Vương miện sắc đẹp có là “lá bùa” đổi đời?

Thứ Hai, 21/11/2022, 20:38

“Sự nổi tiếng, thu nhập thật cao. Em thấy chị Phạm Hương có rất nhiều show quảng cáo lớn, đi nhiều sự kiện, em rất ngưỡng mộ. Tất nhiên là sau những cái đấy sẽ kiếm được rất rất nhiều tiền”, một thí sinh Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 từng gây sốc khi nói về lý do thi nhan sắc.

Thế nhưng, câu nói “sốc tận óc” thể hiện cách tư duy đã khiến cô gái trẻ bị chỉ trích là thực dụng, liệu có hoàn toàn sai khi nói về thu nhập và cơ hội đổi đời với hoa hậu hiện nay?

"Cuộc đời nở hoa" chỉ sau một đêm

Thời điểm khi mới đăng quang Hoa hậu Hòa bình quốc tế 2021, ông Nawat Itsaragrisil, chủ tịch cuộc thi, đã không ngần ngại tiết lộ: Thùy Tiên đã kiếm được gần 100 triệu baht (khoảng gần 70 tỷ đồng) sau 3 tháng đăng quang đã gây xôn xao dư luận. Mặc dù phía Thùy Tiên và công ty quản lý đều phủ nhận thông tin này, nhưng việc Thùy Tiên từ một cô gái được ít người biết đến bỗng chốc được nhiều nhãn hàng săn đón, xuất hiện dày đặc tại các sự kiện, chắc chắn thu nhập của cô cũng không hề nhỏ.

Vương miện sắc đẹp có là “lá bùa” đổi đời? -0
Thùy Tiên vụt sáng thành sao hạng A sau khi đăng quang Hoa hậu Hòa bình Quốc tế 2021.

Theo một chuyên gia PR-Marketing, thù lao trung bình của một hoa hậu đăng quang các cuộc thi uy tín trong nước khi dự sự kiện ước chừng 2.000 - 3.000 USD. Nếu các người đẹp giữ danh hiệu Hoa hậu Việt Nam hay Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam thì thù lao có thể còn cao hơn. Riêng các người đẹp có danh hiệu ở cuộc thi quốc tế có uy tín, con số này không dưới 10.000 USD. Đó còn chưa kể, các nàng hậu còn có thêm nguồn thu từ các hợp đồng quảng cáo, đại sứ thương hiệu, người mẫu… giá trị hợp đồng có khi lên đến hàng tỷ đồng. Có thể dễ hiểu vì sao trở thành hoa hậu, á hậu đã là giấc mơ cháy bỏng của không ít các cô gái trẻ đẹp.

Như Hương Giang, sau khi đăng quang Hoa hậu Chuyển giới quốc tế 2018, từ một ca sĩ tầm trung, cô vụt lên trở thành ngôi sao hạng A của Vbiz. Cô được săn đón ở khắp mọi nơi, xuất hiện dày đặc ở các show truyền hình và sự kiện. Người đẹp này cũng có mức cát-sê thuộc hàng cao ngất ngưởng trong trong ngành công nghiệp thời trang của Việt Nam. Năm 2019, nhà thiết kế Ivan Trần từng tiết lộ: “Cát-sê để tôi mời được Hương Giang cực khủng và có thể sắm một chiếc túi Hermes đấy”. Chiếc túi Hermes mà Ivan Trần nhắc đến có giá dao động từ khoảng gần 200 triệu đồng cho đến nửa tỷ đồng.

Vương miện sắc đẹp có là “lá bùa” đổi đời? -0
H’Hen Niê không ngại tiết lộ chuyện “thoát nghèo” sau đăng quang.

Câu chuyện đổi đời nhờ danh hiệu hoa hậu không là điều xa lạ trong làng giải trí, điển hình như trường hợp của H'Hen Niê. Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 chưa bao giờ giấu việc cô “thoát nghèo” sau khi đăng quang hoa hậu. Từ một cô người mẫu nghèo, không giúp được ai, năm 2020, người đẹp Ê Đê còn khoe đã chi 2,5 tỷ đồng sửa nhà, mua mảnh đất rộng “hơn nửa quả đồi” tặng bố mẹ. Sau đó, cô còn mua xe hơi 7 chỗ tặng bố khi thấy ông thường phải di chuyển xa lo công việc. Người đẹp cũng mua vàng tặng mẹ vào những dịp đặc biệt.

Tương tự, Mai Ngô sau khi trở thành Á hậu 4 Miss Grand Vietnam 2022 cũng giúp cô đổi đời, có thêm cơ hội để giúp mẹ kiếm tiền trả nợ. “Danh hiệu này giúp tôi có thể quay lại showbiz và làm nghề với mức cát-sê mình đã từng đạt được”, người đẹp cho hay.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Chuyện hoa hậu có nhiều cơ hội sống giàu sang nhờ những thương vụ bạc tỷ, nhưng để có cơ hội này, các cô gái đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Hoa hậu Việt Nam 2016 Đỗ Mỹ Linh từng tiết lộ đã chi khoảng 20-30 triệu đồng để tham gia cuộc thi. Người đẹp sinh năm 1996 nói rằng, cô bỏ ra chi phí ít vì được ban tổ chức và các nhà tài trợ hỗ trợ.

Top 5 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2022 Lê Hoàng Phương tiết lộ, mẹ cô suýt phải bán nhà để chuẩn bị cho cuộc thi năm 2019. Bởi, số tiền cô bỏ ra cho váy áo, trang điểm tạo hình, phụ kiện… là không nhỏ. Nhưng may mắn nhờ người quen giúp đỡ, cô có thể tham gia cuộc thi mà không cần phải bán nhà. Gần đây nhất, thí sinh Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022 - Chu Lê Vi Anh cho biết, mức chi phí cô bỏ ra khi thi nhan sắc rơi vào khoảng 60-200 triệu. Còn bạn nào “sộp” hơn thì khoảng 300-400 triệu.

Song, đa số người đẹp đều đồng quan điểm cho rằng, dù bỏ ra số tiền lớn để đầu tư cho cuộc thi nhưng không phải ai cũng có thể mang về cho mình danh hiệu hoa hậu, á hậu. Thậm chí, không ít người đẹp kiên trì đi thi nhiều năm nhưng vẫn mãi chưa tìm được cơ hội. Cũng có những thí sinh phải đi vay đi mượn để đầu tư cho các phần thi của mình, khi ra về tay trắng lại trở thành… con nợ!

Đây mới chỉ dừng lại ở các cuộc thi trong nước. Kinh phí để đưa người đẹp “mang chuông đi đánh xứ người” cũng ngang ngửa giá trị một căn nhà. Á hậu 2 Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Mâu Thủy thừa nhận, cô mất suất thi Hoa hậu Trái đất 2018 vì không có 5 tỷ đồng. Đây là cái giá mà người đề cử cô đi thi đưa ra, dù chi phí chuẩn bị trang phục, giày dép cô phải tự lo liệu. Người đẹp cũng cho biết, kinh phí để dự thi sắc đẹp là một con số khá nhiều. Mặc dù được tài trợ váy áo, nhưng vẫn phải chi tiền cho những phụ phí khác. Ngoài ra, thí sinh còn đầu tư tham gia học catwalk, chụp ảnh, giao tiếp, ngoại ngữ... Đó là những khoản không hề rẻ.

Vương miện sắc đẹp có là “lá bùa” đổi đời? -0
Doanh nhân Phạm Kim Dung tiết lộ chi phí đưa thí sinh đi thi quốc tế dao động từ 5 đến 10 tỷ đồng.

Bà Phạm Kim Dung - Tổng Giám đốc công ty Sen Vàng, đơn vị nắm bản quyền nhiều cuộc thi sắc đẹp như Hoa hậu Việt Nam, Hoa hậu Thế giới Việt Nam, Hoa hậu Hòa bình Việt Nam từng tiết lộ, chi phí bỏ ra để đào tạo, chuẩn bị và đưa các thí sinh đi thi quốc tế dao động ở mức trên 5 tỷ đồng, cao nhất là 10 tỷ đồng. Tùy vào quy mô, chất lượng và tiêu chí của từng cuộc thi mà số tiền đầu tư cũng thay đổi.

Tương tự, ông Trần Việt Bảo Hoàng - CEO của Unicorp, đơn vị nắm bản quyền Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, Hoa hậu Siêu quốc gia Việt Nam tiết lộ, 4 năm trước, thời điểm H'Hen Niê đi thi Miss Universe, số tiền bỏ ra để đào tạo, đầu tư cho người đẹp đã lên tới hàng tỷ đồng. Sau đó tới Hoàng Thùy, Khánh Vân hay Kim Duyên, mức chi phí tăng dần theo thời gian và quy mô cuộc thi.

Mặt trái của vòng xoáy tiền bạc, danh hiệu

Chi phí cho một cuộc thi không chỉ là những khoản có thể liệt kê được mà bên cạnh trang phục, khóa học… còn rất nhiều chi phí “khó nói” khác. Theo một bầu show làm việc lâu năm trong ngành giải trí, nhiều cô gái có nhan sắc nhưng không có tiền đã chọn cách tìm tài trợ, đó là những đại gia, những ông bầu với các thỏa thuận ăn chia về giải thưởng và tiền chạy show sau đó.

Vương miện sắc đẹp có là “lá bùa” đổi đời? -0
Ban tổ chức Miss World Vietnam 2022 gây tranh cãi khi cho thí sinh mặc hớ hênh, diễu hành trên xe bus 2 tầng ở Quy Nhơn.

Như Mâu Thủy, khi mới 18 tuổi, vừa học hết cấp 3, không có tiền để thi hoa hậu, cô gái có thể tìm kiếm một “nhà đầu tư uy tín”. Ấy là cá nhân hay một công ty đầu tư cho mình. Ví dụ như khi tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam, cô kiếm một công ty đầu tư cho mình. Công ty đầu tư xong rồi thì cô sẽ trả tiền đó lại sau.

Ông bầu nói trên thừa nhận, không phải cô gái nào cũng đủ tỉnh táo, hoặc may mắn tìm được đối tác có tâm, có tầm. Với các đại gia lắm tiền nhiều của, việc tài trợ cho một cô gái đi thi sẽ kèm theo những điều kiện mà “dù không nói ra thì ai cũng hiểu” hay những rủi ro ảnh hưởng đến cả sự nghiệp.  Điển hình là câu chuyện của người đẹp Nguyễn Thúc Thuỳ Tiên đang bị bà Đặng Thùy Trang tố quỵt nợ 1,5 tỷ đồng. Theo đó, người đẹp này được cho rằng đã mượn một  số tiền 1,5 tỷ đồng, có giấy mượn nợ viết tay nhưng sau nhiều lần bị đòi, Thùy Tiên vẫn không trả.

Nói về vấn đề trên, Thùy Tiên cho biết trong quá trình tham gia Hoa khôi Nam Bộ 2017, cô nhận được lời đề nghị giúp đỡ để đoạt giải từ nhân vật trên. Tuy nhiên, Thùy Tiên khẳng định việc cô đoạt giải Á khôi 1 là nhờ năng lực của mình, không phải từ tác động của bất kỳ ai. Bản thân cô cũng không nhận được sự hỗ trợ về tiền bạc từ bà Trang. “Tôi không nhận được sự hỗ trợ nào, sau đó tôi nhận ra mình bị “gài”, sự việc không chỉ xảy ra với một mình tôi mà còn nhiều người khác, những cô gái trẻ mong muốn đi thi để đổi đời… Tôi không muốn những cô gái khác gặp những câu chuyện như tôi. Tôi may mắn hơn vì không dính vào các đường dây nào cả. Nhiều khi những cô gái ngoài kia có thể bị như tôi hoặc bị dụ dỗ vào những đường dây không mong muốn”, nàng hậu bật khóc khi nói về ồn ào lớn nhất sự nghiệp của mình.

Thực hư câu chuyện ra sao, chỉ những người trong cuộc mới rõ. Có điều, câu chuyện đổi đời của các người đẹp tại cuộc thi nhan sắc là điều thu hút công chúng. Nhưng, khi cuộc chơi của các thí sinh, ban tổ chức, nhà tài trợ vẫn phải theo quy luật đào thải cũng khắc nghiệt như đời sống giải trí. Ước mơ đổi đời của các cô gái đều là trân quý và được nhớ đến, nếu như sự đổi đời ấy gắn với các hoạt động hữu ích cho xã hội, cộng đồng, chứ không phải chỉ vì mục tiêu vụ lợi cá nhân.

Hay nói như Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019 Nguyễn Trần Khánh Vân: “Nhiều người nghĩ làm Hoa hậu sẽ đổi đời. Tôi cũng từng nghĩ như vậy, cho đến khi tham gia Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2019, ý nghĩ đó không còn. Có thể cách nhìn nhận và suy nghĩ của từng người khác nhau nhưng với tôi, được làm hoa hậu là một cơ hội, là ước mơ bản thân luôn mong muốn thực hiện. Sau đó là thái độ của mình với danh hiệu đó. Điều quan trọng không phải là bạn được trở thành hoa hậu mà là sau khi đăng quang, bạn phải làm gì và sống như thế nào cho đúng những gì khán giả dành cho mình. Nó không chỉ đơn giản là cụm từ “trở thành Hoa hậu”, “đổi đời” mà sẽ còn những trọng trách và áp lực. Vì vậy, trong suy nghĩ của tôi, có thể trở thành hoa hậu là đổi đời ở phương diện nào đó và ở khía cạnh khác, mình có thể dùng sự đổi đời đó giúp đỡ những người xung quanh”.

Bạch Dương
.
.