Nhiều cơ hội và thách thức với ngành cá tra ở miền Tây

Thứ Năm, 21/11/2024, 07:32

Năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD, tăng so với 1,77 tỷ USD của năm 2023 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về nguồn nguyên liệu, chi phí sản xuất và sự cạnh tranh gay gắt từ thị trường quốc tế. 

Theo Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT), năm 2024, sản lượng cá tra cả nước ước đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Đến tháng 10/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Mục tiêu năm 2025, sản lượng cá tra dự kiến đạt khoảng 1,65 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu khoảng 2 tỷ USD.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh cá tra được xem là sản phẩm chủ lực của Việt Nam nói chung và vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng luôn được quan tâm đầu tư và phát triển. Ngành hàng cá tra là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực của tỉnh Đồng Tháp đã tiếp tục khẳng định sự phát triển ổn định, đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất của ngành nông - lâm - thủy sản. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành hàng cá tra của tỉnh ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng 2,86% so với năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông - lâm - thủy sản.

ca-tra-dbscl.jpg -0
Năm 2024, dự báo kim ngạch xuất khẩu cá tra có thể đạt 2 tỷ USD.

Theo Sở NN-PTNT, tỉnh Đồng Tháp hiện có 902 cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống cá tra, trong đó 52 cơ sở sản xuất giống và 850 cơ sở ương dưỡng. Ước cả năm 2024 sản xuất được 17 tỷ cá tra bột và 1,3 tỷ cá tra giống. Năm 2024, sản lượng chế biến đạt 465.000 tấn, tăng 2,97% so với năm 2023; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 650 triệu USD, tăng 3,38% so năm 2023.

Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội và Chế biến Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), hiện tồn kho tại các thị trường chính giảm, cá nguyên liệu không bị dư thừa, những tín hiệu tích cực từ sự hồi phục của nền kinh tế Mỹ, là những cơ hội cho việc xuất khẩu cá tra trong những tháng cuối năm. “Dự kiến cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ đạt mức 2 tỷ USD, tăng khá so với con số khoảng 1,77 tỷ USD của năm 2023. Tuy nguồn nguyên liệu không dồi dào có thể kéo sang quý I/2025 nhưng giá bán bình quân toàn ngành cải thiện nhẹ trong năm 2025 do ảnh hưởng bởi thị trường Trung Quốc”, bà Lan dự báo.

Năm 2025, ngành cá tra còn phải đối mặt với rất nhiều thách thức, bao gồm bị cạnh tranh do một số nước đẩy mạnh sản xuất cá tra; cá thịt trắng tranh giành thị phần, thậm chí một số quốc gia nhập khẩu cá tra Việt Nam rồi chế biến cạnh tranh giành thị trường với doanh nghiệp.

Tại Hội nghị tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025 tổ chức vào ngày 17/11 tại tỉnh Đồng Tháp, Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các bộ, ngành, địa phương phát triển giống cá tra theo hướng công nghiệp, với quy mô sản xuất lớn, đảm bảo an toàn sinh học; kiểm soát chặt chẽ trong quản lý, sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng; quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất giống cá tra, đảm bảo chất lượng nguồn giống; sản xuất, chế biến cá tra phải hướng đến sản xuất xanh, giảm phát thải và nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học trong nuôi trồng, sản xuất cá tra.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT lưu ý cùng với việc hình thành chuỗi khép kín trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ, cần tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tận dụng phụ phẩm nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Ngoài các thị trường truyền thống cần tìm kiếm và phát triển các thị trường mới tiềm năng, trong đó có thị trường hồi giáo đáp ứng được các yêu cầu chứng nhận liên quan đến an toàn thực phẩm, khí nhà kính, an toàn môi trường, tôn giáo (Halal), giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm đồng đều, gia tăng giá trị của ngành hàng cá tra.

Văn Vĩnh
.
.