Mô hình “Ngân hàng nông nghiệp”: “Cởi trói” cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn

Thứ Hai, 10/10/2022, 08:12

Một trong những nhóm chính sách lớn của Nghị quyết số 18-NQ/TW  (Nghị quyết 18) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng đặt ra là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp.

Đặc biệt, mô hình “Ngân hàng đất nông nghiệp” được đề ra trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai đem đến nhiều kỳ vọng trong việc nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp trong bối cảnh thực tế hàng chục năm qua, sản xuất nông nghiệp vẫn manh mún vì khó thực hiện “dồn điền, đổi thửa”.

3.jpg -0
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp.

Người nông dân không có nhu cầu sử dụng đất vẫn có lợi nhuận

Nghị quyết 18 nêu cụ thể mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với đặc điểm, điều kiện của từng vùng, địa phương, với việc chuyển đổi nghề, việc làm, lao động ở nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch. Tăng cường quản lý chất lượng đất, khắc phục tình trạng thoái hoá, suy giảm chất lượng đất.

Đáng chú ý, Nghị quyết 18 mở ra yêu cầu xây dựng quy định về ngân hàng cho thuê đất nông nghiệp. Đây được coi là một chủ trương “cởi trói” cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Hiện nay, theo khoản 3, điều 191 Luật Đất đai năm 2013 quy định: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Theo quy định trên, cá nhân nào không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa. Khoản 2, điều 26 Nghị định 91/2019/NĐ-CP cũng quy định, cán bộ, công chức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền thì buộc trả lại diện tích đất trồng lúa đã nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến - Trưởng Khoa Pháp luật Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội, ở nhiều địa phương đang xảy ra tình trạng phổ biến đất nông nghiệp bị bỏ hoang nhưng người nông dân không được chuyển nhượng, cho thuê dẫn đến sử dụng tài nguyên đất nông nghiệp lãng phí, kém hiệu quả. Mỗi hộ gia đình có 4-5 mảnh ruộng nhưng lại ở 4-5 nơi khác nhau, từ đó dẫn đến tình trạng gia tăng thời gian, chi phí đầu vào, đặc biệt là việc khó đưa máy móc, công nghệ vào sản xuất.

Cùng với đó là tình trạng nhiều người dân bỏ quê lên TP làm ăn, tìm kiếm cơ hội nhưng lại có tâm lý giữ đất phòng thân khi ở thành phố không kiếm được công ăn, việc làm sẽ về quê sản xuất, canh tác, dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đất nông nghiệp. Song song với đó, tổ chức kinh tế nói chung và doanh nghiệp có vấn đầu tư nước ngoài nói riêng không thể tiếp cần được đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư trong nông nghiệp. Việc sửa đổi Luật Đất đai theo yêu cầu của Nghị quyết 18 đặt ra quy định  “Ngân hàng đất nông nghiệp” hy vọng sẽ giải quyết được các vấn đề còn tồn tại trong sử dụng, quản lý đất nông nghiệp.

Ông Tuyến cho rằng, đây cũng là mô hình tiên tiến đã được nhiều nước thực hiện từ trước đó. Với mô hình này người nông dân có đất có thể đưa đất vào “Ngân hàng đất nông nghiệp”, sau đó các “Ngân hàng đất nông nghiệp” sẽ cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu thuê lại, từ đó, người dân không có nhu cầu sử dụng đất vẫn có lợi nhuận khi được trả chi phí từ hệ thống “Ngân hàng đất nông nghiệp”, hoặc có thể lấy lại đất để sản xuất, canh tác khi có nhu cầu.

Còn theo GS.TS Hoàng Văn Cường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất chính là làm đất đai tự sinh lợi và đây chính là địa tô chênh lệch. Nói cách khác, khi Nhà nước ra quyết định cho phép một nhà đầu tư chuyển mục đích sử dụng đất từ loại đất này sang loại đất khác, đồng nghĩa Nhà nước đã quyết định chuyển địa tô thành giá trị của bất động sản cho chính nhà đầu tư đó. Chính vì vậy, đã làm nảy sinh những vấn đề bất cập trong thực tế.

“Ví dụ như bất bình đẳng giữa những nhà đầu tư được Nhà nước quyết định cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất với những nhà đầu tư phải tự chuyển nhượng đất đai trên thị trường, hoặc giữa người dân đang sử dụng đất nông nghiệp với chủ đầu tư sau khi được giao đất nông nghiệp để chuyển thành đất ở, hoặc giữa quá trình cổ phần hóa khi cổ phần hóa mà đất không phải là đất dịch vụ, đất ở. Thế nhưng, chỉ cần cổ phần hóa xong, doanh nghiệp đi xin chuyển mục đích, ngay lập tức đất đó trở thành yếu tố nguồn lợi. Những bất cập này đòi hỏi cần có sự điều tiết để tránh mâu thuẫn như hiện nay”, GS.TS Hoàng Văn Cường phân tích.

Để điều tiết vấn đề này, GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất, người dân có thể đóng góp đất đai để trở thành các cổ phần cùng đầu tư kinh doanh với doanh nghiệp.

Cần đánh giá kỹ tác động của quy định chuyển nhượng đất trồng lúa

Thực tế, việc lập ra “Ngân hàng đất nông nghiệp” chính là công cụ để thực hiện dồn điền, đổi thửa thiết thực nhất và người nông dân có thể chủ động quyết định tài sản ruộng đất của mình. Một số địa phương hiện nay cũng đã bằng nhiều biện pháp để thực hiện dồn điền, đổi thửa nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tỉnh Hà Nam là một ví dụ điển hình. Hà Nam đã xây dựng đề án "Thí điểm cơ chế tích tụ tập trung đất đai phục vụ thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp".

Trong đó, chính quyền cấp huyện, xã đứng ra thuê quyền sử dụng đất với các hộ dân. Sau đó, chính quyền cấp tỉnh cho doanh nghiệp thuê lại theo đúng giá đã thuê với hộ dân. Tỉnh ứng trước kinh phí trả tiền thuê đất một lần cho các hộ dân. Doanh nghiệp trả tiền thuê đất cho tỉnh từ 1 đến 2 lần. Lần đầu 50% ngay khi nhận đất, lần 2 trả nốt sau 5 năm hoặc 10 năm…

Kết quả là, Hà Nam đã quy hoạch được 6 khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao diện tích 650ha và đã tích tụ được trên 375ha cho doanh nghiệp thuê, thu hút được 5 doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch. Các khu nông nghiệp công nghệ cao đi vào sản xuất đã trở thành hạt nhân liên kết chuỗi với nông dân trong sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch. Có 81 xã tổ chức tích tụ, tập trung, liên kết sản xuất trên diện tích hơn 1.600ha của hơn 5.270 hộ với 151 mô hình sản xuất lúa, rau củ quả. Tuy nhiên, để có thể cụ thể và phù hợp với điều kiện của tất cả các tỉnh, thành thì việc luật hoá việc cho thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp là điều rất cần thiết.

Mặc dù vậy, mua bán, chuyển nhượng đất đai luôn vấn đề nhạy cảm. Chính vì thế, mới đây, tại cuộc họp Ban chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo; rà soát, hoàn thiện dự thảo Luật, bám sát chủ trương của Nghị quyết số 18-NQ/TW, Kết luận của Ban cán sự đảng Chính phủ. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nêu rõ, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định không hạn chế tổ chức kinh tế, hộ gia đình cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa (Luật Đất đai hiện hành quy định các đối tượng này không được nhận chuyển nhượng đất trồng lúa) là phù hợp với chủ trương của Nghị quyết 18-NQ/TW về mở rộng đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đây là một nội dung lớn, nhạy cảm, cần đánh giá kỹ lưỡng tác động của quy định này vì nguy cơ người nông dân sẽ không có đất để sản xuất, gây hệ quả lâu dài cho xã hội.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm chất lượng; tổ chức các hội thảo, bổ sung nội dung xin ý kiến (đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, thu hồi, bồi thường,…) theo 2 phương án để lấy ý kiến rộng rãi; xây dựng kế hoạch thực hiện bảo đảm tiến độ trình Quốc hội.

Ngọc Yến
.
.