Gian nan lật tẩy những kẻ tung tin giả về dịch COVID-19

Thứ Ba, 02/03/2021, 08:13
Sau một thời gian ngắn được công bố, bản giấy A4 đã có tốc độ chia sẻ chóng mặt bởi sự nhạy cảm của thông tin; sự hiếu kỳ của dân cư mạng khi trong lịch trình của bệnh nhân ghi rõ việc đi hát karaoke có “tay vịn”. Thông tin trên là đúng là hay sai?

Cuối tháng 1/2021, Việt Nam công bố hai trường hợp nhiễm COVID-19, ca bệnh 1.552 (BN 1552), 34 tuổi, quốc tịch Việt Nam, công nhân Công ty TNHH POYUN, có địa chỉ thường trú tại Kim Điền, xã Hưng Đạo, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Bệnh nhân có giao tiếp gần với bệnh nhân nữ được phát hiện dương tính sau khi nhập cảnh Osaka (Nhật Bản)… Đây cũng là thời điểm cán bộ Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội, lần thứ ba tiếp tục căng mình phát hiện, ngăn chặn các thông tin xấu độc về dịch bệnh COVID-19 trên không gian mạng.

“Dịch COVID-19 xảy ra hơn một năm, các đối tượng đã ngay lập tức đưa nhiều thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Lần này, điều đó sẽ không thể tránh khỏi…, nên anh em phải chủ động rà soát”, Trưởng phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Trung tá Đinh Thị Thu Thuỷ cho biết. Sự đồng hành của người nữ Trưởng phòng vào thời điểm đó giúp CBCS của Đội 2 có thêm động lực để tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ.

Ngay sau khi ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của đợt dịch mới vừa được công bố, Trung tá Đinh Thị Thu Thuỷ đã cùng lãnh đạo đơn vị chủ động báo cáo Đảng uỷ, Ban giám đốc Công an TP Hà Nội xây dựng phương án. Đây cũng là đợt bùng dịch thứ 3, mỗi CBCS đều ý thức cao về công tác dự báo và nắm tình hình trên không gian mạng; việc theo dõi tiến hành 24/24h…

Các trinh sát Đội 2, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội họp bàn chống tin giả về dịch COVID-19.

Đúng như nhận định của các trinh sát Đội 2, ngay sau khi bệnh nhân 1553 có kết quả dương tính với COVID-19 được công bố, trên không gian mạng bắt đầu xuất hiện các bản giấy A4 ghi lại lịch trình của bệnh nhân… Sau một thời gian ngắn được công bố, bản giấy A4 đã có tốc độ chia sẻ chóng mặt bởi sự nhạy cảm của thông tin; sự hiếu kỳ của dân cư mạng khi trong lịch trình của bệnh nhân ghi rõ việc đi hát karaoke có “tay vịn”. Thông tin trên là đúng là hay sai? Ngay sau đó, các trinh sát Đội 2 đã liên hệ với Sở Thông tin và Truyền thông của Hà Nội và Quảng Ninh để kiểm chứng. Sau khi thẩm định, xác minh, khẳng định đó là thông tin giả, Đội 2 đã vào cuộc.

“Qua một số trường hợp bị xử lý, các đối tượng biết rằng đưa tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính, mức phạt tương đối cao từ 5 đến 10 triệu đồng. Song bởi nhiều lý do như nhận thức chưa đầy đủ, một số người muốn thể hiện cái tôi, cho rằng mình là người “thạo tin” để gây sự chú ý; có trường hợp vì câu like và câu view để bán hàng vẫn tiếp tục chia sẻ các thông tin chưa kiểm chứng. Việc truy vết gặp khó khăn bởi một số trường hợp dẫn lại thông tin từ các facebook của người khác. Trong khi đó, tính ẩn danh trên trang facebook lại rất cao”, Trung tá Đinh Thị Thu Thuỷ chia sẻ.

Bắt đầu bằng những từ “khoá”, chỉ trong thời gian ngắn đã có một số kết quả được Đội phó Lê Khắc Trường cùng đồng đội lần tìm ra. Song đây chỉ là bước đầu tiên, cái khó nhất là xác định người sử dụng facebook này là ai. Lúc này, cán bộ Đội 2 chạy đua với thời gian, bởi ai cũng hiểu nếu không kịp thời ngăn chặn, thông tin xấu độc sẽ tiếp tục lan truyền, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình truy vết, phục vụ việc phòng, chống dịch, chống COVID-19.

Qua công tác rà soát, các trinh sát Đội 2 đã phát hiện 2 đối tượng Trần Văn Q và Nguyễn Văn H sử dụng tài khoản faceboook đăng tải thông tin về ảnh trên. Đến lúc này lại là quá trình tìm kiếm đối tượng và triệu tập về trụ sở để đấu tranh, làm rõ.

“Truy bắt đối tượng trong đời thực đã khó, trên không gian mạng còn khó khăn nhiều. Ngoài tính ẩn danh, còn cơ chế tìm kiếm qua facebook hiện nay không dễ dàng; nếu muốn tìm chính xác phải áp dụng nhiều biện pháp. Trong trường hợp này, Q không rõ họ, tên và địa chỉ nên việc tìm kiếm đòi hỏi sự mưu trí của CBCS Đội 2”, Trung tá Lê Khắc Trường, Đội phó Đội 2, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao nhớ lại.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát đã xác định và triệu tập 2 đối tượng đến trụ sở. Quá trình làm việc, 2 trường hợp đã thừa nhận việc đăng tải thông tin thiếu kiểm chứng và tự rút bài.

Để truy tìm được một đối tượng các trinh sát thường chắt lọc các thông tin nhỏ nhất, với sự phân tích và phán đoán linh hoạt tài tình của các trinh sát được giao nhiệm vụ…

Có đối tượng ở tỉnh ngoài nhưng lại sinh sống và làm việc tại Hà Nội.Vì thế, khi các trinh sát xác minh được thông tin cơ bản của đối tượng trên không gian mạng, tiến hành tìm kiếm thì đối tượng thấy tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng và phức tạp đã về quê sinh sống. Một số trường hợp sau khi đăng tải thông tin sai sự thật, sợ trách nhiệm đã vội vàng xoá đi… Bởi vậy, công tác nắm tình hình phải thường xuyên, liên tục; khi phát hiện dấu hiệu vi phạm thì phải kịp thời thu thập thông tin để chứng minh hành vi tương tác.

Vào đúng thời điểm dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một phụ nữ tình cờ đọc được thông tin trên bản giấy A4 về trường hợp của bệnh nhân nhiễm COVID-19 đi hát karaoke “tay vịn”, bị nhiễm COVID-19, chị nghĩ ngay rằng phải lấy thông tin trên chia sẻ làm bài học “cảnh báo” đối với các ông chồng. Vì vậy, chẳng cần biết thông tin đó đúng hay sai, chị đã lập tức chia sẻ trên facebook, sau đó vội xoá đi… Quá trình tìm kiếm tốn không ít công sức, song bằng sự tỉ mỉ và trách nhiệm, các trinh sát Đội 2 đã nhanh chóng làm rõ và triệu tập người phụ nữ này đến trụ sở làm việc.

Công việc nối tiếp công việc, sau khi thông tin trên được ngăn chặn không lâu, từ tháng 3/2020, trên không gian mạng bắt đầu xuất hiện các tin giả về chủng COVID-19. Thông tin khẳng định chủng COVID-19 của năm 2019 có đặc tính giống của HIV nhưng chủng năm 2020 có biến đổi khác, nguy hiểm hơn, vừa có đặc tính HIV, đuôi của Ebola. HIV ngăn chặn hệ thống miễn dịch cơ thể, Ebola đánh vào yếu thế của các tế bào.

Trong thời gian 48 tiếng phải làm rõ và đưa đối tượng về xử lý; quá trình tiếp xúc có nguy cơ cao phải đối diện với bệnh tật bởi vào thời điểm dịch bùng phát, bất cứ trường hợp nào cũng có thể là nhân tố đáng nghi ngờ… Đó là một trong những áp lực và khó khăn các trinh sát Đội 2 và cán bộ Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao phải đối mặt. Nhiều CBCS đã xuyên Tết, trắng đêm để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác. Cùng với đó là áp lực khi phải đấu tranh trực diện với các đối tượng. Trong một không gian hẹp, ngoài việc đảm bảo khoảng cách theo quy định 5K, việc đánh giá đối tượng khai báo thật hay gian dối qua nét mặt cũng khó khăn hơn bình thường.

Cùng với việc phát hiện, thời gian qua các trinh sát còn chủ động nắm bắt thông tin trên không gian mạng để có các biện pháp nắm tình hình, ngăn chặn…, tuyên truyền, định hướng đúng trong dư luận. Trước đó, qua công tác nắm tình hình trên không gian mạng, Đội 2 có thông tin một phóng viên của VTV đã đăng tải một số thông tin cho rằng, trên mạng xã hội có xuất hiện bài viết với nội dung cho rằng đoàn phóng viên của VTV tác nghiệp tại Vân Đồn, có được vợ của bệnh nhân 1553 phục vụ ăn uống. Đồng thời, vợ bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính… Trên trang facebook cá nhân, phóng viên này đồng thời khẳng định thông tin đó là sai sự thật.

Sau khi đánh giá mức độ ảnh hưởng thông tin sai sự thật, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã chủ động có các biện pháp xác minh. Quá trình điều tra, xác định tài khoản facebook PĐ có đăng tải nội dung nêu trên, đơn vị đã phối hợp với Công an phường Cửa Nam (Hoàn Kiếm, Hà Nội) và phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng để mời, hỏi đấu tranh với đối tượng là chủ tài khoản.

Bằng sự nỗ lực của họ, tính đến ngày 27/2, Phòng An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao, Công an TP Hà Nội đã phối hợp với lực lượng chức năng xử lý 19 trường hợp đăng tin giả lên mạng xã hội; yêu cầu đối tượng vi phạm phải bóc gỡ toàn bộ bài viết không đúng sự thật.

Xuân Mai
.
.