Nhiều lợi ích từ việc xăng dầu giảm giá

Thứ Bảy, 10/01/2015, 09:25
Liên tục lập đáy mới và được dự báo sẽ xuống sâu hơn trong thời gian tới, giá dầu đang thực sự làm một cuộc “cải cách kinh tế” trên toàn thế giới. Nó được ví như một gói kích thích kinh tế, khi được số liệu hóa vào khoảng 1,6 nghìn tỷ USD cho toàn thế giới. Việt Nam cũng là một nước được hưởng lợi từ giá dầu giảm, nếu biết thích ứng, điều tiết.

Theo thông tin từ trang tin NHK, giá dầu benchmark West Texas Intermediate (WTI) đã giảm xuống dưới 48 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 6/1. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 4/2009.

Giới chuyên gia cảnh báo giá dầu sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới khi đồng USD mạnh lên, và triển vọng kinh tế của một số nước như Trung Quốc, Nhật Bản và khu vực đồng tiền chung châu Âu ảm đạm. Các chuyên gia nhận định rằng giá dầu sẽ còn giảm xuống dưới 40, thậm chí là 35 USD/thùng.

Đối với nền kinh tế Việt Nam - một nước vừa xuất khẩu dầu thô, vừa nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thì tác động của việc giảm giá dầu sẽ theo 2 hướng: cả tích cực lẫn tiêu cực. Về mặt tiêu cực, việc giảm giá dầu sẽ khiến ngân sách Nhà nước (NSNN) hụt thu một khoản rất lớn.

Theo số liệu, bình quân mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu hơn 14 triệu tấn dầu thô. Mỗi tấn tương đương 7 thùng, như vậy sản lượng xuất khẩu trung bình mỗi năm khoảng 100 triệu thùng.
Xăng dầu càng giảm, nền kinh tế càng được hưởng lợi.

Theo tính toán, nếu giá dầu thô giảm 1 USD/thùng (1% giá dự tính), ngân sách sẽ hụt thu trên 1.000 tỷ đồng, như vậy việc giá dầu thô giảm từ trên 100 USD/thùng đầu năm 2014 xuống dưới 50 USD/thùng hiện nay, thì ngân sách hụt thu 50.000 tỷ đồng so với dự toán. Nếu kịch bản dầu thô xuống mức 40 USD/thùng như một số dự báo, thì ngân sách hụt thu khoảng 55.000 tỷ đồng.

Ở chiều nhập khẩu, mỗi năm, chúng ta tiêu thụ khoảng 12 triệu tấn xăng dầu, trong đó 70% là do nhập khẩu. Khoản thu thuế nhập khẩu đã được tính toán đạt khoảng 11.000-15.000 tỷ đồng/năm. Khi giá dầu thô giảm một nửa cũng đồng nghĩa với việc thu thuế chỉ còn một nửa giá trị.

Như vậy, tính chung cả hụt thu về giá xuất khẩu và thuế nhập khẩu, thì giảm thu ngân sách với giá dầu thô hiện nay là 40.000 tỷ đồng; còn nếu giá xuống 40 USD/thùng thì ngân sách giảm 62.500 tỷ đồng.

Cùng với hụt thu ngân sách (NS), TS Đoàn Hương Quỳnh, chuyên gia kinh tế đến từ Học viện Tài chính cho rằng giá dầu giảm sẽ làm tăng áp lực lên nợ công. Cụ thể, hụt thu NS trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh và hiện gần chạm mức trần cho phép sẽ dẫn đến một tác động không mong muốn là tăng áp lực lên nợ công do cân đối thu chi NS gặp khó khăn.
Xăng dầu giảm giá mang lại hiệu ứng tích cực cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, giá dầu giảm cũng mang lại hiệu ứng rất tích cực cho nền kinh tế. Theo TS Đoàn Hương Quỳnh, giá dầu giảm, nhiều lĩnh vực ngành nghề kinh tế trong nước được hưởng lợi, trong đó vận tải được hưởng lợi nhiều nhất do đây là lĩnh vực tiêu thụ xăng dầu nhiều nhất.

Ngoài ra, còn các ngành nghề khác như sản xuất phân bón nhựa, khai thác tài nguyên, đánh bắt thủy sản, luyện kim… cũng được hưởng lợi khi mà xăng dầu chiếm tới 20-30% chi phí đầu vào.

Cùng quan điểm giá dầu giảm mang lại nhiều tích cực hơn tiêu cực, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng tác động giảm của giá dầu thế giới làm giảm nguồn thu NS chỉ là một mặt của vấn đề.

“Mặt thứ hai quan trọng hơn là giá dầu thế giới giảm thì giá xăng dầu, cước vận tải… trong nước đang giảm mạnh theo. Hiện chúng ta vẫn đang nhập khẩu nhiều sản phẩm sợi, chất dẻo, phân bón, thuốc sâu (những sản phẩm làm từ dầu mỏ) với giá rẻ đi. Do vậy, tôi cho giá dầu thế giới giảm, cái lợi với nền kinh tế của ta lớn hơn là những thiệt hại mà nó đưa lại”, ông Doanh nói.

Phân tích sâu hơn, ông Doanh cho rằng nếu chúng ta biết tận dụng thời cơ để cải cách, khuyến khích DN kinh doanh tốt hơn lên để chớp lấy cơ hội đầu vào giảm, thì cái thiệt do giá dầu giảm của xuất khẩu sẽ bù được vào việc tăng xuất khẩu hàng hóa khác. Và nếu DN kinh doanh tốt hơn thì Nhà nước sẽ thu thuế được nhiều hơn.

Vì vậy, cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiên cứu, nhằm có những điều chỉnh chính sách kịp thời, bởi giá dầu thế giới dự báo sẽ còn tiếp tục giảm. Đồng thời, cần có ngay các phương án, đề xuất để Chính phủ và DN cùng tận dụng cơ hội giá dầu giảm.

Các chuyên gia kinh tế khác cũng cho rằng nền kinh tế được hưởng lợi từ giá dầu giảm, với điều kiện biết cách thích ứng, điều tiết. Biết cách điều tiết ở đây, có nghĩa là các loại hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng trực tiếp, hoặc gián tiếp từ giá xăng dầu, theo tín hiệu thị trường, sẽ phải nhanh chóng điều chỉnh giảm giá ở mức độ phù hợp, sẽ có lợi cho cả nền kinh tế, bởi tăng sức cầu, tăng sức cạnh tranh về hàng hóa và dịch vụ.

Lệ Thúy
.
.