“Visa luồng xanh” cho điện ảnh Việt?

Thứ Ba, 05/10/2021, 22:25

Chưa đầy một tháng trước khi Luật điện ảnh (sửa đổi) chính thức được trình lên Quốc hội, ê-kíp phim “Vị” tại Việt Nam từ bỏ quyền sở hữu, Singapore trở thành đơn vị sở hữu chính. Trước đó, phim “Vị” đã đoạt Giải đặc biệt của Ban giám khảo trong hạng mục Encounters ở Liên hoan phim Berlin nhưng vi phạm Luật Điện ảnh và khi về nước đã không được cấp phép phổ biển.

Ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh và nhiều người trong giới làm phim phải thốt lên: “Đây là câu chuyện chưa từng có tiền lệ ở ta”. Tuy nhiên, ông Thành cũng nhấn mạnh: “Với những người làm nghệ thuật, đó là một cú sốc. Còn góc độ pháp luật sẽ là câu chuyện khác”.

Thích hợp bên ngoài chưa chắc đã phù hợp trong nước

Sau khi thông tin “Vị” “đổi quốc tịch”, trang web của Liên hoan phim (LHP) quốc tế Busan 2021, ở chương trình “A window on Asian cinema” (Cửa sổ điện ảnh Châu Á) thông tin "Vị" được đăng tải vẫn với tên của đạo diễn Lê Bảo. Tuy nhiên ở phần country (đất nước), chỉ còn Pháp và Singapore. Trước đó, trang IMDb, phần quốc gia của phim bao gồm: Việt Nam, Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức... Đây là những quốc gia mà nhà sản xuất đã huy động vốn để làm phim.

Trong tọa đàm “Ai nói giơ tay” diễn ra vào chiều 26-9, nhà sản xuất Phương Thảo đau đớn nói rằng: "Lệnh cấm hiện tại với phim "Vị" không khác nào án tử hình của bộ phim. Điều buồn nhất là phim nhận lệnh cấm nhưng không được xem xét về góc độ nghệ thuật. Chúng tôi chỉ mong muốn phim được xem xét lại và phân loại độ tuổi, và được phổ biến đến phân khúc khán giả phù hợp là tại các LHP".

ra rap phim.jpeg -0
Trước khi ra rạp vào tháng 8-2020, phim “Ròm” từng bị cấm chiếu và phạt 40 triệu đồng vì chưa được cấp phép dự thi ở LHP Busan 2019. Phim thắng giải New Currents ở LHP này.

Liên quan đến vụ việc  chưa có tiền lệ này, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam cho biết, ngày 27-9 trong cuộc họp trực tuyến với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), Thanh tra Sở Văn hóa- Thể thao TP. HCM và đại diện  Công ty TNHH Le Bien Pictures (Công ty Lê Biên), nhà sản xuất Đồng Thị Phương Thảo, Cục mới chính thức nắm rõ về nội dung này, trước đó chỉ được biết qua thông tin từ báo chí. Cục Điện ảnh và Thanh tra Bộ đã đề nghị Công ty Lê Biên có báo cáo giải trình và các văn bản đã ký kết thỏa thuận, từ quá trình sản xuất phim đến việc xin rút quyền sở hữu đối với phim.

Ông Thành đặc biệt lưu ý thêm, Cục cũng yêu cầu nhà sản xuất giải trình toàn bộ công việc sản xuất phim này như thế nào vì trong hồ sơ gửi đến Cục chỉ ghi đây là phim Việt Nam, do Công ty Lê Biên sản xuất năm 2019. Việc hợp tác, liên doanh với nước ngoài mới là thông tin do báo chí đưa. Vì vậy việc cần làm bây giờ là Cục phải xem xét lại quá trình sản xuất phim mới biết được hướng giải quyết tiếp theo như thế nào.

Trước đó nhà sản xuất thông tin, "Vị" là bộ phim đầu tay của đạo diễn Lê Bảo, hợp tác với một số nhà sản xuất Singapore, Pháp, Thái Lan, Đức và Đài Loan. Tác phẩm từng tham dự Liên hoan phim Berlin lần thứ 71 tổ chức tại Đức hồi tháng 3-2021 và được trao giải đặc biệt của ban giám khảo hạng mục Encounters. Đến tháng 4, phim bị phạt 35 triệu đồng vì chưa xin phép phát hành đã đi thi ở nước ngoài. Được ghi nhận ở một số liên hoan nước ngoài nhưng trong nước, phim bị Hội đồng kiểm duyệt quốc gia cấm phát hành hồi tháng 7 vì cảnh nude “trực diện và kéo dài” gần 30 phút, chiếm một phần ba thời lượng. Mới đây nhất, ngày 28-9, phim tiếp tục nhận phần thưởng 600.000 Đài tệ khi thắng giải Phim hay nhất, hạng mục Đạo diễn mới quốc tế ở Liên hoan phim Đài Bắc.

Nói lại về việc bộ phim "Vị" bị cấm chiếu gây tranh cãi, ông Vi Kiến Thành cho biết, đã làm đúng các quy trình, quy định. Trong đó có việc đa số các thành viên trong hội đồng duyệt phim đều thống nhất không thể cấp phép phổ biến bộ phim này.

"Không những vậy, Cục còn mời thêm một hội đồng tư vấn xem và lắng nghe ý kiến, có đại diện Vụ Văn hóa - Văn nghệ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Phụ nữ Việt Nam, một số cơ quan truyền thông. Hội đồng tư vấn sau khi xem cũng đều thống nhất không nên phổ biến phim. Trên cơ sở cân nhắc rất kỹ mọi ý kiến, Cục mới ra quyết định không phổ biến bộ phim này", ông Thành nói thêm.

Đứng ở góc độ người đã xem phim “Vị”, ông Việt Văn - thành viên Hội đồng duyệt phim quốc gia cho biết : “Về cảnh khỏa thân tập thể trong phim, tôi cho rằng cái quan trọng không phải là thời lượng ngắn hay dài mà phải cho thấy những cảnh đó phục vụ gì cho ý tưởng của phim. Phim “Vị” làm được, tiếc là ý tưởng phim thiếu nhân văn. Thêm nữa, cái gì quá mức cũng rất dễ trở thành phản cảm".

Trong khi đó, nhà sản xuất Phương Thảo lại khẳng định ở tọa đàm “Ai nói giơ tay” rằng: Phim của chúng tôi không có cảnh nào thô tục, dung tục. Sẽ không có ai bỏ ra 7 năm cuộc đời để theo đuổi một bộ phim dung tục. Sẽ không có quỹ nào tin tưởng trao tiền cho một bộ phim không có bất cứ giá trị nghệ thuật nào". Đồng thời, cô cũng khẳng định ngôn ngữ điện ảnh của Lê Bảo và của phim Vị là "riêng biệt và đặc biệt nhưng không dị biệt và dung tục".

Cục điện ảnh khẳng định làm đúng luật; nhà sản xuất Phương Thảo thì cho rằng ngôn ngữ điện ảnh của phim là "riêng biệt và đặc biệt nhưng không dị biệt và dung tục"; giới làm phim có một số người "kêu oan" cho "Vị". Việc “Vị” liên tục giành giải quốc tế nhưng phải "bỏ quốc tịch, đi biệt xứ” cũng là một câu chuyện tốn nhiều giấy mực. Phải chăng, Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) sẽ được trình lên Quốc hội vào tháng 10 cần có một hướng đi để nhà làm phim và hội đồng phim không còn đặt vào tình huống "như cá với thớt"? Khi đó, những câu chuyện kiểu “hờn dỗi” hay tranh cãi về việc cấp phép, kiểm duyệt điện ảnh không còn giải quyết khi “sự đã rồi” như trong nhiều năm qua?

Tạo “luồng xanh” cho phim dự thi

Không phải đến bây giờ, việc kiểm duyệt hay xử phạt trong lĩnh vực điện ảnh mới “nóng” trong dư luận. Tuy nhiên, sau khi Bộ VHTT&DL trình ý kiến Quốc hội dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi dựa trên Luật Điện ảnh năm 2006, sửa đổi bổ sung năm 2009 nhiều ý kiến gây tranh cãi nhằm hy vọng sẽ có những thay đổi “cởi trói” cho điện ảnh Việt, bắt đầu từ cơ chế duyệt phim.

hoang diep.jpeg -0
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Trước đó, ở tọa đàm “Ai nói giơ tay” nhiều đạo diễn, nhà sản xuất Việt đồng tình với kiến nghị của đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp rằng, có một cơ chế khác, tạo “visa luồng xanh” cho việc duyệt phim đi LHP nước ngoài. Trong phiên họp xem xét thẩm tra dự án luật Điện ảnh sửa đổi hôm 24-9, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng nhắc đến điều này. Theo đó, trong báo cáo thẩm tra dự án luật Điện ảnh sửa đổi, ông Vinh yêu cầu “nghiên cứu, có cơ chế cấp phép đặc thù đối với phim Việt Nam tham gia LHP, giải thưởng, cuộc thi phim, chương trình phim, tuần phim tại nước ngoài”.

Trả lời về đề xuất trên, Cục trưởng Cục Điện ảnh thừa nhận đó là đề xuất mà ban soạn thảo cần cân nhắc, tính toán đưa vào Luật. Bởi vì, trước đó cũng đã có những ý kiến cho rằng để tạo điều kiện cho phim Việt ra nước ngoài dự các LHP nhiều hơn thì nên có một cơ chế riêng như thành lập một hội đồng chuyên biệt để thẩm định các phim tham gia LHP nước ngoài.

“Đương nhiên, việc cấp giấy phép cho phim đi dự LHP quốc tế khác với giấy phép thẩm định của Hội đồng duyệt phim quốc gia khi bộ phim đó quay lại và muốn phát hành trong nước. Điều khoản quy định đối với phim đi tham dự LHP nước ngoài Ban soạn thảo sẽ họp bàn đưa vào Luật trong cuộc họp tới”, ông Vi Kiến Thành khẳng định.

kien-thanh.jpg -0
Ông Vy Kiến Thành - Cục trưởng Cục điện ảnh.

Tuy nhiên, ở góc độ nhà quản lý, vị Cục trưởng cũng lưu ý, Hội đồng duyệt phim luôn làm việc và tuân thủ mọi quy định của Luật, Nghị định, Thông tư, có quy chế và mọi quyết định đưa ra đều phải dựa trên nguyên tắc đa số. Hơn nữa nghệ thuật không phải là toán học, không rõ ràng những con số. Mỗi nghệ sĩ, chuyên gia có quan điểm, nhận thức và đánh giá khác nhau. Vì vậy, ở bất cứ quốc gia nào thì nghệ thuật cũng đều phải cần có hội đồng để dung hòa mọi sự khác nhau đó. Hiện nay, Hội đồng duyệt phim đã thay đổi hơn trước rất nhiều, với đủ tiếng nói của các thành phần làm phim, từ nhà sản xuất, các đạo diễn, nhà làm phim độc lập… Hội đồng luôn đồng hành với các nhà sản xuất nhằm thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh chứ  không ai muốn kìm hãm, làm khó các nhà làm phim.

Tuy nhiên, nhiều đạo diễn trong nước như: Phan Đăng Di, Phan Gia Nhật Linh, Nguyễn Hoàng Điệp, Nguyễn Hữu Tuấn, Charlie Nguyễn, Hồng Ánh, Nguyễn Quang Huy, Trần Thanh Huy… đồng quan điểm cho rằng, một số điều khoản trong Dự thảo Luật điện ảnh (sửa đổi) là “bất cập, cản trở hoạt động sáng tạo tác phẩm, phát triển điện ảnh”. Ngoài ra, giới làm phim cho rằng, chúng ta nên đơn giản hóa thủ tục thẩm định cấp phép. Cụ thể là cân nhắc loại bỏ việc thẩm định kịch bản đối với các nhà làm phim nước ngoài muốn đến ghi hình, làm phim tại Việt Nam. Điều này được cho là tháo gỡ nút thắt để hấp dẫn các nhà phim ngoại hơn.

Ông Vi Kiến Thành lại cho rằng, quy định cấm trong Dự thảo cũng dựa trên cơ sở Luật Điện ảnh năm 2006 và sau đó là sửa đổi bổ sung luật này vào năm 2009. Dự thảo luật lần này chỉ đang theo hướng cụ thể hơn chứ không thêm nội dung cấm gì mới, cũng không gây khó khăn gì cho việc sản xuất và phát hành phim cả.

“Luật là phải có quy định cấm mới tạo ra hành lang pháp lý để mọi người hiểu rõ cái gì không được làm, giới hạn của việc sáng tạo nghệ thuật đến đâu. Nếu bảo đưa những điều cấm này vào tiêu chí, thông tư, văn bản dưới luật để hướng dẫn thì càng không đúng, vì chỉ có văn bản luật mới được đưa ra quy định cấm, văn bản dưới luật không thể làm điều đó”, ông Thành khẳng định.

Về việc đơn giản hóa trong khâu thẩm định kịch bản nước ngoài, người đứng đầu Cục Điện ảnh khẳng định, ý kiến này mới chỉ nhìn ra điều đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc mời gọi doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam để đầu tư sản xuất phim. Đứng ở góc độ nguồn lợi kinh tế thúc đẩy nền điện ảnh thì điều đó đúng là cởi mở hơn. Song xét ở góc độ an ninh, vấn đề tư tưởng thì điều đó lại ẩn chứa nhiều nguy cơ khó lường. Việc thẩm định kịch bản là để chúng ta kiểm soát được nội dung bộ phim, tránh để xảy ra những “lỗ hổng” về vấn đề nội dung tư tưởng.

Ông Thành lấy ví dụ, Cục Điện ảnh từng ngăn chặn được rất nhiều những tình huống kiểu như trên thông qua việc thẩm định kịch bản phim. “Còn nhớ, có dự án phim nước ngoài muốn vào quay ở Sơn Đoòng, khi thẩm định kịch bản mới biết họ nói về một gia đình sống ở đó nhưng Sơn Đoòng lại là của một nước khác chứ không phải của Việt Nam. Rồi có phim nói đến sự kiện lịch sử nhưng sai lệch hết cả, nếu như chúng ta không thẩm định trước kịch bản thì làm sao ngăn chặn được? Cứ để các nhà sản xuất phim nước ngoài vào làm phim xong không thẩm định kịch bản, rồi phim làm xong họ cũng không phát hành tại Việt Nam thì làm sao biết được họ phản ánh thế nào về đất nước chúng ta?”, ông Vi Kiến Thành nói.

Công bằng để nói, hơn ai hết, khán giả và bộ mặt điện ảnh của nước nhà mới là yếu tố quan trọng đối với một tác phẩm điện ảnh - thực hiện thiên chức của sản phẩm văn hóa, nghệ thuật. Sẽ có tiếc nuối, hoài nghi và cả sự bất bình khi một tác phẩm điện ảnh được hoặc không được “thông chốt” kiểm duyệt, và đôi khi, những luồng thông tin trái chiều luôn mượn cớ đó để "đẩy thuyền" nhằm mục đích khác.

Tuy nhiên, ở góc độ người làm phim, nhà sản xuất, đạo diễn Lương Đình Dũng cũng cho rằng, việc kiểm duyệt, thẩm định, phân loại phim trước khi chiếu hay tham gia các LHP quốc tế là cần thiết. Người hoạt động điện ảnh phải cân nhắc, tính toán để thực hiện đúng quy định trước khi đưa tác phẩm vào đời sống. Tuy nhiên, trong quá trình cấp phép, cần tăng cường đối thoại giữa nhà sản xuất và người thẩm định để tạo sự gần gũi, thấu hiểu.

Thảo Dung
.
.