Nỗ lực hạ nhiệt tỷ giá

Chủ Nhật, 02/06/2024, 07:54

Để giảm áp lực lên tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát hành tín phiếu để điều tiết lượng tiền đồng dư thừa, đồng thời thực hiện bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, song, các chuyên gia cho rằng, đã đến lúc tính đến việc nâng lãi suất tiền đồng để hạ nhiệt tỷ giá.

Tỷ giá “giữa muôn trùng vây”

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD. Đây là mức mất giá lớn và có ảnh hưởng tới nền kinh tế. Tuy nhiên, mức độ mất giá này  của VND được cho là phù hợp với biến động trên thị trường thế giới, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô la Đài Loan mất giá 5,06%; Baht Thái 6,31%; Won Hàn Quốc 5,66%; Yên Nhật 10,87%; Rupiah Indonesia 3,87%; Peso Philippines 4,82%; Nhân dân tệ 2,04%...

Theo phân tích của ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN, có nhiều nguyên nhân tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá trong nước thời gian qua. Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ, cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.

Bên cạnh đó, trong khi Mỹ vẫn tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai - chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỷ giá.

Một nguyên nhân nữa, từ đầu năm đến giữa tháng 5/2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh - ước đạt 132,23 tỷ USD, tăng 19,7 tỷ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa, theo các chuyên gia, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế cũng duy trì ở mức cao kích thích hoạt động gom mua USD để nhập lậu vàng, từ đó góp phần gây tác động đến tỷ giá chính thức…

Để “đối phó” với tỷ giá tăng, thời gian qua, NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp. Giải pháp mạnh nữa từ ngày 19/4/2024, NHNN bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Động thái điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp của NHNN được giới chuyên môn đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện tại, giúp kiểm soát tỷ giá ổn định, đồng thời tránh gây áp lực lớn lên mặt bằng lãi suất. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, hiện NHNN đang đối mặt với một bài toán vô cùng khó.

Về lãi suất, NHNN vẫn đảm bảo điều hành lãi suất giữ mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp; nhưng lãi suất tiền gửi vẫn thực dương, bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền. Song, việc giảm lãi suất VND trong khi lãi suất đồng USD vẫn đang neo ở mức cao lại tạo sức ép đến tỷ giá. Nhiều chuyên gia cho rằng, lãi suất VND duy trì ở mức thấp như thời gian qua không chỉ kích hoạt bong bóng tài sản, dẫn tới dòng tiền chạy ra khỏi ngân hàng, mà còn khiến tỷ giá nổi sóng, mục tiêu lãi suất thấp để kích cầu tín dụng cũng không hiệu quả.

3-2.jpg -0
Tỷ giá được dự báo sẽ hạ nhiệt vào cuối năm.

Tăng lãi suất để ghìm tỷ giá?

Thực tế, từ cuối tháng 5, NHNN đã tăng lãi suất trên thị trường mở (OMO) từ 4,25% lên 4,5%/năm, lãi suất trúng thầu tăng lên 4,2% từ mức dưới 4% đầu tuần. Ngoài ra, trong phiên giao dịch ngày 23/5, NHNN bơm cho các ngân hàng vay tới gần 43.064 tỷ đồng qua kênh OMO - mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Những động thái của NHNN chưa phải là dấu hiệu của sự đảo chiều chính sách tiền tệ, mà chủ yếu là nhằm nâng lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, hy vọng tăng cung USD.

Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Hùng Linh cho rằng, dù lãi suất trên thị trường OMO vừa tăng, song mức điều chỉnh còn quá nhẹ, chưa đủ chặn đà tăng của tỷ giá. Một khi nhập siêu quay lại, đà tăng của tỷ giá sẽ rất nhanh. Bởi vậy, trong bối cảnh Fed chần chừ giảm lãi suất, một số nước vẫn tiếp tục tăng lãi suất điều hành, thì Việt Nam cũng cần linh hoạt hơn với lãi suất.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Lâm, Giám đốc Nghiên cứu Phân tích Khối khách hàng cá nhân CTCK Maybank Investment bank (MSVN) dự báo, NHNN sẽ tăng lãi suất điều hành 50 điểm cơ bản nhằm bình ổn tỷ giá đồng Việt Nam đang mất giá. Đợt tăng lãi suất có thể diễn ra trong vài tuần tới. NHNN có thể áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát, trước tiên đánh giá xem liệu việc tăng lãi suất (cùng với việc tiếp tục bán USD) có giảm bớt áp lực tỷ giá hay không, trước khi quyết định xem có cần tăng thêm lãi suất hay không.

Từ phía cơ quan điều hành, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong môi trường kinh tế thế giới biến động như hiện nay, tỷ giá có lúc tăng lúc giảm là điều hết sức bình thường. NHNN đã phối hợp thực hiện các giải pháp, chính sách để điều tiết tiền tệ và thực hiện can thiệp để đảm bảo nguồn ngoại tệ để doanh nghiệp nhập khẩu, phục vụ sản xuất trong nước.

Với sự phát triển quay trở lại của sản xuất và tăng xuất khẩu trong thời gian tới, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho rằng, điều này sẽ hỗ trợ cho cung - cầu ngoại tệ. Nhiều dự báo cho thấy, Fed sẽ giảm lãi suất và tỷ giá vào cuối năm nay sẽ được hạ nhiệt. NHNN vẫn tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp kịp thời.

Hà An
.
.