Washington lôi kéo đồng minh trong cuộc cạnh tranh công nghệ
Chất bán dẫn hiện là trung tâm của cạnh tranh Mỹ-Trung trên phương diện kinh tế và địa chính trị. Cuộc đọ sức Mỹ-Trung trong ngành chất bán dẫn đang ngày một trở nên nóng hơn bao giờ hết, với việc Washington tăng cường nỗ lực lôi kéo các đồng minh áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip để ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các công nghệ hàng đầu.
Ngày 7/10/2022, Chính quyền Biden đánh một “canh bạc” mạo hiểm, đưa ra một loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới sẽ tác động sâu vào hệ sinh thái sản xuất chất bán dẫn tiên tiến, siêu máy tính và trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc. Những hạn chế mới và đầy tham vọng này mở ra một giai đoạn cạnh tranh công nghệ mới với Trung Quốc.
Trong lúc Washington tìm cách kìm chân Trung Quốc trong các công nghệ quan trọng, họ đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đối tác quan trọng ở châu Âu và châu Á thực hiện các biện pháp kiểm soát tương tự.
Một tầm nhìn chưa rõ ràng
Mỹ lẽ ra nên thể hiện một tầm nhìn rõ ràng hơn với các đồng minh trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Việc xác định phạm vi kiểm soát xuất khẩu thích hợp là một thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nhất trí chung. Cách tiếp cận của Mỹ là ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ chip 14 nanomet. Ngưỡng kiểm soát này có thể bị các đối tác của Mỹ coi là bảo hộ quá mức. Tương tự như vậy, các quốc gia khác có thể phải đối mặt với những khó khăn chính trị trong việc thực hiện những nội dung nghiêm ngặt nhất trong các biện pháp kiểm soát của Mỹ.
Washington hiện vẫn chưa áp dụng một cách tiếp cận linh hoạt nhằm đảm bảo mức độ kiểm soát tối đa có thể về mặt chính trị hiện nay trong khi vẫn duy trì thiện chí để tiếp tục phối hợp hướng tới các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn trong tương lai.
Một thách thức khác trong việc thuyết phục các đối tác của Mỹ là xác định cách thực hiện các biện pháp kiểm soát tương tự về cơ bản trong khuôn khổ pháp lý hiện có của họ. Mặc dù Mỹ có thẩm quyền rộng rãi và linh hoạt để áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới, nhưng các cơ quan pháp lý và thực tiễn chính sách hiện hành của các quốc gia khác lại hạn chế họ chỉ thực hiện các biện pháp kiểm soát đã được thống nhất thông qua các chế độ kiểm soát xuất khẩu đa phương. Để áp đặt kiểm soát xuất khẩu, các quốc gia đối tác sẽ phải sẵn sàng thực hiện một cách diễn giải đặc biệt về khung pháp lý hiện có của họ - điều mà họ sẽ chỉ xem xét trong những trường hợp đặc biệt.
Tác động kinh tế
Chuỗi công nghiệp bán dẫn là một chuỗi hợp tác và phân công lao động toàn cầu, và Trung Quốc là thị trường tiêu thụ chất bán dẫn lớn nhất thế giới. Hợp tác với lệnh cấm xuất khẩu của chính phủ Mỹ đồng nghĩa với việc các công ty có thể đối mặt với nguy cơ mất thị trường Trung Quốc, điều không khác gì “tự sát thương mại”. Những tổn thất như vậy sẽ gây đau đớn cho bất kỳ quốc gia và công ty nào.
Tác động kinh tế của các hạn chế xuất khẩu chất bán dẫn đang làm chùn bước các đối tác của Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc. Theo các quy định mới, công nghệ chip tiên tiến của Mỹ vượt quá ngưỡng được chỉ định sẽ không được phép xuất khẩu sang bất kỳ nhà máy nào ở Trung Quốc, trong đó bao gồm cả những công ty do Mỹ hoặc các công ty của quốc gia đối tác vận hành. SK hynix, một công ty chip bộ nhớ lớn của Hàn Quốc, đã lưu ý rằng các quy tắc đó có thể buộc họ phải đóng cửa một số hoạt động tại Trung Quốc. Một hành động như vậy có thể tạo ra những cú sốc hơn nữa đối với nguồn cung chip toàn cầu và làm giảm triển vọng thương mại của chính các công ty mà Mỹ muốn hợp tác.
Mặc dù Mỹ đã đưa ra một biện pháp cứu trợ ngắn hạn bằng cách cấp giấy phép tạm thời cho các công ty đa quốc gia nước ngoài, nhưng đây là một giải pháp hỗ trợ ban đầu chứ không phải là một sự đảm bảo chắc chắn có thể hướng dẫn các khoản đầu tư quy mô lớn với thời hạn từ 5 đến 10 năm.
Việc giải quyết các tác động kinh tế đối với các công ty đa quốc gia nước ngoài là điều quan trọng hơn cả khi chính nhóm các đồng minh chủ chốt này cũng đã nêu lên những lo ngại về Đạo luật Giảm lạm phát Mỹ. Những điều khoản trong đạo luật này đi ngược với các nghĩa vụ thương mại của Mỹ và đã gây ra phản ứng dữ dội ở Hàn Quốc. Các quan chức châu Âu và Nhật Bản cũng đã đưa ra những quan ngại nghiêm trọng. Họ đang làm dấy lên nghi ngờ về cam kết của Washington với các đồng minh và đối tác của mình cũng như hoài nghi về sự ủng hộ của Washington đối với một hệ thống thương mại quốc tế dựa trên quy tắc. "Sự phản kháng" mà các nước này thể hiện trong thời gian gần đây trước áp lực từ Washington cho thấy sự miễn cưỡng của họ trong việc tuân theo lệnh cấm chip của Mỹ.
Để giải quyết những lo ngại này, Mỹ lẽ ra nên miễn trừ cho các đối tác nước ngoài khỏi các quy định được công bố hôm 7/10/2022 nếu các đối tác này thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tương tự của riêng họ. Năm 2022, Mỹ đã áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với Nga nhưng đã miễn trừ cho 37 quốc gia sau khi các quốc gia này cam kết thực hiện các biện pháp tương đương. Mỹ lẽ ra cần cung cấp một “củ cà rốt” tương tự cho các biện pháp kiểm soát các sản phẩm công nghệ, đồng thời thúc đẩy các nước đối tác đóng các lỗ hổng tái xuất vốn là một vấn đề lớn trong trường hợp của Nga.