Xu hướng “nền kinh tế bạc” ở châu Á

Thứ Hai, 10/06/2024, 15:40

Châu Âu không phải là nơi duy nhất trên thế giới bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhân khẩu học - dân số châu Á cũng đang già đi. Đó là lý do tại sao “nền kinh tế bạc” đang bắt đầu phát triển tại châu lục này.

Trong những năm gần đây, người ta nhắc nhiều tới khái niệm “nền kinh tế bạc”. Đây là thuật ngữ chung bao gồm một loạt các hoạt động kinh tế nhằm cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ cho người cao tuổi - những người có đặc điểm chung là “mái tóc bạc”. Nó liên quan đến nhiều lĩnh vực với chuỗi công nghiệp dài và nhiều loại hình kinh doanh, bao gồm các ngành công nghiệp sơ cấp, thứ cấp và công nghiệp dịch vụ, tạo ra các cơ hội kinh doanh lớn.

Xu hướng “nền kinh tế bạc” ở châu Á -0
Thực trạng già hóa dân số đang diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á, thúc đẩy “nền kinh tế bạc”.

Tỷ lệ sinh giảm và dân số trong độ tuổi lao động giảm ở nhiều quốc gia khiến việc tìm đủ nhân lực để làm việc tại các nhà máy và văn phòng trở thành một thách thức. Song dân số già ngày nay khỏe mạnh và giàu có hơn so với trước đây, có tiềm năng to lớn trở thành một thị trường cho các sản phẩm và dịch vụ mới. Tạo ra thu nhập và cũng không phải lo lắng đến vấn đề nuôi con, sức tiêu thụ của nhóm người này đang tạo ra một xu hướng tiêu dùng tiềm năng của thị trường.

Theo ước tính, nhóm người trên 60 tuổi của châu Á hiện khoảng 642 triệu người, gấp 3,5 lần so với châu Âu. Diễn đàn Kinh tế Thế giới dự báo 16% dân số châu Á sẽ ở độ tuổi trên 65 vào năm 2040.

Xu hướng già hóa dân số diễn ra ở nhiều quốc gia châu Á, từ những nền kinh tế hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, đến những nước đang phát triển như Thái Lan, Malaysia. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tính đến năm 2022, 30% dân số Nhật Bản trên 65 tuổi. Ở Trung Quốc, dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy dân số từ 60 tuổi trở lên của nước này chiếm 21,1% tổng dân số cả nước, vượt quá 290 triệu người vào cuối năm 2023 - một thị trường tiêu dùng gần bằng toàn bộ dân số Brazil.

Trong khi đó, nghiên cứu từ Ngân hàng Kasikorn của Thái Lan ước tính, đến năm 2029, quốc gia Đông Nam Á này sẽ gia nhập danh sách các xã hội siêu già hóa với hơn 20% dân số trên 65 tuổi, trong khi Thái Lan vẫn chưa đạt được mức độ giàu có như một số xã hội già hóa khác như Nhật Bản và Đức. Malaysia cũng đang phải đối mặt với tình trạng dân số già ngày càng tăng. Theo thống kê, quốc gia Đông Nam Á này chỉ mất 23 năm để chuyển đổi từ một quốc gia đang già thành một quốc gia già, với 14% dân số ở độ tuổi trên 65, và sẽ chỉ mất thêm 14 năm nữa để đạt vị thế quốc gia siêu già, với 21% dân số trên 65 tuổi.

Những con số này có khả năng sẽ chỉ tăng lên trong những năm tới do tuổi thọ tiếp tục tăng, điều đó đồng nghĩa với việc “nền kinh tế bạc” sẽ ngày càng phát triển ở châu Á. Theo một ước tính, đến năm 2030, tổng sức mua hàng năm của những người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á dự kiến sẽ tăng 103% lên khoảng 8.600 tỷ USD.

Trong bối cảnh xu hướng già hóa dân số là điều khó có thể tránh khỏi, nhiều chính phủ châu Á đã có những bước đi quan trọng để tận dụng triệt để những cơ hội mà xu hướng này mang lại. Đi đầu trong số này là Trung Quốc. Tháng 1 năm nay, chính phủ Trung Quốc đã công bố quy chế hướng dẫn cụ thể nhằm thúc đẩy sự phát triển của “nền kinh tế bạc” hay ngành chăm sóc người già, nhằm ứng phó tích cực trước xu hướng già hóa đồng thời tạo ra những động lực tăng trưởng kinh tế mới.

Gần đây, Malaysia cũng đã nhận ra những thách thức họ phải đối mặt khi dân số đang già hóa nhanh chóng. Phát biểu tại một hội nghị quốc gia về an sinh xã hội mới đây, Thủ tướng Anwar Ibrahim nhận định: “Tốc độ già hóa của chúng ta vượt xa các nền kinh tế phát triển hơn, nơi có đủ nguồn lực, cơ sở hạ tầng và chính sách để chuẩn bị cho hiện tượng này”. Để giải quyết vấn đề, Thủ tướng Anwar cho rằng Malasyia cần phải ưu tiên đầu tư vào "nền kinh tế bạc". Ông cho hay những khoản đầu tư như vậy không chỉ hứa hẹn mang lại lợi nhuận đáng kể mà còn nhấn mạnh cam kết của Malaysia trong việc đảm bảo phúc lợi và chất lượng cuộc sống cho dân số già, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững cho quốc gia.

Nhận ra thị trường tiềm năng mới, nhiều công ty đã chuyển hướng kinh doanh hướng tới đối tượng khách hàng lớn tuổi. Để giúp tạo điều kiện mua sắm trực tuyến cho nhóm đối tượng quan trọng này, các công ty như Easyfone của Ấn Độ đã giới thiệu một số mẫu điện thoại di động được thiết kế riêng cho người dùng lớn tuổi, với âm lượng lớn hơn, màn hình lớn hơn, giao diện đơn giản hơn và tích hợp ứng dụng theo dõi sức khỏe. Panasonic của Nhật Bản đã sản xuất một chiếc gậy thông minh hỗ trợ giữ thăng bằng và gửi cảnh báo nếu người dùng bị ngã.

Còn tại Trung Quốc, theo trang mạng của Nhân dân Nhật báo, ở một khu phố thuộc quận Hải Điến của thành phố Bắc Kinh, hơn 500 hộ gia đình có người cao tuổi đã có robot trí tuệ nhân tạo (robot AI) trong nhà. Những robot này có thể giúp người cao tuổi đặt taxi, nhắc nhở họ uống thuốc, trò chuyện với họ và cho họ thưởng thức các chương trình giải trí. Nếu một người cao tuổi bị ngã ở nhà, robot thậm chí có thể sử dụng giọng nói của mình để kêu cứu. Những robot AI với các chức năng chăm sóc người cao tuổi phong phú đã trở thành sản phẩm được người cao tuổi Trung Quốc yêu thích. Theo thống kê, quy mô thị trường sản phẩm dành cho người cao tuổi của Trung Quốc đã đạt 5.000 tỷ nhân dân tệ vào năm 2023.

Không thể phủ nhận, dù “già hóa” dân số gây ra những thách thức lớn, song đi cùng với nó là cơ hội mới mở ra cho “nền kinh tế bạc” tại châu Á. Sự kết hợp giữa các chính sách thích hợp của chính phủ và sự tham gia của khu vực tư nhân sẽ thúc đẩy nền kinh tế này phát triển nhanh trong tương lai. 

Khánh An (Tổng hợp)
.
.