy nhưng được cấp phép rất sát ngày. Điều này gây nhiều khó khăn và bị động cho nhà tổ chức, khiến họ rất dễ nản lòng. PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương -  Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết: “Nền công nghiệp âm nhạc Việt Nam chưa thật sự phát triển, còn gặp rất nhiều khó khăn, do cơ chế chính sách còn nhiều thách thức”. Theo bà Phương, chính quyền nên tạo điều kiện thuận lợi như cấp phép sớm hơn, đồng thuận hoặc xem xét kế hoạch của đơn vị tổ chức sự kiện sớm hơn. Nếu có chỗ nào trong vấn đề thủ tục chưa phù hợp thì hỗ trợ, giải thích giúp họ để họ điều chỉnh sớm.

Bà cũng cho rằng, vướng mắc hiện nay là ở Việt Nam, văn hóa (ngành công nghiệp văn hóa nói chung và công nghiệp âm nhạc nói riêng) chưa được nằm trong diện ưu tiên đầu tư, đó là nút thắt rất khó. Nếu chúng ta có thể sửa đổi Luật Đầu tư để văn hóa thành ưu tiên đầu tư thì mọi thứ sẽ cởi mở hơn. Khó khăn ở luật nên những hợp tác công tư trong lĩnh vực văn hóa chưa mở ra cơ hội. “Muốn thay đổi thì phải sửa luật” - bà khẳng định.

 Bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine (nền tảng thông tin về văn hóa, nghệ thuật) cho rằng: với các doanh nghiệp sáng tạo, là lĩnh vực đặc thù mang lại nhiều giá trị cho xã hội, nhưng hiện tại các doanh nghiệp vẫn phải chịu thuế như các ngành nghề khác. Đây là một rào cản lớn gây khó khăn cho những người làm công việc sáng tạo. Bà mong muốn nhà nước sẽ có vai trò tích cực hơn, cụ thể hơn là có chính sách ưu đãi thuế cho doanh nghiệp xã hội. “Chúng tôi rất cần sự đánh giá bình đẳng, những hỗ trợ về tài chính, có hành lang pháp lý và đặc biệt là có sự đồng hành, bảo trợ của nhà nước cho các dự án tốt không kể là của các đơn vị công lập hay tư nhân. Bởi những doanh nghiệp làm trong lĩnh vực sáng tạo không chỉ phát triển mục tiêu kinh tế mà còn mục tiêu xã hội”.

Việt Nam phát triển công nghiệp âm nhạc, đường nào? -0
Cần có những chính sách cởi mở để khuyến khích cộng đồng sáng tạo thực hiện các dự án.

Nhìn rộng ra, ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa, công nghiệp âm nhạc được chính phủ hỗ trợ rất nhiều. Theo bà Phạm Minh Hồng (quản lý nghệ thuật, Hội đồng Anh), ở Anh, công nghiệp văn hóa đã phát triển 30 năm nay. Chính phủ Anh có nhiều chính sách để phát triển nền công nghiệp này. Họ tạo ra những tổ chức làm cánh tay nối dài giữa nghệ sĩ và chính phủ, chẳng hạn Hội đồng Anh. Trong mọi quyết định xây dựng chính sách hỗ trợ cho ngành công nghiệp văn hóa, những nghệ sĩ, những người thực hành sáng tạo luôn là đối tượng trung tâm. Nghệ sĩ được quyền tham gia vào việc tư vấn, đưa ra nhu cầu lẫn khả năng đóng góp của họ… vào nền công nghiệp đó.

"Đặc biệt, những doanh nghiệp/cá nhân làm việc trong ngành công nghiệp văn hóa sẽ được giảm thuế. Vương quốc Anh cũng sẽ có những chính sách ưu tiên đối với những lĩnh vực đang phát triển như điện ảnh, game, phim hoạt hình… Và họ không đánh thuế với nghệ sĩ độc lập" - bà Phạm Minh Hồng cho biết thêm.

Đồng sáng lập, Giám đốc điều hành The OMAs, giải thưởng âm nhạc thường niên được tổ chức tại Durham Region, Canada - chị Thảo Nghiêm chia sẻ, tương tự với Vương quốc Anh, phần lớn những lễ hội âm nhạc ở Canada được hỗ trợ từ chính phủ hoặc từ thành phố. Những đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư nhân ăn nên làm ra luôn dành một khoản thu nhập để phát triển văn hóa hoặc xây dựng cộng đồng. Qua đó, chị hy vọng có thể thấy được điều này tại Việt Nam trong tương lai. Các nghệ sĩ hay những người đứng sau sân khấu nước nhà sẽ không phải đi một mình mà họ sẽ có một cộng đồng để cùng nhau làm việc, khuyến khích ngành âm nhạc Việt Nam phát triển.

Cơ hội nào cho công nghiệp âm nhạc?

Để ngành công nghiệp âm nhạc của Việt Nam ngày càng phát triển, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương cho rằng: “Nếu như Việt Nam có một thành phố gia nhập mạng lưới thành phố sáng tạo về âm nhạc, chúng ta sẽ có cơ hội kết nối mạng lưới, phát triển quan hệ đối tác -  hợp tác, từ đó đa dạng hóa các thực hành âm nhạc, các chính sách được thu hẹp, nuôi dưỡng nguồn nhân lực âm nhạc có kỹ năng, chuyên môn cao và một cộng đồng âm nhạc với gu âm nhạc chất lượng cao. Qua đó, góp phần phát triển ngành công nghiệp âm nhạc của nước ta. Năm 2021, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã triển khai kế hoạch xây dựng đề án Phát triển mạng lưới thành phố sáng tạo Việt Nam, và đề xuất Đà Lạt là thành phố có tiềm năng về âm nhạc.

Việt Nam phát triển công nghiệp âm nhạc, đường nào? -0
Monsoon 2023 là sự kiện có ý nghĩa trong đời sống âm nhạc Việt.

Khi trở thành thành phố sáng tạo về âm nhạc, chúng ta sẽ có cơ hội kết nối và triển khai những cơ hội trong khi luật chưa cởi mở. Khi chính sách bao trùm gặp khó khăn trong phạm vi nhỏ thì ta sẽ có cơ hội để triển khai. Cũng theo PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương, nếu phát triển về âm nhạc, phim ảnh, ẩm thực và du lịch… cùng với sự đảm bảo về môi trường thì Đà Lạt sẽ trở thành một thành phố công nghiệp âm nhạc tương lai. “Việc cần làm là cải thiện các chính sách và mô hình văn hóa, tập trung vào âm nhạc như một yếu tố chiến lược phát triển bền vững, thúc đẩy hợp tác công tư, đa dạng hóa các ngành kinh tế với các công việc sáng tạo chất lượng làm trọng tâm, đặc biệt lĩnh vực âm nhạc, nhằm huy động nguồn lực cho phát triển” - bà Phương nhấn mạnh.

Bà Bích Hồng cho rằng, trước khi có ưu tiên cho về chính sách cho văn hóa thì chúng ta cần chứng minh văn hoá xứng đáng ưu tiên và cho xã hội thấy được vai trò quan trọng của văn hóa. Như hiện tại Việt Nam chưa có trường lớp đào tạo về quản lý, các ngành nghề bổ sung cho công nghiệp sáng tạo chưa có, hiện tại đều là những nỗ lực của cá nhân và cộng đồng yêu văn hóa  tạo nên một mạng lưới kết nối. Sau COVID, Việt Nam là một thị trường năng động, bùng nổ về không gian sáng tạo, tạo cơ hội cho sự phát triển của công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa.

Tuy nhiên, các diễn giả cũng khẳng định rằng, bên cạnh các chính sách phát triển của Nhà nước, nghệ sĩ cũng cần phải thay đổi để bắt kịp xu hướng âm nhạc hiện nay. Nghệ sĩ trẻ Tuimi chia sẻ so với 5 năm trước, mạng xã hội cũng như các nền tảng xã hội giờ đây giúp nghệ sĩ gửi tác phẩm của họ đến đúng đối tượng khán giả của mình hơn rất nhiều. Ngoài năng lực chuyên môn, nghệ sĩ cũng phải học cách tự truyền thông, quảng bá bản thân. Bên cạnh đó, nghệ sĩ và nhà phân phối cũng cần quan tâm đến thị hiếu của người nghe.

Theo ông An Dăng (Believe Việt Nam) gu âm nhạc của hai miền Nam - Bắc khác nhau. Hà Nội thích âm nhạc mang tính thể nghiệm hoặc nhạc đỏ, dân ca còn miền Nam lại khá cởi mở, không gay gắt về chất lượng. Do đó, những người làm âm nhạc cần lựa theo gu của khán giả để làm chương trình. Nguyễn Thanh Phước (Tomato - đơn vị chuyên tổ chức biểu diễn âm nhạc) cho rằng mỗi dòng nhạc, mỗi sản phẩm trong cùng một dòng nhạc thì cách tiếp cận và quảng bá cũng khác nhau. Nghệ sĩ cũng nên lưu ý điểm này để có những bước đi phù hợp.

Ngoài ra, muốn làm việc với các nền tảng quốc tế, nghệ sĩ Việt Nam phải tuân theo quy luật của họ. Họ có một quy trình rất rõ ràng và cụ thể, từ việc đưa demo, thời gian, gửi nốt nhạc… Khi gửi bài, nghệ sĩ nên đưa những ca khúc mà mình tâm đắc lên trước.

Các chuyên gia khẳng định, Việt Nam có nhiều có hội để phát triển công nghiệp âm nhạc, một trong những lĩnh vực chủ chốt của công nghiệp văn hóa, vì chúng ta sở hữu dân số trẻ, yêu âm nhạc. Nhưng cũng rất cần sự thay đổi về chính sách để cộng đồng sáng tạo Việt Nam có nhiều cơ hội hơn nữa trong việc thực hiện các dự án của mình, góp phần kích hoạt đời sống âm nhạc nước nhà lành mạnh, văn minh hơn.

Việt Linh
.
.