Vương quốc chiến binh nguyên mẫu của siêu phẩm “The Woman King”

Thứ Sáu, 25/11/2022, 21:27

Tháng 9/2022, Hollywood cho ra mắt bộ phim bom tấn The Woman King (Nữ vương huyền thoại), với sự tham gia diễn xuất của nữ diễn viên Viola Davis. Nguyên mẫu của bộ phim này là Agojie – đội quân toàn nữ chiến binh của Vương quốc Dahomey (Châu Phi).

Trong thời hoàng kim của thập niên 1840, Vương quốc Dahomey kiêu hãnh về một đội quân hiếu chiến đến nỗi kẻ thù của họ phải kinh hồn bạt vía với lực lượng quân đội lên tới 6.000 người, còn được biết đến dưới cái tên Agojie. Những hành động hung hăng này đã khiến đạo quân Agoije biến Dahomey thành một lãnh thổ bất khả xâm phạm so với các vương quốc láng giềng, và trở thành cái mà các vị khách Âu Châu gọi là “Vương quốc Amazon” bởi những sự tương đồng của họ so với các nữ chiến binh trong thần thoại Hy Lạp.

a.jpg -0
Diễn viên Viola Davis (trái) trong vai Nanisca và John Boyega (phải) trong vai vua Ghezo. Ảnh nguồn: Sony Pictures

Phim dựa trên chuyện có thật?

Thời gian bộ phim “The Woman king” đề cập được mở đầu vào thời điểm năm 1823 với một cuộc đột kích thành công của đạo quân Agojie, giải phóng những người bị bắt làm nô lệ khỏi đế quốc Oyo (một nhà nước Yoruba hùng mạnh mà ngày nay thuộc Tây Nam Nigeria). Từ lâu Dahomey đã tỏ sự thần phục Oyo nhưng bắt đầu manh nha làm phản dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh Ghezo và Tướng Nanisca. Nanisca – người không chấp nhận việc buôn bán nô lệ sau khi bản thân đã trải qua nỗi kinh hoàng đó - đã thúc giục Ghezo phải chấm dứt mối bang giao gần gũi của vương quốc Dahomey với các lái buôn nô lệ Bồ Đào Nha và chuyển sang sản xuất dầu cọ, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của vương quốc. Trên thực tế Ghezo đã giải phóng thành công Dahomey khỏi sự thần phục nước lớn từ năm 1823.

Sử gia Robin Law lưu ý “Dahomey nổi lên như một điểm buôn bán người Tây Phi từ giữa thập niên 1680 đến đầu thập niên 1700, bán tù nhân cho các thương nhân Châu Âu, và tự biến Dahomey thành một chiến quốc”. Mặc dù phần lớn các cá nhân bị Dahomey bắt làm tù binh đều là nô lệ ở hải ngoại, nhưng một số không đáng kể vẫn ở trong vương quốc, họ lao động trong các trang trại hoàng gia, đi lính hoặc hầu hạ trong cung điện.  Trên thực tế, vua Ghezo chỉ đồng ý chấm dứt buôn bán nô lệ ở Dahomey vào năm 1852, sau nhiều năm bị chính quyền thực dân Anh gây sức ép, quốc gia đã thực hiện bãi nô trong các thuộc địa của họ vào năm 1833. Một chi tiết đáng lưu ý là vua Ghezo đã để ý tới việc sản xuất dầu cọ nhưng cho rằng nó không sinh lời nhiều bằng buôn bán nô lệ nên đã nhanh chóng nối lại ngành công nghiệp này ở Dahomey. Phát biểu với tờ Hollywood Reporter, đạo diễn Gina Prince-Bythewood, khẳng định: “Chúng tôi sẽ nói sự thật, không tránh né bất kỳ điều gì. Song chúng tôi cũng đang kể một phần của câu chuyện về sự đấu tranh tìm lẽ phải”.

Vương quốc chiến binh nguyên mẫu của siêu phẩm “the woman king” -0
Tất cả chiến binh Agojie đều được xem là ái thiếp của nhà vua. Ảnh nguồn:Wikimedia Commons

Bà Maria Bello, diễn viên kiêm nhà sản xuất, đồng  biên kịch cho câu chuyện “Nữ vương huyền thoại”, lần đầu tiên nghe về Agojie trong lần tới Benin vào năm 2015. Nhận thấy sức hấp dẫn của đề tài điện ảnh này nên bà đã thuyết phục nhà sản xuất Cathy Schulman tìm kiếm hãng phim sẵn lòng chi tiền phát triển dự án. Rất nhanh chóng Gina Prince-Bythewood và Viola Davis đã nhập hội. Bộ phim được bật đèn xanh hoàn toàn mà có lẽ là xuất phát từ thành công của phim “bom tấn” “Chiến binh báo đen” (“Black Panther”) công chiếu năm 2018. Một minh chứng cho nhu cầu giải trí được sáng tạo bởi các bản sắc da màu.

Đạo quân Agojie gồm những ai?

Văn bản đầu tiên viết về Agojie là từ năm 1729, nhưng cũng có thể sớm hơn nữa vào buổi bắt đầu hình thành vương quốc Dahomey, khi nhà vua Huegbadja (cai trị từ năm 1645 đến năm 1685) tạo ra một đội nữ chiến binh săn voi. Ngoài ra còn phải kể đến Hangbe (người nắm quyền nhiếp chính sau cái chết của anh trai vào đầu thế kỷ 18) có thể đã giới thiệu các nữ chiến binh trong vai trò ngự lâm cung điện của mình. Dù cách nào đi nữa thì Agojie đã đến đỉnh cao quyền lực của họ trong thế kỷ 19 dưới tài thống lĩnh của Ghezo, người đã tích hợp họ vào quân đội của vương quốc Dahomey. Do tình trạng chiến tranh của vương quốc khiến dân số nam giới suy giảm, tạo điều kiện cho nữ quân nhân thay thế.

Quân đội thường trực của Dahomey là một điều bất thường vì hầu hết các vương quốc Châu Phi khác đã giải tán lực lượng của họ khi không chủ động gây chiến. Các nam, nữ quân nhân Agojie đều mặc quân phục, họ thiết lập nên quân đội Dahomey thành một lực lượng chiến đấu có tổ chức.

Vương quốc chiến binh nguyên mẫu của siêu phẩm “the woman king” -0
Các chiến binh Agojie phải trải qua những khóa đào tạo cam go trước khi gia nhập quân đội tinh hoa. Ảnh nguồn: Wikimedia Commons

Bà Terri Ochiagha, chuyên gia về thuộc địa và hậu thuộc địa Nigeria tại Đại học Edinburgh (Scotland) chỉ rõ: “Các trung đoàn Agojie được tuyển dụng chủ yếu từ nô lệ, một số là bị cầm tù từ sớm ở tuổi lên 10, có cả người nghèo và gái trẻ nổi loạn”. Tất cả các nữ chiến binh của Dahomey đều được gọi là Ahosi, có nghĩa là ái thiếp của vua. Họ sống trong hoàng cung cùng với vua và những phi tần khác. Ngoài các hoạn quan và bản thân nhà vua, không một người đàn ông nào được phép vào cung điện sau buổi hoàng hôn. Agojie được xem là “những người vợ hạng 3” của nhà vua khi họ không được chung chăn gối hay có con với vua. Và bởi vì được vua lấy làm vợ nên họ không được quan hệ sinh lý với đàn ông khác mặc dù vấn đề này vẫn đang gây tranh cãi. Ngoài việc được hưởng địa vị đặc quyền, các nữ chiến binh còn được đều đặn tiếp cận nguồn cung thuốc lá và rượu. Họ cũng có nô lệ hầu hạ cho mình.

Để trở thành Agojie, các tân binh phải trải qua nhiều khóa đào tạo chuyên sâu và không tránh được cảnh đổ máu. Quân đội  Agojie phân thành 5 nhánh chính: pháo binh, thợ săn voi, lính ngự lâm, đao thủ và cung thủ. Gây bất ngờ cho địch là điều quan trọng hàng đầu. Các chiến binh lẻn vào làng lúc khuya hoặc trước bình minh, bắt sống người hoặc chém đầu ai đó bất tuân. Một nhà truyền giáo người Mỹ sau này đã kể lại: “Với phần còn lại của đội quân Dahomey, những chiến binh là nỗi táng đởm với toàn thể đất nước khi luôn khiến vương quốc rơi vào chiến tranh, song cuối cùng luôn là chiến thắng”.

Chuyện gì xảy ra với Agojie?

Sự thống trị của quân đội Dahomey bắt đầu suy tàn vào nửa sau thế kỷ 19 khi họ liên tục thất bại trong việc chiếm lấy Abeokuta, thủ đô Egba phòng thủ mạnh mẽ mà ngày nay thuộc Tây Nam Nigeria. Năm 1851 trong trận chiến với Egba đã khiến 2.000 lính Agojie tử trận. Năm 1864, vua Glele (người kế ngôi từ Ghezo vài năm trước đó) đã tìm cách trả thù cho sự thất bại của cha mình tại Abeokuta nhưng cuối cùng buộc phải lui binh chỉ sau một giờ rưỡi giao tranh. Cho mãi đến đầu thập niên 1890, các lực lượng Dahomey vẫn tấn công nhiều làng mạc Egba khi đó chiến tranh với người Pháp đã đe dọa sự tồn vong của vương quốc. Những cuộc gặp gỡ của người Dahomey với thực dân Châu Âu trước đây chỉ xoay quanh buôn bán nô lệ và tôn giáo. Tuy nhiên khi hoạt động tranh giành Châu Phi ngày một gia tăng thì căng thẳng giữa Dahomey và người Pháp cũng leo thang. Năm 1863, Pháp tuyên bố vương quốc láng giềng Porto-Novo là một xứ bảo hộ thuộc địa, điều này đã khiến Glele nổi cơn thịnh nộ khi luôn coi Porto-Novo là chư hầu của mình.

Glele cũng xung đột với quân Pháp tại thành phố cảng Cotonou. Đối với người Pháp thì Agojie chỉ đơn giản là tiếp thêm nhiên liệu cho sứ mệnh văn minh hóa của họ nhằm áp đặt những lý tưởng Châu Âu vào các nước Phi Châu.

Chiến tranh Pháp – Dahomey lần thứ nhất đã bắt đầu vào ngày 21 tháng 2 năm 1890 tức chỉ 2 tháng sau khi Kondo (con trai của vua Glele) tiếp quản ngai báu với tên hiệu Behanzin. Vào ngày 4 tháng 3, quân Dahomey tấn công người Pháp ở Cotonou nhưng thất bại thảm hại trước hỏa lực cực mạnh của đối phương. Nanisca dù đã chặt đầu xạ thủ địch song cũng bỏ mạng trên chiến trường. Sau một thất bại tương tự tại Chiến trường Atchoupa vào ngày 20/4, Dahomey đã nhất trí về một hiệp ước hòa bình cho phép Pháp kiểm soát Porto-Novo và Cotonou. Chiến tranh tạm lắng không đầy 2 năm, trong khi đó Behanzin đã âm thầm trang bị vũ khí bằng hoặc tương đương với Pháp.

Vương quốc chiến binh nguyên mẫu của siêu phẩm “the woman king” -0
Tiểu đội Dora Milaje trong bộ phim “Chiến binh Báo Đen” dựa trên các nhân vật chiến binh Dahomey. Ảnh nguồn: Marvel / Disney

Trong suốt 7 tuần của mùa Thu năm 1892, quân đội Dahomey đã chiến đấu đẩy lùi binh lính Pháp. Đại binh Agojie đã thực hiện 23 trận giao tranh trong thời gian ngắn đó khiến người Pháp nể sợ. Một lính thủy Pháp khi đó viết: “Thật khó mà tưởng tượng được những người phụ nữ lại có thể chiến đấu kiên cường và kỷ luật tốt đến vậy”. Tác giả cho rằng số lượng lính Agojie tham chiến trong Chiến tranh Pháp – Dahomey lần hai dao động trong phạm vi từ 1.200 đến 2.500 người.

Ngày 6/10/1892, tại làng Adégon, Agojie bị tổn thất nặng nề nhất khi chỉ còn 17 binh sĩ trở về. Ông Sagbaju Glele (người em trai của Behanzin đã sống cho đến tận thập niên 1970) kể với sử gia địa phương rằng, cuộc chiến đó đã khiến các cận thần của Dahomey nhận ra rằng sự diệt vong vương quốc của họ là không thể tránh khỏi. Trận chiến cuối cùng của quân đội Dahomey đã diễn ra tại Cana vào đầu tháng 11, kết quả quân đội Pháp đã chính thức chiếm kinh thành Abomey của vương quốc Dahomey vào ngày 17/11/1892.

Sau chiến tranh, một số người Agojie đã theo vua Béhanzin sống lưu vong ở Martinique hoặc hầu cận người em trai của nhà vua, một vị vua bù nhìn do người Pháp dựng lên. Số người Agojie khác cố gắng tái hòa nhập xã hội với mức độ thành công khác nhau. Vẫn còn một bộ phận Agojie đi lưu diễn khắp Châu Âu và Mỹ, biểu diễn các điệu múa và tái hiện chiến trường tại “các cuộc triển lãm sống”.

Năm 1979, Nawi (chiến binh Agojie cuối cùng, có lẽ là nguồn cảm hứng cho nhân vật của diễn viên Thuso Mbedu) đã qua đời, thọ hơn 100 tuổi. 

Nguyễn Thanh Hải (Tổng hợp)
.
.