Triệt phá đường dây thuê sim online trục lợi hàng chục tỷ đồng

Thứ Năm, 29/07/2021, 09:23
Đây là vụ án phạm tội có tổ chức, đối tượng phạm tội hầu hết là những người có trình độ, am hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông… Song dưới sự chỉ đạo sát sao của Đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ, vụ án đã được điều tra, làm rõ.

Bài 1: Đường dây phạm tội đã bị phát hiện như thế nào?

Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) Công an tỉnh Yên Bái ngày 27/7 cho biết đã hoàn thành bản kết luận điều tra vụ án "Đưa trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông"; chuyển hồ sơ đến Viện KSND tỉnh Yên Bái, đề nghị truy tố 14 bị can. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái xác định tổng số tiền khách hàng đã chuyển vào tài khoản của các đối tượng lên tới hàng chục tỷ đồng với số lượng thuê sim online cực lớn, lên tới 5 triệu sim.

Các đối tượng trong vụ án.

Các bị can bị đề nghị truy tố trong đường dây gồm Trần Duy Dương (SN 1994); Vũ Quang Trung (SN 1984, cùng trú tại quận Hai Bà Trưng); Nguyễn Đình Cường (SN 1994, trú tại huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hoá); Trương Đình Luân (SN 1993, trú tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc); Trần Trung Triều (SN 1989, trú tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam); Hồ Đức Thuận (SN 1990); Hoàng Thị Hường (SN 1982, cùng trú tại quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng); Nguyễn Duy Tùng (SN 1989, trú tại Xuân Đỉnh, Bắc Từ Liêm, Hà Nội); Nguyễn Văn Tuấn (SN 1987, trú tại TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên); Lê Văn Đức (SN 1988, trú tại thị trấn Sông Mã, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La); Ngô Tiên Quyết (SN 1988, ở tại huyện Đông Anh); Đỗ Quốc Cường (SN 1985, ở tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Ngô Ngọc Chiên (SN 1991, ở tại Mê Linh, Hà Nội);  Khuất Quang Huy (SN 1992, ở tại thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội).

Đây là vụ án phạm tội có tổ chức, đối tượng phạm tội hầu hết là những người có trình độ, am hiểu về lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông… Song dưới sự chỉ đạo sát sao của Đại tá Đặng Hồng Đức, Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái; sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị nghiệp vụ, vụ án đã được điều tra, làm rõ.

Một ngày, dòng chảy của đối tượng điều hành thu được 50 triệu đồng

Cuối năm 2020, chị T.V.N. (trú tại Hà Nội) bất ngờ bị chiếm quyền sử dụng (hack) tài khoản facebook. Sau đó, nạn nhân tá hoả phát hiện rất nhiều người bạn trong danh bạ của mình bị đối tượng hack tài khoản lừa vay tiền… Lo ngại đối tượng tiếp tục sử dụng facebook cá nhân để thực hiện các mục đích khác, nạn nhân đã làm đơn trình báo sự việc đến cơ quan Công an.

Sau khi tiếp nhận công văn trao đổi của Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao, Đội phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, hướng dẫn tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, Phòng CSHS Công an tỉnh Yên Bái, dưới sự chỉ đạo sát sao của Ban giám đốc Công an tỉnh Yên Bái đã tích cực vào cuộc xác minh. Quá trình rà soát, hai đơn vị nghiệp vụ gồm Phòng CSHS Công an tỉnh Yên Bái và Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã xác định được nơi đối tượng thực hiện hành vi hack tài khoản của nạn nhân, tại thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái.

Tiếp tục nắm bắt thông tin, Phòng CSHS Công an tỉnh Yên Bái và Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã đồng thời xác định được trên không gian mạng có một nhóm đối tượng thực hiện các hành vi hack tài khoản facebook. Nhóm này hoạt động từ 13h ngày hôm trước đến 6h sáng ngày hôm sau. Trong quá trình này, các đối tượng đều dùng nick ảo để trao đổi thông tin, thống nhất phương thức và thủ đoạn hack tài khoản nhằm thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Gần một tháng truy xét, trinh sát của hai đơn vị nghiệp vụ đã xác định được đối tượng thực hiện hành vi phạm tội là Lý Trọng Thiên (SN 2001, trú tại xã Trung Hiếu, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long). Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự đã tiến hành bắt giữ Thiên. Mở rộng điều tra, đã làm rõ hành vi phạm tội của Nguyễn Trung Tính (SN 2001, cùng trú tại địa chỉ trên). Ngày 7/11/2020, đối tượng Tính đã bị bắt giữ khi đang rao bán một tài khoản mà các đối tượng vừa chiếm đoạt được quyền sử dụng.

Tại cơ quan điều tra, Tính và Thiên khai nhận: Nghiện game nên Thiên chỉ học hết lớp 9 rồi ở nhà. Để có tiền chơi game thâu đêm, suốt sáng, Thiên đã nghĩ đến việc hack tài khoản để nhằm các mục đích đòi tiền chuộc, lừa đảo bạn bè, người thân của chủ tài khoản và bán tài khoản… Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Thiên và Tính về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Trong quá trình điều tra vụ án này, Phòng CSHS Công an tỉnh Yên Bái xác định để thực hiện hành vi phạm tội, các bị can trong vụ án đã thuê trực tuyến (online) các số thuê bao điện thoại của nhiều nhà mạng khác nhau trên 2 trang mạng website https://rentcode.co và https://simthue.com.

Hình thức hoạt động của 2 website nhằm mục đích thu tiền lợi nhuận từ khách hàng thuê sim ảo (qua điều tra xác minh xác định là các sim trả trước đã kích hoạt của các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone, Vietnamobile, T-Telecom) để nhận mã code (mã code là nội dung tin nhắn SMS) mục đích tạo lập các tài khoản trên các trang mạng xã hội. Tiền thuê sẽ được tính bằng việc thực hiện nhận được mã code thành công (nhận được tin nhắn SMS) tùy theo thời điểm. Cụ thể đối với website rentcode mỗi tin nhắn có giá tiền từ 500 đồng đến 1.000 đồng; website simthue có giá từ 1.000 đến 2.000 đồng…

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hoàng Đức Công, Đội trưởng Đội 5, người trực tiếp tham gia chuyên án cho biết, quá trình điều tra vụ án này, gặp không ít khó khăn do đối tượng phạm tội đều là những kẻ có am hiểu về lĩnh vực thông tin. Từ đó, có nhiều kinh nghiệm đối phó với sự phát hiện của cơ quan Công an.

Lần theo dấu vết            

Lần theo dấu vết của các đối tượng, ngày 13/1, Phòng CSHS Công an tỉnh Yên Bái phối Cục An ninh mạng và PCTP sử dụng công nghệ cao đã xác định được chủ website rentcode là Trần Duy Dương; đối tượng điều hành web simthue là Đỗ Quốc Cường. Ngày 13/1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ đã thực hiện lệnh bắt giữ Dương.

Trước khi trở thành bị can trong vụ án này, Dương đã tốt nghiệp khoa tin học của một trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, ngày 11/1, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái đã thi hành lệnh khám xét khẩn cấp địa điểm kinh doanh tại số 69 Đại La, phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội, nơi đặt trụ sở của trang rentcode; khám xét khẩn cấp người, chỗ ở, đồ vật, tài sản tại phòng số 2310, T01, Times City, 458 Minh Khai, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội đối với Trần Duy Dương. Kết quả đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu cùng các sim vật lý của nhiều nhà mạng liên quan trực tiếp đến hành vi cho thuê sim online.

Trao đổi với chúng tôi, Trung tá Hoàng Đức Công cho biết: Để bắt giữ được các đối tượng, tổ công tác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Yên Bái gặp không ít khó khăn. Nhưng với quyết tâm bóc gỡ đường dây, các trinh sát đã không quản ngại vất vả, bắt giữ thành công đối tượng cầm đầu. Đây là nút thắt quan trọng trong việc mở rộng đường dây, bắt giữ các đối tượng có liên quan.

Tại cơ quan Công an, Dương khai đã thuê hai đối tượng là Trương Đình Cường và Nguyễn Đình Luân cũng là những bạn học cùng học khoa tin tham gia vào đường dây phạm tội. Trong đó, Luân có nhiệm vụ đảo sim, nhận và trả sim vật lý hằng ngày còn Cường làm nhiệm vụ chăm sóc, giải đáp các thắc mắc của khách hàng. Việc làm ăn thuận lợi, trong 9 tháng, Dương đã có thể bỏ túi 14 tỷ đồng.

Từ lời khai của Dương, Phòng CSHS Công an tỉnh Yên Bái đã điều tra, làm rõ hành vi phạm tội của Vũ Quang Trung, đối tượng đặt dịch vụ lưu trữ dữ liệu (hosting), duy trì kết nối giữa các thiết bị đầu cuối mạng viễn thông và máy tính để tải dữ liệu lên dịch vụ lưu trữ dữ liệu máy chủ (hosting server). Sau khi xác định được hành vi phạm tội của Trung, một tổ công tác đã vào TP Hồ Chí Minh; phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ bắt giữ đối tượng.

Tiếp tục khai thác Dương đã xác định được 2 đối tượng có liên quan đến viết trang code, trang web là Hồ Đức Thuận và Trần Trung Chiều. Thuận và Chiều đều là những người từng tốt nghiệp các trường về công nghệ thông tin. Kể về việc bắt giữ Thuận, các điều tra viên chia sẻ: Khi bắt giữ các đối tượng trong ổ nhóm, các trinh sát cảm thấy rất đau lòng. Các bị can có tội với pháp luật, phải trả giá đắt cho hành vi đã gây ra nhưng họ đều là những người có năng lực và trình độ. Trong số đó, đáng chú ý có trường hợp của Thuận. Vào thời điểm bị bắt giữ, Thuận đang làm việc cho một công ty ở nước ngoài với mức lương lên đến 9.000 USD/ tháng.

Tại địa phương, Thuận cũng là một người có tiếng về việc ham học. Thuận thường tham gia các hoạt động dạy học miễn phí cho học sinh… Cũng chính vì thế, khi Thuận bị bắt giữ, nhiều người dân sinh sống trên địa bàn đã rất bất ngờ và tiếc nuối.

Sau khi bắt giữ các đối tượng tham gia xây dựng được trang rentcode, Phòng CSHS và các đơn vị nghiệp vụ bắt đầu rà soát, các đối tượng hợp tác để thuê sim online. Việc xác định không dễ dàng do đối tượng có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan Công an. Song bằng sự tỉ mỉ, trách nhiệm, các mắt xích đầu tiên của nhóm đối tượng cho thuê simonline đã được làm rõ. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, CQĐT bắt giữ Nguyễn Duy Tùng, Nguyễn Văn Tuấn… Từ đây, hành vi phạm tội của các đối tượng đã được làm rõ.

Xuân Mai
.
.