Vũ điệu Apsara bên tháp cổ
Đường vào khu tháp cổ Mỹ Sơn vắt vẻo qua mấy cung đường quanh dãy núi. Chúng tôi đi trong nỗi thấp thỏm vì đồn thổi trong khu vực này vẫn có thể còn bom từ thời chiến tranh. Những hố bom vẫn được giữ nguyên bên tượng tháp. Nó như một di chứng tội lỗi của con người đã bao năm qua phá hủy nền văn hóa cổ Chăm kỳ vĩ. Những đe dọa vẫn còn đó cho dù mọi người đã ra sức phục hồi và bảo tồn nó.
Ký ức một thuở ma Hời
“Di sản Văn hóa thế giới Mỹ Sơn” là một quần thể tượng tháp Chăm nằm lọt trong thung lũng (rộng chừng 150 ha) của dãy núi thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay có hơn 70 công trình đang được bảo tồn và tu bổ. Người hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến trước một hố bom rồi nói đó là câu chuyện đầy nước mắt cách đây hơn 40 năm với đoàn khảo sát đầu tiên do kiến trúc sư Kazik người Ba Lan dẫn đầu (theo chương trình hợp tác khảo cổ và bảo tồn giữa chính phủ hai nước Việt Nam-Ba Lan).
Khi đó, những ngọn tháp Mỹ Sơn còn nằm chìm trong khu rừng đầy rắn rết và muỗi rừng. Đây là một khu rừng rậm với con suối chảy quanh đầy muông thú. Người ta luôn hãi nó vì giặc Mỹ đã thả nhiều tấn bom tràn qua khu vực này để càn quét lực lượng cách mạng. Dấu ấn một đế chế vương triều Chăm lừng lẫy ngàn năm bị đạn bom quần nát.
Đầu thập niên 80, đoàn khảo sát khởi động bằng những pháo sáng rực rỡ xuyên rừng, tiến vào thung lũng Mỹ Sơn. Kiến trúc sư Kazic dẫn đầu đoàn người vừa đi dò đường vượt núi rừng, vừa khênh đồ nghề lỉnh kỉnh. Khi những ngọn tháp lấp ló xuất hiện từ phía xa làm mọi người sững sờ mừng vui thì bất ngờ một trái bom phát nổ. Mọi người hoảng hốt vì tai nạn và đều đổ gục trong khói lửa. Lần đó 6 người tử nạn, còn lại đều bị thương tích. Kiến trúc sư Kazic bị thương khá nặng phải đưa về Đà Nẵng cấp cứu. Từ đó mọi người mới chú ý đến việc rà soát bom mìn một cách tích cực.

Ngỡ như tai họa sẽ vùi dập ý chí của những người chiến sĩ khảo cổ và trùng tu “Thánh địa” này. Những ngôi tháp bí ẩn có thể sẽ trở lại với hình bóng chờn vờn ma Hời quẩn quanh với hình ảnh: “Đây những tháp gầy mòn vì mong đợi/ Những đền xưa đổ nát dưới Thời Gian/ Những sông vắng lê mình trong bóng tối/ Những tượng Chàm lở lói rỉ rên than/ Đây những cảnh ngàn sâu cây lả ngọn/ Muôn Ma Hời sờ soạng dắt nhau đi” (“Trên đường về” - thơ Chế Lan Viên). Vậy mà người vác ba lô và dụng cụ đầu tiên lên đường vẫn là kiến trúc sư Kazic. Ông luôn nở nụ cười và ngạo nghễ dẫm qua hố bom ngày nào đã hất tung mình lên cao. Đoàn người sau đó tiếp tục đồng hành với ông. Họ cắm trại chung quanh khu tháp cổ, bắt đầu dọn những viên gạch vỡ, phát quang cây cối mọc bên đường
Những bản điêu khắc bên tháp cổ hiện lên dưới ánh nắng ngập tràn đã thu hút kiến trúc sư Kazic. Ông đã cùng đồng nghiệp lăn lộn ngày đêm lau rửa từng viên gạch còn vương lại. Những dàn giáo được mọc lên và ai nấy đều cần cù lắp ghép từng mạch vữa theo bản vẽ sơ đồ kiến trúc cổ. Tuy nhiên ai nấy cũng nhiều phen hồn vía lên mây vì đội công binh thỉnh thoảng lại dò được những quả bom câm nằm kề bên lán trại. Cứ thế ròng rã theo thời gian, những ngọn tháp dần dần được hiện hình với sắc màu tươi đỏ gợi lên khung cảnh thơ mộng và huyền diệu như ngày nay. Sau 16 năm lăn lộn với Mỹ Sơn, kiến trúc sư Kazic đã đổ bệnh và hy sinh tại chính nơi ông đã lắp ghép viên gạch lửa đầu tiên lên tháp cổ (1997). Trước khi mất, ông còn có công diễn thuyết và viết hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận quần thể kiến trúc tháp Mỹ Sơn là “Di sản văn hóa thế giới” (1999). Mọi người đã dựng tượng đài tôn vinh ông ngay tại đây. Kazic được những người Chăm coi là con cháu của họ.

Những tiếp nối không dễ dàng...
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ, nguyên Trưởng ban Quản lý Khu di sản Mỹ Sơn đã từng làm việc cùng kiến trúc sư Kazic trong nhiều năm. Ông miêu tả cho chúng tôi khá kỹ về bốn khu bảo tồn quần thể tháp cổ cùng với vẻ đẹp kỳ vĩ của nó. Tháp trung tâm cao 24 mét và chân đế rộng 100 mét vuông. Tháp thờ thần Siva Bhadravaman và được biểu hiện bằng hình tượng Linga-Yoni. Tháp gồm ba tầng thu hẹp dần lên. Đỉnh tháp là một biểu tượng bằng sa thạch. Kiến trúc của tháp được xây bằng hàng ngàn viên gạch mộc đất đỏ mịn màng. Sắc đỏ au của ngọn tháp luôn sáng bừng dưới ánh mặt trời tựa như một khối than hồng kỳ ảo mỗi khi chào đón bình minh.
Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nhấn mạnh những họa tiết trên những vòm cửa tô điểm cho tháp thật hoa mỹ sống động. Mỗi tòa tháp tạo nên mốc son đậm dấu ấn văn hóa Chăm cổ kính. Đặc biệt những hình tượng vũ nữ Apsara luôn gây ấn tượng độc đáo. Đó là hình ảnh của những người vũ công xinh đẹp tươi trẻ được điêu khắc bằng đá. Nét đẹp kỳ diệu ấy đã được nhà thơ người Chăm Inrasara miêu tả: “Nhảy múa giữa hoàng hôn/ Đường cong bay bay chiều vụn nát/ Bóng đêm tràn dài thung lũng khát/ Nhảy múa gọi bình minh/ Baranưng miệt mài ngàn năm vỗ” (“Tháp nắng”). Và nhạc sĩ Trần Tiến đã ngợi ca: “Cong cong năm ngón ngũ hành/ Trăm năm vũ điệu/ Nam mô-Nam mô-Nam mô Buddha/ Một vòng thôi miên, thôi miên Apsara” (“Mưa bay tháp cổ”).
Cách đây mấy năm, các nhà khảo cổ Ấn Độ đã tìm ra một con đường cổ nằm dưới đất chừng hơn một mét. Đây là kết quả phát hiện trong dự án trùng tu tôn tạo hệ thống tháp ở Mỹ Sơn giữa hai chính phủ Việt Nam và Ấn Độ (2016-2021). Một con đường rộng 8 mét đi thẳng tới tháp K. Hai bờ tường được xây dựng bằng gạch đất đỏ với chất kết dính giống ở kiến trúc tháp. Con đường gợi mở cho công việc tại các khu tháp nhiều hướng đi tiếp trong hành trình khám phá thêm những bí mật của Di sản Mỹ Sơn. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ nói, có thể lớp đất phía dưới con đường chắc còn những di sản của các triều đại Chăm cổ vào thời kỳ đầu mới hình thành. Hơn nữa từ khi mới dựng nước, nền văn hóa Chăm mang đậm dấu ấn về kiến trúc và hoa văn của Ấn Độ nên khá phong phú. Thậm chí cả đến chữ viết (tự dạng chữ Phạn) người Chăm cũng sử dụng trong các văn bản của vương triều và bia ký đều có nguồn gốc từ ký tự Ấn Độ. Vậy những trầm tích vẫn còn đó, những bí ẩn nằm sâu dưới lòng đất cần được khảo cổ. Đường còn dài phía trước với lịch sử Chăm kéo dài hơn ngàn năm. Sự kỳ bí của Mỹ Sơn ngày càng thu hút du khách vì lẽ đó.

Tưng bừng lễ hội mùa xuân
Sự hiện diện những vũ công biểu diễn bên tháp cổ như một bức tranh sống động về nét văn hóa Chăm. Đó là những nàng tiên bước ra từ đá trong ngôi tháp cổ được xây dựng hơn 700 năm trước. Họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ là người vẽ khá nhiều tranh vũ nữ Apsara trong nhiều năm qua. Người ta cho anh là kẻ điên rồ thứ hai sau kiến trúc sư Kazic. Một kiểu cách điên rồ nghệ sĩ khi hiến trọn đời mình cho Mỹ Sơn. Họa sĩ nói, những điệu múa Apsara là khởi nguồn cho cảm hứng sáng tạo đối với bất kể ai. Theo truyền thuyết, Apsara là vũ nữ của thần Indra, chuyên múa hát và dâng hoa cho các vị thần. Những bức tượng vũ nữ được thể hiện trên các khối đá sa thạch với khuôn mặt xinh đẹp đầy đặn và đôi mắt mở to. Apsara được điêu khắc hình “bán lõa thể” nhưng thể hiện góc cạnh không gợi dục. Đó là vẻ đẹp tạo hóa trinh nguyên thơ mộng. Chính vì thế, trong tâm hồn của mỗi thiếu nữ Chăm luôn cuộn trào cảm xúc bay bổng với giấc mộng thần tiên. Họ múa bất kỳ nơi đâu với đôi tay uyển chuyển theo nhịp trống Baranưng.
Đoàn múa Chăm tại địa phương biểu diễn phục vụ du khách. Họ là nhóm nghệ sĩ chuyên sâu với hàng chục điệu múa dân gian và biểu diễn theo yêu cầu của khách. Đó là các vũ điệu quen thuộc như múa chèo thuyền, múa roi, múa quạt, múa âm dương (phồn thực)… Sau mỗi điệu múa là có một tiết mục đơn ca. Nghệ sĩ cũng là người địa phương hát dân ca Chăm rất tình tứ. Lúc này, theo lời giới thiệu ca sĩ Chế Tuấn trình diễn bài hát “Ai kia đang ở phía xa” thật ấm áp, phảng phất nỗi buồn hoang hoải. Giọng ca sĩ trầm ấm ngân rung: “Ai kia, ai kia đang ở phía xa/ Hỡi người tình. Người tình mà anh vẫn đợi vẫn chờ hằng bao tháng năm/ Chính lòng của anh nhớ em…”. Trong lòng chúng tôi ai cũng bâng khuâng với nỗi niềm thầm kín thấm đượm hồn Chăm.
Giờ đây khu “Di sản Văn hóa Mỹ Sơn” tựa như một công trường khổng lồ. Sau cơn đại dịch, mọi người đang hối hả khôi phục những công việc còn dở dang để kịp đón những lễ hội năm mới. Với dân tộc Chăm tín ngưỡng luôn được thể hiện qua những điệu múa dân gian diễn ra cùng nghi lễ. Tất cả đều được tổ chức bên đền tháp với sự thành kính và niềm hân hoan. Bởi lẽ tháp chính là những đền thờ các vị thần linh thiêng bao đời nay của người Chăm. Những vũ điệu Apsara lúc này trở thành những diễn tấu tâm linh trước những chức sắc tôn giáo.
Hình tượng tiên nữ thường được khắc họa trên tháp với động tác choãi chân hai bên chùng xuống cùng với nhiều cánh tay phía sau lưng. Mỗi tay dâng một lễ vật. Đó là những chuỗi biểu cảm đa dạng sắc thái tâm linh. Hình tượng này còn có ẩn dụ triết lý khi nhà thơ Inrasara viết: “Những đường cong chạm vào vĩnh cửu/ Vĩnh cửu xoay trong lốc vô thường” (“Quê hương”). Đó chính là nghi lễ “Thiền” của người Chăm. Những vũ điệu xen kẽ giữa “tĩnh” và “động” mang yếu tố tạo hình nghệ thuật sống động luôn cuốn hút mọi người. Và nếu những Apsara được chắt lọc, hiện ra từ đá (“Ngủ quên trong kiếp đá”) theo quan niệm của người Chăm; thì sau khi giáng trần ca múa trong lễ hội họ lại hóa thân: “Mai trở về kiếp đá/ Đường cong diễm ảo khơi vơi/ Sát-na thành thường trụ/ Cho nhân gian nửa đất trời nhớ thương” (“Tháp nắng-Inrasara”).