Xét danh hiệu Nghệ sĩ: Bao giờ hết tranh cãi?

Thứ Hai, 01/08/2022, 10:35

Đến hẹn lại lên, cứ vài năm một lần, việc xét duyệt phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) lại được tiến hành. Song, cứ tới mùa xét tặng là lại xảy ra tranh cãi. Thực trạng “sống không phong, chết mới truy tặng danh hiệu” vẫn luôn là điều khiến dư luận thở dài mỗi khi nhắc đến việc xét duyệt danh hiệu vốn được coi là cao quý này.

Khi nghệ sĩ bị đánh trượt

Ngày 26-7, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chính thức đăng tải danh sách 139 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 348 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT. Đây là danh sách do 5 Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng lần thứ 10 lên Cổng Thông tin điện tử Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để lấy ý kiến của nhân dân.

Xét danh hiệu Nghệ sĩ: Bao giờ hết tranh cãi? -0
Sau 3 mùa xét duyệt, năm 2019, nghệ sĩ Minh Vương được đón nhận danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Trong danh sách các hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu lần này, lĩnh vực có số hồ sơ nhiều nhất là sân khấu với 88 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND và 215 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT. Danh sách nghệ sĩ được xét tặng danh hiệu NSND gồm: NSƯT Đỗ Doãn Bằng (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSƯT Nguyễn Xuân Bắc (Nhà hát Kịch Việt Nam), NSƯT Phạm Chí Trung (Nhà hát Tuổi Trẻ), NSƯT Nguyễn Tiến Quang (Quang Tèo - Nhà hát Kịch nói Quân đội), NSƯT Trịnh Kim Chi (Hội Sân khấu TP. Hồ Chí Minh), NSƯT Trần Lực (Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội)...

Lĩnh vực âm nhạc có 45 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSND gồm: NSƯT Huỳnh Tấn Minh (Tấn Minh - Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long), NSƯT Hoàng Xuân Bình (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), NSƯT Bùi Công Duy (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam), NSƯT Ma Thị Bích Việt (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, Bộ Quốc phòng), NSƯT Đoàn Thanh Lam (Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam), NSƯT Lê Thị Hồng Năm (Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam)... và 67 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Lĩnh vực điện ảnh có 1 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND là NSƯT Hồ Quảng (Công ty Cp Hãng phim hoạt hình Việt Nam) và 16 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Lĩnh vực múa có 3 hồ sơ đề nghị xét tặng NSND gồm: NSƯT Trần Ly Ly (Cục Nghệ thuật biểu diễn), NSƯT Đỗ Văn Hiền (Đỗ Hiền, biên đạo múa, TP Hà Nội), NSƯT Bùi Xuân Hanh (diễn viên, biên đạo múa, TP. Hồ Chí Minh) và 38 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Lĩnh vực phát thanh - truyền hình có 2 hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND gồm: NSƯT Lê Hồng Thụy (Lê Thụy, TP. Hồ Chí Minh), NSƯT Vũ Thị Kim Dung (Đài Tiếng nói Việt Nam) và 12 hồ sơ đề nghị xét tặng NSƯT.

Đáng nói, trong danh sách được thông qua, có rất nhiều nghệ sĩ từ khi đạt danh hiệu NSƯT tính đến thời điểm hiện tại, chuẩn bị được phong tặng NSND lại chưa có thêm một vai diễn, hoạt động có dấu ấn nào, ngoại trừ việc đã xếp đủ huy chương, theo quy định. Còn hàng loạt nghệ sĩ kỳ cựu như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Ngọc Khanh (hát bội), NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quốc Cơ, NSƯT Quốc Nghiệp... lại không có tên. Riêng trường hợp của NSƯT Lê Thiện, với 66 năm gắn bó với sân khấu, nữ nghệ sĩ được mệnh danh là “cây đa, cây đề” khi biểu diễn, là cố vấn nghệ thuật, phó đạo diễn cho một loạt vở diễn, trong đó có những vở ra mắt trong thời điểm lịch sử khắc nghiệt. Bà là một trong những người có đóng góp lớn cho sự phát triển của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, nơi được xem là trung tâm của cải lương miền Nam. Bà từng là phó giám đốc của nhà hát. Ở tuổi 77, sau khi rời sân khấu - khi nhiều nghệ sĩ lui về an hưởng tuổi già, bà vẫn vào Nam ra Bắc miệt mài đóng phim, tham gia dạy nghề cho lứa diễn viên trẻ. Trong khi đó, NSƯT Thoại Mỹ cũng là một trong số ít nghệ sĩ có thể “cân” đủ các vai đào độc, đào mùi trên cả sân khấu cải lương và sân khấu kịch.

Nới lỏng cơ chế, bất cập vẫn tồn tại?

Năm 2022 là lần thứ 10 xét tặng các danh hiệu nghệ sĩ. Có một điểm chung, là cứ mỗi mùa xét duyệt, đây lại trở thành đề tài tranh cãi trong dư luận. Còn nhớ, đợt xét danh hiệu cách đây 4 năm, trường hợp tương tự đã xảy ra với nghệ sĩ Minh Vương, nghệ sĩ Thanh Tuấn, nghệ sĩ Giang Châu (thời điểm đó còn là NSƯT). Nghịch lý là những nghệ sĩ này hoàn toàn bị gạt khỏi danh sách, trong khi loạt hậu bối xếp sau cả về thâm niên làm nghề và sản phẩm nghệ thuật lại nghiễm nhiên có tên trong danh sách. Sự việc đã tạo nên làn sóng dư luận rất lớn vào thời điểm bấy giờ, buộc cơ quan quản lý văn hóa nhà nước phải vào cuộc, xem xét, bỏ phiếu lại cho các nghệ sĩ.

Xét danh hiệu Nghệ sĩ: Bao giờ hết tranh cãi? -0
Nghệ sĩ ưu tú Thoại Mỹ.

Tuy nhiên, đó tưởng chừng là câu chuyện trước khi Nghị định 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực. Cụ thể, với NSND, nghị định quy định có 4 tiêu chuẩn, trong đó đáng lưu ý “tiêu chuẩn thứ 2” là: “Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ”. Đặc biệt, mục 4 quy định: “Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc”.

Song, nhìn vào danh sách năm nay thiếu những cái tên như NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ... vẫn khiến cả giới trong nghề và dư luận bức xúc. Thậm chí, NSND Thoại Miêu phải thốt lên: “Trường hợp của cô Lê Thiện khiến tôi đau xót, bức xúc. Mấy mươi năm, cô biểu diễn, lãnh đạo Nhà hát Trần Hữu Trang, tạo ra rất nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng nhưng đến nay vẫn chưa được danh hiệu NSND là chuyện đáng buồn. Sự cống hiến đó xứng đáng được ghi nhận, trân trọng. Nghe tâm tư của cô, tôi rớt nước mắt”. Một trường hợp khác là cố NSƯT Út Bạch Lan, bà được nhắc đến như một điển hình của sự bất cập trong cơ chế xét tặng danh hiệu. 6 năm sau khi qua đời, bà mới được xét tặng NSND, dẫu rất xứng đáng. Hay, những nghệ sĩ kỳ cựu dành cả đời cống hiến nghệ thuật cũng chỉ dừng ở danh hiệu NSƯT như: Thanh Quý, Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền... Những trường hợp tiếc nuối kể trên đặt ra vấn đề, khi nào sự cống hiến mới được hiểu đúng, sự tôn vinh mới được trao đúng người và đúng thời điểm hay vẫn là một thứ đặc ân của cơ chế xin - cho? Hay, ngoài huy chương, tuổi đời thì liệu còn lý do nữa để những cá nhân này không được trao tặng danh hiệu mà họ rất xứng đáng nhận được?

Theo thông lệ, việc xét tặng danh hiệu phải qua 4 hội đồng: Hội đồng cơ sở; Hội đồng cấp tỉnh, thành, bộ và hội đồng cuối cùng gồm Hội đồng cấp Nhà nước và Hội đồng chuyên ngành. Một hồ sơ đề nghị xét tặng sẽ phải trải qua hơn 40 thành viên của hội đồng xét tuyển đến từ mọi miền.

Riêng năm nay, bà Nghiêm Thị Thanh Nguyệt - Phó Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng khẳng định, sau khi thảo luận, thành viên hội đồng đã bỏ phiếu kín và công bố kiểm phiếu ngay tại hội đồng, tất cả các công việc đều được thực hiện công khai, minh bạch. "Trước khi kết thúc cuộc họp, hội đồng đã biết kết quả kiểm phiếu và sau khi kết thúc, tất cả thành viên hội đồng đều cảm thấy kết quả bỏ phiếu phù hợp với những đánh giá chung", bà Nguyệt nói và cho biết hội đồng cũng đã trao đổi lại với các nghệ sĩ về lý do chưa đủ tỷ lệ phiếu. Ngoài ra, cơ chế xét duyệt năm nay thay đổi so với hai đợt xét năm 2015 và 2018. Trong hai đợt xét trước đó, tỷ lệ đồng thuận phải trên 90% số thành viên hội đồng có mặt tại cuộc họp nhưng năm nay, tỷ lệ này giảm còn 80%.

Tuy nhiên, khi được hỏi về lý do tại sao NSƯT Lê Thiện, NSƯT Thoại Mỹ... bị đánh trượt xét NSND, bà Nguyệt lại nói rằng, rất khó để nói lý do vì sao các nghệ sĩ trên không đạt danh hiệu NSND. “Nhưng, kết quả đánh giá cho thấy các trường hợp trên đều không đạt tỷ lệ phiếu đồng thuận trên 80% tổng số thành viên hội đồng có mặt” - bà Nguyệt cho hay.

Hãy tôn vinh nghệ sĩ thực sự của nhân dân

Bàn về câu chuyện phong tặng NSND, NSƯT, nhà văn Y Ban - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội buồn rầu nói: "Thực tế cho thấy, nhiều ngành nghề được phong tặng danh hiệu thành ra người ta cứ mải chạy theo cái danh mà quên mất bản chất thực sự của mình. Đó là sáng tạo nghệ thuật. Thậm chí, chỉ vì cái danh hiệu đó mà người ta tị nạnh, ganh đua nhau. Hơn thế, với danh nay, nhiều người cảm thấy tự mãn, "ngủ quên" trên danh hiệu. Thậm chí, có danh hiệu rồi, cũng chẳng buồn sáng tác nữa”.

Xét danh hiệu Nghệ sĩ: Bao giờ hết tranh cãi? -0
Nghệ sĩ ưu tú Lê Thiện.

Còn NSND Thanh Hoa, người có 50 năm cống hiến cho nghệ thuật phải thốt lên: “Chưa bao giờ các danh hiệu nghệ sĩ bị giới trong nghề ít được coi trọng như bây giờ, chứ đừng nói chuyện công chúng quan tâm”. Theo nghệ sĩ gạo cội, đã là nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu, nhất là NSND thì ít nhất phải có một bộ phận nào đó trong nhân dân biết đến, có tác phẩm để khi nhắc đến tác phẩm là nhân dân nhớ tới tên nghệ sĩ ấy và ngược lại? Tức là phải tâm phục khẩu phục, trước hết trong giới làm nghề với nhau.

Đó cũng là lý do, NSƯT Lê Thiện dù hơi buồn và bất ngờ khi không được xét NSND nhưng bà vẫn quyết không làm đơn xin xét lại và sẽ không bao giờ làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu NSND nữa. “Đối với tôi, NSND là nghệ sĩ được nhân dân yêu mến và được cống hiến hết mình với nghề, vậy là đủ. Nhiều NSND chắc gì đã được nhân dân biết đến họ là ai, sản phẩm của họ là gì. Tôi thấy rất hạnh phúc vì ở tuổi này còn được làm việc, được cống hiến. Bạn bè cùng lứa của tôi nhiều người đã qua đời. Vậy mà tôi còn sống. Tôi thấy vậy là mình may mắn lắm rồi. Bây giờ tôi chỉ mong cầu sức khỏe, bình an để tiếp tục được đóng phim, đi diễn, vừa để mưu sinh, vừa mang nghệ thuật làm đẹp cho đời", nữ nghệ sĩ bày tỏ.

Một số nghệ sĩ được phong tặng NSND, NSƯT để lại hoài nghi về tài năng đã đành, đáng tiếc hơn là nhiều nghệ sĩ đã có danh hiệu được phong tặng không ý thức được điều ấy. Họ quảng cáo sai sự thật, bình luận, đăng tải phát ngôn trên mạng thậm chí còn dưới cả phông văn hóa chung, chệch chuẩn về đạo đức gây ra bức xúc trong dư luận. NSƯT Đức Hải với phát ngôn và hình ảnh phản cảm trên mạng xã hội; NSƯT Kiều Thanh với loạt phát ngôn công khai là người thứ ba, cổ vũ đàn ông "ngoại tình" khi ra nước ngoài; hay trường hợp NSƯT Hồ Hoài Anh với nghi án hiếp dâm ở Tây Ban Nha... là những ví dụ điển hình.

Không phủ nhận rằng, những nghệ sĩ thật sự ưu tú và những nghệ sĩ của nhân dân mới xứng đáng được ghi nhận, sự ghi nhận này là món quà ý nghĩa nhất với nghệ sĩ. Nhưng, điều đó không có nghĩa việc làm của cơ quan quản lý văn hóa nhà nước thiếu thận trọng và thấu đáo trong việc duyệt hồ sơ. Cùng với đó, khi một bộ phận văn nghệ sĩ chưa ý thức được trách nhiệm xã hội của mình, sự quản lý chặt chẽ của cơ quan quản lý đối với NSND, NSƯT cũng là điều quan trọng.

Thảo Dung
.
.