Vụ ám sát bằng súng chấn động sử Việt
Vụ mưu sát ứng viên tổng thống Mỹ, cựu Tổng thống Donald Trump ngày 13/7 vừa qua đã khiến dư luận thế giới hết sức bàng hoàng. Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden, đối thủ chủ yếu của ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay, cùng nhiều nhà lãnh đạo thế giới khác, đã lên án mạnh mẽ hành động này.
Ở Việt Nam thời phong kiến, cũng từng xảy ra một vụ ám sát chính trị bằng súng gây chấn động lịch sử. Đó là chuyện xảy ra thời Lê trung hưng, trong giai đoạn Vua Lê Kính Tông và Chúa Trịnh Tùng trị vì.
Các cuộc ám sát chính trị thời phong kiến, hầu hết đều nhằm mục đích chiếm đoạt quyền lực. Lịch sử Việt Nam ghi nhận rất nhiều sự kiện như vậy. Từ thời kỳ đất nước mới bắt đầu tự chủ, đã xảy ra sự kiện Kiều Công Tiễn ám sát thủ lĩnh Dương Đình Nghệ. Khi nước nhà bắt đầu độc lập, là sự kiện Vua Đinh Tiên Hoàng và Thái tử Đinh Liễn bị tên nội quan Đỗ Thích ám sát. Thời Tiền Lê, Vua Lê Trung Tông bị em ruột là Lê Long Đĩnh ám sát để cướp ngôi.
Thời Lê sơ, Vua Lê Nhân Tông cũng bị anh ruột là Lê Nghi Dân đem quân lẻn vào sát hại trong cung để cướp ngôi. Hầu hết các vụ ám sát này đều thực hiện bằng việc phái binh sĩ hay thích khách dùng vũ khí lạnh (dao, kiếm) hạ thủ. Riêng vụ ám sát của Trịnh Xuân nhắm vào cha là Trịnh Tùng thì có nhiều nét giống với cuộc ám sát cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, từ việc mai phục, dùng súng nhắm vào nạn nhân ở khoảng cách xa, đến chi tiết nạn nhân may mắn thoát chết. Chỉ có khác là thời đó, dù đã có các loại súng cầm tay như hỏa mai, nhưng tầm bắn hạn chế, độ chính xác không cao, nên âm mưu được thực hiện bằng loại pháo trận cỡ nhỏ.
Vụ mưu sát này, chủ mưu (mà chính sử, được các chúa Trịnh chỉ đạo biên soạn, chép lại) được cho là đương kim hoàng đế, tức Vua Lê Kính Tông. Thời đó, chính quyền của vua Lê được các chúa Trịnh phò giúp, mới đánh đuổi được họ Mạc, về lại kinh thành Thăng Long được hai đời vua. Vua Lê Kính Tông (1588 - 1619) là con Vua Lê Thế Tông. Tháng 10/1599, vua cha băng hà, Lê Kính Tông lúc đó mới 12 tuổi (tính theo tuổi ta) được Chúa Trịnh Tùng (Bình An vương) đưa lên ngôi. Do tuổi nhỏ, vua thực ra chỉ là bù nhìn, quyền hành trong nước nằm cả trong tay chúa Trịnh.
Vụ ám sát được “Đại Việt sử ký toàn thư” mô tả như sau: “Năm Kỷ Mùi, niên hiệu Hoằng Định thứ 20 (1619), Tháng 3, Bình An vương đến lầu ở bến Đông xem đua thuyền. Khi về đến chỗ ngã ba, chợt có súng nấp bắn vào voi của Vương. Bắt được người bắn, tống giam tra khảo mới biết vua và vương tử Trịnh Xuân ngầm mưu giết Vương”.
Bộ sử do các sử quan triều Nguyễn biên soạn là “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” nói rõ hơn về nguyên nhân khiến Vua Lê Thế Tông chủ mưu vụ ám sát này như sau: “Tùng chuyên quyền lấn át mỗi ngày một quá, nhà vua không sao chịu được. Vì nghe biết việc Xuân, con Tùng, ngầm có lòng cướp ngôi của người con trưởng, nhân đấy nhà vua bàn mưu với Xuân giết Tùng, rồi quyền bính sau này sẽ trao cho Xuân”.
Tuy nhiên, Trịnh Tùng lúc này cũng là bố vợ của nhà vua, vì Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh chính là con gái của Bình An vương. Do đó, thực hư việc chính Vua Lê Thế Tông là chủ mưu vụ ám sát này như thế nào cũng khó sáng tỏ được. Riêng trong sách “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải, biên soạn tận đầu thế kỷ XX (hoàn thành năm 1914) thì lý giải: “Nhất thiết mọi quyền hành về binh ngũ, tài chính và chính trị đều do tự tay Trịnh Tùng tài phán và quyết định cả, Vua Lê không được vượt ra ngoài hai phạm vi “thiết triều” và “tiếp tân”. Cho nên bấy giờ mới có câu ngạn ngữ “Lê vi thủ tự Phật, ngũ cung quy Trịnh tăng”, nghĩa là “Nhà Lê là Phật giữ chùa, họ Trịnh là thầy tu ăn phần””.
Lý giải của Hoàng Cao Khải cũng nhiều phần là suy đoán, vì những dòng chữ này viết sau khi sự kiện xảy ra đến 400 năm. Còn người thực hiện chính vụ ám sát này, sử sách đều xác định rõ là Trịnh Xuân.
Trịnh Xuân là con thứ của Trịnh Tùng. Con cả của Bình An vương là Tín Lễ công Trịnh Túc đã chết lúc mới 28 tuổi. Trên Trịnh Xuân có Trịnh Tráng, do có mẹ (Thứ phi Đặng Thị Ngọc Dao) thuộc dòng dõi công huân (con của Nghĩa quận công Đặng Huấn), lại có tài cầm quân đánh dẹp nên được cha ưu ái nhắm cho việc kế vị ngôi thế tử, dù chưa có sắc phong chính thức. Trịnh Xuân cũng được cha phong cho chức Tiết chế, tước Vạn quận công, cho mở phủ Ninh Nghĩa.
Việc mưu sát diễn ra như ghi chép trong “Đại Việt sử ký toàn thư”. Sách “Lê triều ngọc phả”, tức tiểu sử chi tiết các vị vua triều Lê trung hưng, cũng ghi chép tương tự. Theo đó, Trịnh Xuân và những người dưới quyền đã có sự nghiên cứu rất kỹ, từ việc nắm rõ lộ trình của chúa từ bến Đông Tân ngoài sông Hồng về phủ, đã chọn được vị trí để ngắm bắn là ngã ba đường, vị trí đặt súng ở nơi kín đáo không bị quân lính tuần phòng phát hiện.
Tuy nhiên sự việc diễn ra không đúng như mưu tính của Trịnh Xuân và đồng đảng. Dù các thích khách đã chờ đúng lúc đoàn xa giá của chúa Trịnh Tùng đi qua khu vực chúng nhắm sẵn và nổ được phát súng, nhưng đạn đã không trúng vào bành voi nơi vị chúa ngự, mà chỉ trúng vào mình voi.
“Cương mục” mô tả sự việc khá chi tiết: “Một hôm, Tùng đi đến bến Đông Tân xem bơi thuyền, Xuân mật sai đồ đảng của mình là Văn Đốc mai phục súng ở ngã ba đường, khi Tùng trở về, súng nổ, trúng vào con voi mà Tùng đương cưỡi. Bắt được Văn Đốc, tra hỏi biết rõ mưu gian”.
Như vậy, chúa Trịnh Tùng quả đã gặp may, dù có thể do năng lực của các thích khách và vũ khí quá hạn chế, nhưng cũng đủ để các bề tôi của chúa đó tha hồ ca tụng là chúa có “chân mệnh vương gia” nên được trời che chở thoát nạn. Vị chúa cũng không hề hoảng hốt, sai quân lính bắt ngay được thích khách đem về phủ tra xét, và rất nhanh chóng biết được con trai thứ của mình là kẻ cầm đầu.
Nhưng điều làm người đọc sử về sau phân vân là nếu vậy, tại sao chúa Trịnh Tùng không sai giết Trịnh Xuân mà lại tha bổng, còn với Vua Lê Kính Tông thì lập tức bức hại qua những lời mô tả trong “Cương mục: “Tùng bèn sai con là Tráng và trưởng cung giám Bùi Sĩ Lâm vào nội điện tra hỏi tội phạm, rồi bắt ép vua phải tự thắt cổ. Còn Xuân đem giam ở nội phủ, sau lại tha ra”.
Vua Lê Kính Tông ở ngôi vua được 20 năm, hưởng dương có 32 tuổi. Nhà vua chết rồi, mà các bầy tôi của chúa Trịnh vẫn bàn định rằng lễ táng, lễ tế của vua đều phải giảm bớt nghi lễ của bậc thiên tử, bài vị phải thờ ở một nơi riêng, không được thờ phụ trong nhà thái miếu, rồi đặt tên thụy của vua là Giản Huy đế, đem thi hài về táng ở lăng Bố Vệ (phường Đông Vệ, thành phố Thanh Hóa ngày nay, gần khu Thái miếu nhà Lê). Mãi đến sau này, con của vua là Lê Thần Tông mới truy tôn cha là Huệ Hoàng đế, miếu hiệu là Kính Tông.
Vua Lê Kính Tông mất đi, suýt nữa dòng đích của ngài không được nối ngôi, mà chúa Trịnh còn định nhắm cháu đích của Vua Lê Anh Tông, con Bản quốc công Lê Bách là Cường quận công Lê Duy Trụ để đưa lên ngôi. May mà Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trinh khóc kêu với Chúa rằng nhà vua có tội chứ con cái không có tội, mà con của vua cũng là cháu ngoại chúa, nếu chúa lập con của cố vương thì đến muôn đời sau ngôi vua vẫn là con cháu của họ Trịnh. Nhờ đó, chúa Trịnh Tùng mới nghe theo. Theo “Toàn thư” thì “Tháng 6, Hoàng tử (Lê Duy Kỳ) lên ngôi ở điện Cần Chính (tức Vua Lê Thần Tông), đổi niên hiệu là Vĩnh Tộ năm thứ nhất. Đại xá thiên hạ”.
Và cũng theo bộ chính sử này thì mãi đến lúc đó, Vạn quận công Trịnh Xuân mới bị Lê Bật Tứ hặc tội ngầm mưu bắn vương phụ, bị giam vào nội phủ. Việc bắt giam này chắc cũng là động thái cho có, vì không lâu sau đó, vào năm 1623, khi chúa Trịnh Tùng bị cảm, nghị bàn việc lập người kế vị, thì “Cương mục” cho biết: “Ngày 17/6, họp trăm quan bàn chọn người lập làm thế tử, cho con trưởng là Thanh quận công Trịnh Tráng giữ binh quyền, Xuân giữ chức phó”.
Vì chỉ được xếp thứ bậc sau anh nên “Xuân ấm ức không hài lòng, định mưu nổi loạn”. Lúc này thì vương tử này lại quyết tâm làm loạn lần nữa, quyết để giành quyền. “Toàn thư” ghi: “Hắn bèn phóng lửa đốt phố xá trong kinh thành”. Còn “Cương mục” tả rằng: “Trịnh Xuân tự đem quân lính, voi ngựa, súng đạn bản bộ dàn bày ở xứ Đình Ngang, sai bọn Điện quận công, Bàn quận công đem quân phá vào Nội phủ, cướp đoạt voi ngựa, vàng bạc, của cải”.
Trịnh Tùng hay tin có biến động, được Bùi Sĩ Lâm hộ tống, gượng bệnh lên xe ra khỏi kinh thành, đến làng Hoàng Mai huyện Thanh Trì, vào nhà riêng của em trai là Trịnh Đỗ, rồi sai người giả vờ bảo Xuân vào hầu sẽ trao cho giữ binh quyền. Xuân bị quyền lợi làm cho mờ mắt, tưởng thật, miệng cắn cỏ, phủ phục ở sân nghe chỉ của cha. Trịnh Tùng bèn kể hết tội lỗi của Xuân, rồi Trịnh Đỗ sai Bùi Sĩ Lâm giết chết Xuân.
Nhưng chỉ mấy ngày sau thì Trịnh Tùng mất. Trịnh Tráng rước Vua Lê Thần Tông đi Thanh Hóa. “Cương mục” giải thích nguyên nhân việc xa giá phải vất vả đi xa: “Do con là Xuân nổi loạn, Tùng phải chạy vạy ở bên ngoài, bệnh nặng, mất ở chùa Thanh Xuân. Con là Tráng kế tiếp nối binh quyền. Lúc ấy, đồ đảng của Xuân nhiều người trốn thoát, lòng người nôn nao. Nhân đấy, Tráng rước nhà vua đi Thanh Hoá, để lo toan việc yên ninh sum họp. Nhà vua phong Tráng làm đô tướng tiết chế thủy bộ chư quân bình chương quân quốc trọng sự thái úy Thanh quốc công”.
Cuối cùng thì âm mưu sát hại cha của Trịnh Xuân là rõ rệt nhất, khi vị vương tử này quyết tâm nổi loạn những hai lần để thực hiện bằng được mưu gian, nhưng đều không thành. Chỉ có Vua Lê Kính Tông không rõ tham dự đến mức độ nào mà đã bị chúa Trịnh Tùng kết án đến mức mất mạng. Nhưng hành vi chuyên quyền, giết vua của Trịnh Tùng bị các sử quan triều Nguyễn, qua bộ sử “Cương mục”, phê phán nặng nề, với lời bình: “Trịnh Kiểm tuy chuyên quyền nhưng tội ác chưa có gì tỏ rõ cho lắm; đến Trịnh Tùng mới thật là gian thần như đồ Vương Mãng và Tào Tháo”. Vì thế, trước việc Trịnh Tùng bị con trai mưu phản, hết đặt súng ám sát đến kéo quân vào phủ để bức hiếp cha, các sử quan triều Nguyễn tỏ ra hả hê, cho rằng: "Người bầy tôi ngỗ ngược, tất nhiên có người con ngỗ ngược; đạo trời hay trả miếng, bao giờ cũng thế!".