Gỡ vướng gói tín dụng 120.000 tỷ

Thứ Tư, 13/03/2024, 07:00

Dù đã triển khai gần 1 năm, nhưng gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vẫn gặp nhiều vướng mắc.

Ngân hàng mới giải ngân được 0,5% vốn

Thông tin về tình hình triển khai chương trình 120 nghìn tỷ đồng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Xuân Bắc cho biết, qua tổng hợp, đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh gửi văn bản hoặc công bố trên cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 68 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Trong 68 dự án thuộc 28 tỉnh, thành phố thì có 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các dự án còn lại không có nhu cầu vay vốn do đã hoàn thành hoặc đã thu xếp nguồn vốn khác.

Trong số 30 dự án có nhu cầu vay vốn, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền cam kết là khoảng 7.000 tỷ đồng. Trong đó, có 10 dự án đã có nhu cầu giải ngân bao gồm 7 dự án cấp tín dụng cho chủ đầu tư, 2 dự án cấp tín dụng đối với người mua nhà và 1 dự án cấp tín dụng cho cả chủ đầu tư và người mua nhà, số tiền cam kết cấp tín dụng cho 8 chủ đầu dự án là 1.965 tỷ đồng, đã được giải ngân 640 tỷ đồng; và cam kết cấp tín dụng cho người mua nhà tại 3 dự án với số tiền 7 tỷ đồng, số tiền đã giải ngân là 6 tỷ đồng.

Cụ thể, BIDV đã giải ngân cho 3 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Phú Thọ, Thanh Hóa và Bình Dương với số tiền là 95,7 tỷ đồng; Vietinbank đã giải ngân cho 1 chủ đầu tư dự án tại tỉnh An Giang với số tiền là 128,6 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 1 dự án với số tiền là 0,4 tỷ đồng; Agribank đã giải ngân cho 4 chủ đầu tư dự án tại các tỉnh Bắc Ninh, Quảng Ninh và Kiên Giang với số tiền là 415,7 tỷ đồng và cho người mua nhà tại 2 dự án với số tiền là 5,7 tỷ đồng.

“Qua thời gian triển khai Chương trình, NHNN nhận thấy một số khó khăn, vướng mắc chính, đó là nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Theo ủy quyền của Bộ Xây dựng thì UBND các tỉnh, thành phố sẽ công bố danh mục nhà ở xã hội trên địa bàn của địa phương mình. Tuy nhiên, sau khi có văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình thì đến nay, mới có 28 tỉnh, thành phố công bố danh mục nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư, tổng cộng mới có 68 dự án được công bố thuộc danh mục vay vốn Chương trình này.

Có một số địa phương chưa công bố danh mục này mặc dù Sở Xây dựng đã có văn bản đề nghị. Ngoài ra, một số dự án thuộc danh mục được công bố nhưng chủ đầu tư không có nhu cầu vay vốn (do đã hoàn thành hoặc đã vay vốn từ các nguồn khác). Chưa kể, một số dự án còn gặp vướng mắc về mặt pháp lý, về giải phóng mặt bằng, về thủ tục tính tiền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất… nên chưa có cơ sở để cấp tín dụng cho chủ đầu tư dự án”, đại diện NHNN chia sẻ.

Hiện nhiều dự án đang thi công phần móng hoặc đang trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu, chưa khởi công, đang giải phóng mặt bằng … vì vậy chưa đủ điều kiện mở bán sản phẩm. Bên cạnh đó, theo Luật Nhà ở (2014) quy định, về điều kiện được mua nhà ở xã hội như điều kiện về cư trú và điều kiện về thu nhập thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập cá nhân không còn phù hợp trong bối cảnh giá nhà đã tăng cao. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 15, Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở sửa đổi, trong đó một số điều kiện đã được chỉnh sửa, tuy nhiên hiện chưa có hiệu lực thi hành.

noxh2.jpg -0
Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp xin gia hạn ưu đãi lãi suất

Với những khó khăn này, theo NHNN, không phải mỗi gói 120.000 tỷ khó giải ngân, mà ngay cả việc triển khai cho vay đối với người mua nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội cũng gặp vướng mắc tương tự. Vì vậy, đến thời điểm kết thúc giải ngân Chương trình hỗ trợ và phục hồi kinh tế theo Nghị quyết 43 của Quốc hội (đến hết năm 2023), thì doanh số giải ngân của Chương trình mới đạt trên 10.200 tỷ đồng (bằng khoảng 68% số vốn được bố trí)...

Từ phía 4 ngân hàng cho vay trực tiếp, đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội… "Không phải tất cả doanh nghiệp xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có", ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết.

Để gỡ khó cho việc giải ngân, các doanh nghiệp mong muốn ngân hàng tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục để sớm tiếp cận được dòng vốn. Đáng chú ý, có doanh nghiệp còn đề xuất phải có sự linh hoạt trong lãi suất. Hiện nay, lãi suất cho vay là 8%/năm đối với chủ đầu tư, kéo dài trong vòng 3 năm, và 7,5%/năm đối với người mua nhà, kéo dài trong vòng 5 năm. Tuy nhiên, ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng đề xuất nên hỗ trợ mạnh cho người mua nhà. “Với người mua nhà, tôi đề xuất giảm lãi suất xuống 6%, còn với doanh nghiệp, chúng tôi sẵn sàng trả lãi suất cao hơn quy định, 9-9,5%, với điều kiện thủ tục thông thoáng, Nhà nước phê duyệt cho dự án thực hiện trong 3 năm, gia hạn thêm 24 tháng nữa, tức là ổn định lãi suất trong vòng 5 năm”, ông Toàn đề xuất.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cũng đề nghị rút gọn thời gian làm thủ tục vay vốn, đặc biệt trong khâu thẩm định dự án. “Nếu đã là dự án nhà ở xã hội thì đương nhiên dự án có hiệu quả, vì giá thành doanh nghiệp được lãi tối đa là 10% trên tổng chi phí. Vì vậy, đề nghị ngân hàng rút ngắn thời gian thẩm định cho vay dự án”, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) kiến nghị.

Được biết, Chương trình 120.000 tỷ đồng được triển khai trong gần 10 năm nhằm thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội. Vì vậy, lãnh đạo NHNN cho rằng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương quyết liệt đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án, từ đó tạo ra các dự án nhà ở để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.

Hà An
.
.